Bộ trưởng Tô Lâm: Huy động vốn trong nhân dân là vấn đề quan trọng
24/10/2018 - “Huy động vốn trong nhân dân là vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế xã hội một tỉnh, một vùng hay cả nước". Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng tỉnh Bắc Kạn, tài nguyên khoáng sản rất lớn, chỉ khoảng 300 ngàn dân nhưng trong năm 2017 người dân gửi tiết kiệm đến 60.000 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ dự trữ, nguồn lực trong dân rất lớn nhưng người ta không tổ chức được doanh nghiệp, không kinh doanh, sản xuất.
Bộ trưởng Tô Lâm thảo luận tại tổ, sáng 24-10
Sáng 24-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hằng năm và giữa kỳ. Tham gia thảo luận tại tổ 8, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, nhiều địa phương làm tốt việc huy động nguồn lực trong xã hội để phát triển nhưng cũng có địa phương làm chưa tốt. Nếu nói về nguồn lực đầu tư chung của địa phương thì 80% là nguồn lực xã hội, còn nguồn lực nhà nước phân bổ chỉ khoảng 20%.“Huy động vốn trong nhân dân là vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế xã hội một tỉnh, một vùng hay cả nước. Vừa qua được Bộ Chính trị phân công đi đánh giá, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ một số tỉnh thì qua nghe báo cáo tôi thấy rằng, có những tỉnh rất tiềm năng nhưng vẫn nghèo”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng lấy dẫn chứng tỉnh Bắc Kạn, tài nguyên khoáng sản rất lớn, dân đóng góp, gửi tiền tiết kiệm rất lớn, chỉ khoảng 300 ngàn dân nhưng trong năm 2017 gửi tiết kiệm 60.000 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ dự trữ, nguồn lực trong dân rất lớn nhưng người ta không tổ chức được doanh nghiệp, không kinh doanh, sản xuất.
Trong khi đó, thu ngân sách của Bắc Kạn rất thấp, chỉ hơn 580 tỷ đồng, bằng một buổi của TP. Hồ Chí Minh (1.200 tỷ đồng/ngày). Bộ trưởng đề nghị phải có cơ chế, chính sách để người dân có điều kiện kinh doanh, sản xuất, lập doanh nghiệp, đưa đồng tiền vào vận hành… Qua đó vận động được nguồn lực xã hội đầu tư phát triển, thay đổi bộ mặt địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng lưu ý bên cạnh phát triển phải đảm bảo cân bằng xã hội. “Chúng ta hình thành các đầu tàu phát triển kinh tế như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh là cần thiết, quan trọng nhưng bên cạnh đó lại tạo sự mất cân bằng xã hội, thậm chí làm mất các lợi thế đầu tư”, Bộ trưởng cho hay.
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh thu nhập bình quân đầu người là 5.000 USD nhưng các tỉnh chỉ 2.500 USD, có tỉnh chỉ 1.000 USD. Theo Bộ trưởng, thu nhập bình quân lớn, phúc lợi xã hội tốt, văn hoá, y tế, giáo dục phát triển… khiến dân sẽ đổ xô vào 2 đô thị này, gây quá tải. Nếu với tốc độ phát triển như thế này sự mất cân bằng xảy ra. Ùn tắc giao thông, đi lại khó khăn, đất chật người đông thì ưu thế bị cản trở.
“Một cậu bé đánh giày ở Hà Nội cũng có thể thu nhập còn hơn một ông nông dân làm cật lực ở quê, một chị bán hàng rong mỗi ngày còn kiếm được 100 nghìn đồng, ở quê làm cái gì ra 100 nghìn để mua thóc lúa” – Bộ trưởng lấy ví dụ, cho rằng việc người dân đổ dồn về thành phố lớn tạo áp lực xã hội, gây nhiều hệ luỵ, trong đó việc quản lý trật tự xã hội cũng sẽ có những vấn đề nảy sinh thêm.
Quỳnh Vinh
http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Bo-truong-To-Lam-Cau-be-danh-giay-Ha-Noi-co-the-thu-nhap-hon-nong-dan-cat-luc-o-que-516535/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét