Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Nói thẳng: Giáo dục nặng mùi tiền

Nói thẳng: Giáo dục nặng mùi tiền
Các vị không biết làm phép toán hay chỉ biết nhắm mắt mà thu, sống chết mặc bây – tiền thầy bỏ túi? Xem “hoá đơn” thu tiền đầu năm ở Trường THCS Minh Tân (xã Minh Tân, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) đã thấy “choáng”.
Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Nghe tin Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) thu tiền học 16 triệu đồng/em/năm, muốn xỉu!
Tiền gì mà thu dữ vậy, đồng phục mà những 750.000 đồng, trong khi nhiều em vẫn còn đồng phục cũ có thể tiếp tục sử dụng?
Phụ huynh thắc mắc thì hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân bảo “đồng phục đã lỡ đặt, giờ gia đình học sinh mua giùm chứ biết tính sao”.


Các khoản thu đầu năm học mới - Ảnh: CTV

Tính sao là tính sao, đâu phải gia đình học sinh nào cũng có điều kiện, ngoài 750.000 đồng ấy họ còn phải đóng hơn 8 triệu đồng cho gần 20 khoản khác (mà chưa chắc hợp lý), ai tính giùm họ?

Bày ra thế trận đã rồi như vậy để đưa cha mẹ học sinh “vào tròng” là việc làm đáng xấu hổ, không nên để xảy ra trong môi trường sư phạm, được “đạo diễn” bởi người thầy lại càng không nên. Làm vậy dễ khiến người ta nghĩ có chuyện lại quả “phần trăm” trong các hợp đồng thuê ngoài cung ứng trang phục, suất ăn, cơ sở vật chất…

Người thầy không thể là con buôn, không phải là con buôn, dứt khoát như thế!

Và phụ huynh không phải là máy in tiền.

Quả là, không khí đầu năm học sặc mùi tiền khi khắp nơi lạm thu. Ngôi trường mang tên danh nhân nổi tiếng với “Thất trảm sớ” ở Cao Lãnh, Đồng Tháp đóng đinh vào bàn chân của người nghèo bằng khoản thu 16 triệu đồng/em/năm.

Khi bị dư luận soi và người bị thu phản ứng thì UBND TP Cao Lãnh tổ chức họp báo, trưởng phòng GD-ĐT TP này giải thích khoản thu sở dĩ cao là do học bán trú và Anh văn tăng cường, 16 triệu chia đều cả năm chứ không thu một lần. Các khoản thu do Ban Đại diện Cha mẹ học sinh tự nguyện đưa ra nên có sự chưa thống nhất, gây xôn xao dư luận.

Và chức sắc phụ trách giáo dục địa phương kết luận xanh rờn: Khoản thu 16 triệu đồng năm là “đúng với quy định”.

Nói thật với các ông: Các ông nói vậy là quá coi thường dư luận!

Đừng mượn tay Ban Đại diện Cha mẹ học sinh để “huy động vốn” giùm nữa. Hãy tách bạch các khoản thu do trường đưa ra và các khoản thu do Ban Đại diện Cha mẹ học sinh vận động để tránh tình trạng Ban này làm cánh tay nối dài cho hiệu trưởng, cũng để lỡ có gì thì Ban không bị đổ thừa.

16 triệu đồng/năm đối với học sinh tiểu học tỉnh lẻ quả là rất nặng, chia cho 9 tháng học thì phí – quỹ mỗi tháng đã gần 1,8 triệu đồng, các vị không biết làm phép toán hay chỉ biết nhắm mắt mà thu, sống chết mặc bây – tiền thầy bỏ túi?

Đừng quên rằng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang là vùng trũng giáo dục của cả nước, tỉ lệ trẻ bỏ học cao nhất nhì cả nước và thu nhập bình quân đầu người cũng thấp hơn mức trung bình thu nhập bình quân đầu người cả nước khá xa.

Đừng quên rằng gần 1,8 triệu đồng/tháng là khoản thu rất nặng nề đối với đại đa số hộ gia đình ở miền Tây, nơi mà có khi làm lúa mất 3 tháng trời nhưng thu về chưa được 2 triệu đồng, thậm chí mất trắng vì thiên tai và biến đổi khí hậu.

Đừng quên rằng đó là khoản thu rất cao đối với cấp tiểu học, bậc học được nhà nước ưu tiên đầu tư về mọi mặt. Nhà có 2-3-4 con đi học cùng lúc mà đóng tiền tháng kiểu này thì “móp”, chỉ còn nước… bán nhà!

Một nền giáo dục nhân văn, tiến bộ thì đừng để xảy ra cảnh học sinh phải ôm mặt khóc nức nở do bị đuổi học vì không đủ tiền đóng học phí.

Nói cách khác, môi trường sư phạm phải thanh cao và bàn tay nhà giáo phải sạch sẽ, tránh xa bụi bẩn của kim tiền.

Bao giờ chúng ta đạt được điều đó, chưa biết. Ngay bây giờ, trước tình trạng lạm thu nhức nhối như thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng ra văn bản suông nữa mà hãy làm gì đi chứ?!

Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét