Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Tại sao Hun Sen thăm Việt Nam đầu tiên mà không phải Trung Quốc?

Đọc để biết; theo tôi những phân tích trong bài chưa thực sự đúng; có những nguyên nhân khác quan trọng hơn nhiều, nhất là trong bối cảnh uy tín của Đảng CPP đang thấp kỷ lục và biểu tình quy mô ngày càng lớn đang diễn ra  ở Campuchia. Thân tình hay rủi ro trong bài này là đứng trên góc độ Việt Nam phân tích chứ không phải theo nhãn quan của người Campuchia.

Tại sao Hun Sen thăm Việt Nam đầu tiên mà không phải Trung Quốc?
Chuyến thăm của ông Hun Sen mang ý nghĩa chính trị cực kỳ quan trọng, đặc biệt là khi xem xét trong mối quan hệ Trung Quốc – Campuchia – Việt Nam. Câu hỏi lớn nhất đặt ra là: tại sao Hun Sen lại thăm Việt Nam đầu tiên mà không phải là Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu và nhà đầu tư lớn nhất của nước này?
Từ ngày 26.12 đến 28.12, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chọn Việt Nam làm điểm đến thăm chính thức đầu tiên khi ông tái đắc cử nhiệm kỳ mới.

Trong cuộc gặp gỡ, hai bên đã thông báo cho nhau những nét mới của tình hình mỗi nước, bày tỏ quyết tâm làm sâu sắc hơn, đưa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước lên một tầm cao mới trong những năm tiếp theo, vì lợi ích của nhân dân hai nước,…

Câu trả lời là vì mối quan hệ truyền thống Việt Nam – Campuchia mang lại cho ông Hun Sen hai lợi ích lớn, trong khi quan hệ với Trung Quốc lại tồn tại quá nhiều rủi ro.

Thân tình Việt Nam

Thứ nhất, ông Hun Sen muốn khẳng định rõ ràng với Đảng đối lập của Rainsy rằng ông không hề gian lận trong quá trình bầu cử. Việc ông thực hiện chuyến thăm Việt Nam là thể hiện quyền lực thực tế và truyền thống xưa nay của các nguyên thủ khi nhậm chức đều đi thăm các đối tác quan trọng bậc nhất. Đồng thời, đưa ra lời thách thức với Rainsy – kẻ luôn chống chính quyền Việt Nam và chia rẽ quan hệ truyền thống hai nước.

Thứ hai, Việt Nam luôn là đồng minh ủng hộ ông Hun Sen và đất nước Campuchia rõ ràng nhất. Trong suốt lịch sử Campuchia từ khi chống Pháp ngoại xâm cho đến Pol Pot diệt chủng, Việt Nam luôn là đứng ra hỗ trợ cho nhân dân Campuchia bằng tất cả nguồn lực của mình.

Chính vì vậy, trong chuyến thăm vừa qua, ông Hun Sen đã bày tỏ lòng biết ơn của mình với Việt Nam. “Vì Campuchia, Việt Nam đã bị chống phá kinh tế, bị bao vây nhiều mặt. Vừa hy sinh cả quân đội, vừa hy sinh tài sản, vừa hy sinh về chính trị, ngoại giao, bị bao vây cấm vận, mà phải hơn 30 năm sau, bằng phiên tòa xét xử tội ác diệt chủng với Iêng Xary, thế giới mới giải tỏa”. Tổng thống Hun Sen cũng khẳng định, Việt Nam – Campuchia, cùng với Lào luôn là quan hệ truyền thống, ổn định lâu dài và không thay đổi.

Hiện nay, Việt Nam cũng là đối tác kinh tế lớn thứ hai của Campuchia. Vào 2012, tổng giá trị thương mại Việt Nam – Campuchia đạt 3,3 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 23% tổng giá trị thương mại của Campuchia.

Rủi ro Trung Quốc


Trong khi đó, dù Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất và là một trong ba đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia, đồng thời hai nước đã tuyên bố tăng cường hợp tác kinh tế và quan hệ song phương vào tháng 8.2013, nhưng Hun Sen vẫn có lý do để không sang thăm Trung Quốc đầu tiên. Bỏi lẽ hợp tác với Trung Quốc luôn tồn tại rủi ro, nếu nhìn vào những gì Trung Quốc đã làm.

Rủi ro thứ nhất là do hành động trục lợi, lũng đoạn kinh tế của Trung Quốc. Như trường hợp Trung Quốc mở rộng chủ nghĩa bành trướng kinh tế ở châu Phi khi khai thác cạn kiệt tài nguyên của các nước đối tác, đẩy hàng hóa giá rẻ kém chất lượng của Trung Quốc tràn ngập thị trường, lũng đoạn nền kinh tế và làm thoái hóa chính phủ các nước đó do hối lộ và tham nhũng.

Còn tại Myanmar hay Lybia, Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ các chế độ độc tài quân sự, bất chấp sự khổ cực của người dân để có thể đạt được lợi ích kinh tế - chính trị.

Rủi ro thứ hai là tham vọng quá lớn của Trung Quốc có thể sẽ nuốt chửng cả Campuchia. Bằng chứng là từ 2009 đến nay, Trung Quốc đã liên tục gây hấn với các nước láng giềng nhằm chiếm toàn bộ biển Đông, thậm chí gần đây Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền với di tích lịch sử tại khu vực biên giới của Triều Tiên – đồng minh quan trọng nhất của nước này tại Đông Á.

Nếu muốn “làm thân” với Trung Quốc, Campuchia chắc chắn sẽ phải hi sinh chủ quyền và quyền tự quyết của mình, thậm chí là phải lặp lại các hành động tương tự như việc không thông qua Tuyên bố chung về vấn đề biển Đông tại AMM 45, vốn đã khiến Campuchia bị chỉ trích rất nặng nề.

Chưa kể tới vấn đề quá khứ, trong giai đoạn đen tối nhất của lịch sử Campuchia, thì Trung Quốc chính là kẻ hậu thuẫn cho Pol Pot, đồng thời ngăn cản và thậm chí tấn công Việt Nam vì đã giúp đỡ nhân dân Campuchia vào năm 1979.

Chính vì vậy, là một người lính, một người đã từng chiến đấu cùng những người bạn cộng sản Việt Nam chống lại Pol Pot, Hun Sen có thể thấy rằng Việt Nam là người bạn tốt nhất và đáng tin cậy nhất đối với nhân dân Campuchia từ quá khứ, tới hiện tại và cả tương lai.

Vũ Thành Công
(Một thế giới)

1 nhận xét:

  1. Đúng lafphan theo kiểu "ếch ngồi đáy giếng"

    Trả lờiXóa