Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Nông dân đang ở đâu ?

Nông dân đang ở đâu? 
Những ngày gần đây nông dân nuôi bò sữa thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng thường tập trung trước trạm thu mua của Công ty Cổ phần Đà Lạt Milk để đổ bỏ sữa bò do công ty này hạn chế số lượng mua vào. Chính quyền địa phương giải thích sở dĩ có hiện tượng này vì lượng sữa do nông dân sản xuất được đã vượt quá nhu cầu của Đà Lạt Milk.
Nông dân nuôi bò sữa đang ở trong tình trạng điêu đứng Ảnh: Hoàng Long
Cũng theo chính quyền địa phương, thời gian qua nhiều nông dân "vì lợi nhuận” nên đã dồn toàn bộ vốn liếng, vay nợ ngân hàng để phát triển đàn bò sữa vượt quá mức quy hoạch.

Ông Ngô Minh Hải - Tổng GĐ Đà Lạt Milk, phân trần: "Công suất tối đa của nhà máy chế biến sữa của Công ty chỉ 4 tấn sữa mỗi ngày. Nhưng mấy ngày qua, có ngày chúng tôi buộc phải thu mua đến những 9 tấn nên gây quá tải, khiến chúng tôi bị thiệt hại không nhỏ về kinh tế, bởi sữa thu mua không thể bảo quản lâu được”. 


Như vậy, việc thiếu kiểm soát trong kế hoạch phát triển đàn bò sữa ở một địa phương không chỉ gây thiệt hại cho nông dân mà còn làm cho doanh nghiệp cũng khốn đốn. Đáng nói là kể từ khi có Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2001 về chính sách phát triển đàn bò sữa, Việt Nam đến nay mới chỉ đáp ứng được 28% tổng lượng sữa tiêu dùng hàng năm. Điều đó đồng nghĩa với việc dùng sữa nội nhưng 70% số tiền người dân bỏ ra thực chất lại trả cho sữa ngoại. Trong lúc đó, tại một địa phương có đàn bò sữa phát triển nông dân phải đổ sữa bỏ đi vì không bán được cho ai. Nghịch lý này nói lên điều gì?

Người nông dân hay bất kỳ ai trong nền kinh tế thị trường đều phải hướng tới mục tiêu "vì lợi nhuận” để đầu tư sản xuất. Cho nên lấy lý do người dân vì lợi nhuận mà nhắm mắt đầu tư để đổ lỗi thay cho người của các cơ quan chức năng cũng như các công chức có trách nhiệm là điều không thể chấp nhận được. Trong thực tế nông dân đầu tư làm ăn theo phong trào, "tư duy chạy theo đám đông” từng diễn ra không ít lần, trong thời gian dài gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc cho nền nông nghiệp cũng như đời sống của người nông dân Việt Nam. Đáng tiếc là cho tới nay, hiện tượng đau lòng này vẫn chưa chịu dừng lại. Trong đó, phải kể tới trách nhiệm của các cơ quan chức năng được giao phó phụ trách lĩnh vực này chưa có giải pháp thích hợp và đồng bộ đễ hỗ trợ cho nông dân trong suốt quá trình sản xuất nông nghiệp.

Việt Nam hiện là một trong các quốc gia hàng đầu về xuất khẩu lúa gạo trên thế giới. Song cho tới giờ này vẫn chưa định hình được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn coi trọng yếu tố rẻ để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Điều này khiến cho người nông dân sản xuất lúa gạo, nhân vật trung tâm của quy trình sản xuất này, vẫn chưa có thu nhập cao và chưa có vị trí xã hội như mong muốn. Nông dân làm ra lúa gạo vẫn chưa thực sự giữ vai trò trung tâm và chưa có quyền quyết định trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo kéo dài hàng mấy thập niên qua, kể từ khi Việt Nam từ quốc gia thiếu đói trở thành cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Một nắng hai sương

Gần đây xuất hiện khá nhiều các cuộc thảo luận chuyên đề, các phát ngôn đầy ấn tượng trên truyền thông đại chúng của không ít chuyên gia, quan chức chính quyền về "tái cấu trúc nền nông nghiệp” với mục tiêu nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao vị thế của người nông dân trong chuỗi giá trị của sản xuất nông nghiệp cũng như trong đời sống cụ thể của họ và gia đình

Mục tiêu được đề ra trong các đề án tái cấu trúc nền nông nghiệp được cho là cần thiết và cấp bách. Song, cơ sở để tính toán và thiết kế quy trình tái cấu trúc lại là vấn đề đang có nhiều ý kiến khác biệt, cần có sự thảo luận thấu đáo để tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột” như tình hình nông dân nuôi bò sữa nói trên là một ví dụ.

Từng tham luận về đề tài này tại Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhận định, thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp và không ổn định, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra từ hàng chục năm, song người nông dân cá thể không thể chi phối được thị trường đầu vào và đầu ra của sản phẩm nông nghiệp. Hai thị trường này thiếu tính cạnh tranh, có dấu hiệu thỏa thuận giữa các doanh nghiệp để tăng giá đầu vào và hạ giá đầu ra. Đầu vào giá cao và chất lượng kém vẫn phải mua, đầu ra giá thấp vẫn phải bán đang là hai gọng kìm giữ chặt thu nhập thấp của người nông dân cho dù năng suất sinh học của các cây con đã liên tục tăng trong hơn 20 năm qua với 12 sản phẩm có năng suất sinh học vào loại cao nhất thế giới.

Nhấn mạnh hơn tới những tồn tại của ngành nông nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng lâu nay, có một điều đáng lo ngại là trồng xong, nuôi xong không biết bán cho ai, nếu bán ra chợ làng rất khó khăn. Thực tế cho thấy muốn nông dân có thu nhập ổn định nên có cơ chế tiêu thụ với quy mô lớn, đồng bộ hoặc bao tiêu sản phẩm qua doanh nghiệp. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi ý Nhà nước cần tạo điều kiện, cơ chế cần thiết khuyến khích chính người nông dân góp vốn để hình thành phát triển các hình thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để chuyển mô hình sản xuất nông nghiệp từ: "Hộ sản xuất cá thể mua bán trực tiếp trên thị trường đầu vào, đầu ra không có tính cạnh tranh cao, chèn ép hộ nông dân – Xuất khẩu đem lại lợi ích chủ yếu cho các doanh nghiệp xuất khẩu” sang mô hình mới là "Hộ nông dân liên kết trong các tổ chức hợp tác sản xuất – Tổ chức hợp tác mua bán trên thị trường đầu vào, đầu ra có tính cạnh tranh cao – Xuất khẩu đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp và các tổ chức hợp tác của người nông dân”.

Theo các chuyên gia, để tái cấu trúc hiệu quả nền nông nghiệp nước nhà cần phải xem xét đến một nguyên tắc liên quan tới việc thay đổi vai trò của Nhà nước từ thể chế quản lý sang mô hình kiến tạo để phát triển. Trong đó, Nhà nước chú trọng việc xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng nông sản quốc gia và quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng để thực thi chiến lược sản phẩm đó. Mô hình kiến tạo phát triển mới phải đóng vai trò mở đường, tạo điều kiện, khuyến khích cho sự ra đời của các yếu tố mới cấu thành nên hệ thống nông nghiệp mới trong đó người nông dân giữ vị trí trung tâm và có quyền quyết định các vấn đề liên quan tới vận mệnh, sinh tồn của họ.

Hữu Nguyên
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1372&Chitiet=98001&Style=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét