Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Điện lực, viễn thông “lãi khủng”: điểm sáng đáng ngại

Điện lực, viễn thông “lãi khủng”: điểm sáng đáng ngại

TT - Chuyện “lãi khủng” của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT) có thể là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần được làm rõ khi “lãi khủng” phần lớn xuất phát từ tăng giá.
TS Lê Đăng Doanh - Ảnh: Việt Dũng
* Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:
Xem lại lộ trình tăng giá điệnThông tin EVN báo có lãi khoảng 4.404 tỉ đồng trong năm 2012 thoạt nghe có vẻ là tin mừng. Mừng vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tập đoàn này đã làm ăn có lãi, đồng vốn nhà nước sinh sôi nảy nở. Nhưng có thể thật sự mừng được như vậy hay không, khi còn hàng loạt câu hỏi cho EVN và cơ quan quản lý nhà nước về giá điện xuất phát từ con số lợi nhuận của tập đoàn này?
Trước hết, lợi nhuận của EVN có thật là 4.404 tỉ đồng hay còn có thể cao hơn thế rất nhiều?
Bởi song song với công bố khoản lợi nhuận trên, EVN lại xử lý được khoản lỗ tồn đọng từ các năm trước (khoảng 18.200 tỉ đồng). Như vậy nếu không đưa số lỗ tồn đọng này vào giá thành điện trong năm 2012, EVN có thể lãi tới 22.600 tỉ đồng? Tôi cho rằng những thông tin công bố của EVN còn quá mù mờ. Cơ quan kiểm toán cần phải làm rõ lãi của EVN là bao nhiêu. Đặc biệt, vì sao năm 2012 lại có được khoản lãi vọt lên như vậy? Họ lãi do thực tài điều hành, quản trị doanh nghiệp hay nhờ vào việc tăng giá điện?

"Chúng ta cần xem lại vì sao mỗi lần tăng giá điện là EVN than lỗ. Lần nào cũng như lần nào. Nhưng tại sao giờ lại lòi ra con số lợi nhuận lớn như vậy? Và ngành điện đã có lãi như thế này thì có cần thiết phải tiếp tục tăng giá điện nữa hay không?"




Thứ hai, EVN có lãi nhưng đóng góp của EVN vào ngân sách nhà nước là bao nhiêu? Nếu lãi nhiều, đóng góp nhiều, trong khi các doanh nghiệp nhà nước khác như Viettel, VNPT cũng vừa công bố lợi nhuận cực lớn, tại sao ngân sách nhà nước lại khó khăn đến thế?

Tôi cho rằng cần phải tính toán lại lộ trình tăng giá điện thêm 22% từ nay đến năm 2015. Ngành điện lấy lý do kinh doanh không có lãi nên không có vốn đầu tư, không thu hút được các nhà đầu tư tham gia, vì thế phải tăng giá điện. Nhưng có lãi tới mức dư ra con số 4.404 tỉ đồng sau khi đã đưa vào giá thành khoảng 18.200 tỉ đồng khoản lỗ của những năm trước, thì thực tế giá điện hiện nay đã có thể mang lại lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy không cần thiết phải tiếp tục tăng giá điện.

Điều này càng hợp lý hơn khi xét trong bối cảnh doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều đang đứng trước rất nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân do chi phí đầu vào (giá xăng dầu, giá điện tăng cao). Việc các doanh nghiệp hoạt động đình đốn, không có lợi nhuận, thậm chí ngày càng lỗ nặng vì chi phí đầu vào quá lớn, trong khi ngành điện lời lớn là bất hợp lý. Đây là ngành ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và sự vận hành của nền sản xuất, đang có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước nên việc chia sẻ là cần thiết.

Ảnh nhân vật cung cấp
* TS Nguyễn Ngọc Sơn (khoa luật cạnh tranh Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM):
Tin mừng cay đắng
EVN lời 4.404 tỉ đồng. Viettel có mức lợi nhuận trước thuế tới 35.086 tỉ đồng. VNPT lời 9.265 tỉ đồng... Ba tập đoàn nhà nước vừa công bố những con số lợi nhuận mà bất cứ nhà quản trị doanh nghiệp nào cũng phải mơ ước trong bối cảnh kinh tế ảm đạm hiện nay.
Nếu nhìn dưới góc độ đây là các doanh nghiệp nhà nước, tiền của Nhà nước được họ quản lý, kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận cao thì chúng ta phải mừng chứ! Nhưng tôi thấy đây là tin mừng trong cay đắng. Bởi ba doanh nghiệp này đang hoạt động trong những ngành độc quyền. Và EVN lời lớn khi giá điện tăng liên tục. Viettel lợi nhuận “khủng”, VNPT cũng vậy, khi ngành viễn thông không cải thiện chất lượng dịch vụ mà chỉ tăng giá.

Lợi nhuận mà các tập đoàn này công bố cho thấy nguyên lý độc quyền luôn có lợi vẫn luôn luôn đúng. Nhưng cái bất hợp lý là sự lời lớn này và căn nguyên của lời lớn cho thấy những mâu thuẫn trong quản lý kinh tế. Trên thế giới, không một nguyên lý kinh tế nào, không một lý thuyết nào chấp nhận được nhà công quyền quản lý kinh tế lại lo sợ doanh nghiệp độc quyền bị lỗ.

Nhưng ở ta, cơ quan quản lý nhà nước mới đây đã liên tiếp đi giải thích cho các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone rằng họ bị lỗ và cần tăng giá cước 3G, mặc dù không nói được lỗ vì đâu và tìm giải pháp nào khác khắc phục ngoài việc tăng giá. Thậm chí cứ tạm cho rằng họ bị lỗ dịch vụ 3G như họ vẫn than vãn, thì với mức tổng lợi nhuận lên tới vài chục ngàn tỉ đồng như hiện nay, chắc chắn họ phải có những dịch vụ khác lời cực lớn.
Vậy nếu Nhà nước đã lên tiếng kêu lỗ thay doanh nghiệp và cho họ tăng giá, thì giờ đây Nhà nước có tiếp tục lên tiếng yêu cầu doanh nghiệp phải giảm giá những dịch vụ lời khủng vì quyền lợi của người tiêu dùng hay không?

Ảnh: Việt Dũng
* Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường):
Nếu đã có lãi sao lại tăng giá?
Tôi là đại biểu Quốc hội cũng thấy băn khoăn, thắc mắc về lỗ, lãi của EVN. Trong trường hợp EVN đã có lãi cao thì phải xem lại lộ trình tăng giá điện. Vì sao tôi đặt vấn đề như vậy? Vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, đông đảo người dân có cuộc sống chật vật với thu nhập ít ỏi, tại sao ngành điện đã có lãi rồi mà vẫn muốn tăng giá?

Vấn đề ở đây điện là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, giá điện có tác động tức thời đối với giá cả các mặt hàng khác, vì vậy EVN với tư cách là doanh nghiệp nhà nước thì phải có trách nhiệm chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước cũng như của người dân. Chúng ta nói kinh tế thị trường nhưng phải có sự quản lý của Nhà nước, và suy cho cùng mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Muốn như vậy, một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay là phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với giá điện. Cần làm rõ và công khai, minh bạch chi phí sản xuất, giá thành để có chủ trương hợp lòng dân.

B.HOÀN - C.V.KÌNH - V.V.THÀNH ghi

* TS Nguyễn Sơn (Viện Kinh tế chính trị thế giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN):
Không thể cứ lỗ là... tăng giá
Tại các thị trường cạnh tranh, không phải các tập đoàn cứ kêu lỗ là tăng giá. Nếu tăng, rất có thể tập đoàn đó sẽ phá sản bởi người dân có một thị trường để lựa chọn. Giải pháp, theo tôi, có thể phải tính đến chia nhỏ các tập đoàn ra, tạo môi trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Cũng cần sửa Luật cạnh tranh để chống độc quyền bởi Luật cạnh tranh hiện nay thực tế không có nhiều ý nghĩa... Việc xác định, công khai giá thành như trường hợp của EVN cần được giao cho các tổ chức độc lập, chứ không phải các bộ ngành quản lý, như Bộ Công thương là chủ quản của EVN. Việc “bố” khám con rồi công khai không có nhiều ý nghĩa...
(Tuổi trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét