Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

"Kẻ giàu thiếu tầm nhìn! Tri thức thiếu lương tri!"

Nếu thay từ Trung Quốc bằng Việt Nam thì sao nhỉ ?
Bi kịch của xã hội Trung Quốc: 
Kẻ giàu thiếu tầm nhìn! Tri thức thiếu lương tri!
Bi kịch của xã hội Trung Quốc có rất nhiều, nhưng sâu sắc nhất nằm ở tầng lớp tinh anh của xã hội, có thể khái quát bằng hai câu: Người giàu không có tầm nhìn! Tri thức không có lương tâm!
Người giàu không có tầm nhìn!
Hơn 30 năm trở lại đây, với việc Trung Quốc thoát khỏi nghèo khó, một bộ phận người giàu vượt lên trước, trong nhóm người giàu lại có không ít người siêu giàu trở thành tâm điểm chú ý của thế giới! Ở đây có hai vấn đề:

– Trong những người này có bao nhiều người giàu lên nhờ vào trí tuệ của mình thực sự cùng với sự cần cù lao động?

– Những người siêu giàu có kéo theo sự thịnh vượng chung cho người dân trong nước chưa?

Vấn đề này, tin rằng những ai có trí tuệ bình thường đều có thể tự trả lời được.

Theo truyền hình Hồng Kông: 1% người giàu ở Trung Quốc đại lục sở hữu 41% tổng của cải toàn dân trong nước, trong khi đó ở đất nước giàu nhất thế giới như Mỹ thì tỷ lệ chỉ là 4%. Có thể thấy chênh lệch giàu nghèo ở Trung Quốc so với Mỹ là khác biệt rất xa.

Trong tình trạng này, người siêu giàu ở Trung Quốc dùng tài sản làm gì?

Trả lời câu hỏi này có thể xem lại vài số liệu sau:

Một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc là tỉnh Sơn Tây, thế mà lại có người bỏ tiền ra mua một lúc 20 chiếc xe hummer. Trung Quốc là nước vừa mới vượt qua “chuẩn nghèo” 1000 USD (thu nhập bình quân người/năm – ND), tuy nhiên đây lại là nước chi dùng xa xỉ phẩm vào loại hàng đầu thế giới. Hơn 100 triệu tệ chi cho đồng hồ Rolex, 300 ngàn tệ chi cho Cartier trâm, 5 triệu tệ cho kim cương… Những hạng mục xa xỉ phẩm từ nước ngoài vào Trung Quốc ngày càng nhiều với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Người giàu Trung Quốc thích “xa xỉ phẩm”, họ chi mạnh tay và hào phóng đến người giàu nhất thế giới như Rockefeller cũng phải kiêng nể…

Remy Martin của Pháp có thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc! Những sòng bạc ở Myanmar mang lại doanh thu lớn cho nước này, nhưng chủ yếu nằm ở biên giới Trung Quốc-Myanmar, những kẻ quăng tiền vào đó chủ yếu là người giàu và quan chức chính phủ Trung Quốc. Dịch vụ khiêu dâm ở Thái Lan là trụ cột của ngành công nghiệp du lịch nước này, tại các tụ điểm khiêu dâm người giàu Trung Quốc thuộc loại khách hào phóng nhất.

Những kẻ lắm tiền này có ý thức thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho người dân trong nước không?

Phần tử tri thức thiếu lương tri!

Phần tử tri thức là lớp người tiên tiến dẫn dắt xã hội ở bất kỳ quốc gia nào. Nhưng phần tử tri thức Trung Quốc xuất phát từ một nền giáo dục có vấn đề nên không thể phát huy được tác dụng này. Những vấn đề liên quan đến phần tử tri thức có rất nhiều, nhưng “thiếu lương tri” là vấn đề chủ yếu.

“Lương tri” là gì? Đó là ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội và bảo vệ đạo đức; là dũng khí sống vì chân lý; là kiên quyết không vì những cái lợi trước mắt mà bị thế lực đen tối mua chuộc.

Một người dân bình thường có thể “lương tri” còn yếu; nhưng phần tử tri thức tuyệt đối không thể thiếu “lương tri”! Một dân tộc mà phần tử tri thức thiếu lương tri thì dân tộc đó không có hy vọng gì!

Ví dụ tiêu biểu về phần tử tri thức có lương tri ở Trung Quốc cận đại có thể kể là Đàm Tự Đồng và Thu Cẩn. Sau biến pháp Mậu Tuất thất bại (1898), Đàm Tự Đồng thành tội phạm truy nã của triều đình, lính triều đình đến nơi ở bắt ông. Khi đó Đàm Tự Đồng có đủ thời gian để chạy thoát, giống như bạn của ông là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu lưu vong ở Pháp. Thế nhưng Đàm Tự Đồng quyết không bỏ chạy, ông đã nói với người bạn khi đến báo tin: “Những nhà cách mạng phương Tây không tiếc sinh mạng, nhưng ở Trung Quốc chuyện này thật hiếm hoi, xin lấy Tự Đồng làm khởi đầu!”

Ngày nay, phần tử tri thức nhiều hơn thời Đàm Tự Đồng và Thu Cẩn cả trăm lần, nhưng mấy người có ý thức trách nhiệm vì dân và dũng khí đạo đức như vậy? Bao nhiêu người có “lương tri” thật sự?

Thực ra Trung Quốc ngày nay cũng có những phần tử tri thức biết giữ “lương tri”, nhưng số người này đặt trong tập đoàn khổng lồ chỉ có thể là con số “vô cùng nhỏ nhoi”.

Trung Quốc có bao nhiêu giáo sư đại học “luồn cúi quyền lực” hoặc “tham lợi bán điểm”?

Có bao nhiêu người làm nghề chữ nghĩa vì chút tiền mà đưa tin giả, tô vẽ hỗ trợ bọn tham quan?

Có bao nhiêu “nhà văn” viết tiểu sử cho lũ sâu mọt quốc gia?

Có bao nhiêu “nhân sĩ nổi tiếng” vì áo quan đung đưa trước mắt mà vứt bỏ nguyên tắc?

Có bao nhiêu kẻ biên soạn cái gọi là “Sổ tay danh nhân”, “Sổ tay nghệ thuật gia”?

Có bao nhiêu thầy thuốc làm nghề “môi giới dược phẩm”?

Có bao nhiêu thầy cô tìm mọi cách đào tiền trong túi học trò?

Có bao nhiêu “nhà kinh tế học” vì “tiền thưởng” của bọn tài phiệt mà đứng trên danh nghĩa chức vị uy quyền nói ra những lời lẽ hoang đường?

Có bao nhiêu tên lưu manh văn hóa biến bọn trùm xã hội đen thành doanh nhân?

Ở Trung Quốc, thiếu “lương tri” có lẽ không chỉ là nhóm phần tử “tri thức”; nhưng phần tử tri thức có “cảnh giới” cao hơn những người bình thường, nên có nghĩa vụ giữ “lương tri” của mình nhiều hơn so với những người bình thường.

Nếu phần tử tri thức chỉ biết tranh giành lợi ích cá nhân, cái giá cho mỗi lợi ích cá nhân được thỏa mãn sẽ là sự hy sinh nguyên tắc “gìn giữ công chính”, vì nó có được bằng sự mua chuộc, bằng sự hy sinh nguyên tắc chuẩn mực. Một phần tử tri thức bị mua chuộc thì không thể nào còn tồn tại “lương tri”.

Khi phần tử tri thức mất lương tri thì sẽ mất đi sự tôn trọng của toàn xã hội, cái giá phải trả là rất lớn! Những bài học bi kịch kiểu này có vô số trong lịch sử Trung Quốc.

Theo NTDTV
Tinh Vệ biên dịch

1 nhận xét: