Muốn bứt phá, người đứng đầu cực kỳ quan trọng
"Người đứng đầu phải có sự nhạy cảm về chính trị, tức là nắm bắt được cái mới, vận hội, cơ hội để phát triển thì sẽ bứt phá lên", PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc.
TS Nguyễn Trọng Phúc: "Vào Đảng đừng vì mục đích cá nhân". Ảnh: Mỹ Hòa
LTS:Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu Phần 2 cuộc trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, xung quanh vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược của Đảng hiện nay.
TS Nguyễn Trọng Phúc nhận định: Trong điều kiện một đảng cầm quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải nắm vững 2 “vũ khí” để quản lý đất nước, xã hội, vận hành vai trò lãnh đạo của Đảng. Đó là: kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Chẳng hạn quy định về 19 điều đảng viên không được làm rất cụ thể, nhưng có cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền có khi lại không để ý và vì thế vẫn vi phạm. Phải giữ kỷ luật Đảng tốt, chứ vừa rồi ta còn lơi lỏng.
Thứ 2 là về tuân thủ pháp luật. Một đất nước văn minh thì mọi người phải tuân thủ pháp luật, đảng viên và tổ chức đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Bất kỳ đảng viên ở cấp nào vi phạm pháp luật thì xử lý theo pháp luật, khi ấy thì mọi hoạt động sẽ đi vào khuôn khổ.
Vào để thăng quan, không đạt thì bất mãn
Không giống như thời chiến tranh, khi mà đảng viên luôn là những người đi đầu, dấn thân, hiện nay có một thực tế là quần chúng đang có suy nghĩ rằng nhiều người vào Đảng không vì lí tưởng cao đẹp như xưa nữa mà vì những động cơ vụ lợi, mượn danh nghĩa của Đảng để tiến thân. Ông có bình luận gì?
Với người đảng viên trong sáng, Đảng giao trách nhiệm thì tôi làm, mà không giao thì tôi là một đảng viên, một công dân bình thường.
Nhưng trong 4 triệu đảng viên hiện nay, không tránh khỏi có một bộ phận lấy động cơ vào Đảng là để được thăng quan tiến chức. Nếu không đạt được ý đồ đó thì họ sinh ra bất mãn, nói xấu Đảng.
Vì thế mà có cả cái “bộ phận không nhỏ” là hậu quả của việc kết nạp không đúng, thứ 2 là giáo dục của tổ chức chưa đến nơi đến chốn và thứ 3 là bản thân người đó không tự rèn luyện, trau dồi.
Trong điều kiện lịch sử hiện nay, anh cứ hoàn thành tốt nhiệm vụ của một công dân là đã tốt rồi. Anh có thể không vào Đảng mà vẫn cống hiến tốt về chuyên môn, công việc…, chẳng ai kỳ thị. Đảng không hề phân biệt, giờ nhiều trí thức có phải là đảng viên đâu nhưng vẫn được trọng vọng, được xin ý kiến, có chế độ chính sách tốt đó thôi.
Đó là xét chung, nhưng chẳng hạn đối với các vị trí mang tính trọng yếu thì sao, thưa ông?
Nhiều nơi bây giờ chức vụ cao ở các tập đoàn kinh tế có phải đảng viên đâu, bởi người ta cần người chuyên môn cao. Trong tương lai rồi có thể có những vị bộ trưởng không phải là đảng viên. Chính phủ ta ngày xưa từng có nhiều đồng chí bộ trưởng không phải đảng viên. Quan trọng là Chính phủ đó phải thực thi đường lối của đảng cầm quyền này.
Hiện nay các trí thức cứ cống hiến tốt thì chẳng có gì phải lăn tăn chuyện vào Đảng hay không vào. Tôi nhớ một thời người ta suy tôn những người như thế là “những người Cộng sản ngoài Đảng”. Còn nếu tâm huyết thì có thể vào Đảng để cống hiến chứ đừng vì mục đích riêng, cá nhân.
Trong thời đại hiện nay, một vấn đề cũng đặt ra là Đảng phải làm sao để tăng sức thu hút của mình, sao cho mọi người vào Đảng để cống hiến chứ không phải vì động cơ cá nhân?
Điều này chính là nằm ở chỗ Đảng phải cầm quyền hiệu quả, đất nước ngày càng phát triển, vị thế quốc gia ngày càng tăng cao, đời sống dân chúng ngày càng khấm khá lên. Đó chính là thước đo của đảng cầm quyền.
Thứ 2 là phải chú ý đến phong cách lãnh đạo, làm việc của các đảng viên, nhất là những người có chức có quyền. Họ có hòa đồng vào dân, chia sẻ với dân không. Đảng viên phải gương mẫu trước, nói phải đi đôi với làm, chứ nói một đằng làm một nẻo thì không thể hấp dẫn quần chúng được. Anh nói chống tham nhũng nhưng lại tham lam thì dân người ta biết hết. Hoặc anh nói chống quan liêu nhưng lại xa dân, vô cảm với dân, xa rời thực tế thì không được.
Chạy chức, chạy quyền rất tinh vi
Một nội dung trọng tâm của Nghị quyết TƯ 4 là quy hoạch cán bộ và nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách khi Đại hội Đảng XII đang đến gần. Như ông quan sát, công tác quy hoạch đang được tiến hành thế nào và đội ngũ cán bộ được quy hoạch bây giờ có gì khác so với các thế hệ đi trước?
Quy hoạch cán bộ vừa rồi được thực hiện rất tốt. Chuẩn bị cho Đại hội XII, hiện ta đã mở 5 lớp dự nguồn cán bộ cao cấp của Đảng mà bản thân tôi cũng tham gia giảng dạy. Mỗi lớp khoảng 100 đồng chí, sắp kết thúc lớp thứ 5 và mở lớp thứ 6 là xong. Công tác nhân sự đó đã được chuẩn bị từ 2 năm nay rồi chứ không phải sang năm Đại hội thì bây giờ mới làm.
Các cấp tỉnh thành phố ở dưới cũng đang mở các lớp, 63 tỉnh thành đang làm rất khẩn trương.
Thời kỳ ngày nay đất nước đang phải hướng vào 2 nhiệm vụ chiến lược lớn là xây dựng CNXH đổi mới và 2 là bảo vệ Tổ quốc, độc lập chủ quyền. Cán bộ lãnh đạo tất cả các cấp luôn luôn sẽ phải bám chắc nhiệm vụ chính trị lớn lao, mục tiêu chiến lược đó.
Qua quan sát quy hoạch nhân sự, trước hết tôi thấy xu hướng trẻ hóa là rõ. Như vậy họ có điều kiện làm việc vài ba nhiệm kỳ, chứ chỉ được mỗi nhiệm kỳ thì dễ bị mắc “tư duy nhiệm kỳ”. Nhưng trẻ hóa phải đi với sự chuẩn bị chu đáo, bài bản về trình độ lý luận, năng lực, phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm… chứ không phải chỉ nhìn vào tuổi tác.
Việc trẻ hóa gắn liền với đào tạo có bài bản, có hệ thống là một đột phá. Trước đây trước Đại hội chúng ta đâu mở được các lớp dự nguồn như lần này.
Xưa nay việc lựa chọn nhân sự được nhấn mạnh là phải khách quan, công tâm. Ông có thấy điều này có được thực hiện triệt để?
Đây luôn là điều chúng ta hướng đến nhưng nó sẽ là cả một quá trình chứ không phải ngay một lúc mà có được.
Hình ảnh Đại hội Đảng bộ của một phường ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
Việc lựa chọn cán bộ thông qua các khâu: Đầu tiên là đánh giá, đánh giá mà sai thì sẽ hỏng. Sau khi đánh giá mới đưa vào quy hoạch. Quy hoạch xong đưa vào đào tạo bồi dưỡng, rồi sau đó mới xếp sắp vào các vị trí. Xếp sắp xong rồi mới luân chuyển các vị trí để rèn giũa qua thực tế...
Trong lựa chọn cũng khó tránh khỏi việc có hiện tượng thiếu công tâm. Muốn hạn chế phải dựa vào nguyên tắc tập thể, chứ đừng chen vào đó lợi ích cá nhân, người nhà, người thân thiết, cánh hẩu với mình. Chọn cán bộ nào là tập thể cấp ủy đó phải chịu trách nhiệm.
Quy trình nhân sự của ta hiện đã được làm bài bản, hệ thống, chặt chẽ hơn nhưng cũng không thể tránh hoàn toàn cái sai, những hiện tượng như chạy chức, chạy quyền. Và những cái “chạy” này thường rất tinh vi, khó khám phá được, nhưng khi đã nhìn thấy được thì phải sửa, điều chỉnh ngay.
Yêu cầu nghiêm “trách nhiệm cá nhân”
Theo ông, những đảng viên được chọn vào các vị trí chiến lược thì cần đạt những tiêu chuẩn nào?
Tiêu chuẩn hàng đầu là phải có phẩm chất, có trách nhiệm đối với nước, với dân, toàn ý, hết sức hết lòng phục vụ nhân dân, Tổ quốc.
Thứ 2 là phải có trình độ, học vấn, có tầm hiểu biết trí tuệ. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế tri thức mà học vấn thấp thì làm lãnh đạo rất khó.
Thứ 3 là phải có năng lực tổ chức thực tiễn. Thực tiễn rất phong phú ở mỗi ngành, mỗi cấp, địa phương đang đòi hỏi người lãnh đạo phải năng động, sáng tạo. Ai thiếu thực tiễn thì phải rèn. Hiện có rất nhiều cán bộ cấp TƯ phải xuống địa phương, lăn lộn thực tiễn để từ đó trở về hiểu được lãnh đạo cấp chiến lược như thế nào.
Thứ 4 là uy tín với dân, được dân tin cậy.
Năm 2015, VN sẽ hội nhập sâu hơn, có thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức. Đến nay chúng ta đã thực hiện đổi mới được 30 năm, người dân trông chờ bước ngoặt, vận hội mới cho đất nước. Trong bối cảnh đó, người lãnh đạo chiến lược phải có phẩm chất gì?
Người lãnh đạo ở cấp nào cũng phải phát huy được thực lực của đất nước, địa phương. Đồng thời họ phải có sự nhạy cảm về chính trị, tức là nắm bắt được cái mới, vận hội, cơ hội để phát triển thì sẽ bứt phá lên.
Đất nước mình đang trong điều kiện tuy còn khó khăn nhưng những thuận lợi là rất lớn. Ví dụ ta có đường lối, cương lĩnh, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh.
Chúng ta đã thoát khỏi vị trí nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Thế nước đã khác và hiện ta có quan hệ với 13 đối tác chiến lược, đang hội nhập rất sâu, tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định. Cuối năm nay sẽ hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN. Đó là những cơ hội vàng.
Sắp tới đây, Đại hội XII sẽ có những quyết sách để bứt phá, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững, không thể chậm trễ quá được, nếu không sẽ tụt hậu.
Với những nhiệm vụ đó, kỳ Đại hội này sẽ phải lựa chọn những người có tư duy năng động, sáng tạo, chịu trách nhiệm và dám làm. Làm có thể sai rồi sửa, chứ không nên sợ, có người không làm, không sai, cứ tròn trịa như vậy thì không được.
Tóm lại, chính thực tiễn đất nước hiện nay đặt ra nhiệm vụ chọn nhân sự cho chính xác. Người ta nói thời thế tạo anh hùng, nhưng người nhân sự giỏi ở vào vị trí của mình thậm chí có thể làm xoay chuyển thực tiễn, thúc đẩy đất nước phát triển mạnh.
Đây là bài toán khó. Là người trực tiếp tham gia giảng dạy các lớp dự nguồn, tôi tin nhưng cũng vẫn lo. Người đứng đầu cực kỳ quan trọng để tạo ra những bứt phá, vận hội.
Nghị quyết Trung ương 4 cũng nhấn mạnh việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Ở đây tôi muốn hỏi vấn đề về chịu trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo, tầm quan trọng của nó và hiện nay chúng ta thực thi quyết liệt đến đâu?
Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đã được đề ra từ lâu, nhưng trong thực tiễn đã có hiện tượng thành tích thì của cá nhân, nhưng khuyết điểm thì thuộc về tập thể. Hội nghị TƯ 4 đã nhấn mạnh bất kỳ xảy ra chuyện gì ở địa phương nào, ngành nào, lĩnh vực, cơ quan nào thì người thủ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước.
Theo tôi đó là nguyên tắc rất rõ ràng và vừa rồi chúng ta đã thực thi điều này, đi sát sạt vào trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Ví dụ, tác dụng của việc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, 2 lãnh đạo có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều vào lần trước là bộ trưởng Bộ GTVT và Thống đốc Ngân hàng thì đến lần vừa rồi đều rất tốt.
Và điều này phải được cụ thể đến từng đơn vị, cơ quan. Anh đứng đầu một xã, phường mà để xảy ra vấn đề thì anh phải chịu trách nhiệm. Chúng ta đã quy định rất rõ, chẳng hạn người đứng đầu tỉnh, thành phố để xảy ra vấn đề ở địa phương thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Nên vừa rồi mới có chuyện các báo đưa là chủ tịch tỉnh xuống đường, xuống thực tiễn để kiểm tra tình hình xe quá tải.
Vấn đề là phải thực thi nghiêm, không phải khi xảy ra sai phạm mới nhắc nhở, mà phải có biện pháp xử lý kỷ luật. Như vậy mới đi vào khuôn khổ. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm rồi cuối cùng không ai chịu trách nhiệm thì rất nguy hiểm.
Mỹ Hòa (thực hiện)
(Tuần Việt Nam)
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/218056/muon-but-pha--nguoi-dung-dau-cuc-ky-quan-trong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét