Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Viễn cảnh nào cho kinh tế Việt Nam 2014?

Để giải quyết vấn đề kinh tế, phải xuất phát từ định hướng, quan điểm phát triển, xây dựng các phân tích, dự báo vĩ mô và các cân bằng kinh tế vĩ mô theo định hướng, quan điểm phát triển đó, trên cơ sở này mới tính đến các vấn đề cụ thể của từng ngành. Ở ta định hướng, quan điểm phát triển chả có, toàn viết mơ hồ vì đã rõ mục tiêu đâu (CNXH thì hết thế kỷ này cũng chưa biết thế nào như bác cả Trọng nói); quan điểm phát triển cũng mờ mịt (kinh tế thị trường định hướng XHCN là thế nào ?). Từ lâu lắm rồi không thấy báo chí, cơ quan, cá nhân đưa tin về những vấn đề vĩ mô, chỉ toàn mấy thứ cụ thể như nợ xấu với lại bất động sản, y như thầy bói xem voi. Viễn cảnh chỉ gói gọn ở mấy thứ này à ? Phát triển kiểu thầy bói xem voi thế này thì không nay lên mai khủng hoảng mới là chuyện lạ.

Viễn cảnh nào cho kinh tế Việt Nam 2014?
Với nhiều dự đoán kinh tế Việt Nam tiếp tục sẽ “đi ngang” trong một vài năm sắp tới, liệu đâu là phao cứu sinh và liệu đâu tiếp tục là trở ngại khi nền kinh tế hiện đang được cho sẽ thoát đáy.
Thách thức của các ban ngành
Kinh tế Việt Nam năm 2013 khép lại với sự ổn định và ngày càng vững chắc hơn, nhưng để duy trì được những thành quả bước đầu đó cho năm 2014 thì còn nhiều chông gai, thách thức và cần rất nhiều những nỗ lực của tất cả các ban ngành… đây là tâm trạng chung của nhiều vị bộ trưởng bên lề Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế 2014.

Nhìn chung, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tổng cầu và phục hồi niềm tin trong kinh doanh là những mục tiêu cơ bản được Chính phủ cũng như giới chuyên gia đánh giá là những gì Việt Nam cần đạt được trong năm 2014.

Trên lý thuyết, ổn định kinh tế vĩ mô bao trùm từ đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng GDP, kiềm chế lạm phát, cho tới phối hợp các chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, nhằm có được tốc độ tăng trưởng 5,8% và CPI dao động trên dưới 7%. Trong khi đó, khôi phục tổng cầu được nhắm tới là hồi phục thị trường bất động sản, từ đó “tác động lan tỏa” của thị trường này sẽ là “cú hích” làm ấm lên các thị trường khác và một chính sách chi tiêu công hợp lý. Riêng lĩnh vực niềm tin kinh doanh, giới chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn, giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn, giải quyết hàng tồn kho của các doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng của người dân … và trong dài hạn, đề án tái cơ cấu nền kinh tế sẽ giải quyết được mọi nút thắt hiện có.

Để duy trì được những thành quả bước đầu đó cho năm 2014 thì còn nhiều chông gai, thách thức và cần rất nhiều những nỗ lực của tất cả các ban ngành… đây là tâm trạng chung của nhiều vị bộ trưởng
Rõ ràng với những chỉ tiêu đặt ra cho 2014, nhiệm vụ mà Chính phủ phải theo đuổi và duy trì không hề đơn giản. Trong bài phỏng vấn mới đây trên tờ Tuổi Trẻ, ông Trương Văn Phước, phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng năm 2014 cần phải có một cuộc chấn hưng nền kinh tế, coi đó là chiến dịch “Điện Biên Phủ về kinh tế.”

Một cửa hàng siêu thị ở Hà Nội (2013)
Một cửa hàng siêu thị ở Hà Nội (2013)VNeconomic
Chiến dịch “Điện Biên Phủ về kinh tế.”

Ông Phước cho rằng những khó khăn của nền kinh tế vẫn còn, nếu Việt Nam khởi động một chiến dịch tổng lực “Điện Biên Phủ về kinh tế” thì có thể tạo ra một cú hích cho đất nước vượt qua khó khăn này. Những điểm cơ bản ông Phước phân tích là cần một chính sách cho phép người nước ngoài mua bất động sản, phối hợp hài hòa giữa đầu tư công và tín dụng của ngân hàng để dòng vốn chảy ra thị trường nhanh nhất, đặc biệt, là những đột phá trong chính sách đầu tư của nhà nước sẽ góp phần tăng tổng cầu… quá trình này cần phải diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn để tạo ra một kỳ vọng cao hơn cho nền kinh tế.

Vậy đâu sẽ là điểm sáng cho năm 2014, có lẽ câu trả lời sẽ là tốc độ lạm phát đã được kiềm chế, và từ đó, dư địa cho các chỉ tiêu khác dễ dàng được thực hiện hơn. P.G.S, T.S Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội phân tích về luận điểm này:

“Điểm sáng lớn nhất là kiểm soát được lạm phát. Trước kia là thành công trong ngắn hạn, trong trung và dài hạn chưa có khả năng kiềm chế và kiểm soát được, điều này được thể hiện là từ 2007 đến 2012 cứ hai năm tăng, một năm giảm, nhưng đến nay chúng ta thấy đã khắc phục được. Khi đã kiểm soát được lạm phát thì có một dư địa rất lớn cho các chính sách khác để có thể thực hiện được.”
Những khó khăn của nền kinh tế vẫn còn, nếu VN khởi động một chiến dịch tổng lực “Điện Biên Phủ về kinh tế”thì có thể tạo ra một cú hích cho đất nước vượt qua khó khăn này....cần một chính sách cho phép người nước ngoài mua bất động sản, phối hợp hài hòa giữa đầu tư công và tín dụng của ngân hàng để dòng vốn chảy ra thị trường
ông Trương Văn Phước
Bên cạnh điểm sáng là tốc độ lạm phát được kiềm chế, nhiều chuyên gia cho rằng 2014, lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ vẫn là “phao cứu sinh” cho nền kinh tế. Theo số liệu hiện có, đến hết 11 tháng đầu năm 2013, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm lên tới hơn 20 tỷ đô la, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, các nhà đầu tư lớn  vào Việt Nam vẫn là Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc… đây sẽ vẫn là lĩnh vực đóng góp nhiều vào tốc độ tăng trưởng toàn nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và là nguồn thu về ngoại tệ.

Kiềm chế mức lạm phát...RFA file
Kiềm chế mức lạm phát...RFA file
Viễn cảnh khác của nền kinh tế 2014, giới chuyên gia cho rằng nợ xấu sẽ tăng chứ không giảm, mặc dù công ty quản lý tài sản quốc gia VAMC đã được thành lập, nhưng hoạt động vẫn chỉ dừng ở mức tạm thời là nơi nắm giữ nợ xấu thay cho các ngân hàng, chứ cơ chế xử lý triệt để thì vẫn chưa được định hình rõ ràng.

Đồng thời, lĩnh vực bất động sản 2014 vẫn được xem là tiếp tục bị đóng băng, khi nguồn cung vẫn dôi dư trong khi đầu ra thì vẫn còn yếu. Nhiều người cho rằng, có khả năng đến cuối năm 2014, thị trường sẽ khả quan hơn nhờ hoạt động M&A (sát nhập và cạnh tranh) khởi sắc sẽ đưa thị trường bất động sản khỏi bế tắc.

Gộp chung 2 lĩnh vực nợ xấu và bất động sản, T.S Ngô Trí Long tiếp tục phân tích:

“Những thách thức lớn vẫn còn đặt ra phía trước, thí dụ vấn đề nợ xấu, tuy thành lập công ty VAMC nhưng nói chung mới chỉ là mặt chuyển đổi. Nhìn vào bảng cân đối, tạm thời không còn xấu như trước, nhưng thực chất giải quyết nợ xấu cũng là bài toán nan giải vì thực ra đó chỉ là từ tổ chức tín dụng chuyển lên ngân hàng Nhà nước, chuyển từ túi này bỏ sang túi khác. Còn việc giải quyết mua bán nợ xấu như thế nào thì thực sự chưa giải quyết và chưa có lối thoát. 
Những thách thức lớn vẫn còn đặt ra phía trước, thí dụ vấn đề nợ xấu, tuy thành lập công ty VAMC nhưng nói chung mới chỉ là mặt chuyển đổi. Nhìn vào bảng cân đối, tạm thời không còn xấu như trước, nhưng thực chất giải quyết nợ xấu...đó chỉ ...chuyển từ túi này bỏ sang túi khác
T.S Ngô Trí Long
Đặc biệt, thị trường bất động sản, mặc dù Nhà nước đưa ra giải pháp thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, với gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng, phải nói rằng cái đó hoàn toàn chưa thành công, mà giải ngân thì còn ở mức độ rất thấp, thị trường bất động sản chưa có lối thoát, chưa có lối ra. Nói một cách khác, niềm tin vào thị trường vẫn chưa rõ, sức mua còn hạn chế. Năm 2014, nền kinh tế vẫn theo hướng đi ngang, chứ chưa có khả năng vực dậy một cách mạnh mẽ.” 

Trong một bài viết gần đây của T.S Nguyễn Đức Thành, Giám đốc TT Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thuộc đại học Kinh tế - Đại học QG Hà Nội có đưa ra 4 thách thức chính mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2014, ngoài 3 vấn đề cơ bản như nợ xấu, bất động sản và tỉ giá, T.S Nguyễn Đức Thành còn chỉ ra thâm hụt ngân sách của Chính phủ sẽ trở thành vấn đề quan trọng cho năm sau, lý do cơ bản là nguồn thu giảm vì doanh nghiệp suy yếu trong khi chi tiêu của CP lại không hề thuyên giảm, từ đó, đòi hỏi chính phủ sẽ vay nợ nhiều hơn để bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách, từ đó, trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn và gây ra những rủi ro tiềm tàng.

Dù có thể sẽ có cả những điểm sáng lẫn những thách thức tồn tại song song trong năm 2014, nhưng lĩnh vực bao trùm cần giải quyết nhất sẽ vẫn là đề án tái cơ cấu, một bài toán “nợ” và một nút thắt đã kéo dài từ nhiều năm nay. Nhận xét về tiêu chí này, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện quản lý kinh tế phân tích:

“Cho đến nay đã có đề án tái cấu trúc nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu, đề án tái cấu trúc đầu tư công thì chưa được trình ra đầy đủ. Kế hoạch 5 năm 2010-2015 cũng đề ra ba khâu đột phá quan trọng. Một là đột phá, một nỗ lực vượt bậc trên lĩnh vực thiết lập thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng và thứ ba là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Cả ba khâu đột phá đó cho đến nay mới làm được rất khiêm tốn và thể chế kinh tế thị trường thì gần đây nhiều người thấy là Nhà nước đã can thiệp quá nhiều vào thị trường”.

Năm cũ sắp qua, năm mới chạm ngõ, hi vọng rằng những gì năm 2013 đạt được sẽ là những tiền đề quan trọng để 2014 có đà phát huy, hi vọng một chiến dịch tổng thể “Điện Biên Phủ” sẽ đưa Việt Nam vào một vận hội mới.

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-12-30

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-eco-2014-12302013132233.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét