Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Đau đầu: "ông anh trên Bộ công an" và "ông Y"

Một tiền lệ đau đầu cho làng báo?
Phiên xử ông Dương Tự Trọng sáng nay đã đặt ra một tiền lệ đau đầu cho làng báo. Khi tường thuật đến đoạn ông Dương Chí Dũng khai ai là người báo tin để biết mà chạy trốn, hầu hết các báo đều viết: “Trưa 17-5, tôi điện thoại cho ông anh trên Bộ công an hỏi xem anh đi công tác về chưa, anh nói đang trên đường về Hà Nội… Đến tối 17-5, anh ấy điện cho tôi thông báo Thủ tướng đã chấp thuận lệnh khởi tố và bắt tạm giam chú, chú nên tắt điện thoại và lánh đi một thời gian”.

Đối chiếu với một tường thuật ban đầu (sau này đã sửa) của một tờ báo khác thì không phải như vậy. Dương Chí Dũng khai rõ họ tên và chức vụ người báo tin.

Nếu đưa tin như các báo đang đưa, sẽ:


- Sai với thực tế bởi ông Dũng không nói thế tại tòa trong khi báo chí phải tôn trọng sự thật.

- Có khả năng sau này ông Dũng sẽ kiện vì tường thuật sai lời khai của ông ta.
- Người không biết sẽ trách tòa vì sao khai chung chung “ông anh trên Bộ Công an” mà tòa không hỏi cụ thể. Cái này là gây tiếng oan cho tòa.
- Báo tường thuật sai có thể ra tòa như vụ PMU18.
- Lịch sử sau này ghi lại đến đây ắt phải làm footnote và báo chí bị bêu danh trong lịch sử.

Vậy có cách nào giải quyết không?

Theo tôi, báo nên tường thuật theo kiểu: “Trưa 17-5, tôi điện thoại cho ông Y trên Bộ Công an hỏi xem…” và sau đó mở ngoặc chú thích: “Ông Dũng khai rõ tên và chức vụ ông Y tại tòa nhưng do yêu cầu của cơ quan chức năng nên chúng tôi chưa thể ghi rõ tên và chức vụ ông Y”.

Làm được như vậy vừa trọn vẹn đôi đường. (Còn vì sao dùng ông Y thì bởi ông X đã có người dùng rồi, dùng nữa coi chừng nhầm lẫn). Nhưng theo tôi có lẽ các báo thận trọng quá mức; có lẽ không ai ngây thơ đến độ yêu cầu báo chí không đăng một chi tiết quan trọng như thế được công khai tại tòa. Có thể người ta chỉ yêu cầu báo chí cẩn thận, khai là khai như vậy, chờ cơ quan điều tra kết luận chứ báo chí đừng nhảy vào lên án hay phán xét ngay. Thôi cứ hy vọng vậy đi – để xem báo in ngày mai xử lý ra sao!

Nguồn:
FB NVP

P/s:

- Chỉ riêng việc đang chỉ đạo án mà tiếp xúc liên tục với đối tượng điều tra cũng đã đáng bị cách chức. Dương Chí Dũng đã khai ra Phạm Quý Ngọ tại cơ quan điều tra mà cơ quan điều tra không khởi tố Phạm Quý Ngọ thì cơ quan điều tra rất đáng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về việc "không truy cứu trách nhiệm hình sự người có (dấu hiệu phạm) tội". (FB Osin Huy Đức)

- Nghe lời khai của Dương Chí Dũng toàn là 10.000 USD, 20.000 USD rồi 100.000 USD, nửa triệu USD... lại nhớ đến những mẩu tin cấm giao dịch bằng ngoại tệ, cấm niêm yết bằng đô-la Mỹ, cấm giao dịch bằng tiền mặt trong nhiều trường hợp thì thấy rõ ràng luật lệ là dành cho dân đen còn quan chức xài giấy bạc xanh thoải mái. Ngay cả mấy anh cảnh sát giao thông không biết có ngậm ngùi nhớ lại cái lệnh không được mang theo người quá 100.000 đồng khi tuần tra? 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét