Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

Mùa Thu ko quên của cựu Bí thư Nguyễn Văn Trân

Mùa Thu không quên trong hồi ức cựu Bí thư Thành ủy
19/08/2015 Đã bước sang tuổi 100, ông Nguyễn Văn Trân vẫn nhớ như in về mùa Thu tháng Tám 1945 với ngày 19/8, khi Hà Nội rực đỏ màu cờ... Ngày 19/8/1945 là một ngày thu đáng nhớ trong lịch sử dân tộc, khi Hà Nội rực đỏ màu cờ, rầm rập tiếng chân người đi trong cuộc mít tinh khổng lồ giành chính quyền về tay nhân dân.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội 
Nguyễn Văn Trân. Ảnh: VGP/Phương Liên
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nguyễn Văn Trân, một trong hai nhân chứng còn sống của Quốc dân Đại hội Tân Trào tháng 8/1945, đã có cuộc trò chuyện rất thú vị với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về những ngày thu cách đây vừa tròn 7 thập kỷ ấy.

Ông sinh năm 1916 tại thôn Phù Xá, Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh trong một gia đình nghèo đông con. Năm 15 tuổi, ông lên Hà Nội học nghề in và được kết nạp vào Đảng vào tháng 3/1936.

Những năm đó, Mặt trận Bình dân giành được thắng lợi ở Pháp, tình hình chính trị ở Đông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng có thuận lợi cho phong trào cách mạng. Một số tờ báo Bạn dân, Tin tức, Thời thế… được ra công khai và tuyên truyền về chính trị, về Đảng Cộng sản. Ông Nguyễn Văn Trân đã viết bài tuyên truyền về Đảng và là một trong số các đảng viên đứng ra thành lập Hội Ái hữu.

Khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, các tờ báo của Đảng bị cấm hoạt động, một số đảng viên phải rút vào bí mật. Ông Nguyễn Văn Trân có tên trong sổ đen của Sở Mật thám Pháp.


Ông được Trung ương bí mật đưa về làng Vạn Phúc-Hà Đông, tiếp tục cùng một số đảng viên khác in tờ Cờ Giải phóng. In được vài số thì cơ sở báo bị lộ. Ông bị bắt vào đầu năm 1940, bị kết án tù khổ sai và đưa đi giam ở Nhà tù Sơn La. Ngay trong nhà tù khét tiếng nơi "rừng thiêng nước độc" này, một chi ủy bí mật đã được thành lập, do ông Nguyễn Văn Trân lãnh đạo.

Từ ngày có tổ chức đảng, các cuộc đấu tranh trong Nhà tù Sơn La dấy lên mạnh mẽ. Tháng 8/1943, chi bộ nhà tù quyết định tổ chức vượt ngục cho 4 người gồm: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu và Nguyễn Văn Trân.

Sau cuộc vượt ngục, ông Nguyễn Văn Trân được Trung ương quyết định cho tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác dân vận.
Tháng 7/1944, ông nhận nhiệm vụ là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Sang năm 1945, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động lớn, thời cơ giành chính quyền đang tới gần. Tháng 8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào họp để thống nhất lực lượng của Đảng trên toàn quốc, thông qua chủ trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai, thành lập Chính phủ Lâm thời...

Ngày 13/8, Hội nghị khai mạc thì nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Ngay đêm ấy, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Lệnh Tổng khởi nghĩa. Quân lệnh số 1 được phát đi. Ông Nguyễn Văn Trân đang dự Hội nghị thì nhận được chỉ thị của Bác Hồ: Phải về Hà Nội ngay để thi hành chủ trương và kế hoạch tổng khởi nghĩa của Đảng, không ở lại dự Đại hội Quốc dân nữa.

Ông về đến Hà Nội thấy cờ đỏ sao vàng đã tung bay khắp phố phường. Thời điểm ấy, dù chưa nhận được lệnh của Trung ương, nhưng Xứ ủy Bắc Kỳ cũng đã nắm bắt được thời cơ nghìn năm có một, chủ động và kịp thời ra Lệnh Tổng khởi nghĩa tại các tỉnh do Xứ ủy phụ trách. Riêng với Hà Nội, do tầm quan trọng đặc biệt và tình hình hết sức phức tạp nên Xứ ủy thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội để tổ chức và chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đồng chí Nguyễn Khang trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội; các Ủy viên Ủy ban gồm các đồng chí Nguyễn Quyết, Trần Quang Huy, Lê Trọng Nghĩa và Nguyễn Duy Thân. Đồng chí Trần Đình Long (từng học Trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô) làm cố vấn cho Ủy ban.

Trong bối cảnh các đồng chí Trung ương đều tập trung ở Tân Trào để dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân, việc liên lạc xin chỉ thị cấp trên bị cản trở thì những quyết định của Xứ ủy lúc đó là rất sáng suốt và dũng cảm. Xứ ủy làm việc trên nguyên tắc bàn bạc tập thể nhưng trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như thế, cần phải có một chỉ huy thật quyết đoán để có được quyết định đúng đắn.

Khi chuẩn bị đi dự Hội nghị ở Tân Trào, ông Nguyễn Văn Trân đã giao quyền Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ cho đồng chí Nguyễn Khang. Đồng chí Nguyễn Khang được giao trọng trách là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Trung ương về những quyết định của Xứ ủy Bắc Kỳ lúc đó. Thời điểm ấy, chính quyền cách mạng đầu tiên trên cả nước là Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ do Nguyễn Khang làm Chủ tịch, điều hành công việc tại Bắc Bộ Phủ, nơi cách đó vài ngày vẫn còn là cơ quan đầu não của kẻ thù.

Tại đây Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ đã có những quyết định đúng đắn để giữ chính quyền cách mạng non trẻ trụ vững ở Hà Nội đến ngày Trung ương và Hồ Chủ tịch về khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Buổi sáng ngày 19/8, người Hà Nội thức dậy trong màu rực đỏ của cờ cách mạng. Hàng vạn nông dân và dân nghèo tập hợp ở làng Mọc, kéo ra Ngã Tư Sở. Cùng lúc đó, hàng vạn nông dân, thợ thủ công các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng... và các tầng lớp nhân dân ở thị xã Hà Đông cũng theo các ngả rầm rập tiến vào nội thành. Băng rôn, cờ, khẩu hiệu và các loại vũ khí thô sơ như mã tấu, dao, phát bờ, câu liêm giơ cao trong những tiếng hô vang trời.

Trong nội thành, các nhà máy, công sở đều nghỉ việc, các chợ vắng hẳn người. Nhiều hiệu buôn đóng cửa. Đa số quần chúng xuống đường tham gia biểu tình.


Ngày 19/8/1945, tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Ảnh tư liệu

Cả một biển người tràn ngập các nẻo đường dẫn đến quảng trường Nhà hát Lớn. Một rừng cờ đỏ sao vàng xen lẫn các khẩu hiệu "Đả đảo chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim", "Việt Nam hoàn toàn độc lập", "Thành lập chính phủ cộng hòa dân chủ Việt Nam".

Cuộc mít tinh bắt đầu lúc 11h. Sau loạt súng chào cờ, bài "Tiến quân ca" vang lên rền trời. Lời hiệu triệu của Việt Minh cũng đã nói rõ chính sách và thái độ của Việt Minh đối với quân Nhật bại trận, đối với âm mưu của đế quốc Pháp và hô hào quần chúng vùng lên khởi nghĩa, lập chính phủ cộng hòa dân chủ Việt Nam, giành độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc.

Cuộc mít tinh khổng lồ của gần 20 vạn người chuyển thành biểu tình thị uy. Các đơn vị tự vệ chiến đấu dẫn đầu quần chúng, chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu trong Thành phố theo như kế hoạch đã định.

Đến tối 19/8, các cơ quan quan trọng của chính phủ bù nhìn đã thuộc về ta. Cuộc khởi nghĩa của ta ở trung tâm chính trị, văn hóa cả nước đã hoàn toàn thắng lợi.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông Nguyễn Văn Trân được Đảng và Chính phủ cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ. Khi nhận nhiệm vụ này, ông đã khéo léo đưa được những đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng thành công tác của Ủy ban Hành chính Bắc Bộ như: Xây dựng chính quyền mới các cấp, đắp đê chống lụt, vận động sản xuất chống nạn đói, tổ chức bình dân học vụ, tổ chức Tuần lễ Vàng, Quỹ Độc lập…

Phương Liên

http://baochinhphu.vn/70-mua-thu-Cach-mang/Mua-Thu-khong-quen-trong-hoi-uc-cuu-Bi-thu-Thanh-uy/234364.vgp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét