Sách về Việt Nam ‘không ngại làm phật ý Hà Nội’
4 tháng 4 2018 - Chủ biên cuốn sách về đối ngoại và chính trị Việt Nam nói BBC rằng ông "không ngại gây đụng chạm hay làm phật ý Hà Nội." Cuốn sách Vietnam's Foreign Policy Under Đổi Mới (Chính Sách Đối Ngoại của Việt Nam Thời Đổi Mới) bằng tiếng Anh do tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore làm chủ biên vừa được phát hành ở nước ngoài.
Ông Lê Hồng Hiệp ký tặng sách
Hôm 4/4, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt, ông Hiệp nói tác phẩm của ông "đề cập tới nhiều mối quan hệ đối ngoại quan trọng của Việt Nam 30 năm qua, trong đó nổi bật là quan hệ Việt - Mỹ và Việt - Trung.Ông Lê Hồng Hiệp:"Cuốn sách này là một nỗ lực của tập thể tác giả nhằm đóng góp vào văn liệu về tiến trình Đổi Mới, một giai đoạn lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam thời kỳ hiện đại. Dù chắc hẳn vẫn còn những thiếu sót, nhưng hi vọng cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò của Đổi Mới đối với những chuyển biến đối ngoại của Việt Nam 30 năm qua, cũng như những tác động của chính chính sách đối ngoại tới những phát triển bên trong Việt Nam. Đây cũng là một trong số ít những cuốn sách xuất bản bằng tiếng Anh trong lĩnh vực khoa học xã hội có sự đóng góp của nhiều học giả Việt Nam làm việc trong nước, đa số là các học giả trẻ.
"Vì vậy ngoài việc đóng góp vào việc nghiên cứu chính sách đối ngoại Việt Nam, tôi cũng hy vọng cuốn sách sẽ giúp các học giả trẻ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội có thêm cảm hứng để nghiên cứu và xuất bản, đóng góp vào sự phát triển của giới học thuật Việt Nam, nhất là về nghiên cứu quan hệ quốc tế."
BBC: Liệu có những thông tin gì mà ông bỏ ra khỏi cuốn sách vì không muốn làm phật ý Hà Nội?
Ông Lê Hồng Hiệp: Chúng tôi cố gắng trình bày, phân tích khách quan và có căn cứ các vấn đề liên quan đến chủ đề cuốn sách.
Trong cuốn sách có những ý mang tính phản biện, phê bình, cũng có những ý khen ngợi, nhưng đều phải dựa trên các lập luận, chứng cứ xác đáng. Với tư cách chủ biên, tôi không ngại gây đụng chạm hay làm phật ý Hà Nội.
Tuy nhiên thực sự họ có cảm thấy phật lòng vì điều nào đó hay không thì tôi chưa biết, cần thời gian kiểm chứng. Nhưng bản thân tôi tự tin là cuốn sách sẽ không gây ra vấn đề gì.
Tôi thậm chí còn hy vọng cuốn sách còn được sử dụng làm giáo trình hay tài liệu tham khảo cho các khóa học về chính sách đối ngoại Việt Nam tại một số cơ sở đào tạo trên thế giới cũng như trong nước.
BBC: Sách của ông đánh giá tương quan mối quan hệ song phương của Hà Nội với Hoa Kỳ và Hà Nội với Trung Quốc thế nào? Liệu có sự giằng co hay dàn xếp giữa hai mối quan hệ đó?
Ông Lê Hồng Hiệp: Cuốn sách đề cập tới nhiều mối quan hệ đối ngoại quan trọng của Việt Nam 30 năm qua. Tuy nhiên hai cặp quan hệ Việt - Mỹ và Việt - Trung vẫn là những cặp quan hệ quan trọng nhất do đây là hai cường quốc chi phối thế giới hiện nay.
Các phân tích từ các chương sách viết về hai cặp quan hệ này cho thấy trong khi quan hệ của Hà Nội với Hoa Kỳ ngày càng cải thiện, đặc biệt là trên khía cạnh niềm tin chiến lược, thì quan hệ Việt - Trung vẫn đang căng thẳng, niềm tin giảm sút, chủ yếu do vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tuy xu hướng là như vậy, nhưng thực tế diễn tiến các cặp quan hệ đó không mang tính tuyến tính, mà có sự thăng trầm theo thời gian, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc nên nhìn chung ở đây có sự tương tác qua lại giữa hai cặp quan hệ. Mỹ - Trung như hai cực trái dấu, Việt Nam nằm ở giữa.
Dù Việt Nam muốn giữ cân bằng giữa hai bên, nhưng rõ ràng việc dịch lại gần một bên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ với bên còn lại. Vì vậy cuốn sách cũng nhấn mạnh rằng duy trì sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những thách thức lớn nhất về chính sách đối ngoại mà Việt Nam phải xử lý trong thời gian tới.
BBC: Theo ông, ba dấu ấn quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Việt Nam thời Đổi Mới là gì và có gì khác biệt so với trước thời điểm đó?
Ông Lê Hồng Hiệp: Chính sách Đổi Mới của Việt Nam không chỉ dẫn tới những chuyển biến về kinh tế - xã hội, mà cả những thay đổi về chính sách đối ngoại, nhất là khi Việt Nam cần tận dụng các nguồn lực bên ngoài như thị trường, nguồn vốn, công nghệ… để phát triển kinh tế trong nước, qua đó đặt ra vấn đề phải cải thiện quan hệ đối ngoại nhằm thu hút tốt hơn các nguồn lực này.
Ba điểm quan trọng nhất trong các thay đổi này theo tôi gồm:
Thứ nhất, chính sách đối ngoại Việt Nam hiện tại thực dụng và ít dựa vào ý thức hệ hơn so với trước Đổi Mới. Điều này thể hiện rõ nhất qua lập trường cứng rắn hơn của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông và trong quan hệ với Trung Quốc, quốc gia có chung ý thức hệ, cũng như việc Việt Nam xích lại gần hơn với Hoa Kỳ bất chấp khác biệt chính trị.
Thứ hai, Việt Nam giờ đây coi trọng ngoại giao kinh tế, chứ không chỉ tập trung vào khía cạnh chính trị, chiến lược như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Điều này thể hiện qua quá trình hội nhập kinh tế quốc tế năng động của Việt Nam 30 năm qua. Nó cũng phản ánh một quy luật là ưu tiên đối nội sẽ tác động tới chính sách đối ngoại, một điều chúng ta vẫn thấy rất phổ biến ở mọi nơi, kể cả trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump hiện nay.
Dấu ấn thứ ba theo tôi là ngoại giao Việt Nam ngày càng chuyển dịch mục tiêu trọng tâm từ đảm bảo môi trường hòa bình ổn định nhằm phục vụ mục đích phát triển kinh tế trong nước sang nâng cao vị thế, tạo ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này thể hiện qua sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các diễn đàn, tổ chức quốc tế, hay việc Việt Nam đang nỗ lực đóng góp vào các chương trình gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Theo tôi điều này sẽ đóng góp vào việc định vị tư cách Việt Nam như một cường quốc hạng trung quan trọng của khu vực.
BBC: Về vấn đề chính trong chính sách đối ngoại hiện nay của Việt Nam- xử lý tranh chấp Biển Đông, ông thấy Hà Nội đã làm được gì và chưa làm hoặc không thể làm được gì? Lý do?
Ông Lê Hồng Hiệp: Xử lý tranh chấp Biển Đông là một thách thức khác trong chính sách đối ngoại hiện nay của Việt Nam. Phải thừa nhận rằng đây là một vấn đề vô cùng khó khăn vì Việt Nam phải đối đầu với một Trung Quốc mạnh hơn nhiều lần về mọi mặt, lại đang trong thế đi lên, đặc biệt lại có chiều hướng thách thức trật tự khu vực hiện tại và muốn diễn dịch luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho mình.
Theo tôi cho đến lúc này thì chính sách của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông đang đi đúng hướng. Có thể có người chỉ trích chính sách của Việt Nam quá mềm mỏng với Trung Quốc, như trong vụ Cá Rồng Đỏ, nhưng như đã nói, Việt Nam có thể làm được gì hơn trước một Trung Quốc vừa mạnh vừa hung hăng như thế? Xung đột vũ trang sẽ là một lựa chọn không khả thi.
Tôi cũng thấy Việt Nam đang cố gắng kiên trì, lúc cương lúc nhu tùy tình thế. Có những trường hợp Việt Nam mềm mỏng như trong vụ Cá Rồng Đỏ, nhưng có lúc cương quyết, cứng rắn, như trong vụ HD981.
Mục tiêu của Việt Nam là vừa bảo vệ lợi ích trên Biển Đông, vừa giữ được hòa bình, ổn định để phát triển, nên có lúc phải lùi một bước để tiến hai bước. Trong những bước tiến đó thời gian qua tôi cho rằng những điểm nhấn quan trọng là việc Việt Nam không ngừng tăng cường năng lực quân sự và chấp pháp biển, và gia tăng quan hệ quốc phòng, chiến lược với các cường quốc chủ chốt và là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ. Tôi nói chuyện với nhiều chuyên gia nước ngoài thì họ đều đánh giá cao Việt Nam trên những khía cạnh này trong việc đối phó với vấn đề Biển Đông.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43609758
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét