Trụ sở hoành tráng: Cuộc so găng "ai to hơn, nhiều tiền hơn..."?
Khi chưa tự chủ được về ngân sách, dân chưa đủ ăn, trụ sở to lại trở thành thứ nghịch dị. Nghịch lý địa phương nghèo nhất nước vẫn có trụ sở hoành tráng, khuôn viên rộng nhất; lớp học không có vẫn chạy theo phong trào xây trụ sở lớn... tiếp tục được các chuyên gia bắt bệnh.Trụ sở các cơ quan hành chính Lai Châu
TS Phạm Tiến Bình – Giảng viên, Tiến sĩ kinh tế, (ĐH kinh tế ĐHQGHN) ví von, trào lưu xây trụ sở của các địa phương giống như cuộc so găng "ai to hơn, cao hơn, đẹp hơn, nhiều tiền hơn....".
Theo ông Bình, cuộc chạy đua nước rút để ai cũng cố có được cái dự án để đời trong mỗi nhiệm kỳ nó giống như câu chuyện một ông bố có mấy người con. Hết tiền lại chìa tay xin, người này xin được người kia cũng xin. Ban đầu xin ít, sau xin nhiều hơn. Xin để chi tiêu, xin để lấy vợ, xin để xây nhà. Có nhà rồi lại xin để xây nhà mới to hơn... tóm lại, xin càng nhiều càng muốn xin.
Đặt trong bối cảnh thực tế hiện nay, câu chuyện địa phương nào, tỉnh nào cũng muốn xây trụ sở, có rồi lại đập đi xây mới là điều bình thường. Chỉ một ví dụ điển hình, Lai Châu dù là một trong những tỉnh nghèo nhất nước nhưng vẫn tự hào có trụ sở là công trình để đời, có quảng trường lớn nhất cả nước.
Nhưng, khi chưa hoàn toàn tự chủ được về ngân sách tức là vẫn phải phụ thuộc vào nguồn tiền rót về từ Trung ương, dân thu nhập chưa đủ ăn, thì trụ sở to lại trở thành thứ nghịch dị.
Vậy phải trả lời tại sao họ vẫn làm? Có nhiều lý do. Đầu tiên là do tham nhũng, xây dựng cơ bản là tham nhũng dễ nhất, an toàn nhất, nhanh nhất. Chỉ có những dự án xây dựng mới dễ cài cấy vi rút tham nhũng. Điều này trả lời vì sao VN khó chống tham nhũng.
Thứ hai, là tư duy nhiệm kỳ, thích khoe khoang, báo cáo thành tích.
Thứ ba, xây trụ sở được coi là lối thoát cứu GDP cho các địa phương, mặc dù không nhiều.
Ở VN câu chuyện tính GDP giống như chuyện hài, rất vui. Ví dụ, tôi có một con gà mua về giá 20 đồng, tôi nuôi một tháng bán lại cho người thứ nhất 20 đồng, người thứ hai bán lại cho người thứ ba 20 đồng... đến người thứ 100. Nếu theo cách tính của VN hiện nay là đã có 100 con gà nhưng thực chất chỉ có một con gà.
Như vậy, xây trụ sở vừa giải quyết được lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, vừa có GDP, vừa có thành tích... và có nhiều thứ khác nữa, tại sao lại không làm. Rồi địa phương này làm được, địa phương khác làm được tại sao các địa phương còn lại không làm được.
Đây là điều bất cập trong quản lý, sử dụng chi tiêu công hiện nay đã không có một chiến lược, kế hoạch tổng thể đặt trong bối cảnh tổng thể của nền kinh tế. Xây được cứ xây nhưng không tính toán xem hiệu quả tới đâu, có cần thiết không, có tương thích với nền kinh tế, điều kiện dân trí của dân hay không. Xây để một vài năm lại đập đi xây lại, điều này rất nguy hiểm.
Trong khi, hiện nay điều kiện kinh tế còn nghèo, bệnh viện không có đủ giường nằm, học sinh không có lớp học nhưng vẫn thấy những công trình như Cục thuế Sơn La hoành tráng, sa hoa. Điều đáng nói, Sơn La đã có trụ sở Cục thuế nhưng vẫn xây trụ sở mới. Trụ sở cũ mấy chục tỉ nhường lại cho HĐND, mỗi năm được mấy lần họp. Biết vô lý tại sao họ vẫn làm?
Nghèo vẫn cố chơi sang
Không coi chuyện xây trụ sở là sai, tuy nhiên vị chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cảnh báo trước tình trạng lạm dụng, chạy đua xây nhà to.
Ông Phong cho biết, trong chủ trương cải cách hành chính có hai hướng cải cách rất lớn, một là cải cách về thủ tục, chức năng hành chính, con người tức là công tác quản lý nhà nước. Thứ hai là hiện đại cơ sở vật chất trong đó có hiện đại hóa phần cứng và phần mềm. Phần cứng bao gồm các công nghệ quản lý, do đó yêu cầu xây dựng các trụ sở to đó để hiện đại hóa không phải là sai. Đặc biệt các đô thị lớn, càng phải tập trung các trụ sở lớn để tập hợp các liên cơ tạo ra cho xã hội một thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại, làm việc tập trung.
Tuy nhiên, hiện nay trào lưu xây trụ sở to đang bị lạm dụng. Có những địa phương còn nghèo cũng cố có được cái trụ sở to dù biết rõ nó không tương thích với khả năng kinh tế, cũng như so với nhu cầu quản lý của địa phương đó. Như thế là không cần thiết.
Cần phải có cơ chế quản lý, nhất là nguồn ngân sách chi cho xây dựng, nguồn tiền có hợp lý không, có dẫn tới lạm thu gây mất cân đối ngân sách không. Tất cả không minh bạch, rõ ràng dễ dẫn tới lãng phí, tham nhũng. Đây là bài toán khó, không dễ giải quyết nhưng ai cũng có quyền được đặt câu hỏi về vấn đề minh bạch, lợi ích nhóm trong mỗi dự án, chủ trương đó.
Xây trụ sở: Nhà to, thành tích oách, tội gì không làm!
Không hoàn toàn đồng ý với quan điểm cho rằng xây trụ sở là cách cứu GDP nhưng vị chuyên gia này cũng đồng tình với quan điểm xây trụ sở ít nhiều có làm tăng GDP. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến địa phương nào cũng muốn xây trụ sở.
Ông Phong lấy ví dụ, cách tính GDP ở VN cũng giống như TQ, về nguyên tắc chỉ cần đào đường, xây một cái công trình cũng làm tăng GDP. Bài toán này đã được TQ áp dụng triệt để, tức là khi cần tăng GDP họ lại xây dựng những tòa nhà bỏ không.
Đứng ở góc độ kinh tế, ông Phong cho rằng nếu việc xây trụ sở cũng là cách giải quyết những nguồn nguyên vật liệu tồn đọng, mọi thứ đang trì trệ, ít nhiều có thể có tác động lan tỏa đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu không hợp lý nó sẽ tạo ra nhiều hệ lụy xấu. Một là lợi ích nhóm, tham nhũng. Thứ hai là làm tăng nợ xấu. Thứ ba là căn bệnh thành tích.
Lam Lam
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tru-so-hoanh-trangcuoc-so-gang-ai-to-hon-nhieu-tien-hon-3104855/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét