Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

Ngày đầu năm mới nhớ tới Metro Paris

Metro Paris
NGỌC DIỄM VBF-Phương tiện tàu ngầm tiện lợi đã đi sâu vào ý thức của người Paris. Dường như các thành phố lớn đều phải học hỏi xây Metro ngầm của Pháp. Trông rất chằng chịt nhưng thực ra có thể hiểu đơn giản.

Ảnh hướng dẫn ba phương tiện lưu thông công cộng tại Paris. 
Mỗi lần nhìn thấy chữ RATP (Régie Autonome des Transports Parisiens) là dân chúng Pháp biết ngay đến hệ thống chuyên chở công cộng vĩ đại thuộc về sở hữu quốc gia. Nước Pháp có ba loại công chức được trọng dụng để phục vụ cho Nhà Nước, Lãnh Thổ và Bệnh Viện. Tổng cộng con số công chức lên tới khoảng hơn 5 triệu người. Nhà Nước lưu dụng 46% cho tất cả các thứ phục vụ trong đó có cơ sở RATP, 34% cho địa hạt đất đai, và 20% làm trong các nhà thương và những cơ sở xã hội liên quan. 

Hệ thống xe điện ngầm Paris được xây dựng từ năm 1900 để độc lập với đường xe lửa và chuyên chở người từ thủ đô đến các ngoại ô và ngược lại. Cái tên viết tắt RATP xuất hiện từ năm 1948 từ vài tên cũ xa xưa lỗi thời và có vẻ sẽ được giữ lâu dài hơn nhiều vì nó đã được 70 tuổi rồi. Cơ quan này còn điều hành hai đường xe điện ngầm quan trọng kiêm thêm nhiệm vụ đưa khách đến phi trường quốc tế là RER (A và B), xe buýt Paris nối liền ngoại ô, và tám đường xe điện lộ thiên tramway T1, T2, T3a, T3b, T5, T6, T7,T8. Riêng phần xe cộ lưu động dùng đến thuộc về sở hữu của hãng STIF (Syndicat des Transports dIle-de-France).


“Mind the gap between the train and the plateform,” khoảng cách đáng sợ. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Xe điện ngầm, sở hữu của xưởng STIF. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

RER là ba chữ hoa lớn viết tắt của Réseau Express Régionale dIle-de-France. Ngoài ra còn loại xe VAL (véhicule automatique léger) cũng là một thứ xe điện ngầm nhỏ gọn rất tiện lợi chở khách đến các chỗ khác nhau của phi trường quốc tế Charles-de-Gaulle là nơi đi hay nơi về. Xe lửa Transilien chuyên chở khách ngoại ô Paris.

Trong các phương tiện đã kể để chuyên chở hành khách, xe điện ngầm Paris dẫn đầu với con số trung bình thí dụ cho năm 2012 là 5 triệu người mỗi ngày! Vì vậy hệ thống chuyên chở tiện lợi này được bỏ phiếu quốc tế bầu cho là tốt nhất thế giới cho đến nay chưa bị truất ngôi. Rất nhiều nước đã bắt chước Pháp để có hệ thống xe điện ngầm, chẳng hạn Việt Nam đang thi công xây dựng tại Sài Gòn.

Thông tin mới nhất cho biết đến năm 2018 sẽ hoàn thành tuyến đường metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên dài 20 cây số đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương. Dự án giá $2.5 tỷ đô-la thi công từ năm 2012 cho đến 2018 là xong. Dĩ nhiên, nhà thầu Pháp tên là Systra lãnh bộn bạc vì có tay nghề nguồn gốc chủ chốt.

Đây là một công ty thầu chuyên môn thực hiện các hệ thống kiến trúc đường giao thông trong lòng quốc gia. Họ cung cấp cố vấn và kỹ sư cùng các chuyên viên xây dựng với 60 năm kinh nghiệm trong nghề. Việt Nam đã chọn đúng chuyên gia có mặt trong 80 nước thế giới để cung cấp đường xe điện ngầm. Công ty cũng rất đa dạng khi dùng người của 45 quốc tịch khác nhau để thi công. Trụ sở hành chính Systra đặt tại quận 15 của thủ đô Paris.


Quảng cáo Múa Rối Nước từ Việt Nam sang trình diễn gắn trong đường hầm. (Ngọc Diễm/Viễn Đông)

Xe điện ngầm Paris trông có vẻ chằng chịt ghê gớm trên bản đồ, thật ra chỉ có 16 đường đánh số khác nhau đa số nằm ngầm trong lòng đất thỉnh thoảng trồi lên lộ thiên rồi lại chui sâu xuống dưới mất dạng. Khoảng cách trung bình của 16 đường sắt ngắn ngủi tỏa ra từ trái tim thủ đô đến các quận khác nhau 20 cái và những tỉnh ngoại ô với các thành phố lớn 77 (Seine-et-Marne,78 (Yvelines), 91 (Essone), 92 (Hauts de Seine), 93 (Seine Saint Denis), 94 (Val de Marne), 95 (Val d'Oise) chỉ có 570 thước với thời gian chạy suốt là một phút rưỡi. 

Tính ra tổng cộng 16 đường dây dài 220 cây số mang khách đi khắp nơi với vận tốc trung bình chậm nhất là 21 cây số giờ đường số 4 và 39 cây số giờ đường 14. Trên đường thẳng bon bon, có thể lên đến 70 cây số giờ tối đa. Tên của những đường métro được đặt ra dễ nhớ theo thứ tự là số 1, số 2, số 3, số 3 bis là tuyến đường ngắn nhất của quận 20 với bốn trạm ngừng cho khoảng cách 1300 thước chạy bốn phút mà thôi, số 4... cho đến số 14 và có số 7 cộng thêm 7 bis cũng ngắn ngủn sau cái 3 bis thuộc quận 19.


Ảnh lớn cung cấp bởi RATP, với 16 đường métro bao phủ thủ đô và ngoại ô Paris.


Thang máy hay cầu thang hàng chục bậc đi lên lúc rời khỏi xe điện ngầm. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Riêng về con số trạm đón xe điện ngầm, đó là 302 cái có tên gọi và 383 điểm ngừng. Theo ngôn ngữ nhà nghề của métro, thì trạm đón khách có chiếc métro luôn luôn ngừng lại theo chương trình tính sẵn trong mấy giây dù không có ai lên xuống gì cả. Còn điểm ngừng là khi có khách bấm nút yêu cầu dừng lại để họ xuống. Con số 302 trạm đón khách chia ra cho 16 đường dây thì những đường đông người lui tới nhất có nhiều trạm nhất theo sự thông dụng hợp lý. Đó là đường số 7 và 8 với 38 trạm, những đường còn lại có từ 4 ít nhất cho tới 8, 9, 13... và 32.


Trạm xuống tên là toà đô sảnh phố Montrouge. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Quảng cáo phim Foreigner, Thành Long-Jacky Chan giữ vai chính cuối năm 2017. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Lối đi trong hầm xe điện ngầm rộng rãi và sạch sẽ, vách đầy quảng cáo. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)


Lối ra khỏi hầm xe điện ngầm để lên đường phố lớn bên ngoài. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Lối vào trạm xe điện ngầm trên mặt tiền đường xe chạy mang tên đường dây có số ghi bên trong hầm thường khi được trang trí theo kiểu Art Nouveau Tân Nghệ Thuật do nghệ sĩ Guimard thực hiện (Edicule Guimard) trông rất thanh nhã hoa lá cành. Ông Hector Guimard thực hiện hai kiểu lối vào Đóng và Mở bên hông, đóng khi hông có vật liệu che kín và mở khi nó trống.

Vật liệu thật đơn giản với các tấm plastic và những thanh sắt thẳng băng hay uốn lượn thật đẹp. Guimard trở thành bất tử nhờ các kiến trúc lối vào trạm métro Paris tuy ông còn rất nổi tiếng với các công trình kiến trúc trang trí khác. Từ trường Trang Trí, ông vào đại học Kiến Trúc nhưng lại mất tấm bằng kiến trúc sư chỉ vì thi tuyển thất bại trong việc thực hiện một công trình quan trọng. (nd)

http://vietbf.com/forum/showthread.php?t=1125384

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét