Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

Giá đúng cho lao động giá rẻ: “chưa giàu đã già”

Giá đúng cho lao động giá rẻ
Thanh Hằng 31/10/2018 - Trong điều kiện Việt Nam, theo Tiến sĩ Trung, nếu không có biện pháp nhanh chóng chuyển đổi, nâng cao kỹ năng, kiến thức của phần lớn lao động giản đơn để tiến vào giai đoạn phát triển dựa trên năng suất và sáng tạo thì không những rất dễ xảy ra tình trạng mà Giáo sư Trần Văn Thọ đã nhận xét: “chưa giàu đã già” mà có thể đối với nhiều người “khi già còn là gánh nặng của con cháu”. Việt Nam có nên theo chiến lược lao động giá rẻ nữa không? Câu trả lời đã rõ. Vấn đề là như chiếc “bẫy thu nhập trung bình”, chúng ta sẽ thoát ra trong bao lâu.

Chiến lược lao động giá rẻ để thu hút FDI của Việt
 Nam còn hiệu quả trong thời đại công nghiệp 4.0?
Đã 5 giờ chiều, giờ tan tầm, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) Bắc Ninh ở Khu công nghiệp Yên Phong chỉ như được khuấy động rất nhẹ. Cách vài phút, từng chiếc xe buýt mới chầm chậm bò qua vào những cánh cổng, lác đác đây đó có chiếc xe máy vụt ra từ bãi xe. Hầu hết công nhân trong nhà máy thu hút nhiều lao động nhất Việt Nam này đều ở lại tăng ca để nhận mức lương cao hơn gấp đôi lương cơ bản do Nhà nước quy định và cao gấp rưỡi mặt bằng chung ở miền đất phía Bắc này trước khi tập đoàn điện tử Samsung xuất hiện.

Trong số các công nhân tại đây có Nguyễn Thị Hải, 25 tuổi xuất hiện trên báo chí như một “điển hình” của lao động tại Samsung. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hải phải tạm gác giấc mơ đại học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cô thi tuyển vào nhà máy điện tử Samsung với vị trí nhân viên sản xuất đứng máy ở dây chuyền lắp ráp, với mong muốn có công việc ổn định để giúp đỡ gia đình. Từ đây, tương lai của cô mở ra khi tự nâng trình độ của bản thân...

Dưới đáy đường cong nụ cười

Còn rất nhiều cô gái cũng có nguyện vọng như Hải trở thành một trong hàng chục ngàn công nhân tại SEV. Ở cửa bảo vệ SEV, những cô gái trẻ trung ở độ tuổi mười tám đôi mươi xếp hàng dài, tấp nập nộp hồ sơ. Công việc tại nhà máy Samsung chủ yếu là lắp ráp, vì vậy chỉ yêu cầu lao động trình độ phổ thông. Nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp phải giấu bằng đại học để có thể được làm việc ở đây. Mức thu nhập hấp dẫn cũng kéo nhiều người ra khỏi ngưỡng cửa giáo dục cao hơn.

Thái Nguyên cung cấp 18.000 lao động, tương đương 1/4 lao động cho nhà máy Samsung. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt trong các lĩnh vực khác, ngay cả trường đại học. Samsung là một đại diện cho lĩnh vực FDI ngày càng mạnh ở Việt Nam, thu hút nhiều lao động nhất trong 5 năm qua, với tốc độ tăng trưởng vượt xa khu vực tư nhân và nhà nước. 


Công nhân nhà máy Samsung Bắc Ninh

Một lý thuyết phổ biến của Đại học Harvard chia các giai đoạn phát triển thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu dựa trên các yếu tố tự nhiên là tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ dồi dào. Giai đoạn thứ hai dựa vào đầu tư ở các ngành sản xuất và dịch vụ để xuất khẩu, lương có tăng hơn nhưng dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ biến động trên thị trường thế giới. Giai đoạn phát triển thứ ba là dựa trên nền tảng sáng tạo, các sản phẩm dịch vụ mới mang tính đột phá và sáng tạo là nguồn lực chính của nền kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Khoa Quản trị Đại học RMIT Việt Nam, nhận định kinh tế Việt Nam đang ở thời gian đầu của giai đoạn hai, nghĩa là giai đoạn phát triển dựa vào đầu tư các lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu và độ mở của nền kinh tế rất cao. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ mới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở phần giá trị thấp nhất, phần đáy của đường cong nụ cười, chứ chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khi Trung Quốc quyết định dịch chuyển trên đường cong nụ cười qua giai đoạn sáng tạo, chi phí lao động theo đó cũng tăng lên đã khiến các doanh nghiệp như Samsung di chuyển đại bản doanh gia công của họ qua nơi có chi phí thấp hơn là Việt Nam. Cuộc di dời này kéo theo rất nhiều nhà cung cấp của họ vì “giá nhân công Việt Nam rẻ hơn ở Trung Quốc và Hàn Quốc”, Giám đốc Choi Woon Chul của KSD Vina, một công ty sản xuất linh kiện cho Samsung cho biết.

Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài cả về nguồn cung lao động. Đây là lực hút các doanh nghiệp FDI lắp ráp cần rất nhiều nhân lực, nơi tiền lương chỉ chiếm 10-15% tổng chi phí.

Tuy nhiên, tốc độ tăng lương cao ở Việt Nam đang là mối bận tâm lớn cho các doanh nghiệp FDI này. So sánh với Trung Quốc, lương cơ bản ở Việt Nam được quy định tăng nhanh hơn đến 3 điểm phần trăm, lên đến 6-7% mỗi năm (tương ứng với mức lạm phát). Điều này làm dấy lên một nỗi sợ khi Việt Nam đánh mất lợi thế lao động giá rẻ, các nhà máy lắp ráp như Samsung có thể di chuyển lần nữa qua những nơi chi phí thấp hơn, có thể là Triều Tiên, theo như một bài bình luận trên Bloomberg.

Từ nhiều năm trước, lao động giản đơn tỏ ra là một lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cả cho lợi ích phát triển kinh tế lẫn công nghệ. Tuy nhiên, đây không phải là một lợi thế có thể áp dụng về lâu dài. Trên thực tế, khi nói đến lao động giản đơn, chúng ta cũng đang đề cập đến mức thu nhập bình quân đầu người thấp. “Đây không phải là mục tiêu mà một nền kinh tế muốn nhắm đến”, ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông bình luận với NCĐT.

Báo cáo chỉ số lực lượng lao động của ManpowerGroup cho thấy lực lượng lao động không có kỹ năng, tay nghề chuyên môn ở Việt Nam chiếm đến 40% tổng lực lượng lao động quốc gia - hiện có khoảng 57 triệu người, gấp 4 lần tỉ lệ này ở quốc gia láng giềng Thái Lan. Thiếu kỹ năng và tác phong làm việc chuyên nghiệp, các lao động này thường không có cam kết lâu dài và dễ nhảy việc khi có cơ hội tốt hơn.

Hành trình nâng giá trị

Nhóm 4 công ty con của Samsung Electronics tại Việt Nam đạt tổng lợi nhuận lên đến 132.000 tỉ đồng (5,8 tỉ USD) trong năm 2017 - tức mỗi tháng đều đặn lãi 11.000 tỉ đồng. Lãi của Samsung bằng tổng lợi nhuận của 40 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ gần 7% giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong đó có Samsung, tương đương 8,6 tỉ USD, là tổng phí gia công các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp cho hàng hóa nước ngoài năm 2016. Hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu còn thấp, Tiến sĩ Trung lưu ý, nghĩa là chủ yếu còn dựa vào giá lao động tương đối rẻ. Dệt may, giày dép và điện thoại là ba nhóm hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Xuất khẩu lao động tại chỗ đã vậy, bức tranh xuất khẩu lao động nước ngoài cũng không mấy sáng sủa hơn. Trong số nửa triệu người Việt đang xuất khẩu đi khắp thế giới, phần lớn là những người trẻ từ nông thôn với kỹ năng thấp, làm việc trong khu vực sản xuất, xây dựng, nông nghiệp và những ngành dịch vụ khác. Mười ngàn công nhân khác được đóng gói theo những công trình xây dựng khắp Đông Nam Á.

Đặc biệt cần lưu ý lao động giản đơn làm trong những những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy hải sản..., sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi việc tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong cách mạng công nghiệp 4.0, ông Matthews nhấn mạnh. Vì vậy, hiện tại, lực lượng lao động giản đơn ở Việt Nam cần tận dụng thời cơ hội nhập để học hỏi tri thức và công nghệ từ bạn bè quốc tế và nâng tầm giá trị bản thân, nâng cao năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Sau tuổi trẻ được bán đi cho những hoạt động lắp ráp giản đơn đòi hỏi sự nhanh nhạy tinh thông, người lao động rời những nhà máy ở độ tuổi ngoài 30. Với kỹ năng và trình độ học vấn thấp, những lao động này lại cần thêm một nguồn lực xã hội nữa để đào tạo tay nghề. 


Sản xuất cảm biến ở Công ty Pepperl+Fuchs KCX Tân Thuận. Ảnh: Quý Hòa

Sau 3 năm vừa làm vừa học, Nguyễn Thị Hải tốt nghiệp khóa học cao đẳng nội bộ, đủ điều kiện để thi nâng tay nghề, thay đổi bộ phận làm việc từ khối sản xuất lên khối văn phòng. Thậm chí, Hải tiếp tục theo học hệ liên thông đại học tại Đại học công nghiệp Hà Nội. Cứ hết ca làm, cô lại theo xe đưa đón công nhân miễn phí của nhà máy từ Bắc Ninh tới Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Hành trình đi lên của Hải cũng như hành trình của ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam, đi từ lao động phổ thông lên lao động có trình độ. Tất nhiên, trong đó đòi hỏi phải có những cố gắng, thậm chí vật vã để lột xác từ một lao động lắp ráp, sang một lao động làm các công việc có chất xám và sáng tạo. Theo Diễn đàn CEO 2018, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan...

Tính ra, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng hơn 50% của nhóm nước trung bình thấp và bằng 13,8% nhóm các nước trung bình cao. Theo Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năng suất lao động thấp là do cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch; lao động trong nông nghiệp chiếm tỉ lệ cao; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 56% lực lượng lao động, nhưng thực tế, tỉ lệ lao động qua đào tạo bài bản chỉ đạt 22%, số còn lại đào tạo theo kiểu truyền nghề đủ kỹ năng để người lao động đứng vào dây chuyền sản xuất giản đơn. Chưa nói tới chất lượng đào tạo, chỉ cần nói tới số lượng lao động chưa được đào tạo cũng đã giải thích lý do vì sao năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực...

Vì vậy, lao động Việt Nam sẽ có hành trình rất dài để nâng cao năng suất và cạnh tranh được trên thị trường lao động thế giới. Việc duy trì quá lâu chiến lược thu hút đầu tư dựa trên lợi thế nhân công giá rẻ dẫn đến không cải thiện được cơ cấu của nền kinh tế, không tăng năng suất lao động và thu nhập cho người lao động. Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cạnh tranh toàn cầu, nhiều vấn đề đặt ra cho nền kinh tế, phải đổi mới, áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Bắt đỉnh sóng 4.0

Nghiên cứu mang tên “Cuộc Cách mạng Kỹ năng 2.0” được ManpowerGroup tiến hành trên 20.000 doanh nghiệp ở 42 quốc gia đã xác định tầm quan trọng của việc học hỏi, tự nâng cấp các kỹ năng mới của mỗi cá nhân. “Điều này rất quan trọng vì nếu người lao động không liên tục học hỏi kiến thức và kỹ năng mới, họ sẽ bị tụt hậu và thậm chí có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa và trí tuệ nhân tạo”, ông Matthews bình luận. Đặc biệt, khoảng 2/3 việc làm mà thế hệ Z sẽ làm vẫn chưa xuất hiện. Chính vì vậy, để nâng cao giá trị của mình trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, lực lượng lao động giản đơn Việt Nam cần không ngừng nâng cao khả năng học hỏi. 


Công nhân công ty Pou Yuen quận Bình Tân tan ca. Ảnh: Quý Hòa

Xuất khẩu lao động cũng được kỳ vọng giúp người lao động trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm và phong cách làm việc quốc tế, từng bước nâng tầm giá trị bản thân và tăng năng suất lao động của họ. Bên cạnh đó, xuất khẩu lao động giản đơn còn có thể giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp tại Việt Nam, đào tạo lại lực lượng lao động có tay nghề thấp.

Cùng với lợi thế lao động giá rẻ, Việt Nam đang vượt trội các đối thủ tiềm năng, cả về nguồn cung lao động, ưu đãi thuế, các chi phí kinh doanh khác ngoài lương, triển vọng kinh tế, sự gần gũi khách hàng và các hiệp định thương mại tự do. Các công ty cho biết tiêu chí cân nhắc là nguồn cung lao động tốt hơn (cả về số lượng và chất lượng) và các lợi ích khi hoạt động trong khu vực thương mại tự do.

Việt Nam và Campuchia là những ứng cử viên nổi bật cho việc chuyển địa điểm, đặc biệt là làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc. Mặc dù vậy, công nghệ là thách thức lớn nhất của Việt Nam nếu muốn trở thành một trung tâm sản xuất. “Những công việc cần kỹ năng thấp, lặp đi lặp lại sẽ được thay thế bằng các máy móc đã được lập trình và tiến bộ kỹ thuật”, nhà kinh tế học Narayanan của StanChart dự báo.

Tiến sĩ Trung cũng đồng tình trong việc không ủng hộ chiến lược phát triển dựa trên lao động giá rẻ. Những doanh nghiệp sử dụng lao động giá rẻ thường có điều kiện làm việc không tốt dễ làm cho người lao động mất sức lao động trong thời gian ngắn. Những doanh nghiệp này cũng dễ dàng chuyển sang các nước khác có giá lao động rẻ hơn. Cuối cùng, công nghệ thay đổi nhanh chóng và máy móc có thể thay thế lao động giản đơn dễ dàng.

Tóm lại, không nên theo đuổi chiến lược dựa trên lao động giá rẻ vì nó đồng nghĩa với việc theo đuổi chiến lược năng suất thấp. Không một nền kinh tế nào có năng suất thấp mà phát triển bền vững được. Ở góc độ khác, nghiên cứu gần đây của World Bank cho thấy Việt Nam là nước trải qua tốc độ già hóa dân số cao nhất thế giới và vì vậy tỉ lệ người phụ thuộc ngày càng gia tăng nhanh chóng. Nói cách khác, lực lượng lao động dồi dào ở Việt Nam sẽ giảm nhanh trong thời gian tới và gánh nặng trách nhiệm cho những người ở tuổi lao động cũng tăng lên. Nếu duy trì chiến lược lao động giá rẻ sẽ rất bất ổn.


Trong điều kiện Việt Nam, theo Tiến sĩ Trung, nếu không có biện pháp nhanh chóng chuyển đổi, nâng cao kỹ năng, kiến thức của phần lớn lao động giản đơn để tiến vào giai đoạn phát triển dựa trên năng suất và sáng tạo thì không những rất dễ xảy ra tình trạng mà Giáo sư Trần Văn Thọ đã nhận xét: “chưa giàu đã già” mà có thể đối với nhiều người “khi già còn là gánh nặng của con cháu”.

Việt Nam có nên theo chiến lược lao động giá rẻ nữa không? Câu trả lời đã rõ. Vấn đề là như chiếc “bẫy thu nhập trung bình”, chúng ta sẽ thoát ra trong bao lâu.

https://nhipcaudautu.vn/chuyen-de/gia-dung-cho-lao-dong-gia-re-3326618/

1 nhận xét: