Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Về hưu…

Về hưu…
Cái cách mà một số quan chức đang làm trước khi về hưu coi bộ không giống ai. Chẳng giống “ta” mà cũng chẳng giống “Tây”.
Cái đạo làm quan ngày xưa vốn ca tụng sự thanh liêm, thanh bạch nhất định không có chỗ ở thời này khi mà đến một suất đi nước ngoài trước khi rời nhiệm sở họ cũng cố “tranh thủ” tận hưởng! Đơn cử là chuyện một số tỉnh đã cử cán bộ lãnh đạo sắp nghỉ hưu đi nước ngoài học tập kinh nghiệm về xây dựng các công trình chống nước biển dâng, chống ngập… do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu tại Hà Lan và Nga, đi Canada để “tham quan, học tập kinh nghiệm xổ số”, đi tham quan, nghỉ dưỡng tại Hàn Quốc trước khi nghỉ hưu…

Người dân thấp cổ không thể không ngao ngán trước những hành vi như thế. Người dân nào mà chẳng ao ước được cai trị bởi những bậc hiền thần, xứng mặt công hầu khanh tướng. Tin rằng lứa học trò ngày nay, khi được nghe giảng Kiều hay Nguyễn Công Trứ vẫn hiểu được mọi hàm ý của những câu như: “Phong trần mài một lưỡi gươm/Những phường giá áo túi cơm sá gì!”… để đừng hiểu sai ý nghĩa bốn chữ “vui thú điền viên” thành ra ngày về hưu sung sướng vì ruộng vườn cò bay thẳng cánh…!

Thật ra, cái đạo làm quan ngày xưa đó có khác chi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cần, kiệm, liêm, chính. Nhưng có lẽ do một số quan ngày nay vì “học qua loa”, không có thì giờ nghiền ngẫm cái đạo làm người, làm quan của dân tộc Việt, nên mới… tự cho phép “đi ngang về dọc” như thế với của công.

Không giống “ta” đã rõ, cũng chẳng giống “Tây”. Bởi lẽ, bất cứ một nền hành chính nào cũng đều đòi hỏi các viên chức của mình sự liêm chính (integrity) cùng với tính giải trình (accountability) là những từ khóa nền tảng của mọi nền hành chính. Anh chỉ có thể giữ mình liêm chính một khi anh biết rằng bất cứ việc gì anh làm, làm đúng hay làm sai, anh cũng đều phải chịu trách nhiệm “trả lời” cho việc anh đã làm. “Trả lời” cho chính bản thân anh trước hết, vì đó là nền tảng của lương tâm chức nghiệp – lại một từ nữa “xa xôi” chứ không hẳn là “xa xưa”! Không đơn giản là chỉ cần nghe định nghĩa “liêm chính là gì?” hay “giải trình là gì?”, mà còn phải “tắm” trong một bầu không khí đậm đặc văn hóa liêm chính, giải trình. Và điều đó chỉ có thể thấm sâu nếu trước đó người sinh viên hành chính, khi còn là học sinh trung học, đã được hun đúc bởi ba năm học nghị luận từ lớp 10 đến lớp 12, từ nghị luận văn chương đến nghị luận luân lý… Và Nhà nước sẽ tuyển chọn qua thi tuyển những học sinh nào mà bài thi thể hiện một sự chín chắn đạo đức xã hội như là một hứa hẹn có đủ thiên chức (vocation) làm công chức. Tại sao ở một số nước, học gì cũng tha hồ, song hành chính hay y khoa thì phải thi tuyển. Đơn giản vì hành chính (hay y khoa) là những nghề không dành cho mọi người, mà chỉ dành cho một số người có đủ thiên chức trong ý nghĩa vì tha nhân!

Một khi trúng tuyển vào trường hành chính sẽ học sâu hơn, hiểu sâu hơn, hiểu đến thấm nhuần tính liêm chính và tính giải trình để tâm niệm rằng chỉ đến ngày tôi bàn giao công việc, gói ghém mấy món đồ lặt vặt, chào các đồng nghiệp để bước ra mới gọi là hết trách nhiệm, còn ở lại thì tôi phải làm việc nghiêm túc cho đến tận kỳ cùng. Càng không ban phát cũng không thu vén “chuyến tàu chót”. Thật “lạ lùng” khi nghe báo chí tường thuật trong một cuộc họp báo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn căn dặn: “Mai nghỉ hưu, hôm nay vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ của mình, không phải sắp nghỉ thì không chịu trách nhiệm gì!”.

Thử trắc nghiệm xem ngày nay mấy người biết câu “giấy rách giữ lề” và đồng cảm với ý đó, để xem xã hội hiện tại đang như thế nào, có giống thế giới không. Còn nhớ đã có mấy chính khách Pháp, Nhật thân bại danh liệt vì những chuyến du lịch được mời này. Kể cả một anh nhà báo lớn (P.P.D.A) của Pháp ngày nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét