Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

BOT "làm 1 khai 3": Lợi ích nhóm, toàn dân phải gánh?

Làm 1 khai 10 đang là chuyện hàng ngày ở chế độ này
BOT "làm 1 khai 3": Lợi ích nhóm, bưng bít, toàn dân phải gánh?
"Đấu thầu của chúng ta hiện nay không cẩn thận còn nguy hiểm hơn chỉ định", ông Trương Thanh Đức nhận định. Bởi tình trạng "quân xanh quân đỏ", đấu thầu hình thức, đấu thầu giả vờ vẫn xảy ra. Đấu thầu rất dễ trở thành hợp thức hóa các sai phạm.
Đấu thầu hay chỉ định?
Quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức nêu tại Tọa đàm về dự án BOT sáng nay 8/9. LS Trương Thanh Đức bày tỏ lo ngại tiêu cực tại các dự án BOT khi theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ chỉ ra 100% các dự án BOT chỉ định nhà đầu tư. Ông Đức cho rằng khi đó nhà đầu tư chẳng cần quan tâm gì cả, được chỉ định giá bao nhiêu cũng được, làm bao nhiêu cũng xong. Phương châm 3 tự của nhà đầu tư: tự bỏ vốn, tự xây dựng, tự thu phí chứa đựng nguy cơ tham nhũng.


Tuy nhiên, theo ông chưa chắc 100% các dự án đầu thầu cũng tốt hơn chỉ định. Vị luật sư lý giải: "Khi chỉ định thầu, người ký dự án phải cân nhắc đến khả năng thực hiện của nhà đầu tư. Nếu chỉ định nhà đầu tư "vớ vẩn", chỉ định thất bại, lừa lọc người chỉ định sẽ phải chịu trách nhiệm".

"Đấu thầu của chúng ta hiện nay không cẩn thận còn nguy hiểm hơn chỉ định", ông Đức nhận định. Bởi hiện nay, tình trạng "quân xanh quân đỏ", đấu thầu hình thức, đấu thầu giả vờ vẫn xảy ra. Đấu thầu rất dễ trở thành hợp thức hóa các sai phạm.

"BOT mà không đấu thầu, không minh bạch đó là lợi ích nhóm vì có một nhóm người thỏa thuận với nhau về giá thu, thời gian thu để cho toàn dân phải chịu. Đây là lợi ích nhóm, phải xóa bỏ nó đi. Họ làm 1 đồng họ khai 3 vì họ được tự ý khai vốn, tự ý lập dự án đầu tư, tự ý tất cả”, ông Nguyễn Việt Bắc, Giám đốc công ty TAVIBA bày tỏ.

Ông cho rằng dù có được đấu thấu nhưng chỉ một "góc Bộ Giao thông" cũng sẽ không đảm bảo tính công bằng minh bạch. Cơ quan chức năng hợp lý hóa chỉ định thầu bằng cách mở thầu xong kêu không có ai đăng ký. "Có khi một nhóm nhỏ thân thân quen ở một góc nào đấu thầu với nhau không ai biết", ông Bắc bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Quỹ chống hàng giả bày tỏ lo ngại trước tình trạng đấu thầu nhưng dưới sự ảnh hưởng của các doanh nghiệp sân sau trong các dự án BOT. "Vốn dự bán BOT được sử dụng theo kiểu "mỡ nó rán nó", chỉ cần quan hệ và khoảng 10 - 15% vốn là có thể được giao dự án BOT. Điều này triệt tiêu các doanh nghiệp làm ăn chân chính có đủ năng lực tham gia thị trường", ông Hùng chia sẻ.

Cho rằng Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ trong khi gói thầu BOT đều hàng trăm tỷ đồng, ông Nguyễn Việt Bắc đề xuất có thể chia nhỏ thành các gói thầu khác nhau để nhiều doanh nghiệp có thể tham gia. Để gói quá lớn, các doanh nghiệp không làm sao có tiền làm, tiền đó sẽ là tiền đi vay ngân hàng, tiền rủi ro.

Ngoài ra, thay vì để chủ đầu tư làm trọn gói, ông Bắc cho rằng phải đấu thầu cả hai giai đoạn tổng mức đầu tư và đấu thầu mức thu phí.

Thông tin BOT bị bưng bít?

Có mặt tại hội thảo, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đưa ra dẫn chứng về tình trạng thiếu minh bạch, bị bưng bít thông tin khi triển khai các dự án BOT.

Ông Liên cho biết có trong tay hợp đồng BOT ký giữa thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và các nhà đầu tư.

Cụ thể ông Liên dẫn chứng bất cập tại điều 76.6 bảo mật về nghĩa vụ chung của các bên tham gia hợp đồng: "Không được tiết lộ thông tin đã tiếp cận cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào ngoại trừ nhân viên và cố vấn của bên đó hoặc Bộ GTVT".

Theo hợp đồng này các thông tin bảo mật là những thông tin về pháp lý, tài chính, thương mại, kỹ thuật, công nghệ, bí quyết và các thông tin khác trực tiếp tới gián tiếp liên quan tới nội dung hợp đồng hoặc dự án trong hợp đồng BOT.

“Tôi cho rằng cái này trái với quy định của Nhà nước. Đã là hợp đồng kinh tế lại là bí mật. Điều này ngược với Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về phản biện xã hội. Tức là không cho ai biết thì làm thế nào người ta giám sát được. Cho nên chúng tôi cho rằng đây là nguồn gốc của những bất cập, sự phát sinh từ đó”, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhấn mạnh.

Ông Liên cho rằng bất cập ở Cai Lậy xảy ra như thế, 12 km đường tránh lại thu ở Quốc lộ 1. Bất cập đến từ sự không minh bạch.

Không thể nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo

"Tôi cho rằng đầu tư BOT là rất tốt, người dân và doanh nghiệp vận tải được đi trên những con đường bóng loáng, tốc độ nhanh, đỡ tốn xăng dầu, không khí trong sạch... Vì vậy, đề nghị phía cơ quan nhà nước khẩn trương khắc phục những tồn tại đó", ông Bùi Danh Liên nhận định.


Đại diện Hiệp hội vận tải chia sẻ một xe từ bến xe nước ngầm vào Hà Tĩnh một tháng 18 triệu phí BOT. Như vậy phí vận tải sẽ tăng lên.

Trước ý kiến mới đây của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng phí BOT không tác động đến 7 triệu người đi xe máy, vì phí BOT đã miễn phí cho đối tượng này, ông Liên cho rằng nói BOT không tác động đến người nghèo với lý do người nghèo đi xe máy là không thỏa đáng. Nói như vậy là trái luật vì đường cao tốc không đi xe máy, đi xe máy cũng đi gần, muốn vào Hà Tĩnh người nghèo vẫn phải đi ô tô.

"Tác động BOT toàn xã hội, làm tăng chi phí vận tải, kéo theo tăng chi phí hàng hóa. Đây là tác động dây chuyền", ông Liên khẳng định.

Minh Tâm
(Infonet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét