Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Giảng viên không thể trốn nghiên cứu

Giảng viên không thể trốn nghiên cứu
Giảng viên ĐH phải dành 1/3 quỹ thời gian năm học để nghiên cứu khoa học là yêu cầu vừa được Bộ GD&ĐT chốt tại Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ 25-3 tới. Đây là một thước đo để xã hội cũng như chính đội ngũ các cơ sở đào tạo nhìn nhận lại chất lượng, năng lực của giảng viên hiện đại.
Nghiên cứu khoa học tại ĐH Thái Nguyên
Nghiên cứu phải tương ứng chức danh
Thông tư số 47 quy định chế độ làm việc đối với giảng viên nêu rõ, việc giao và triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho giảng viên phải phù hợp với điều kiện, tiềm lực khoa học, định hướng phát triển hoạt động KH&CN của cơ sở giáo dục ĐH và phù hợp với năng lực chuyên môn của giảng viên. Thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH giao cụ thể nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho giảng viên của đơn vị.

Mỗi năm, giảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao tương ứng với chức danh hoặc vị trí công việc đang đảm nhiệm. Kết quả tối thiểu là một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc tương đương, được nghiệm thu từ đạt yêu cầu trở lên. Hoặc có thể là một bài báo công bố trên tạp chí khoa học có phản biện, hoặc một báo cáo khoa học tại hội thảo khoa học chuyên ngành.

Với những giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo quy định, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ mức độ, hoàn cảnh cụ thể để xem xét khi đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm học, xếp loại thi đua và giải quyết các chế độ, chính sách liên quan.


Trách nhiệm nghiên cứu khoa học của giảng viên ĐH ở Thông tư này được chốt chặt nhiều mục, cùng với quy định thời gian làm việc thực hiện theo chế độ 40 giờ/tuần và được xác định theo năm học, nhưng nó đã được đề cập đến từ nhiều thập kỷ nay ở bất cứ cơ sở đào tạo ĐH nào khi thành lập trường.

Tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học giờ đây được phân bổ rõ để rành mạch nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trách nhiệm học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường, là 1760 giờ - sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định. Thông tư này được áp dụng đối với giảng viên tại các đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học, trường cao đẳng.

Điều này đồng nghĩa giảng viên phải tự làm mới mình trong nghiên cứu, chứ không chỉ tự nguyện vắt kiệt sức mình "chạy sô”.

Được khuyến khích mọi bề

Từ tháng 12-2014, giảng viên nghiên cứu khoa học được hỗ trợ khá nhiều, khi Nghị định 99/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KH&CN có hiệu lực.

Giảng viên được công bố một bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE sẽ được nhà nước thưởng tiền tối đa bằng 30 lần mức lương cơ sở chung - tương đương hơn 34 triệu đồng.

Theo đó, khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học cả về ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập từ hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, các hợp đồng thực hiện tại miền núi, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

Giảng viên là nhà khoa học đầu ngành trong các cơ sở giáo dục ĐH còn được hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 40 ngày 12-5-2014 về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN. Đối với giáo sư là giảng viên cơ hữu sẽ được thành lập nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình, được cấp kinh phí cho hoạt động của nhóm. Hỗ trợ kinh phí tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình.

Đối với giảng viên là nhà khoa học trẻ tài năng trong các cơ sở giáo dục ĐH, Chính phủ ưu tiên tuyển chọn đi học nâng cao trình độ ở trong nước, ngoài nước. Ưu tiên giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN tiềm năng với hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng...

Đừng trốn

Trách nhiệm nghiên cứu khoa học của giảng viên đã tới lúc không thể chạy trốn và cũng không là bề nổi trang trí, khi đây là năng lực, tư chất của giảng viên thời hiện đại. Bởi chỉ khi giảng viên nghiên cứu khoa học tốt mới đủ sức sáng tạo kéo sinh viên nghiên cứu theo.

Khi Bộ GD&ĐT cũng như Nhà nước phải dành những chính sách, nhưng quy định đặc thù khuyến khích như vậy, một phần vì chất lượng nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo, trong đội ngũ giảng viên hiện nay nhiều phần yếu, đuối…

Kết quả khảo sát thực trạng kĩ năng nghiên cứu khoa học của giảng viên ngoài công lập tại TP.HCM gần đây cho kết quả, giảng viên tự đánh giá kĩ năng nghiên cứu khoa học là khá, tuy nhiên hứng thú trong việc này chỉ đạt mức trung bình. Trong 9 kĩ năng nghiên cứu khoa học thì chỉ có duy nhất kĩ năng viết đề cương đạt mức tốt. Số lượng đề tài thực hiện khá khiêm tốn cũng dẫn đến sự hạn chế về kĩ năng nghiên cứu khoa học của họ.

Trong 120 giảng viên được điều tra, họ chỉ có 2 đề tài cấp Bộ, 22 đề tài cơ sở, 1 đề tài thành phố và tỉnh trong 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân xuất phát từ khả năng có hạn, lại không nhiều đam mê hứng thú với hoạt động này, do phải dạy nhiều giờ và tham gia nhiều công tác khác.

Còn có nguyên nhân khách quan, họ cho biết, do thấy công việc nghiên cứu khoa học quá khó khăn và áp lực, nhất là về thủ tục hành chính. Không được nhà trường khuyến khích. Cơ chế tuyển chọn và đánh giá không rõ ràng. Đây là những yếu tố khiến giảng viên không tiếp cận được một cách thuận lợi với hoạt động nghiên cứu khoa học, lâu dần làm nên thói quen xấu - trốn nghiên cứu.

Việc đưa ra những quy định cụ thể, khuyến khích giảng viên nghiên cứu cũng quan trọng, mà tổ chức nâng cao kĩ năng nghiên cứu khoa học cho giảng viên, đầu tư phòng thí nghiệm, tư liệu nghiên cứu cũng rất cần thiết.

Thanh Như
http://daidoanket.vn/Index.aspx?Menu=1420&chitiet=99434&Style=1

1 nhận xét: