Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Tri thức thời vụ và phát triển địa phương

Tri thức thời vụ và phát triển địa phương
TTCT - Điều cần thiết nhất cho phát triển bền vững chính là dòng luân chuyển tri thức thật sự ở tầng thấp nhất của nền kinh tế, tức là kiến thức mang tính ứng dụng để giải vô số bài toán phát triển đang vướng mắc ở khắp mọi nơi. Có rất nhiều kênh chuyển giao tri thức và nhiều cách thức sử dụng nguồn nhân lực mà các địa phương có thể tham khảo.

Tận dụng được nguồn luân chuyển tri thức là sử dụng được nguồn vốn phi tài chính, góp sức phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Trong ảnh: Sinh viên Việt Nam gặp gỡ chuyên gia nước ngoài và Việt kiều tại chương trình Gặp gỡ Việt Nam diễn ra ở Quy Nhơn hằng năm -Hoa Khá
Tiếp biến tri thức

Các tổ chức quốc tế chuyên về phát triển kinh tế sau thời gian nhắc nhở về kiều hối thì nay tập trung hơn vào một loại hình kiều hối rất đặc biệt và vô cùng hiệu quả: kiều hối tri thức. Kênh chuyển giao tri thức nằm ngay trên con đường từ tỉnh này sang tỉnh khác, nhất là từ các thành phố lớn về nông thôn qua các sinh viên. Chưa kể một nguồn tri thức thời vụ đáng kể khác là các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài về nước ngắn hạn hằng năm hoặc các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam du lịch.

Khi nghiên cứu các nhóm di dân, giáo sư Peggy Levitt (ĐH Harvard, Mỹ) phát hiện một cơ chế rất quan trọng giúp chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế bền vững ở các nước nghèo và cơ chế này còn mạnh hơn cả tiền bạc.

Đó chính là những hành vi ứng xử trong cuộc sống hằng ngày, tiếp nhận từ xã hội các nước phát triển và được di dân hay người du lịch đem về các nước đang phát triển. Ứng xử này được hình thành từ việc tiếp nhận các chuẩn mực mới trong xã hội, làm thay đổi suy nghĩ của người dân và kéo theo đó là sự thay đổi trong cơ chế kinh tế và xã hội. Ví dụ đơn giản như thói quen không xả rác bừa bãi được chuyển thành ý thức vệ sinh và bảo vệ môi trường ở quê nhà...

Nếu chú ý quan sát ta sẽ nhìn ra một quá trình chuyển giao tri thức nằm ở bề sau của hiện tượng. Một khách du lịch người Đức khi quen biết một cô gái Việt Nam ở Sài Gòn và đi theo ông bố của cô làm nghề sửa ống nước đã giúp ông hiểu nhiều hơn về công nghệ, kỹ thuật và thiết bị mới từ nước Đức của anh. Ông bố sẽ là người thứ hai chuyển tiếp nguồn hiểu biết mới này đến những khách hàng của ông.

Để tiếp nhận tri thức mới không nhất thiết phải mất nhiều năm, chỉ cần vài tuần về thăm nhà của một du học sinh cũng đủ để du học sinh này tham gia trình bày một môn học, hay kiến thức đã tích lũy trong suốt thời gian nghiên cứu của mình cho các sinh viên trong nước, nếu các trường đại học trong nước biết cách sắp xếp thời gian và cởi mở trong cách thức tiếp nhận kiến thức mới.

Hệ thống lý thuyết ở các nước phát triển không phải lúc nào cũng có thể vận dụng được ngay vào điều kiện hiện tại của Việt Nam, nên các khóa giảng ngắn ngày như vậy cũng là điều kiện để du học sinh tư duy vận dụng và đón nhận phản hồi tích cực từ thực tế.

Đi theo lộ trình này, lãnh đạo các tỉnh không bị vướng mắc trong cơ chế nhân sự cứng của Bộ Nội vụ mà có thể sử dụng ngay lượng tri thức thời vụ mình đang cần cho những bài toán đang nóng lòng chờ lời giải tại địa phương.

Trong hội thảo về ẩm thực châu Á do ĐH Kobenhavn tổ chức ở Đan Mạch có mặt một giảng viên người Scotland từ ĐH Cần Thơ - tiến sĩ Charles Howie. Đã về hưu, ông sang Việt Nam dạy tiếng Anh nhưng vẫn tiếp tục các nghiên cứu về cá ba sa với ĐH An Giang, và làm cầu nối để đưa các công trình khoa học của Việt Nam ra thế giới.

Những công trình được trình bày trong hội thảo này giúp người ta biết nhiều hơn đến chuyện nhóm nghiên cứu ở Đan Mạch đang làm nước mắm kiểu Việt Nam theo công nghệ men thời La Mã do các nhà khảo cổ khám phá như thế nào.

Có dịp so sánh các vườn cảnh trên sân thượng và ban công ở Sài Gòn, hay trồng rau trên dải phân cách đường cao tốc ở Hà Nội với chương trình trồng cây ăn trái trên nhà cao tầng ở Singapore, hay cách mà ngành điện ảnh Hàn Quốc giúp giống bò thịt quốc gia Hanwoo đánh bại các loại thịt nhập khẩu, cách người Nhật dùng chính công nghệ bánh mì của Đan Mạch để phát triển chuỗi cửa hàng bánh mì Nhật trên đất 
Đan Mạch...

Luân chuyển tri thức


Tri thức là nguồn vốn rất quan trọng để phát triển bền vững, sự di chuyển của các trí thức giữa các quốc gia là nguồn tài nguyên phong phú để các địa phương tận dụng lượng tri thức thời vụ. Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, lượng kiến thức này thật sự quan trọng hơn là hệ thống kiến thức cơ bản đòi hỏi nhiều tiền đầu tư và thời gian nghiên cứu.

Tri thức thời vụ giúp giải quyết nhanh những vấn đề thời sự, thậm chí còn hiệu quả hơn nhiều nghiên cứu được nước ngoài tài trợ vốn thường chỉ nhắm vào mục tiêu phục vụ chính các nước đó.

Di dân không chỉ là chuyện người Việt ra nước ngoài, mà còn cả chuyện người lao động ở miền quê ra thành phố làm việc, nhất là các sinh viên nông thôn ra thành thị học. Phát triển kinh tế địa phương kỳ thực là những nỗ lực tìm chỗ đứng cho sản phẩm của địa phương trong nền kinh tế quốc gia và thế giới.

Chuyện trồng khoai lang tím hiện nay ở Vĩnh Long là một ví dụ. Nông dân đã tiến được một bước rất quan trọng là tiếp nhận giống khoai Nhật để trồng đại trà, nhưng việc tiêu thụ hoàn toàn nằm trong tay thương lái và phụ thuộc vào cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc.

Tri thức thời vụ chính là các trường đại học ngay gần kề, như những trung tâm công nghệ vi sinh, chế biến sản phẩm sẵn có trong vùng... Tri thức thời vụ còn là kiến thức về tiếp thị và kinh doanh hàng nông sản, chính các sinh viên trong thời gian nghỉ hè về quê có thể phụ giúp gia đình và chuyển giao những gì đã học được ở trường hoặc từ thực tế tiếp thị kinh doanh mà các em quan sát được ở thành phố.

Điều cần thiết nhất cho phát triển bền vững không phải là số lượng trung tâm nghiên cứu toán - lý - hóa hay công nghệ và tên tuổi của giáo sư từ nước ngoài về hay sang giảng dạy, mà chính là dòng luân chuyển tri thức thật sự ở tầng thấp nhất của nền kinh tế, tức là kiến thức mang tính ứng dụng để giải vô số bài toán kinh doanh đang vướng mắc ở khắp mọi nơi.

Sinh viên từ nông thôn ra thành thị học, nguồn vốn và kinh nghiệm từ Việt kiều về quê, các chương trình trao đổi trí thức ngắn hạn... đều có thể trở thành những kênh hữu dụng để các địa phương mời gọi, sử dụng để phát triển kinh tế địa phương hay giải quyết những vấn đề xã hội, môi trường đặc thù, mở rộng mối quan hệ với thị trường toàn cầu.

Tận dụng nguồn vốn xã hội quan trọng này chính là lời giải để mỗi địa phương phát triển từ nguồn nội lực vốn có, không cần phải chờ đến chương trình chính sách gì lớn lao từ trung ương hay các tổ chức viện trợ quốc tế.

TS LÊ THANH HẢI
http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/ban-doc-va-ttct/20151104/tri-thuc-thoi-vu-va-phat-trien-dia-phuong/995596.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét