Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Paris rực rỡ trong nắng và diễm lệ dưới cơn mưa

Đọc bài này mình nhớ Paris quá. Kỷ niệm 7 năm sống ở đó không thể nào quên. Mình nhớ từng viên gạch quanh nhà, từng chiếc ghế đá ven sông Seine... Không ở đâu kết hợp đầy đủ vẻ đẹp cổ kính và hiện đại, vui nhộn và sôi động như Paris. Yêu Paris và nước Pháp vô cùng, nhưng bảo sang sống cả đời ở đó thì mình không có tý hứng thú nào. Mỗi lần trở lại Paris, thăm bạn bè xong thì chỉ còn mỗi việc là lang thang các phố phường để ngắm Paris và cuộc sống của người dân; sau vài hôm là chán, chỉ muốn về nước. Sống ở quê hương, đất nước Việt Nam mình vẫn là hạnh phúc nhất.
Paris rực rỡ trong nắng và diễm lệ dưới cơn mưa
Không rõ người Paris yêu thành phố của họ như thế nào, chỉ biết bất cứ ai từng biết về Paris, dù là chưa từng đặt chân đến, đều phải lòng vẻ đẹp cổ kính, nên thơ của thành phố này.

Nụ hôn dưới chân Tháp Eiffel. (Peter Turnley)
“Em có tưởng tượng được thành phố này đẹp lộng lẫy đến thế nào dưới cơn mưa không?” Chàng Gil trong ‘Midnight in Paris’ đã hỏi vị hôn thê của mình như thế khi 2 người mới đặt chân đến Paris. Không nhiều bộ phim làm được như như tác phẩm này của Woody Allen, dành đến gần 4 phút mở đầu chỉ để chiếu cảnh mà không khiến khán giả cảm thấy lê thê. 

Paris là thế, chỉ hơi thở của nó cũng khiến bao trái tim thổn thức, và chỉ một cơn mưa là đủ khiến những kẻ vốn sẵn có trong mình tâm hồn nhạy cảm trở nên xao xuyến. Không rõ người Paris yêu thành phố của họ như thế nào, chỉ biết bất cứ ai từng biết về Paris, dù là chưa từng đặt chân đến, đều phải lòng vẻ đẹp cổ kính, nên thơ của nó: dòng sông Seine hiền hoà chảy xuyên qua thành phố, những con đường ngang dọc nhộn nhịp người qua, từ những công trình lịch sử cho đến những lối nhỏ góc nhỏ, trong những ngày nắng rực rỡ hay diễm lệ dưới những cơn mưa.


Paris khi trời mưa.

Vào những năm 1860, các con phố, đại lộ và công trình ở Paris được thắp sáng bằng 56.000 ngọn đèn khí đốt. Kể từ đó, Paris được gọi là ‘thành phố của ánh sáng’, hay một cách mĩ miều hơn là ‘kinh đô ánh sáng’. Sau đó, với việc đóng vai trò tiên phong trong Thời kỳ Khai sáng ở thế kỷ 18 của Triết học phương Tây, Paris tiếp tục là ‘thành phố ánh sáng’ của thế giới. Cho đến nay, Paris vẫn luôn là trung tâm văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc và thời trang đồ sộ, hấp dẫn bậc nhất. Những người yêu mến Paris hết lời ca ngợi thành phố này, rằng: Chỉ cần thêm hai chữ cái, Paris đã trở thành thiên đường (paradis).


Paris buổi đêm. (Cảnh trong phim ‘Midnight in Paris)

Paris là biểu tượng của sự lãng mạn. Thời kỳ ánh sáng là thế kỷ của văn chương với mục tiêu hướng trọn vẹn đến sự đổi mới nền văn hoá tinh thần của nước Pháp. Đây chính là tiền đề văn hoá tinh thần để nước Pháp sản sinh ra Chủ nghĩa lãng mạn đầu tiên trên thế giới, từ đó lan rộng sang các nước châu u. Chủ nghĩa lãng mạn dẫu tồn tại song song hai khuynh hướng tích cực và tiêu cực, thì trên hết tinh thần của nó vẫn là phóng khoáng, tự do, vượt lên trên mọi ràng buộc, đề cao tình cảm và cái tôi cá nhân. 

Trong 50 năm tồn tại của giai đoạn này xuất hiện ở nước Pháp những cái tên sáng giá: Alexandre Dumas, Victor Hugo, Alfred de Musset; 2 người con của Paris là Prosper Mérimée - tác giả của tiểu thuyết ngắn ‘Carmen’ và nữ văn sĩ phóng túng - George Sand. Sau giai đoạn này, đặc biệt là những năm 1920 mà Gil cực kỳ yêu thích, Paris là nơi hội tụ những tinh hoa văn học nghệ thuật của thế giới: Picasso, Hemingway, Henry Miller, Fitzgerald, Dalí, Cole Porter… đều gặp nhau ở đồi Montmartre nổi tiếng. Như Fitzgerald từng nói, “Những điều tốt đẹp ở Mỹ đều đã trôi dạt tới Paris. Những người Mỹ hay nhất đều ở Paris”.

Lãng mạn là một thuộc tính của tình cảm đôi lứa, Paris vì thế còn là vùng đất của tình yêu, thiên đường của những đôi tình nhân, nơi các cặp thể hiện tình yêu ở khắp những nơi công cộng. Thành phố vốn đã lãng mạn, càng trở nên tình hơn.


Paris, 1980. (Peter Turnley)

Nhiếp ảnh gia người Mỹ Peter Turnley, tác giả của kho ảnh lãng mạn đồ sộ về Paris, cũng như nhiều nghệ sĩ nước ngoài khác, đã yêu Paris ngay từ cái nhìn đầu tiên. "Khi tôi bắt đầu chuyển đến Paris 25 năm trước đây, vào cái tuổi 19, thành phố tôi vừa đặt chân đến dường như đã ca hát với tôi. Tâm trí tôi ngay lập tức bị choáng ngợp bởi ánh sáng, những rung động và âm hưởng của thành phố. Tiếng Pháp đi vào tai tôi du dương như những giai điệu, và bỗng nhiên, sự giao tiếp dường như không còn đơn thuần mang tính chức năng nữa, mà là sự hoan ca của cảm xúc. Tôi nhận ngay ra rằng, tôi phải nhanh chóng học tiếng Pháp để hiểu được những con người nơi đây, và những vẻ đẹp, sự bí ẩn của những người phụ nữ mà tôi nhìn thấy ở khắp mọi nơi.” Từ đó, Turnley dành toàn bộ thời gian của mình để ghi lại những khoảnh khắc yêu đương trong lòng Paris.






Bên bờ sông Seine. (John Gevers)

‘Kinh đô ánh sáng’ nổi tiếng không chỉ ở những công trình lịch sử đồ sộ như Tháp Eiffel, Bảo tàng Louvre, Nhà thờ Đức Bà, Bắc đẩu Khải Hoàn Môn, các khách sạn với kiến trúc mang đậm chất Pháp; cũng không chỉ ở sự xa hoa được tìm thấy ở Đại lộ Champs-Élysée và các con phố nhiều cửa hàng thời trang cao cấp, khách sạn sang trọng; hay những tên tuổi lớn có ảnh hưởng đến nền văn học, nghệ thuật của cả thế giới. Paris làm say lòng người ở cả những điều nhỏ bé, như cái cách nhiều người vẫn cảm thấy ở Hà Nội. 

Không chỉ cùng được nuôi dưỡng bởi một dòng sông giàu có, Hà Nội và Paris đều có nhịp sống chậm rãi, nhiều quán cafe xinh đẹp và ẩm thực phong phú. Với những kẻ lãng mạn, Paris quyến rũ nhất ở các lối đi lát đá cổ kính, nhỏ nhắn cây leo ôm ấp lấy bức tường mà tại đó ẩn giấu những quán nhỏ xinh yên lặng, tất cả hiện lên đẹp như một bức tranh. Buổi sáng tại các quán cafe nằm ở các góc phố mà hầu như từ hàng trăm nay không thay đổi lối trang trí và cách phục vụ, người Paris cũng nhàn nhã tận hưởng buổi sáng bên ly cà phê và tờ báo. Họ cũng có thể dùng quá nửa buổi sáng để cà phê và chuyện phiếm đủ thứ chuyện trên đời.


Một góc cafe ở Paris. (John Gevers)

Papa Hemingway của nước Mỹ là một trong những nhà văn dành nhiều tình cảm cho Paris. Với ông, “Chỉ có hai nơi trên thế giới mà chúng ta có thể sống hạnh phúc: ở nhà và ở Paris.” Nay, “nơi hạnh phúc” ấy đang chìm trong đau thương và trái tim cả thế giới đều đang đồng loạt hướng về Paris với một niềm thương cảm sâu sắc. Chúng ta, những người ở xa Paris đến hàng ngàn cây số không biết làm gì hơn ngoài cầu mong tai hoạ qua mau và cầu chúc người dân Paris mạnh mẽ và bình an.

TheoLily Nguyễn
http://kenh14.vn/the-gioi/paris-ruc-ro-trong-nang-va-diem-le-duoi-con-mua-2015111711315156.chn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét