Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Quỳ đã trở thành thói quen của người Việt?

Quỳ đã trở thành thói quen của người Việt !!! Tôi đã nói đến câu này khi chứng kiến đám học sinh lớp 8b trường Đoàn Kết, Hà Nội nhắm mắt, quỳ gối vâng lệnh thầy giáo chủ nhiệm ngồi kể tội, đấu tố nhau vào các chiều thứ 7 hàng tuần hồi giữa thập kỷ 1970, trong đó học sinh tích cực đấu tố nhất là Trương Quang Nghĩa, hiện là đương kim Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Hồi đó tôi đã vận động đấu tranh không cho ông thầy này làm chủ nhiệm lớp và đã thành công; các thế hệ giáo viên sau này dạy lớp tôi đều biết phải tôn trọng học sinh. Thời đại học, tôi cũng đã đấu tranh tương tự với một vài giáo viên khác và cũng thành công. Xin nói thêm là thời đi học, tôi rất được các thày cô giáo quý mến và tôn trọng, nhưng lại không được nhiều cán bộ lớp ưa thích. Khốn nạn thay, hơn bốn thập kỷ đã trôi qua, chỉ có một số người Việt dám đứng lên, còn tuyệt đại đa số người Việt khác vẫn không đứng lên được, vẫn im lặng và cam tâm chấp nhận sống chung với một nền giáo dục và một xã hội thối nát đến tột cùng hiện nay. Khốn nạn hơn nữa là bây giờ, người quỳ không chỉ là học sinh mà còn có cả giáo viên...
Tại sao cô giáo Nhung phải quỳ?
AI ĐÃ ĐÀO TẠO RA CÁC CÔ GIÁO NHƯ CÔ GIÁO NHUNG?
AI ĐÃ BỔ NHIỆM NHỮNG ÔNG HIỆU TRƯỞNG NHƯ ÔNG Ở TRƯỜNG BÌNH CHÁNH?
AI ĐÃ NHÀO NẶN RA CÁC BẬC PHỤ HUYNH NHƯ THẾ NÀY?
AI ĐÃ ĐƯA NỀN GIÁO DỤC VÀ XÃ HỘI ĐẾN TÌNH TRẠNG XUỐNG CẤP NHƯ HIỆN NAY?
Có một điều rõ ràng giá như tất cả chúng ta đã sớm cất lên tiếng nói, thì nền giáo dục và xã hội đã không xuống cấp như hiện nay!
Tại sao cô giáo Nhung phải quỳ?
Chiều 6/11/2017, tại trung tâm Hội nghị Quốc gia, hình ảnh chàng thanh niên quỳ lạy Jack Ma đã làm cho người Việt hổ thẹn, gây ra một làn sóng phẫn nộ trong xã hội, dư âm cho đến giờ vẫn còn chưa nguôi. Vậy mà ngày 28/2/2018, lại thêm tin cô giáo Nhung (giáo viên trường tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An) bị phụ huynh bắt quỳ 40 phút, đã như cơn địa chấn làm rung động cả xã hội.


Không có lẽ quỳ đã trở thành thói quen của người Việt?

Và câu hỏi đớn đau là:

TẠI SAO CÔ GIÁO NHUNG PHẢI QUỲ?

Có một cách đơn giản để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên. Đó là đặt các câu hỏi mang tính cốt lõi. Từ chuỗi các câu hỏi đó sẽ rõ nguồn cơn.

AI ĐÃ ĐÀO TẠO RA CÁC CÔ GIÁO NHƯ CÔ GIÁO NHUNG?

1. Bắt học sinh quỳ sò là hình phạt của các thầy giáo ngày xưa, hoàn toàn không thể chấp nhận trong thời đại ngày nay. Bất kể có thể, ngày đi học, hay trong trong gia đình, bản thân cô giáo Nhung đã bị phạt quỳ.

2. Nếu đã lỡ bắt học trò phải quỳ, cũng chỉ là hình phạt cảnh cáo tròng vòng 1- 3 phút. Nhưng phạt quỳ đến 40 phút là rất không thương học trò.

3. Khi bị phụ huynh yêu cầu quỳ, thì dứt khoát không thể quỳ.

Vậy ai đã đào tạo ra những cô giáo như cô giáo Nhung?

AI ĐÃ BỔ NHIỆM NHỮNG ÔNG HIỆU TRƯỞNG NHƯ ÔNG HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG BÌNH CHÁNH?

1. Giàn xếp với phụ huynh không chỉ là cô giáo Nhung, mà trách nhiệm chính là của ông hiệu trưởng trường Bình Chánh. Ông là người đứng đầu cơ quan nên là người chịu trách nhiệm đầu tiên cho mọi sự vụ xảy ra trong nhà trường.

2. Ông hiệu trưởng không giải quyết dứt điểm, bỏ mặc cô giáo Nhung đương đầu với phụ huynh là chối bỏ trách nhiệm, đẩy trách nhiệm của mình sang người khác.

3. Bỏ mặc thuộc cấp của mình trong khó khăn, nhất là phụ nữ, là hành động đáng coi khinh.

Vậy ai đã bổ nhiệm những ông hiệu trưởng như ông hiệu trưởng trường Bình Chánh?

AI ĐÃ NHÀO NẶN RA CÁC BẬC PHỤ HUYNH NHƯ THẾ NÀY?

1. Bắt một người lớn phải quỳ là phạm tội hạ nhục người khác.

2. Thầy giáo được đặt ngàng hàng với bố mẹ. “Mồng một tết cha. Mồng hai tết mẹ. Mồng ba tết thầy”. Làm nhục cô giáo dạy con mình là phỉ nhổ lên truyền thống tôn sư trọng đạo, là tự sỉ nhục chính mình.

3. Đáp lại một cái sai bằng một cái sai khác là sự trả thù hạ sách không có hồi kết.

4. Đến trường học truy bức cô giáo như ở nhà mình là coi thường kỷ cương pháp luật.

Vậy ai đã nhào nặn ra các bậc phụ huynh như thế này?

Cả ba câu hỏi trên đều có chung một câu trả lời: Nền giáo dục xuống cấp và xã hội xuống cấp.

Câu hỏi hiển nhiên tiếp theo là:

AI ĐÃ ĐƯA NỀN GIÁO DỤC VÀ XÃ HỘI ĐẾN TÌNH TRẠNG XUỐNG CẤP NHƯ HIỆN NAY?

Câu trả lời bỏ ngỏ!

GIÁ NHƯ

Kẻ sĩ có thể bị chém giết nhưng không thể bị nhục mạ. Khi mà thầy giáo bị sỉ nhục là dấu hiệu cùng đường.

Giá như các bậc phụ huynh đừng ép buộc!
Giá như ông hiệu trưởng đủ trách nhiệm để cản ngăn!
Giá như cô giáo Nhung đủ dũng cảm để không quỳ!…

Nhưng có ai biết nồi cơm của cô giáo Nhung có thể sẽ trống rỗng nếu cô không cam chịu quỳ 40 phút?

Đâu chỉ là nồi cơm, mà có thể còn là món nợ khổng lồ đang đeo đẳng vì chạy chỗ làm việc? Là món nợ cộng thêm để có thể chuyển trường?

Tất cả… có thể là ngụy biện. Nhưng có một điều rõ ràng, rằng,
giá như tất cả chúng ta đã sớm cất lên tiếng nói, thì nền giáo dục và xã hội đã không xuống cấp như hiện nay!

Nguyễn Ngọc Chu
FB Nguyễn Ngọc Chu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét