Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Bắc Son 'độc đoán, vô hiệu hoá cả Ban Cán sự Đảng'

Có vẻ như bác Trọng buộc phải đau đớn hy sinh ông Son để khôi phục lại uy tín đang sụt giảm nghiêm trọng. Chưa biết Bắc Son sẽ bị tù tội ra sao, nhưng có thể chắc chắn những con tốt nhất nhất vâng lời cấp trên để chấm mút như Lê Nam Trà, Phạm Đình Trọng, Cao Duy Hải... sẽ bị tù mọt gông.
Ông Nguyễn Bắc Son 'độc đoán, gia trưởng, vô hiệu hoá cả Ban Cán sự Đảng'
13/09/2018 (VTC News) - Bài viết trên website của Uỷ ban Kiểm tra TƯ nhận định, ông Nguyễn Bắc Son - nguyên Bộ trưởng TT&TT - có biểu hiện độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, bỏ qua vai trò lãnh đạo tập thể và vô hiệu hóa cả BCSĐ Bộ TT&TT. Website của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa đăng bài viết "Thương vụ AVG – Khi Ban Cán sự Đảng bị vô hiệu hóa". Chúng tôi đăng toàn văn bài viết này:

Ông Nguyễn Bắc Son
Sau Kết luận của UBKT Trung ương về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và đề nghị xem xét, xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm của Ban cán sự Đảng (BCSĐ) Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) nhiệm kỳ 2011 - 2016 và nhiệm kỳ 2016 - 2021, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Dự án Tổng Công ty viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG), ngày 10/7/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với BCSĐ Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Tiếp đó, ngày 12/7/2018, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư BCSĐ, Bộ Trưởng Bộ TT&TT bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư BCSĐ Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2016 - 2021. Xét kỷ luật tương xứng với kỷ luật Đảng, ngày 18/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo và ngày 23/7/2018, Chủ tịch nước ký Quyết định 1261/QĐ-CTN tạm đình chỉ công tác đối với ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ Trưởng Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2011-2016, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét thi hành kỷ luật nghiêm minh theo thẩm quyền.
Cùng những vi phạm trong thương vụ AVG, trước đó UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Nam Trà, nguyên Ủy viên BCH Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Mobifone và ông Phạm Đình Trọng, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Cao Duy Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mobifone.
Với tính chất vi phạm nghiêm trọng, làm thất thoát nhiều tỷ đồng của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ngày 10/7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Mobifone Lê Nam Trà và Phạm Ðình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT về tội “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”. 
Đến nay, vụ án đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ những vi phạm và trách nhiệm từng cá nhân trong thương vụ AVG để xử lý đúng người, đúng tội, nghiêm minh trước pháp luật.
Mặc dù, thương vụ AVG vẫn đang được điều tra, song qua Kết luận của UBKT Trung ương đã thấy rõ những vi phạm chủ quan của người đứng đầu Bộ TT&TT và một số cá nhân, tập thể trong công tác tham mưu để Tổng Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của AVG với giá 8.898,3 tỷ đồng (gần 9.000 tỷ đồng), gây thất thoát nhiều tỷ đồng của nhà nước và chậm tiến độ cổ phần hóa Tổng Công ty Mobifone.
Độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ đã vô hiệu hóa cả Ban cán sự Đảng
Cuối năm 2014, khi Công ty AVG có công văn gửi Bộ TT&TT đề nghị hướng dẫn thủ tục để chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài, song Bộ TT&TT đã trực tiếp trao đổi, hướng dẫn Công ty AVG không nên bán cho đối tác nước ngoài mà chỉ bán cho đối tác trong nước.
Đầu năm 2015, khi đó ông Nguyễn Bắc Son đương kim Bộ trưởng, Bí thư BCSĐ đã cho ý kiến đồng ý với tờ trình của Vụ Quản lý doanh nghiệp và có công văn số 408/BTT&TT-QLDN, ngày 3/2/2015 gửi Tổng Công ty Mobifone “Thống nhất về mặt nguyên tắc chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình theo đề xuất của Mobifone và thực hiện các bước cần thiết chuẩn bị đầu tư dịch vụ truyền hình”.
Điều đáng nói, việc ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TT&TT chấp thuận chủ trương với một dự án lớn trong hoạt động, sản xuất kinh doanh của Mobifone nhưng không bàn bạc, thảo luận, thống nhất trong Ban Cán Sự Đảng Bộ TT&TT. Hơn nữa, trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của Tổng Công ty Mobifone năm 2015 cũng không có dự án phát triển đầu tư dịch vụ truyền hình.
Từ sự chấp thuận này, Tổng công ty Mobifone đã gấp rút lập, trình duyệt và tổ chức thực hiện đề án theo phương thức mua lại cổ phần của AVG, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số khi chưa có cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh tế. Trong quá trình phê duyệt, thẩm định dự án, Bộ trưởng, Bí thư BCSĐ Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng không họp, thảo luận trong BCSĐ để thống nhất chủ trương và có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, mà chỉ họp lãnh đạo Bộ để cho ý kiến về dự án.
 
... ông Nguyễn Bắc Son có biểu hiện độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền, thiếu dân chủ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của BCSĐ, Quy chế làm việc của Bộ TT&TT, bỏ qua vai trò lãnh đạo tập thể và vô hiệu hóa cả BCSĐ Bộ TT&TT.
Cuộc họp không được ghi biên bản, cũng không có thông báo kết luận sau cuộc họp. Đáng lưu ý, trong cuộc họp này cũng đã có ý kiến còn băn khoăn về tính hiệu quả của một dự án; việc thẩm định lại giá mua cổ phần của AVG; hơn nữa đây là dự án lớn cần để Thủ tướng Chính phủ cân nhắc đầy đủ và quyết định. Tuy nhiên, những ý kiến đóng góp này trong cả quá trình thực hiện dự án đều không được lãnh đạo Bộ và Bộ trưởng lưu tâm, xem xét.
Như vậy, với cương vị người đứng đầu là Bộ trưởng, Bí thư BCSĐ, ông Nguyễn Bắc Son có biểu hiện độc đoán, gia trưởng, chuyên quyền, thiếu dân chủ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của BCSĐ, Quy chế làm việc của Bộ TT&TT, bỏ qua vai trò lãnh đạo  tập thể và vô hiệu hóa cả BCSĐ Bộ TT&TT.
Đồng thời, buông lỏng việc lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát trong các khâu của dự án, đặc biệt là việc quản lý vốn; phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; việc thẩm định giá để Tổng Công ty Mobifone mua đến 95% cổ phần của AVG với giá gần 9.000 tỷ đồng.
Từ việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát các khâu của dự án, nên Bộ cũng không biết rằng Tổng Công ty Mobifone khi thực hiện dự án này cũng không bàn bạc, thảo luận trong Đảng ủy và Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty, dẫn đến nhiều vi phạm của tập thể, cá nhân trong Tổng Công ty Mobifone và Bộ TT&TT.
Kết luận về những vi phạm của ông Nguyễn Bắc Son, UBKT Trung ương đã chỉ rõ: Đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011-2016.
Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể BCSĐ, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến dự án không đúng quy định; ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện dự án để xảy ra nhiều vi phạm.
Phải chăng, tiền “chùa” ném qua cửa sổ!?
Trong thời điểm năm 2014, 2015, lẽ ra Tổng Công ty Mobifone đang cần tập trung vào đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo Đề án phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Hơn nữa, giai đoạn này Tổng Công ty Mobifone cũng còn nhiều khó khăn về vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vì sao Tổng Công ty sẵn sàng bỏ ra gần 9.000 tỷ đồng để đầu tư một dự án chưa được thẩm định về hiệu quả kinh tế, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính!?
Hơn nữa, khi ký hợp đồng về điều khoản thanh toán với Công ty AVG chỉ một thời gian ngắn (trong 19 ngày) Tổng Công ty Mobifone phải thanh toán 8.445,32 tỷ đồng cho các cổ đông của Công ty AVG!?
Đây là một kiểu thanh khoản vội vã, có biểu hiện không bình thường, dẫn tới Tổng Công ty Mobifone phải 2 lần đi vay ngắn hạn của Ngân hàng VietinBank bằng hình thức thế chấp hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn, gây thiệt hại cho Tổng Công ty Mobifone số tiền 16,97 tỷ đồng, tạo sự hoài nghi trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên Tổng Công ty về sự thiếu minh bạch, mập mờ của dự án.
Vậy, phải chăng với hàng ngìn tỷ đồng đó mà một số lãnh đạo của Bộ TT&TT, lãnh đạo Tổng Công ty Mobifone coi như tiền “chùa” để vung tay ném tiền qua cửa sổ?
Trước hết, đây là dự án với số tiền đầu tư lớn, song tất cả các khâu lập, trình và xây dựng, thẩm định dự án đều bị buông lỏng, thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, giám sát dẫn tới việc Mobifone có những báo cáo không trung thực, song Bộ vẫn phê duyệt, trong đó có báo cáo thẩm định giá và thẩm định hiệu quả dự án.
Hơn nữa, trước khi dự án trình Bộ TT&TT phê duyệt, Tổng Công ty Mobifone đều không họp bàn, thảo luận trong Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tổng Công ty mà đã lập khống các biên bản cuộc họp để hợp thức hóa hồ sơ pháp lý dự án.
Đặc biệt, trong việc thẩm định giá mua cổ phần AVG, ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (đại diện Bộ TT&TT) và Tổng Công ty Mobifone đã sử dụng kết quả thẩm định giá của Công ty AMAX để làm căn cứ đàm phán mua 95% cổ phần AVG với giá 8.898,3 tỷ đồng, kết quả này không khách quan, không có cơ sở tin cậy, vi phạm các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
Đối với Bộ TT&TT, khi hiệu quả đầu tư dự án chưa được làm rõ nhưng Bộ vẫn quyết định, thậm chí khi thành lập Tổ thẩm định dự án nhưng không có thành phần đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, là đơn vị có chức năng tham mưu giúp Bộ thực hiện quản lý, tổng hợp các chương trình đầu tư công, định mức kinh tế, kỹ thuật và các nhiệm vụ tài chính, kế toán; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Hơn nữa, khi chấp thuận đồng ý để Mobifone mua cổ phần của AVG, Bộ TT&TT đã đưa việc giao dịch này vào danh mục “mật”, đồng thời yêu cầu Mobifone thực hiện theo đúng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, không phổ biến tuyên truyền.
Đây là dấu hiệu bất thường, bởi việc kinh doanh cung cấp dịch vụ truyền hình không phải là dịch vụ hay hàng hóa bị pháp luật cấm kinh doanh, càng không phải dịch vụ thuộc danh mục bí mật Nhà nước, vậy vì sao Bộ TT&TT lại đưa vào danh mục “mật”!? Việc lạm dụng độ “mật” này, dẫn tới các khâu giao dịch của dự án bị bưng bít thông tin, hạn chế sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Bộ; thành viên BCSĐ Bộ TT&TT; các đơn vị thuộc Bộ và Tổng Công ty Mobifone; hạn chế việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước; các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt làm mất quyền dân chủ đối với cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong Tổng Công ty Mobifone, dẫn tới sự hoài nghi, bức xúc trong dư luận xã hội khi Mobifone gấp rút bỏ ra gần 9.000 tỷ đồng mua cổ phần AVG.
Dù thương vụ này AVG đã hoàn lại số tiền giao dịch, song dư luận vẫn đặt ra câu hỏi vì sao một dự án với số tiền đầu tư lớn như vậy, lẽ nào Bộ TT&TT, Tổng Công ty Mobifone và những cá nhân có trách nhiệm lại có thể dễ dãi, vô tâm, thiếu trách nhiệm để đầu tư gần 9.000 tỷ đồng của Nhà nước vào một dự án mơ hồ, khi chưa được thẩm định rõ về hiệu quả kinh tế, việc thẩm định giá dự án cũng không có cơ sở. Phải chăng, tiền “chùa” ném qua cửa sổ!?
Qua vụ việc này, có nhiều nguyên nhân dẫn tới vi phạm của một số tổ chức đảng, đảng viên, song một nguyên nhân cơ bản dẫn tới hàng loạt vi phạm đó là BCSĐ Bộ TT&TT (nhiệm kỳ 2011-2016) đã gần như bị vô hiệu hóa bởi người đứng đầu gia trưởng, chuyên quyền, độc đoán, áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo; chính người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị (Bí thư BCSĐ, Bộ trưởng Bộ TT&TT) lại vi phạm Quy chế làm việc của BCSĐ, Quy chế làm việc của Bộ TT&TT.
Bên cạnh đó, các thành viên trong BCSĐ, lãnh đạo Bộ lại ngại va chạm, nể nang, né tránh, không dám góp ý phê bình, không mạnh dạn đấu tranh khi người đứng đầu có những biểu hiện vi phạm, đã làm mất tính chiến đấu của tổ chức đảng, thậm chí bị tê liệt, bị vô hiệu hóa. Thực tế trong thời gian qua, UBKT Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với BCSĐ ở một số Bộ, tỉnh, thành cho thấy hầu hết những vi phạm của BCSĐ đều do người đứng đầu thiếu gương mẫu và có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, thiếu dân chủ, đã dẫn tới nhiều vi phạm, thậm chí vi phạm kéo dài và có hệ thống.
Để ngăn chặn, hạn chế sự gia trưởng, thậm chí lạm quyền của người đứng đầu, mỗi tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.
Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, nhất là việc kiểm tra, giám sát của người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị. Chú trọng tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo; giám sát trong nội bộ tập thể lãnh đạo; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu gương mẫu; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.
Thay lời kết bài viết này, tác giả xin được trích lại nguyên văn trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng diễn ra tại Hà Nội, ngày 25-6-2018 vừa qua: “Phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói một cách hình ảnh là phải "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế". Công quỹ là của công cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi”.
NAM MINH
https://vtc.vn/ong-nguyen-bac-son-doc-doan-gia-truong-vo-hieu-hoa-ca-ban-can-su-dang-d426135.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét