Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

«Cải tạo, cơi nới đảo» hay là «xây dựng đảo nhân tạo» ?

«Cải tạo đảo», «cơi nới đảo» hay là «xây dựng đảo nhân tạo» ?
Báo chí VN hầu hết, trong cũng như ngoài nước, gọi hành vi xây dựng đảo nhân tạo của TQ là « cơi nới đảo » hoặc « cải tạo đảo ». Cách gọi này rất sai, gián tiếp nhìn nhận việc thay đổi « nguyên trạng » ở Biển Đông của TQ. Rõ ràng hành vi của TQ là « xây dựng đảo nhân tạo » chớ không phải « cải tạo đảo » hay « cơi nới đảo ». Báo chí Pháp ngữ viết rất đúng là « construction d’îles artificielles ». TQ đã làm thay đổi tình trạng (địa lý và pháp lý) : 1/ đá thành đảo nhân tạo, 2/ bãi chìm thành đảo nhân tạo và 3/ bãi lúc chìm lúc nổi thành đảo nhân tạo.
Theo định nghĩa về « đảo » của Luật Biển : đảo là một dãi đất tự nhiên có nước bao bọc chung quanh và không bị nước che lấp khi thủy triều lên. Một số các cấu trúc địa lý (ở Trường Sa) mà TQ xây dựng (thành đảo nhân tạo), trước kia vốn không phải là « đảo », chúng chỉ là những bãi ngầm, bãi lúc chìm lúc nổi… Một số là « đá » nổi thường trực trên mặt nước biển.

Sự phân biệt « đảo », « đá » hay bãi chìm, bãi lúc chìm lúc nổi… rất quan trọng. Bởi vì một « đảo » có thể phát sinh ra vùng « kinh tế độc quyền – ZEE » rộng đến 200 hải lý, trong khi một « đá » thì chỉ có lãnh hải (nhiều lắm) là 12 hải lý. Còn các bãi chìm, bãi nửa chìm nửa nổi thì không có gì hết cả.

Các « đảo nhân tạo » của TQ vừa xây dựng ở Trường Sa (trên các bãi đá chìm nổi thuộc VN năm 1988) không phải là « đảo ». Đơn giản vì đó không phải (hay không còn) là những dãi đất « tự nhiên » (theo như định nghĩa của Luật Biên 1982). Chúng là những dải đất do người đắp lên.

Vì là các « đảo nhân tạo », TQ không có « danh nghĩa chủ quyền – titre de souveraineté » ở những nơi này, mà chỉ có thể có « quyền sở hữu – titre de propriété ». Một quốc gia có thể « chinh phục » danh nghĩa chủ quyền ở một lãnh thổ (vô chủ) nhưng không thể « xây dựng » chủ quyền ở một « lãnh thổ » sinh ra từ những hành vi bồi đắp, xây dựng.

Người ta gọi việc « cơi nới đảo » là những hoạt động nhằm mở rộng diện tích một « đảo ».

Người ta sử dụng ngôn từ này khi đã chứng minh được rằng trước đó, cấu trúc địa lý đó là « đảo ».

Các nhà báo VN có ai chứng minh được rằng các cấu trúc địa lý (trước khi được TQ xây dựng) là « đảo » ?

Không thể chứng minh phải không ? Vì vậy các nhà báo đã sử dụng sai từ ngữ.

Người ta gọi việc « cải tạo đảo » là những hành động nhằm mục đích củng cố đảo trước sự xâm thực, xói mòn của nước biển và thủy triều. Một số các hoạt động của VN ở các đảo Trường Sa là « cải tạo đảo ».

Việc « cải tạo đảo » nhằm mục đích củng cố « nguyên trạng – état actuel » của các đảo.

Trong khi các hoạt động của TQ là nhằm thay đổi nguyên trạng các cấu trúc địa lý ở TS.

TQ đã làm thay đổi tình trạng (địa lý và pháp lý) : 1/ đá thành đảo nhân tạo, 2/ bãi chìm thành đảo nhân tạo và 3/ bãi lúc chìm lúc nổi thành đảo nhân tạo.

Khi nói rằng hành động của TQ là « cải tạo đảo » hay « cơi nới đảo » là gián tiếp nhìn nhận việc thay đổi « nguyên trạng » Biển Đông của TQ.

Mà việc dùng chữ sai này, đầu tiên đến từ nhà nước VN, sau đó loan truyền ra giới học giả và báo chí. Đó mới là điều chết người.


Trương Nhân Tuấn
(FB Trương Nhân Tuấn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét