Vụ MobiFone mua AVG: Quan chức và doanh nghiệp cấu kết rút ruột tài sản Quốc gia
16/03/2018 - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, việc cơ quan thanh tra xác định có thể thiệt hại 7.000 tỉ đồng chưa hẳn đã hết, mà con số có thể nhiều hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng chính là sự cấu kết của quan chức và doanh nghiệp nhằm trục lợi tài sản nhà nước.
Vụ MobiFone mua AVG có dáng dấp hoạt động như mafia
Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dù kết luận của TTCP về thương vụ này là rất chậm nhưng kết luận được ban hành cũng là điều đáng mừng.Chuyên gia này đánh giá, việc cơ quan thanh tra xác định có thể thiệt hại 7.000 tỉ đồng chưa hẳn đã hết, mà con số có thể nhiều hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng chính là sự cấu kết của quan chức và doanh nghiệp nhằm trục lợi tài sản nhà nước.
Ông Thịnh cho hay, việc quan chức có sân sau hoặc quan hệ với các doanh nghiệp không mới. Từ đó, họ tha hóa, làm cho đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước bị bẻ cong, làm lệch. Nguy hiểm hơn nữa là việc các quan chức liên kết với doanh nghiệp, hình thành nhóm lợi ích, tạo ra những chính sách chỉ đem lại lợi ích cho một vài doanh nghiệp, một nhóm cụ thể nào đó mà hủy hoại cái chung của nền kinh tế.
“Qua vụ này cho chúng ta một cái nhìn khá toàn diện và đầy đủ về hoạt động cấu kết của một nhóm lợi ích trong các cơ quan nhà nước với một doanh nghiệp nhà nước lớn, cấu kết với AVG để thực hiện một thương vụ mua bán. Có thể nói sự cấu kết này như hoạt động của mafia”, ông Thịnh nói.
Vị này nhấn mạnh: “AVG là một doanh nghiệp tư nhân, có nhiều hiểu biết pháp luật, thể chế và quan hệ rộng rãi nhưng đã cấu kết với MobiFone để thực hiện mua bán khi doanh nghiệp đã sa sút, khó khăn. AVG mang ra 4 đơn vị định giá và định giá “trên trời”. Sau đó MobiFone mua với giá thấp nhất nhưng giá này vẫn cao hơn hàng chục lần so với giá trị thực”.
“Điều này cho thấy đằng sau vụ này có một bàn tay rất lão luyện về kinh tế và mối quan hệ rất khủng khiếp chứ không đơn giản”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Còn về MobiFone, ông Thịnh cũng chỉ ra nhiều bất thường từ việc sắp đặt các vị trí nhân sự cao trong doanh nghiệp này trong giai đoạn chuẩn bị mua bán. “Điều này là không bình thường và rõ ràng có thế lực lớn đứng sau”.
Đáng nói hơn, ông Thịnh chia sẻ, khi thương vụ này xảy ra, cơ quan chủ quản đã đồng ý. Công luận, chuyên gia phản ánh thì bị “tắc” lại ngay vì Bộ Công an đưa thương vụ này vào danh sách tài liệu mật, trong khi đây chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần. Thực tế, với công ty TNHH một thành viên chẳng có gì bí mật, trong khi Bộ TTTT cho phép nó là bí mật vì lý do gì?
“Mức độ cấu kết không còn ở mức bình thường nữa, không chỉ là ở phạm vi 2 doanh nghiệp với nhau hay một quan chức với một doanh nghiệp, mà ở đây có sự cấu kết, hình thành mạng lưới, nhóm lợi ích rất lớn, ở cấp cao”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Điều này cũng thể hiện rõ qua việc Thanh tra Chính phủ vào cuộc nhưng hàng năm trời không ra được kết luận. Chỉ đến khi Ban bí thư chỉ đạo phải kết luận thì cơ quan thanh tra mới có chuyển động. “Nếu không có sự kiên quyết của Tổng Bí thư chắc cũng không có được báo cáo ở thời điểm này, không có sự hủy hợp đồng”, ông Thịnh nói.
Đề cập đến việc hủy hợp đồng, ông Thịnh cho rằng đây là hành vi chạy tội, là tình tiết tăng nặng chứ không phải giảm nhẹ như nhiều người đánh giá.
“Việc cấu kết với nhau là hành vi cố tình để tham nhũng, hối lộ, chia chác nhau tài sản nhà nước. sau một thời gian dài, nhiều đại biểu quốc hội lên tiếng, Ban bí thư chỉ đạo thì họ mới nhanh chóng hủy hợp đồng. Họ nghĩ trả lại tiền có thể thoát tội”, ông Thịnh nói và cho biết, nếu thực sự muốn khắc phục hậu quả sao họ không hủy từ sớm mà phải đợi tận khi Ban bí thư chỉ đạo rốt ráo mới gấp rút tiến hành?
Theo ông Thịnh, tất cả các vụ án kinh tế đều có mất mát. Vụ này họ chuyển tiền lại được thì việc thu hồi tài sản được khá nhiều. Đứng về mặt luật pháp, số tiền này chỉ là phần bồi hoàn chứ tội danh thì vẫn nguyên.
“Không chỉ mất mát tiền bạc mà quan trọng hơn, việc này còn gây bức xúc trong xã hộị, gây mất lòng tin vào đường lối chính sách của Đảng cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền và hoạt động của nền kinh tế”, ông Thịnh nêu.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nêu quan điểm: “Ngay trong phần kiến nghị, TTCP đã đề nghị phải hoàn thiện chính sách pháp luật. Điều đó nói lên rằng các quy định pháp luật của chúng ta chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các quy định pháp luật hiện nay quá lỏng lẻo mà vấn đề còn nằm ở người thực thi. Sau sự việc này cần rút ra bài học để quản lý cho chặt hơn”.
“Điều quan trọng ở đây là việc sử dụng quyền lực của những người có trách nhiệm có vấn đề. Khi quyền lực được trao vào tay cá nhân sử dụng với mục đích khác nhau thì hậu quả khác nhau. Người ta có thể dùng quyền lực để bẻ cong sự thật, bóp méo pháp luật. Đó là ý chí chủ quan của họ. Đó chính là trách nhiệm cá nhân trong việc tham mưu dẫn đến sai sót này”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bài học quan trọng rút ra là phải thượng tôn pháp luật. Khi có quy định, phải tổ chức thực hiện cho tốt. Tất cả các mắt xích, những người đứng đầu phải đủ tâm, đủ tầm, trong sáng. Công tác cán bộ phải có chất lượng. “Dù pháp luật của ta chưa hẳn đã kín kẽ hết nhưng với những quy định hiện có, nếu làm nghiêm thì sẽ ngăn chặn được tham nhũng, lợi ích nhóm rất nhiều”.
Đặc biệt, ông Vũ Quốc Hùng cũng nhấn mạnh vụ việc này cần xem xét lại trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. “Chúng ta có công cụ kiểm tra nhưng không sử dụng đến thì công cụ đó hoen rỉ. Lý do là tình trạng cá nhân chủ nghĩa, tay nhúng chàm thì không kiểm tra được; hoặc có cán bộ không tham nhũng nhưng yếu kém thì cũng không dám đụng vào những hành vi tham nhũng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét