Chuyện đáng buồn của giáo dục Việt Nam
Sự việc nữ sinh một trường trung học bị kỷ luật vì quyết định đi làm việc thiện thay vì tham gia biểu diễn văn nghệ cho trường được các trang mạng xã hội và báo chí trong nước đăng tải . Ban Giám Hiệu trường cho hay em học sinh này được giải quyết cho đi học lại 24 tiếng đồng hồ sau đó và mọi chuyện coi như ổn thỏa. Chi tiết đằng sau vấn đề này là như thế nào?
Biện pháp kỷ luật gây sốc
Tên của nữ sinh bị kỷ luật là Nguyễn Thị Tuyết Linh thuộc trường Trung Học Phổ Thông Phạm Ngũ Lão ở Gò Vấp.
Quyết định đình chỉ học tập vô hạn định đối với Nguyễn Thị Tuyết Linh được đích thân bà hiệu trưởng Lê Thị Thanh Nguyệt ký và có hiệu lực ngày 20 tháng Giêng năm 2015, tức hai ngày sau khi em không tham gia biểu diễn văn nghệ cho trường mà lại đi ra ngoài làm việc từ thiện. Tin được các trang mạng xã hội trong nước loan tải khiến dư luận, đặc biệt cả báo chí, nêu ý kiến và đặt vấn đề về biện pháp kỷ luật khá gây sốc của bà hiệu trưởng trường Phạm Ngũ Lão.
Theo nữ sinh Nguyễn Thị Tuyết Linh, khi đó em nghỉ đi làm việc từ thiện thì có lý hơn là đi múa trong trường:
“Đi phát quà cho người nghèo ăn Tết ở Tiền Giang, chị em tự quyên góp rồi thành lập một nhóm nhỏ để đi phân phát.
Tiết mục đó đã có sẵn và diễn lại chứ không phải tập đợt. Em có xin phép cô hiệu trưởng thì cô hiệu trưởng cứ nằng nặc một hai bắt em phải múa chứ không phải trên báo kêu là em tự nguyện. Cô không cho em đi, kêu một là múa hai là không thì cô sẽ đe dọa hạ hạnh kiểm. Cô nói kiểu em là cái rốn vũ trụ, em làm giá làm cao, hỏi em là có cần cô đe dọa để em múa không. Em nhớ câu đấy tại cô kêu là cái việc từ thiện không bắt buộc nhưng việc múa là bắt buộc và em có cần cô đe dọa em không. Nghe như vậy thì em phải chấp nhận đồng ý thôi.
Nhưng mà lúc đi thì em đã xin phép người biên đạo, anh ấy kêu là anh sắp xếp đội hình xong hết rồi thì em có thể nghỉ. Em cứ nghĩ anh ấy sắp xếp xong đội hình thì em không cần phải múa nữa.”
Quyết định đình chỉ học tập vô hạn định đối với Nguyễn Thị Tuyết Linh. Hình chụp từ FB. |
Đến Chủ Nhật ngày 18, không thấy Tuyết Linh trên sân khấu, bà hiệu trưởng quyết định hình phạt đối với em:
“Em có lên xin lỗi cô hiệu trưởng nhưng mà lúc ấy cô giận quá cô không tha lỗi. Lúc cô viết quyết định trước mặt em chỉ ghi ngày có hiệu lực đình chỉ còn ngày đi học không có. Nhưng lúc cô kêu em đọc quyết định trước lớp thì lúc đó em mới biết em bị đình chỉ vô thời hạn, tước lại giấy khen, hạ hạnh kiểm thì lúc đó em mới sốc.”
Đến ngày 21, báo trong nước đưa tin Nguyễn Thị Tuyết Linh đã được ban giám hiệu trường Trung Học Phổ Thông Phạm Ngũ Lão cho phép đi học trở lại:
“Tại vì cái hình chị em đăng với bản đình chỉ thì được nhiều người quan tâm, người ta share và cái lượt share nhiều quá thì báo chí vô tình thấy và họ điều tra. Sở Giáo Dục cũng gọi điện thoại về trường em, kêu là nhà trường phải dừng quyết định ấy lại nên cô đã dừng lại.”
Không một giáo viên nào lên tiếng bênh vực?
Từ trường Trung Học Phổ Thông Phạm Ngũ Lão ở Gò Vấp, hiệu phó Nguyễn Văn Phúc, cũng xác nhận nữ sinh Nguyễn Thị Tuyết Linh đi học bình thường trở lại trong ngày 21:
“Cứ lên trang mạng VNEpress hoặc trang mạng báo Tuổi Trẻ của Việt Nam, đọc ý kiến của các chuyên gia giáo dục về trường hợp em Tuyết Linh trên các tờ báo chính thống. Nọi việc đã giải quyết xong xuôi kể cà Sở Giáo Dục Đào Tạo thành phố Hồ Chí Minh.
Đây chỉ là biện pháp giáo dục thôi. Tât nhiên về mặt thủ tục rồi hành chính, hình ảnh thì những người bên ngoài nhìn vào tưởng là ghê gớm lắm mà thực ra bản chất của nó không như những báo mạng hoàn toàn không có phóng viên mà chỉ lấy tin trên facebook xào nấu lại. Điều quan trọng là cháu đi học lại ngay ngày hôm sau chứ không phải đình chỉ giống như trong tờ quyết định thấy ở trên mạng.”
Vẫn theo lời thầy hiệu phó Nguyễn Văn Phúc, chuyện cho em Tuyết Linh trở lại trường không phải là do áp lực từ dư luận, từ các trang mạng xã hội, và nhà trường cũng đã nghe ngóng những ý kiến trái chiều:
“Tôi xin khẳng định một điều chắc chắn là kể cả báo chí hay không có báo chí vào cuộc thì hoàn toàn không giống những điều nói là búa rìu dư luận.Có người nói quyết định như thế là nặng tay, có thể gây sốc tâm lý. Đứng ở góc độ một người phụ trách trong trường, cụ thể trong ban giám hiệu, cũng xin nói nếu như thực tế mọi dư luận hiện nay chiếu vào cái hình thức kỷ luật học sinh thì đúng là nhà trường có thiếu sót trong qui trình kỷ luật học sinh .
Đứng về góc độ pháp lý thì qui trình ra một quyết định kỷ luật như thế là sai, Sở Giáo Dục cũng đã phê bình rồi nhà trường cũng đã ghi nhận những sai sót. Nếu vào VNEpress thì toàn bộ lời ghi âm và trả lời của cô hiệu trưởng đã được thể hiện một cách đầy đủ. Trong đó có nhiều ý kiến, khoảng 30% là không đồng tính với biện pháp của cô hiệu trưởng, nhưng cũng khoảng 70% là đồng tình hoàn toàn hoặc đồng tình một phần.”
Vẫn theo lời thầy hiệu phó này, đây là một bài học mà tất cả những người làm công tác giáo dục phải rút kinh nghiệm, chỉ có điều:
“Nếu là giáo viên đứng trên bục giảng của trường Pham Ngũ Lão thì sẽ rất đau lòng khi học sinh xầm xì trong dư luận rằng rồi đây cô thầy mà nói cái gì, giáo viên nói gì làm gì thì chụp hình đăng lên facebook hết. Có nghĩa là nó quay lại một hướng tiêu cực, giống như hù dọa lại thầy cô. Ông bà mình dạy thương cho roi cho vọt, ngày xưa ai đi học mà không bị đánh, nhưng mà bây giờ nói nặng học sinh một cái là vi phạm luật, đánh học sinh là càng vi phạm luật. Ở Thanh Hóa hay Quảng Ninh gì đó đã có trường hợp học sinh nữ chạy lên túm tóc cô giáo đánh cô giáo ngay trên bục giảng chỉ vì cô giáo ghi tên mình vô sổ không thuộc bài thôi.”
Được biết trước giờ Nguyễn Thị Tuyết Linh là một học sinh tốt của Trung Học Phổ Thông Pham Ngụ Lão. Bày tỏ khi được cho phép đi học trở lại, em nói:
“Em rút ra được cái bài học cho mình, chuyện này không phải em đúng hoàn toàn, em có một phần lỗi sai. Đi học thì thầy cô bạn bè đối xử bình thường, coi đây như một vụ việc chưa từng xảy ra.”
Nhiều người khác hoặc tỏ ta khách quan như tiến sĩ Nguyễn Đông Hải, giáo sư Đại Học Sư Phạm Sài Gòn:
“Ban Giám Hiệu cũng nói cái đó chỉ là để răn đe em thôi chứ không có ý định đuổi học thật. Nhiều người cũng bảo đó là cách cư xử hay của nhà trường. Có người bảo nhà trường là người lớn thì không nên nói chơi được. Thực ra mỗi người có một cách nghĩ và cách làm của họ, mình không đứng trong vị trí của họ thì khó có thể nói được lắm.
Trong câu chuyện này đứng về Ban Giám Hiệu thì họ phải có cách kỷ luật nào đó vì như cô hiệu trưởng thì em này đã bỏ tập rất nhiều lần trong những trường hợp đột xuất như vậy. Về phía gia đình thì nghĩ rằng điều này quá sốc đối với nó, xã hội cũng có cái lý của xã hội khi nhìn vào biện pháp giáo dục như vậy.”
Hoặc chủ quan hơn như nhà giáo Phạm Toàn ở Hà Nội, trường hợp nữ sinh Nguyễn Thị Tuyết Linh bị kỷ luật như vừa rồi là chuyện đáng buồn, ông nói:
“Em này thấy làm từ thiện đúng hơn thì nó tính toán nó đi làm từ thiện, chứ lại đi phân tích em đi làm từ thiện thì em được cái gì cho em. Một giáo viên lập luận như thế làm sao mà trẻ con nó tin được. Đáng buồn là không thấy một thầy giáo cô giáo nào cương trực đứng ra bênh vực, không một giáo viên nào lên tiếng. Xây dựng thì không phải chỉ phê phán nó, xây dựng là cách cư xử văn minh hơn, biết đối thoại với nhau.”
Vẫn theo lời ông, nhiệm vụ của nhà trường, đặc biệt của Ban Giám Hiệu, là giáo dục, dìu dắt và chỉnh sửa trong khuôn khổ phương pháp sư phạm chứ không phải áp đặt, đe dọa và bắt buộc học sinh làm theo ý mình.
Thanh Trúc
(RFA)
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/conflict-principal-student-regardling-discipline-measures-tt-01242015091742.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét