Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ: 13 cuộc chiến ân oán

Mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ: 13 cuộc chiến ân oán
(Hồ sơ) - Mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ là một mối quan hệ “đã trải qua nhiều thăng trầm”. Ngày 16/3/1921, nước Nga Xô Viết mới thành lập và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Hiệp ước Moscow. Đến ngày 22/9/1921, hai bên đã trao đổi công hàm phê chuẩn Hiệp ước nói trên. Theo Hiệp ước về thay đổi đường biên giới này, diện tích lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ được tăng thêm 30%.Những người Bolshevich Nga chấp nhận “đổi đất lấy hòa bình” - nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ một phần lớn lãnh thổ Armenia và Georgia (Gruzia). Hiệp ước này được ký dưới áp lực rất lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhóm vũ trang bất hợp pháp của Thổ vào thời gian này đã chiếm một phần lãnh thổ Nga Xô Viết ở Caucasus và đe dọa tiến sâu vào lãnh thổ nước Nga.
Lãnh thổ Đế chế Ottoman từ năm 1359 đến 1856
I. Vắn tắt về các cuộc chiến tranh Nga-Thổ
Kể từ nửa sau thế kỷ thứ XVII đến đầu thế kỷ thứ XX, Nga (quốc gia Moscow, sau đấy là Đế quốc Nga) và Đế chế Ottaman (sau là Thổ Nhĩ Kỳ) đã tiến hành 13 cuộc chiến tranh chống lại nhau.

Có thể tạm chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu: từ nửa cuối thế kỷ XVII đến năm 1774, các cuộc chiến tranh được thực hiện với mục đích chủ yếu là (Nga) giành quyền kiểm soát Vùng lãnh thổ trên bộ phía Bắc Biển Đen đồng thời Nga tìm cửa ra Biển Đen. Giai đoạn thứ hai (từ cuối thế kỷ XVIII) – Đế quốc Nga tìm cách mở rộng lãnh thổ sang khu vực Caucasus.

Những cuộc chiến tranh Nga-Thổ có ý nghĩa lớn đối với lịch sử thế giới và lịch sử của riêng Châu Âu bởi vì hai đế chế lớn nhất Châu Âu đánh nhau vì những lợi ích của mình và cùng với đó là sự can thiệp của các nước Châu Âu khác, đặc biệt là Pháp, Anh và Áo- Hung.


Các nước Caucasus hiện nay (Osetia, Georgia, Armenia, Azerbaijan – trước là thuộc Đế chế Ottaman – trên bản đồ) được sát nhập vào Đế quốc Nga trong thế kỷ XVIII)


Nga lấy được Crimea và vùng Kubăng (thủ phủ là Krasnodar –trên bản đồ) rộng lớn và màu mỡ hiện nay từ tay Đế quốc Ottoman trong cuộc chiến tranh 1774 đồng thời cũng đánh thông đường ra Biển Đen.

Do khuôn khổ một bài báo, chỉ xin trình bày rất vắn tắt về một số cuộc chiến tranh Nga - Thổ từ thế kỷ XVIII.

1. Chiến tranh 1710-1713 (dưới thời trị vì của Piot Đại đế). Không bên nào giành thắng lợi quyết định, nhưng có thể nói là Nga thua vì đã để mất thành phố Azov chiếm được trước đó của Thổ.

2. Chiến tranh 1735-1739 (dưới thời trị vì của Anna Ioanovna). Kết quả: Nga lấy lại Azov, nhưng không được quyền cho hạm đội của mình hoạt động trên Biển Đen.

3. Chiến tranh 1768-1774 (dưới thời trị vì của Nữ hoàng Ekacherina Đệ nhị). Kết quả: Nga giành thắng lợi lớn trong cuộc chiến tranh này. Nga chiếm được phần phía Nam Ukraine và Bắc Caucasus. Thổ Nhĩ Kỳ mất đồng minh Crimea, tuy Hầu quốc này chính thức không được sáp nhập vào Nga như Nam Ukraine và Bắc Caucasus nhưng được đặt dưới sự bảo hộ của Nga. Các tàu buôn của Nga có đặc quyền trên Biển Đen.

4. Chiến tranh 1787 – 1791 (cùng dưới quyền trị vì của Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị). Nga chiếm Ochalov (trên bờ Biển Đen, phía Tây Crimea), Crimea chính thức sáp nhập vào Nga, Nga chiếm vùng Kubăng, biên giới Nga – Thổ bị đẩy đến tận sông Nistru (bắt nguồn từ dãy Karpat chảy qua lãnh Thổ Ukraine và Moldova ra Biển Đen). Thổ buộc phải từ bỏ các đặc quyền của mình ở Gruzia.

5. Cuộc chiến tranh 1806-1812 (dưới thời Alexander Đệ nhất). Nga chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. Theo Hiệp ước hòa bình ký giữa hai bên, Nga sát nhập Bessarabia (Moldova).

6. Chiến tranh 1828-1829 (dưới thời trị vì của Nikolai đệ nhất). Cuộc đối đầu này xảy ra trong cuộc chiến tranh Hy Lạp giành độc lập. Kết quả: Nga xác lập chủ quyền đối với phần lớn vùng bờ phía Đông Biển Đen (kể cả các thành phố Anapa (nay thuộc Nga), Sujuk-Kale (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), Sukhum (nay là Sukhumi thuộc Cộng hòa Abkhazia ly khai khỏi Gruzia). Đế chế Ottaman thừa nhận quyền bảo hộ của Nga đối với Gruzia và Armenia. Serbia hưởng quy chế tự trị, Hy Lạp trở thành quốc gia độc lập.

7. Cuộc chiến tranh Crimea 1853-1856 (dưới thời Nikolai Đệ nhất). Thời kỳ đầu, Nga thắng Thổ. Anh và Pháp ra tối hậu thư đòi Nga chấm dứt việc xâm chiếm lãnh thổ Ottoman. Nga Hoàng bác bỏ đòi hỏi trên nên Pháp và Anh tham gia cuộc chiến tranh chống Nga cùng với Đế chế Ottoman.

Sau đó Áo- Hung cũng tham gia Liên quân. Liên quân giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này. Kết qủa Nga phải trả lại cho Thổ Nhĩ Kỳ tất cả các khu vực lãnh thổ chiếm được trong thời kỳ đầu chiến tranh, trao trả một phần đất Bessarabia cho Thổ Nhĩ Kỳ, mất quyền bố trí hạm đội trên Biển Đen. (Nga lấy lại quyền cho Hải quân của mình hoạt động trên Biển Đen sau khi Phổ đánh bại Pháp trong cuộc chiến tranh 1870-1871).

8. Chiến tranh 1877-1878 (dưới thời Alexander đệ nhị). Kết quả: Nga chiếm các thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ như Kars (nay lại thuộc Thổ), Ardahan (nay lại thuộc Thổ) – xin nói rõ hơn ở phần sau và Batum (nay là Batumi – thuộc Gruzia), lấy lại khu vực lãnh thổ Bessarabia bị mất trong cuộc chiến tranh trước.

Đế chế Ottoman mất gần như gần hết các khu vưc lãnh thổ có người Thiên chúa giáo và người Slavian sinh sống ở Châu Âu. Serbia, Chernogoria, Bosnia, Romania và một phần Bulgaria giành độc lập từ Đế chế Ottoman.

II. Hiệp ước bất lợi cho Nga đầu thế kỷ XX


Ngày 16/3/1921, nước Nga Xô Viết mới thành lập và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Hiệp ước Moscow. Đến ngày 22/9/1921, hai bên đã trao đổi công hàm phê chuẩn Hiệp ước nói trên.

Theo Hiệp ước về thay đổi đường biên giới này, diện tích lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ được tăng thêm 30%. Đại diện cho phía Thổ Nhĩ Kỳ ký Hiệp ước là Iusuf Kemal-beia, tiến sỹ Riza Nur –ben và Ali Fual Pashi thay mặt cho chính phủ Kamalis (chưa được nước nào trên thế giới công nhận vào thời điểm đó).

Theo Hiệp ước này, những người Bolshevich Nga chấp nhận “đổi đất lấy hòa bình” - nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ một phần lớn lãnh thổ Armenia và Georgia (Gruzia). Hiệp ước này được ký dưới áp lực rất lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhóm vũ trang bất hợp pháp của Thổ vào thời gian này đã chiếm một phần lãnh thổ Nga Xô Viết ở Caucasus và đe dọa tiến sâu vào lãnh thổ nước Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành các cuộc đàm phán bí mật chống Xô Viết với các nước ANTANTA, còn nước Nga Xô Viết bị kệt quệ vì nội chiến không đủ sức để ngăn chặn một cuộc xâm lược có thể xảy ra trong khi lực lượng hiếu chiến ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch thành lập một “Đại Turan” kéo dài đến tận Kazan và Altai (Nga).

III. Chiến tranh Thế giới II đến thời điểm Su-24 bị bắn hạ

Trong Chiến tranh Thế giới II, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố trung lập.

Vào những tháng cuối năm 1945, tờ “Pravda” (Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô) cho đăng bức thư ngỏ của các Viện sỹ người Georgia (Gruzia) S.Janashia và N.Berdzenishvili với nội dung là Thổ Nhĩ Kỳ đã dựa vào sức mạnh vượt trội để tước đoạt của Quốc gia Xô Viết non trẻ một loạt các khu vực lãnh thổ thuộc quyền hợp pháp của Georgia.

Tất nhiên, nếu không được sự cho phép của I.V.Stalin thì không ai dám cho đăng bức thư với nội dung như vậy. Trong thư của hai viện sỹ nói trên cũng liệt kê những khu vực lãnh thổ mà Thổ Nhĩ Kỳ đã “tước đoạt” của Georgia đồng thời nhấn mạnh: “Nhân dân Georgia cần phải lấy lại những phần đất của mình và không bao giờ từ bỏ ý định đó”.

Đấy là những tín hiệu rõ ràng về việc Moscow thời Liên Xô những năm cuối thập kỷ 40 đã có ý định xé bỏ Hiệp ước Moscow năm 1921.

Sau đó, Liên Xô đưa ra các yêu sách lãnh thổ đối với Thổ Nhĩ Kỳ (đòi trả lại các lãnh thổ đã chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ năm 1921 theo Hiệp ước nói trên) và yêu cầu thay đổi quy chế các eo biển trên Biển Đen, kể cả việc Liên Xô có quyền xây dựng căn cứ Hải quân ở eo biển Dardanelles - một eo biển hẹp ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ kết nối biển Aegea với biển Marmara. Nhưng những yêu sách trên không được các cường quốc khác ủng hộ.

Năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO. Ngày 30/5/1953, Chính phủ Xô Viết ra tuyên bố có nội dung “chính phủ Armenia và Azerbaijan (các nước cộng hòa thuộc Liên Xô) cho rằng có thể từ bỏ các yêu sách lãnh thổ với Thổ Nhĩ Kỳ”.

Năm 1961, Tổng thống Mỹ Kennedy quyết định bố trí tại Thổ Nhĩ Kỳ tên lửa tầm trung “Jupiter”, Lãnh đạo Liên Xô Khrushov đáp trả bằng việc bố trí tên lửa tại Cuba dẫn đến vụ khủng hoảng vịnh Caribe nổi tiếng.

Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ Nga- Thổ cũng hầu như không được cải thiện. Năm 1992, bắt đầu nổ ra cuộc chiến tranh Armenia - Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagornyi Karabak, Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tài chính và quân sự cho Azerbaijan, còn Nga bố trí căn cứ quân sự của mình tại Gyumri trên lãnh thổ Armenia để hỗ trợ nước này. Nhưng mọi việc chỉ dừng lại ở đó.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia vào các biện pháp cấm vận kinh tế chống Nga, không những thế Ankara còn đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với Nga.

Trong những năm trở lại đây, Nga là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Kim ngạch thương mại Nga-Thổ tăng từ 4,36 tỷ USD năm 2001 lên 31 tỷ USD năm 2014.

Cuối năm 2014, chính Erdogan còn cam kết tăng kim ngạch lên 100 tỷ USD trong 5 năm tới. Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua nhiều khí đốt của Nga, chỉ sau Đức. Các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều hợp đồng lớn ở Nga.

Khách du lịch Nga vẫn là một nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ (nước này có những chính sách ưu đãi cho khách du lịch Nga như miễn thị thực v.v). Nga cũng là nước xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ.

http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/moi-quan-he-nga-tho-nhi-ky-13-cuoc-chien-an-oan-3293847/

1 nhận xét:

  1. Nhược điểm của ông Putin là đã đến quá muộn, khi al-Assad - bạn đồng minh hiếm hoi - đã bị mất nhiều vùng đất rộng lớn, bị mất hết uy thế do gây nên nhiều vụ tàn sát dân thường. Ông Putin cũng đã chậm chân vì IS đã chiếm được một vùng lãnh thổ rất rộng - 1/3 diện tích Syria và 1/4 diện tích Iraq - thực hiện chính sách giết người man rợ, chuyên chặt đầu tù binh và con tin, trở thành kẻ thù chính của toàn thế giới.

    Nước cờ đã tưởng là cao tay của ông Putin hóa ra là nước cờ quá thấp, trái khoáy. Cho đến khi máy bay hàng không dân dụng của Nga bị IS đặt bom làm chết hơn 200 thường dân Nga, ông Putin mới tỉnh ra đôi chút, buộc phải coi IS thực sự là kẻ thù của mình để tập trung các cuộc không kích vào nhóm cuồng chiến man rợ này, nhưng ông Putin không chịu buông bỏ al-Assad, vẫn chơi trò 2 mang, tỏ ra thiếu viễn kiến, thiếu sự bén nhạy của một sỹ quan tình báo lão luyện. Ông còn tiếp đón al-Assad tại Moscow một cách rất thân tình. Sau khi chuyển sang tập trung đánh vào IS, ông Putin vẫn còn tiếc rẻ, tiếp tục đi theo lối mòn cũ, giả dối cam kết với Hoa Kỳ và Liên Âu sẽ tập trung không kích mạnh hơn các cơ sở của IS, nhưng vẫn dành một tỷ lệ cao các cuộc oanh kích đánh phá các nhóm nổi dậy chống al-Assad, trong đó có các nhóm người gốc Thổ ở phía Tây Bắc Syria, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

    Và tai nạn không bất ngờ đã xảy ra. Theo loan báo của Thổ Nhĩ Kỳ, một máy bay Sukhoi Su-24 của Nga bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và đã bị máy bay F-16 của Thổ bắn hạ. Ông Putin lên án Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng chiếc Su-24 không hề vi phạm không phận Thổ, và tố cáo Thổ cố tình «đâm sau lưng» Nga. Ông Putin rất cay khi Tổng thống Barack Obama khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có quyền chính đáng bảo vệ không phận quốc gia, đồng thời kêu gọi 2 bên tránh leo thang đối đầu. Liên Âu cũng có lập trường tương tự. Mối liên lạc quân sự Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bị cắt đứt, nhưng 2 bên đều thấy không thể căng thẳng thêm.

    Ông Putin thêm bẽ bàng vì 1 trong 2 phi công từ chiếc Su-24 nhảy dù ra bị thiệt mạng. Hai trực thăng Mi-8 của Nga đến cấp cứu thì một bị bắn rơi, 1 người lái trúng đạn, gây ra một tổn thất kép cho phía Nga trong vụ này. Phía nổi dậy người Syria và Thổ Nhĩ Kỳ nói thẳng ra rằng nếu như ông Putin giữ lời hứa tập trung không kích IS là kẻ thù chung, từ bỏ chủ trương đánh phá các nhóm người Syria và người Thổ Nhĩ Kỳ, xem họ là đồng minh cùng chống al- Assad, thì đã không thể xảy ra những chuyện đáng tiếc như vậy.

    Trả lờiXóa