Dân “bó tay” trước thông tin về Ngân sách Nhà nước
(PLO) -Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) cần có cơ chế tăng cường sự tham gia thực chất của người dân vào quá trình ngân sách.
Ngành dầu khí đóng góp lớn cho Ngân sách Nhà nước
Đó là kiến nghị chung của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tại Diễn đàn góp ý cho Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) do Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng qua (27/1). Diễn đàn nhằm đảm bảo ngân sách Nhà nước (NSNN) được quản lý thống nhất, sử dụng hiệu quả, đúng pháp luật và tăng trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền về qui trình ngân sách trước cộng đồng.Công khai kiểu… không muốn ai hiểu
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã “sôi sục” trước tình trạng chi thường xuyên chiếm tỷ lệ quá cao (70% chi NSNN), thể hiện sự bất hợp lý trong sử dụng NSNN. Trong khi đó, kết quả tham vấn cộng đồng góp ý cho việc xây dựng Dự án Luật NSNN (sửa đổi) cho thấy, không ít trường hợp người dân “bức xúc về sự bất cập trong việc phân bổ NSNN cho các công trình chưa thiết thực với đời sống dân sinh”.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động ngân sách của các cấp trong nhiều trường hợp còn mang tính hình thức. Qui định về công khai ngân sách trong Luật Phòng, chống tham nhũng chưa được thực hiện, nên đa số người dân tại tỉnh Bắc Giang được hỏi không biết các khoản được chi của NSNN hay các nguồn hình thành NSNN.
Bên cạnh đó, nội dung công khai vừa thiếu vừa khó hiểu, nhưng thiếu các biện pháp hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin về ngân sách nên người dân không biết hoặc không hiểu được dự toán và quyết toán NSNN các cấp. Vì thế, 42,7% người dân tại tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Bà Rịa – Vũng Tàu và Nam Định được hỏi thừa nhận “không nhớ hoặc không hiểu về báo cáo thu, chi ngân sách của xã”.
Ông Trương Bá Tuấn, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cũng nhận xét, mức độ công khai ngân sách còn hạn chế, chỉ dừng lại ở công khai dự toán, quyết toán ngân sách. Điều đáng nói là chưa công khai dự toán ngân sách trước khi trình Quốc hội nên cơ hội để người dân tham gia hiệu quả vào qui trình ngân sách và thực hiện quyền giám sát NSNN không đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, do việc công khai thông tin chưa gắn với cơ chế giải trình, cung cấp thông tin bổ sung về các vấn đề liên quan hoặc cơ chế giải đáp thắc mắc của người dân về thông tin đã công khai nên đa số các trường hợp người dân chọn cách ứng xử là không quan tâm đến các thông tin về NSNN, dẫn đến tình trạng thường gặp trong thực tế là các cấp ngân sách cứ công khai thông tin, còn người dân thì vẫn không nắm bắt được.
Bảo đảm giám sát thực chất
Điều 15 Dự thảo Luật qui định về công khai NSNN và giám sát NSNN của cộng đồng, nhưng theo ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội “cần làm rõ cộng đồng có thể làm gì, làm như thế nào, bằng cách nào và thông qua sự đại diện nào để giám sát NSNN”.
Nhất là cần qui định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị dự toán ngân sách gắn với các hình thức xử lý khi không thực hiện trách nhiệm của mình, cũng như phải qui định để đơn giản hóa thông tin ngân sách và tăng cường khả năng tiếp cận để đảm bảo tính thực chất của việc người dân giám sát qui trình ngân sách.
Luật NSNN cũng cần làm rõ vai trò của các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong tham gia lập, chấp hành, giám sát và quyết toán NSNN ở tất cả các cấp T.Ư và địa phương. Cũng như qui định trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức quản lý và sử dụng NSNN trước những tổ chức này. “Điều này sẽ đảm bảo tính hiệu quả, hiệu suất cao trong sử dụng cũng như chống lãng phí và thất thoát NSNN” – ông Tân nhận định.
Đồng thời, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến việc tăng cường trách nhiệm giải trình của các cấp, các cơ quan liên quan trong quá trình ngân sách để đảm bảo sự tham gia của người dân. Song, theo bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Tùy cơ chế công khai mới có cơ chế giám sát tương ứng, nghĩa là công khai đến đâu thì mới biết giám sát cái gì. Cùng với đó, công khai phải có thuyết minh thì người dân mới hiểu thông tin để giám sát, nhất là đối với những thông tin mang tính chuyên môn cao như thông tin ngân sách”./.
Huy Anh
http://baophapluat.vn/thoi-su/dan-bo-tay-truoc-thong-tin-ve-ngan-sach-nha-nuoc-207820.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét