Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Tiêu thụ mì tôm của người Việt quá... khủng khiếp

Hôm trước đọc tin "Độc đáo" Việt Nam: 100% mì tôm nhiễm độc", mình đã thấy khiếp, và mới hiểu tại sao Đội tuyển bóng đá quốc gia cũng như Đội tuyển bóng đá U23 toàn thua; đó là do nghiện ăn mỳ tôm nhiễm độc. Rồi nghĩ đến đồng bào bị lũ lụt, học sinh nghèo... đều được hỗ trợ hay phải dùng mỳ tôm sống qua ngày. Giờ đọc bài này thì còn khiếp hơn: Có lẽ toàn dân đều nhiễm độc; chẳng trách bệnh ung thư ở người Việt thuộc loại cao nhất thế giới. Rồi không biết tin này lan ra nước ngoài thì xuất khẩu mỳ tôm thế nào ? Lừa dân Việt thì bình thường, lừa được cả ngoại quốc để xuất khẩu trong bao năm qua mới thật là giỏi.
Mức độ tiêu thụ mì tôm của người tiêu dùng Việt quá... khủng khiếp
(GDVN) - Với 5,1 tỷ gói được tiêu thụ trong năm 2012, Việt Nam xếp thứ 4 trong danh sách các nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới
Việt Nam xếp thứ 4 thế giới về tiêu thụ mì ăn liền trong năm 2012.

Thông tin "100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có axit oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận" được công bố bởi GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM chiều ngày 26/12, khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại con số về lượng mì ăn liền đang được bán ra tại thị trường Việt Nam, hẳn sẽ không ít người choáng váng.

Theo đó, vào đầu tháng 5/2013, Hiệp hội Mì ăn liền thế giới công bố Việt Nam xếp thứ 4 thế giới về tiêu thụ mì ăn liền trong năm 2012 với sản lượng gần 5,1 tỉ gói (ly). Nếu tính bình quân đầu người, mỗi người Việt Nam ăn 57 gói (ly)/năm, đứng thứ 4 thế giới.
3 nước xếp hàng đầu thế giới về tiêu thụ mì ăn liền lần lượt là Trung Quốc, Indonesia và Nhật. Trong số 101,4 tỷ gói mì được bán ra trên toàn thế giới vào năm ngoái, Trung Quốc, tính cả Hong Kong, tiêu thụ 44 tỷ gói, theo sau là Indonesia với 14,1 tỷ gói và Nhật với 5,4 tỷ gói, kế tiếp là Việt Nam với 5,1 tỷ gói. 

Ở Việt Nam, năm 2009, tiêu thụ khoảng 4,3 tỉ gói mì. Tuy nhiên chỉ 3 năm sau đó (năm 2012) đã tăng lên 5,1 tỉ gói và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thống kê này phản ánh khá đúng thị trường mì ăn liền trong nước khi loại thực phẩm này đang trở nên phổ biến đến mức từ cửa hàng tạp hóa nhỏ đến siêu thị, từ quán ăn vỉa hè hay nhà hàng cao cấp... đều có món mì ăn liền. Chưa kể, mì ăn liền chính là loại thực phẩm dự trữ cần thiết của đa số người dân khi có những biến đổi về thời tiết.

Thị trường mì ăn liền Việt Nam được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của các doanh nghiệp thực phẩm khi có tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Theo thống kê của Tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor, chỉ trong vòng 4 năm từ 2008 - 2012, sản lượng tiêu thụ mì ăn liền của Việt Nam tăng 37% lên trên 400.000 tấn, doanh thu tăng gần gấp đôi lên trên 20.000 tỷ đồng.

Theo thống kê trên tờ VnEconomy, Việt Nam hiện có khoảng 50 nhà sản xuất mì ăn liền và các nhà sản xuất tập trung đầu tư và không ngừng mở rộng sản xuất. Đến nay, Công ty Vina Acecook đang có 7 nhà máy sản xuất mì gói đặt tại Tp.HCM, Bình Dương, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hưng Yên. 


Chia sẻ trên tờ Thanh niên, đại diện hệ thống siêu thị BigC cho biết có tổng cộng khoảng 60 nhãn hiệu mì/bún ăn liền đang kinh doanh tại siêu thị, giá thấp nhất 2.900 đồng/gói và cao nhất 30.300 đồng/tô. Ngoài các loại mì sản xuất tại Việt Nam, thị trường còn kinh doanh nhiều loại mì nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc.

Tháng 7/2012, Tập đoàn mì ăn liền Nissin Foods (Nhật Bản) cũng đã tham gia thị trường Việt Nam bằng việc công bố đưa nhà máy sản xuất mì ăn liền có tổng vốn đầu tư 41 triệu USD tại Bình Dương đi vào hoạt động. Nissin Foods là tập đoàn đã có 47 nhà máy sản xuất ở 15 quốc gia và tạo ra hơn 1.200 loại mì ăn liền cho thị trường toàn cầu.

Cuộc đua thật sự khốc liệt khi các đại gia không ngừng rót vốn vào sản xuất mì ăn liền. Năm 2012, Vina Acecook đã tăng thêm vốn 10 triệu USD và đưa vào hoạt động hai nhà máy sản xuất mì ăn liền tại Tp.HCM có quy mô, công nghệ thuộc loại hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Hiệp hội Mì ăn liền thế giới đã thống kê, thị phần trên thị trường mì ăn liền Việt Nam đang nằm trong những công ty lớn. Hiện Vina Acecook đang dẫn đầu thị trường với 50% thị phần, đứng thứ hai là Asia Foods giữ hơn 20% và khoảng 10% là do Massan nắm giữ ở vị trí thứ 3.

Các doanh nghiệp còn lại chia nhau khoảng 20% thị phần còn lại. Ước tính, doanh thu toàn thị trường mì gói trong năm 2012 khoảng 20.000 tỷ đồng. Khảo sát của Euromonitor, một số doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền quy mô nhỏ hiện nay như Vifon, Saigon Ve wong (Aone), Colusa - Miliket... chỉ chiếm từ 2-5% thị phần./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét