Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn VN đang làm gì?

Hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang làm gì?
Cần đầu tư thật mạnh cho văn hóa, sớm có chiến lược về hoạt động xuất bản. Đây là ý kiến được nêu ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản do Thành ủy TP.HCM vừa tổ chức.
Theo báo cáo của Thành ủy TP.HCM, hoạt động xuất bản – in – phát hành của thành phố hơn 10 năm qua đã xuất bản trên 41.100 tựa sách với hơn 114.280 ngàn bản in, tổng doanh thu đạt gần 800 tỉ đồng, bình quân mỗi năm tăng 10,5-12%, chiếm 60-65% sản lượng in cả nước. Trong đó, coi trọng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao kiến thức trên nhiều lĩnh vực. Đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa đọc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Ông Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, ngân sách thành phố đã ưu tiên trợ giá xuất bản sách về Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa dân tộc… Những năm gần đây, sách về chủ quyền biển, đảo được chú trọng khai thác và xuất bản. Chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm được nâng cao, quy hoạch xuất bản có tập trung. Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục ưu tiên hỗ trợ xuất bản sách đề tài chính trị, đường lối, quan điểm của Đảng, về bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc… Chăm lo phát triển văn hóa đọc, phát triển hệ thống thư viện.

Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn xuất hiện các xuất bản phẩm có nội dung không phù hợp với lối sống và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Trong khi đó lại thiếu ấn phẩm giá trị cao, công tác biên dịch xuất bản phẩm Việt Nam ra tiếng nước ngoài chưa đạt yêu cầu do năng lực đội ngũ biên dịch viên còn yếu. Tình trạng sách in lậu, in nối bản, vi phạm quyền tác giả, vi phạm quảng cáo trên xuất bản phẩm đang vượt tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và thanh tra chuyên ngành, liên ngành. Nhiều nhà xuất bản không kiểm soát được nội dung ấn phẩm liên kết, chất lượng sách trang bị và luân chuyển về bưu điện văn hóa xã – phường còn hạn chế. Nguồn lực đảm nhiệm việc luân chuyển sách phục vụ người đọc còn quá mỏng; cơ sở vật chất thư viện các quận-huyện, bưu điện văn hóa xã-phường chưa đạt chuẩn để có thể hấp dẫn, thu hút công chúng đến đọc sách.

Bên cạnh đó, việc cấp phép thành lập nhà xuất bản, phát hành xuất bản phẩm thiếu chặt chẽ dẫn đến nhiều đơn vị ra đời nhưng năng lực kém, hoạt động không thực chất.

Nhiều ý kiến tại hội nghị nhấn mạnh, TP.HCM cần đẩy mạnh đầu tư xứng tầm cho hoạt động xuất bản, tương xứng với tiềm năng của một thành phố năng động đi đầu trong hội nhập và phát triển.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà Xuất bản Trẻ cho rằng, để hoạt động xuất bản phát triển, không có cách nào khác là phải đầu tư. Đầu tư theo nghĩa toàn diện về cả con người, sự định hướng, chỉ đạo… Ông Nhựt lo lắng, một đất nước gần 90 triệu dân nhưng không còn ai viết sách cho thiếu nhi.

Hơn 1.000 hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam và gần 400 hội viên Hội Nhà văn TP.HCM đang làm gì mà để con trẻ đang lớn lên từng ngày với những giá trị không phải thuần Việt.

Ông tha thiết đề nghị thành phố sớm đầu tư thật mạnh cho văn hóa, sớm có chiến lược về phát triển xuất bản, để những thế hệ lớn lên với “cô Tấm, quả thị” sẽ khác với thế hệ lớn lên bằng những câu chuyện, truyện tranh nước ngoài. Ông nói tiếp, tại sao cứ bàn nhiều đến chuyện giải cứu bất động sản mà ít ai bàn đến việc xây dựng tâm hồn Việt. Trong khi trên thực tế đã có Chỉ thị 42, mới đây là Nghị quyết 33 về văn hóa.

Báo Văn Hóa
http://thegioitiepthi.net/van-hoa-loi-song/hon-1-000-hoi-vien-hoi-nha-van-viet-nam-dang-lam-gi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét