Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

“Dứt khoát không công nhận mại dâm là một nghề”

“Dứt khoát không công nhận mại dâm là một nghề”
Diệu Thu –Xuân Lực 06/04/2018 (Dân Việt) Đó là ý kiến của ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội. Để hạn chế tình trạng mua bán dâm, ông Hiền đề xuất sẽ trừng trị nặng môi giới, chủ chứa, bảo kê và xử lý nghiên khắc người mua dâm, đồng thời phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội có hiệu quả trong việc giúp người bán dâm từ bỏ công việc của mình, tư vấn, giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm giúp chị em từng bước bỏ hoạt động bán dâm.

Một đôi trai gái mua bán dâm bị bắt. 
Sau Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 28/3 đã có nhiều ý kiến tranh cãi về việc có hay không công nhận mại dâm là một nghề. Có ý kiến giữ quan điểm quyết ủng hộ mại dâm là một nghề để bảo vệ quyền của cả người mua dâm và bán dâm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu công nhận mại dâm là một nghề thì không lẽ lại thành lập trường đào tạo mại dâm.

Ông Lê Đức Hiền

Ở góc độ là cán bộ quản lý, trao đổi với PV, ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), người có nhiều kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu về phòng chống tệ nạn xã hội, ông vẫn giữ nguyên quan điểm: “Dứt khoát không hợp pháp hóa mại dâm. Dứt khoát không công nhận mại dâm là một nghề. Đến thời điểm hiện nay, nước ta vẫn không coi hoạt động mại dâm là một nghề hợp pháp và chưa có ý định về việc hợp pháp hóa hoạt động mại dâm”.

Ông Hiền cho biết, sau nghiên cứu, tham khảo một số nước thì việc hợp pháp hóa hoạt động mại dâm, coi mại dâm là một nghề là vấn đề hết sức phức tạp. Thực tế ở các nước coi mại dâm là hợp pháp đã phát sinh nhiều vấn đề như phong tục tập quán, quản lý, pháp luật và nhiều hệ lụy khác.

Hoạt động mại dâm bao giờ cũng gắn liền với các hoạt động như buôn bán người, rửa tiền, buôn bán ma túy.... Do đó, nếu thừa nhận “mại dâm là một nghề” sẽ rất khó khăn đối với các cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, hoạt động mại dâm mang lại lợi nhuận rất cao. Nơi đây cũng tập trung các tệ nạn xã hội khác. Hoạt động mại dâm còn chà đạp lên nhân phẩm người phụ nữ.

“Nếu xét cả về yếu tố luật pháp và phong tục tập quán, truyền thống đạo đức... thì không thể coi mại dâm là một nghề hợp pháp được”, ông Hiền khẳng định.

Trước câu hỏi, hiện tại, cơ quan quản lý chưa thể công nhận mại dâm là một nghề thì trong tương lai (10 năm nữa), liệu có thể hợp pháp hóa mại dâm hay không, ông Lê Đức Hiền vẫn một mực bày tỏ quan điểm, phải tiếp tục không công nhận mại dâm là một nghề. Bởi dù phòng chống hay làm kiểu gì cũng không bao giờ triệt hạ hết nạn mại dâm.

“Những cái gì có lợi cho quốc gia, dân tộc thì làm, không có lợi thì không làm. Nếu cứ làm mà nó gây nhiều tác hại rồi sau này rút lại chính sách thì rất nguy hiểm”, ông Hiền chia sẻ.

Ông Hiền cho biết, thực tế đã có nhiều nước hợp pháp hóa, công nhận mại dâm là một nghề nhưng đã ảnh hưởng nhiều mặt trong việc phát triển đất nước và họ phải xem xét thay đổi chính sách.

Chẳng hạn: Thụy Điển, sau nhiều năm cho tự do mại dâm đã phải cấm một cách kiên quyết. Do ảnh hưởng đến xã hội, sức khỏe và văn hóa...

Để hạn chế tình trạng mua bán dâm, ông Hiền đề xuất sẽ trừng trị nặng môi giới, chủ chứa, bảo kê và xử lý nghiên khắc người mua dâm, đồng thời phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội có hiệu quả trong việc giúp người bán dâm từ bỏ công việc của mình, tư vấn, giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm giúp chị em từng bước bỏ hoạt động bán dâm.


http://danviet.vn/tin-tuc/dut-khoat-khong-cong-nhan-mai-dam-la-mot-nghe-863113.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét