Cường quốc phương Tây sôi sục chống khủng bố: Ai có "lợi"?
Trung Quốc đã tuyên bố đã có kế hoạch tăng cường vai trò của nước này trong cuộc chiến quốc tế chống lại chủ nghĩa khủng bố sau hàng loạt vụ tấn công ở Paris, Pháp hôm 13/11. Tổng thống Nga Putin đã lệnh cho tàu tuần dương Moskva trang bị tên lửa, đang hiện diện ở Địa Trung Hải, bắt đầu hợp tác với quân đội Pháp trong các chiến dịch tại Syria. Ảnh: Vadim Savitsky/ITAR-TASSChung tay chống khủng bố với quốc tế, Trung Quốc muốn "có qua có lại"
Tuyên bố này được đưa ra bởi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ hôm Chủ nhật (15/11) vừa qua, 2 ngày sau vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, Pháp khiến ít nhất 132 người thiệt mạng.
Theo Tân Hoa Xã, ông Vương đã tham dự tiệc trưa không chính thức bên lề hội nghị G-20. Tại đây, ông khẳng định Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ hàng loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris và ủng hộ Pháp bảo vệ an ninh quốc gia, chống lại khủng bố.
Đồng thời, ông Vương Nghị kêu gọi xây dựng "một chiến tuyến thống nhất để chống lại chủ nghĩa khủng bố", trong đó không nên tồn tại "tiêu chuẩn kép".
Theo tờ The Paper (Trung Quốc), ý của Ngoại trưởng Vương là khi Bắc Kinh ủng hộ phương Tây chống khủng bố, họ kỳ vọng có được sự ghi nhận ngược lại rằng "một phần quan trọng" của hoạt động chống khủng bố nằm ở khu vực Tây Bắc Trung Quốc.
Ông Vương kêu gọi nhiều hơn sự hỗ trợ từ quốc tế trong cuộc chiến chống lại các nhóm ly khai người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương - thế lực mà Trung Quốc khẳng định được dẫn dắt bởi tổ chức khủng bố 'Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan' (còn gọi là 'Phong trào Hồi giáo Đông Thổ', viết tắt ETIM) có liên hệ với al-Qaeda.
"Trung Quốc cũng là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, do đó việc tấn công tổ chức khủng bố ETIM cần phải là một phần quan trọng của hoạt động chống khủng bố quốc tế," Vương Nghị nói.
Hôm thứ Bảy (14/11), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện chia buồn với Tổng thống Francois Hollande về vụ khủng bố ở Pháp và bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Pháp để chống khủng bố.
Ông Tập nói: "Trung Quốc kiên quyết chống lại bất kỳ hình thức nào của chủ nghĩa khủng bố và sẵn sàng phối hợp với Pháp cũng như cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác an ninh để cùng nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố, bảo vệ cuộc sống của người dân tất cả các nước."
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp tại G-20. Ảnh: Xinhua
Cuộc chiến chống khủng bố nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ngay lập tức trở nên "sôi sục" khi không quân Pháp bắt đầu gia tăng các cuộc không kích nhằm vào thành trì của phiến quân khủng bố tại Raqqa, Syria kể từ tối hôm 15 (giờ địa phương).
Tổng thống Hollande hôm 16/11 cho biết sẽ kêu gọi Mỹ và Nga tham gia liên minh toàn cầu nhằm tiêu diệt IS đang gieo rắc tội ác khắp nơi. Ông sẽ thăm Moscow vào ngày 26/11, sau khi dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24/11.
Trong một diễn biến bất ngờ, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17/11 đã thề sẽ "tìm ra và trừng phạt" những kẻ chịu trách nhiệm vụ khủng bố máy bay Nga tại Ai Cập ngày 31/10, sau khi Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) báo cáo chiếc máy bay bị rơi do một hành động khủng bố.
Chỉ vài giờ sau tuyên bố của Putin, theo tin từ Reuters, quân đội Nga đã phóng một loạt tên lửa hành trình từ Địa Trung Hải nhắm vào đại bản doanh IS tại Raqqa.
Thủ tướng Anh David Cameron hôm 17 cũng cho biết ông sẽ đệ trình lên Quốc hội một bản chiến lược toàn diện chống IS, trong đó có việc triển khai các chiến dịch không kích tại Syria, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel để ngỏ khả năng tấn công quân sự nhằm vào IS.
Mới đây nhất, Trung Quốc cũng trở thành nạn nhân của IS khi thông tin vào rạng sáng nay (19/11) nói rằng 2 con tin người Na Uy và Trung Quốc đã bị đưa ra hành quyết.
Ông Tập Cận Bình đang tham dự các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Manila, Philipines đã nhanh chóng đưa ra phản ứng của mình.
Bên cạnh lời chia buồn tới gia đình nạn nhân Fan Jinghui, ông Tập tuyên bố: "Chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại'. Trung Quốc kiên quyết đả kích bất kỳ hoạt động khủng bố thách thức giới hạn văn minh loài người nào".
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng khẳng định, Bắc Kinh thề sẽ đưa những tội phạm chịu trách nhiệm cho vụ hành quyết con tin ra trước công lý.
Chiến đấu cơ Pháp xuất phát từ căn cứ ở Vịnh Ba Tư để thực hiện chiến dịch không kích nhằm vào IS ở Syria tối 15/11. Ảnh: EPA
Trước đó, trong nỗ lực để chứng minh mối liên kết với cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, Bộ công an Trung Quốc đã công khai hình ảnh chiến dịch trấn áp phiến quân ở Tân Cương trên Weibo chính thức của Bộ này.
9 tấm ảnh được công bố cho thấy cảnh sát vũ trang Trung Quốc chuẩn bị đột kích vào một căn nhà ở vùng nông thôn.
Chú thích cho các hình ảnh viết: "Thủ đô Paris của Pháp đã hứng chịu vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử khiến hàng trăm người thương vong.
Ở phía bên kia thế giới, lực lượng cảnh sát của Trung Quốc tại Tân Cương đã tiến hành tấn công toàn diện nhằm vào những kẻ khủng bố, sau 56 ngày truy đuổi, và thu được thành công lớn."
Hình ảnh nhóm cảnh sát vũ trang tham gia chiến dịch
mà Bộ công an Trung Quốc mới công khai. Ảnh: Weibo
Bắc Kinh cho rằng chủ nghĩa khủng bố ở Trung Quốc chưa được đánh giá đúng
Theo thông tin từ chính phủ Trung Quốc, hàng trăm người đã thiệt mạng ở Tân Cương trong vài năm qua do tình trạng bất ổn.
Một số đối tượng người Duy Ngô Nhĩ đã bị Bắc Kinh tuyên án tử hình sau cuộc tấn công nhằm vào người dân ở nhà ga Côn Minh hồi năm ngoái, trong khi cảnh sát Thái Lan cho rằng mạng lưới buôn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã gây ra vụ đánh bom ở Bangkok hôm 17/8 để trả thù cho cuộc trấn áp của nước này.
ETIM từng bị Mỹ liệt kê là một tổ chức khủng bố hồi năm 2002, tuy nhiên hiện nay nhóm này không còn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế của Bộ ngoại giao Mỹ. Giới quan sát quốc tế cho rằng chính sách trấn áp mạnh tay của Bắc Kinh tại Tân Cương chỉ xuất phát từ vấn đề nội bộ với người dân địa phương.
Cùng ngày 14/11, Bộ công an Trung Quốc đã ra thông báo nói rằng nước này có thể sớm trở thành mục tiêu của những hành động khủng bố và "cần phải cảnh giác cao độ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố".
Ngay hôm sau, Bộ trưởng công an Quách Thanh Côn cho biết đã tăng cường lực lượng bảo đảm an ninh các khu vực công cộng như sân bay, nhà ga, trung tâm mua sắm, trường học, tụ điểm giải trí...
"Các sĩ quan cảnh sát cũng cần nêu cao trách nhiệm chống khủng bố," ông Quách nói.
Chuyên gia chống khủng bố Li Wei thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại (CICIR), Trung Quốc bình luận trên tờ China Daily: "Trung Quốc đang đối mặt với những mối đe dọa từ IS cũng giống như Pháp.
Chúng ta cần chuẩn bị cho những cuộc tấn công tương tự, được lên kế hoạch kỹ lưỡng, tiến hành đồng thời nhằm vào hàng loạt địa điểm bằng nhiều vũ khí và trang bị khác nhau và gây thiệt hại lớn đối với thành phố bị trở thành mục tiêu."
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu tại Trung tâm kiểm soát Bộ quốc phòng Nga ngày 17/11. Ông Putin đã xem trực tiếp cuộc tấn công quân sự nhằm vào IS tại Syria. Ảnh: Sputnik.
Trong khi đó, một bài phân tích đăng trên Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cảnh báo về "cách tốt nhất để chống lại chủ nghĩa khủng bố". Theo đó, cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới cần sự quyết đoán và cả tính linh động để tránh dẫn đến sự xung đột giữa các nền văn minh.
Hoàn Cầu chỉ ra, dư luận trên khắp thế giới cần phân biệt rõ giữa đại bộ phận những người theo đạo Hồi và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan chiếm tỷ lệ nhỏ.
Tờ này cũng kêu gọi "suy xét đến cảm nhận của người Hồi giáo" và cho rằng những người Hồi giáo phổ thông không nên bị phân biệt đối xử bằng cách bắt đi qua các hàng rào kiểm tra, còn cộng đồng Hồi giáo cũng cần tích cực tham gia chiến dịch chống khủng bố để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực lên cấu trúc xã hội.
http://soha.vn/quoc-te/cuong-quoc-phuong-tay-soi-suc-chong-khung-bo-ai-co-loi-20151118100741283.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét