Ông Tập Cận Bình sẵn sàng cho ‘trận chiến sinh tử’ chống tham nhũng
Mặc dù cường độ và phạm vi của chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang khuấy động Đảng Cộng sản Trung Quốc, lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình cho biết đòn quyết định vẫn chưa được đưa ra. “Nếu anh không giết những con hổ bây giờ, những con hổ sẽ quay lại giết anh. Không có lựa chọn nào khác – đó là một trận chiến sinh tử”.
“Nhìn lại các vấn đề được phát hiện từ những cuộc điều tra trong hai năm qua, cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn tiếp tục gay go và phức tạp”, ông Tập nói trong cuộc họp gần đây được tổ chức bởi cơ quan xử lý kỷ luật của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI).
Những lời nhận xét của ông Tập được đăng trên Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của nhà nước với tiêu đề đáng lo ngại (và dài dòng đặc trưng): “Tập Cận Bình: Thúc đẩy Chiến dịch Chống Tham nhũng sâu hơn, bất cứ ai cũng có thể là mục tiêu bất kể địa vị chính trị của người đó là gì”.
Phát biểu cứng rắn này là sự tiếp nối các cảnh báo trước đó rằng chủ nghĩa bè phái – hình thức của các nhóm chính trị nhằm bảo vệ những lợi ích cá nhân của các đảng viên – sẽ không được tha thứ.
Hiện nay, có một suy nghĩ sai lầm trong xã hội cho rằng chiến dịch chống tham nhũng đang đi đến hồi kết. - Giáo sư Wang Yukai, Trường Quản lý Quốc gia Trung Quốc.
Chỉ tên quan tham
Sau đó, lần đầu tiên ông Tập đã chỉ tên một số quan chức đã bị thanh trừng gần đây.
“Chúng ta kiên quyết xử lý đến cùng các vi phạm kỷ luật và luật pháp, trong đó có Chu Vĩnh Khang, Từ Hải Hậu, Lệnh Kế Hoạch và Tô Vinh”, ông Tập nói. “Để chứng minh cho tất cả mọi người rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng đối mặt với vấn đề và sửa chữa những sai lầm của chính mình”.
Bốn người này, hiện đang chờ xét xử và hầu như chắc chắn bị xử tù, đã từng nắm giữ quyền lực lớn trong chính quyền.
Chu Vĩnh Khang, cựu trùm an ninh, là quan chức Đảng cấp cao nhất bị chính thức điều tra.
Lệnh Kế Hoạch từng là bí thư của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan rất nhạy cảm chuyên trách một lượng lớn các tài liệu quan trọng và sắp đặt hậu cần cho các lãnh đạo Trung ương Đảng. Tháng 12 năm ngoái, ông Lệnh bị thông báo đang bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Tô Vinh là nhân vật số hai phụ trách Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, cơ quan tham vấn của chính quyền, cũng bị buộc tội vi phạm kỉ luật và luật pháp nghiêm trọng và bị điều tra vào tháng Sáu năm ngoái.
Những lời bình luận của ông Tập là để thu hút sự ủng hộ của dân chúng cho việc thanh trừng tối hậu những con hổ to hơn. - Xia Xiaoqiang, nhà bình luận chính trị
Lời khuyên hữu ích
Chưa đầy 2 giờ đồng hồ sau khi những bình luận của ông Tập được đăng lên, Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước, đã cho đăng một bài xã luận bàn về “Sáu tín hiệu chống tham nhũng từ bài nói chuyện của Tổng Bí thư Đảng Tập Cận Bình”. Bài viết này, cũng giống như tuyên truyền của nhà nước, bao gồm những bình luận giúp ích của các học giả vốn tìm cách dẫn dắt hơn nữa tư tưởng của các đảng viên về cái đích tiếp theo của chiến dịch này.
“Hiện nay, có một suy nghĩ sai lầm trong xã hội cho rằng chiến dịch chống tham nhũng đang đi đến hồi kết. Nhiều người khác tin rằng quyền lực của Đảng Cộng sản sẽ bị nguy hại nếu chiến dịch chống tham nhũng vẫn tiếp tục”, giáo sư Wang Yukai của Trường Quản lý Quốc gia Trung Quốc cho biết.
Giáo sư Wang nói thêm: “Đoạn nhận xét “sự gay go và phức tạp của cuộc đấu tranh chống tham nhũng” cho phép chúng ta nhìn xuyên qua màn sương mù và hiểu được hướng đi tiếp theo, mở đường cho việc thống nhất tư tưởng và thúc đẩy việc viết lên một chương mới.”
Xia Xiaoqiang, người phụ trách chuyên mục chính trị của Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng có thể ông Tập ám chỉ rằng thậm chí các quan chức quyền lực hơn nữa sẽ trở thành mục tiêu cho việc điều tra và thanh trừng chính trị.
“Những người quyền lực hơn Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Hải Hậu và Tô Vinh chỉ có thể là Tăng Khánh Hồng (nguyên Phó Chủ tịch nước), Lý Trường Xuân (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo), cả hai đều từng là ủy viên thường vụ Bộ chính trị, và cựu lãnh đạo chóp bu Giang Trạch Dân”, ông Xia nói.
“Những lời bình luận của ông Tập là để thu hút sự ủng hộ của dân chúng cho việc thanh trừng tối hậu những con hổ to hơn”.
Trận đả hổ sinh tử
Bản thân việc lựa chọn thời điểm của cuộc họp này, và những lời bình luận của ông Tập, cũng đáng lưu ý, theo nhận xét của Zhang Lifan, nhà văn, học giả, nhà sử học của Trung Quốc nói với tờ Minh Báo của Hồng Kông ngày 14/1.
“Rất bất bình thường khi phiên họp Toàn thể thứ năm của CCDI được tổ chức chưa đầy ba tháng sau phiên họp thứ tư”. Nó ám chỉ rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình có vẻ “leo lên một nấc thang mới”, ông Zhang nói.
“Rất có thể buổi họp này là màn khởi động cho mọi viên chức CCDI, trước khi bước vào trận chiến”.
Trước đó, phiên họp thứ tư được tổ chức sau phiên họp thứ ba khoảng gần một năm. Phiên họp thứ ba diễn ra ngày 12/11/2013.
Ông Zhang nói tiếp: “Không có chuyện việc này sẽ dừng lại, khi xét đến những gì đã được làm – vì người ta đã bị bực mình thì họ có thể bị bực mình hơn nữa”.
“Nếu anh không giết những con hổ bây giờ, những con hổ sẽ quay lại giết anh. Không có lựa chọn nào khác – đó là một trận chiến sinh tử”.
Theo Frank Fang, Epoch Times
https://daikynguyenvn.com/trung-quoc/ong-tap-can-binh-san-sang-cho-tran-chien-sinh-tu-chong-tham-nhung.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét