Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Khoảng 80% doanh nghiệp không biết gì về AEC

Khoảng 80% doanh nghiệp không biết gì về AEC
(TBKTSG Online) – Trong khi đại diện doanh nghiệp và chuyên gia tỏ ra rất lo lắng về những sức ép cạnh tranh mà Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) mang lại, thì quan chức Chính phủ lại tỏ ra lạc quan.
Quan điểm về hội nhập tương đối khác 
nhau tại buổi đối thoại trực tuyến. Ảnh TH
Khoảng 80% doanh nghiệp không biết gì về AEC
Phát biểu tại buổi đối thoại trực tuyến do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay 22/1 về AEC, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Lê Đức Sơn cho biết một khảo sát của Hội phát hiện ra có đến 80% số doanh nghiệp được hỏi là “rất thờ ơ, không hề quan tâm” đến hội nhập, trong khi chỉ có 20% doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp quy mô lớn, có quan tâm.

Ông nói: “Chúng tôi nhận ra các doanh nghiệp Việt Nam thiếu hẳn các kiến thức để hội nhập. Hầu hết chúng tôi rất thụ động, không hề biết gì đang chờ đợi mình phía trước khi hội nhập đã đến rất gần.”

“Tôi lo là khi thực thi cam kết AEC, các doanh nghiệp của Asean và Asean+ năng động hơn, cạnh tranh hơn vào Việt Nam sẽ gây tổn thương cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là nhỏ và vừa”.

“Tôi rất băn khoăn điều này. Dù đã muộn, nhưng phải tuyên truyền sao cho doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được điều này. Lẽ ra (Chính phủ) cần đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để họ biết cần chuẩn bị gì khi hội nhập”, ông nói.

Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đồng tình. Ông cho rằng, sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam với AEC là “dưới 5 điểm” trong thang điểm 10.

Có tới 60% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về AEC, theo một khảo sát do trường Đại học Kinh tế thực hiện, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng sẽ gặp thách thức lớn nhất khi hội nhập. “Chúng ta đang chứng kiến hàng hóa của Thái Lan, của Asean đang thâm nhập rất sâu rộng vào Việt Nam. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam lại ưa thích tiêu dùng hàng hóa ngoại do chất lượng tốt hơn”, ông nói.

Thách thức thứ hai là di chuyển lao động có kỹ năng. “Chỉ có 20% lực lượng lao động ở Việt Nam là có kỹ năng. Số lao động có kỹ năng này sẽ dịch chuyển làm cho khu vực FDI hay sang làm việc trong Asean, trong khi các lao động có kỹ năng nước ngoài lại vào Việt Nam làm việc”, ông phân tích.

Bên cạnh đó, trong khi các doanh nghiệp Asean và Asean + có nhiều kỹ năng tốt hơn về quản lý, ứng dụng công nghệ, và làm quan lâu hơn với kinh tế thị trường, thì các doanh nghiệp Việt Nam, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang “cố” vượt qua khó khăn thách thức do bất ổn kinh tế vĩ mô vừa qua, ông nói.

Chúng ta phải có niềm tin

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú lại có cái nhìn khá lạc quan. Ông Tú nói: “Chúng ta hãy nhìn vào khối lượng công việc khổng lồ mà chúng ta đã làm, từ không đến có để có niềm tin hội nhập”.

Thứ trưởng giải thích, cách đây 10 – 15 năm, khoảng cách của Việt Nam và các nước Asean, Trung quốc là “ghê gớm”. Ông phân tích, trước đây, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, nhưng nay thì bia Trung Quốc “không còn cửa” ở Việt Nam; đường Thái Lan “không có đất” ở Việt Nam. Cụ thể như doanh nghiệp Vinamilk đang làm chủ thị trường sữa nội địa.

“Chúng ta có nền kinh tế bền vững, có hệ thống doanh nghiệp đông đảo, có các sản phẩm đa dạng, cạnh tranh”, ông nói để chứng minh Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập. “Chúng ta nên nhìn thế để thấy sự tin tưởng chúng ta sẽ hội nhập thành công”, ông thuyết phục.

Ông Tú cho biết, Việt Nam và Singapore đạt hơn 90 điểm trong thang điểm 100 về thực hiện các biện pháp ưu tiên cho hội nhập AEC, cao nhất trong Asean. Điểm số trung bình của Asean là 82.

“Chúng ta đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp lý phù hợp với kinh tế thị trường… Hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta còn hoàn thiện hơn nhiều quốc gia khác”, ông nói để chứng minh Nhà nước đã làm rất tốt cho hội nhập.

Tuy nhiên, ông Sơn lại khẳng định, sự chuẩn bị của Nhà nước chỉ được hơn 5 điểm trong thang điểm 10.

Tai buổi đối thoại, tất cả các ý kiến đều đồng tình, Việt Nam phải hội nhập quốc tế để “thúc đẩy cải các bên trong”, và “làm đất nước hưng thịnh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét