Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

TPP: "Việt Nam đang đi đúng hướng"

TPP: "Việt Nam đang đi đúng hướng"
Giới quan sát cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng để chuẩn bị cho việc gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bất chấp một số trở ngại còn tồn đọng. Trước đó, hôm 27/1, Đại diện Thương mại của Hoa Kỳ, ông Mike Froman, được báo tài chính Financial Time (FT) dẫn lời cho biết "các bên đang tập trung vào việc chốt lại TPP ... chỉ trong ít tháng tới".
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Mike Froman nói các bên 
đang tập trung vào việc chốt lại TPP trong ít tháng tới
Ông Froman từ chối đề ra ngày kết thúc đàm phán TPP, nhưng FT dẫn các nguồn tin riêng cho biết chính phủ Hoa Kỳ đang nỗ lực hoàn tất ký kết TPP trong hai quý đầu năm 2015 và trình lên Quốc hội trước thềm các cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Hiệp định, với 12 nước thành viên, được cho là sẽ bao gồm đến 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.

'Đi đúng hướng'

Trả lời BBC ngày 28/1, ông Kevin Snowball, Giám đốc Điều hành Quỹ tài sản PXP tại Việt Nam, cho rằng dù đang có một số khó khăn về ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam đã sẵn sàng để phát huy những lợi ích của TPP về dài hạn.

"Chắc chắn là sự lạc quan trong năm nay lớn hơn năm ngoái. Rõ ràng là chính quyền ông Obama đang nỗ lực hết mình để đạt được điều này", ông nhận định.

"Việt Nam là nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP và họ muốn chốt lại càng nhanh càng tốt. Vì vậy họ đang thúc đẩy tất cả mọi thứ nhanh nhất có thể."
Ông Snowball cho rằng bất chấp một số bất lợi ngắn hạn, Việt Nam đang đi đúng hướng để tận dụng những ích lợi mà TPP mang lại.

"Tôi nghĩ tình hình nền kinh tế nội địa không tốt như mảng xuất khẩu. Nhưng với việc giá dầu giảm, nhiều người đang hy vọng rằng nhu cầu nội địa sẽ bắt đầu quay trở lại", ông nói.

"Vốn đầu tư nước ngoài đã bắt đầu đổ vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn đáng kể so với trước đây. Việt Nam từng chỉ tập trung vào may dệt và giày dép, nhưng thời gian chúng ta nhìn thấy các nhà máy sản xuất điện thoại và các mặt hàng điện tử khác, giúp Việt Nam có được thặng dư thương mại trong những năm gần đây."

"Tôi nghĩ các ngành dịch vụ trợ giúp bắt đầu đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế. Việt Nam cũng đang làm khá tốt và đang thu hút khá nhiều FDI vào nhiều ngành. Tuy nhiên, nếu bạn là công nhân một nhà máy may nhưng muốn chuyển sang làm tại một xưởng lắp ráp điện thoại thì tất nhiên sẽ cần có một quá trình chuyển tiếp."

"Thế nhưng tôi nghĩ Việt Nam đang đi đúng hướng."



Việt Nam đang nỗ lực cải tiến để thu hút vốn FDI vào các ngành có giá trị gia tăng cao

Trở ngại còn lớn

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến tỏ ra thận trọng trước khả năng TPP sẽ được chốt lại vào đầu năm nay.

"Hiện nay các trở ngại còn lớn chứ không phải ít", Tiến sỹ Kinh tế Lê Đăng Doanh nói với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 28/1.

"Phía Hoa Kỳ mong muốn sẽ thúc đẩy ký kết TPP vào tháng Ba và vào tháng Năm sẽ trình lên các cơ quan lập pháp của Quốc hội để thông qua. Như vậy là thời gian rất gấp."

"Theo tôi biết thì phía Nhật Bản và Malaysia vẫn còn có các ý kiến khác nhau. Malaysia thì vẫn rất thận trọng trong vấn đề doanh nghiệp nhà nước, trong khi phía Nhật muốn đóng góp thêm vào việc hình thành các luật chơi, các quy định trong TPP."

"Một mặt thì tôi rất mong muốn nhưng mặt khác tôi chưa dám chắc có thể ký kết được không."

Cũng theo ông Doanh, vấn đề quyền người lao động vẫn tiếp tục là một trong những vướng mắc còn tồn đọng trong đàm phán giữa hai nước.

"Sau nhiều lần đàm phán thì hai bên đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng về vấn đề quyền người lao động thì theo thông tin tôi có, vẫn chưa đạt được nhất trí", ông nói.

"Phía Hoa Kỳ muốn người lao động được tự do lập công đoàn ở trong doanh nghiệp, còn công đoàn ở cấp trên doanh nghiệp thế nào thì phía Hoa Kỳ chưa có ý kiến."

"Việt Nam thì vẫn ủng hộ có Tổng Liên đoàn Lao động, do Đảng lãnh đạo. Việc này hai bên vẫn còn có ý kiến khác nhau."

Mặc dù cho rằng TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường kinh doanh trong nước, ông Doanh cũng cho biết nhận thức của các doanh nghiệp trong nước về TPP là rất kém.

"Việt Nam rất mong mỏi ký kết sớm hiệp định TPP, như vậy sẽ có nhiều lợi ích trong việc tăng xuất khẩu hàng dệt may và nông sản", ông nói.

"Nhưng hiện nay hiểu biết của doanh nghiệp về TPP còn khá là sơ sài. Theo khảo sát của phòng thương mại công nghiệp Việt Nam thì có đến 65% doanh nghiệp chưa rõ gì về TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN."

"Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực để doanh nghiệp có thể tăng hiểu biết và đẩy mạnh cho cuộc cạnh tranh trong thời gian tới đây."

Ông Doanh cũng cho biết mặc dù hiện nay, vốn FDI đang tập trung chủ yếu vào các ngành lao động giá rẻ, nhưng Việt Nam cũng đã có nỗ lực phát triển công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ để từng bước nâng cao giá trị gia tăng.

"Tôi được biết trong năm nay, chính phủ sẽ có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn", ông nói thêm.

(BBC)
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2015/01/150127_vietnam_tpp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét