Thống đốc đã biến “Phố Wall” thành “Chùa Bà Đanh” như thế nào?
Theo danh sách Google Trend 2013 vừa công bố về những từ khóa được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trong năm, thì từ khóa được quan tâm hàng đầu, tìm kiếm nhiều nhất chính là “giá vàng”.Chẳng có gì lạ cả, khi mà “sòng vàng” đã được dẹp bỏ cơ bản thì việc người dân quan tâm đến giá vàng chỉ có thể là một minh chứng cho một thói quen “tích trữ, phòng sự” đã ăn sâu bắt rễ, đã được kiểm nghiệm qua ít nhất 2 lần đổi tiền.
Số vàng “ống bơ” có lần được ước tính vào khoảng 400 tấn. Bất cứ ai cũng nhìn nhận đó là một nguồn lực đang “chôn đầu giường”, bất cứ ai ngồi “cầm cái” trên ghế Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng tìm cách làm sao đưa số vàng "chết" đó vào lưu thông. Và thực tiễn cho thấy chưa có thống đốc nào vượt ải thành công, kể cả ông Nguyễn Văn Bình.
Năm 2013, cực kỳ lạnh lùng, cực kỳ quyết đoán, và bất chấp điều tiếng “con buôn”, mặc kệ chỉ trích “lấy vốn của dân đi buôn”, bất chấp các vị ĐBQH “lên án”: “Dân chỉ thấy hoạt động nổi bật của Ngân hàng Nhà nước là lo bán vàng”, Thống đốc đã kiên định thực hiện độc quyền nhập khẩu vàng miếng với liên tiếp 70 phiên đấu giá, mang về khoản lợi nhuận trên dưới 8.000 tỉ đồng. “Chênh lệch giá vàng là thuộc về đất nước, thuộc về nhân dân... Nếu mua vàng giá cao hơn thì cũng bán giá cao, do vậy sự chênh lệch ở đây không phải là thiệt thòi của người mua và bán” - Thống đốc chỉ giải thích vắn tắt như thế.
Kết quả cuối cùng, cần phải nói một cách công bằng là hết đầu cơ, cũng không còn buôn lậu, mà hình ảnh sinh động là “Phố Wall Hà Trung” sau các chính sách quản lý vàng, giờ có vẻ giống với “Chùa Bà Đanh”. Chính Thủ tướng, trong buổi làm việc với ngành ngân hàng cuối năm, cũng đánh giá cao cách điều hành thị trường vàng. “Dù phải chịu nhiều sức ép, dứt khoát phải tiếp tục độc quyền nhập khẩu vàng, vì đó là ngoại tệ” - Thủ tướng nói.
Trong năm thứ 2 ngồi ghế "nóng", cũng với sự lạnh lùng như vậy, Thống đốc ban hành thông tư 21 siết chặt lại các “Phố Wall” ngân hàng, sau khi đã kịp “tái cơ cấu” một loạt các ngân hàng khác. Thông tư 21 đưa thời hạn “tối hậu thư” 2 năm để hoặc các ngân hàng phải tái cơ cấu để nâng quỹ tiết kiệm thành phòng giao dịch, hoặc giải tán. Có thể, chỉ ngay trong năm 2014 thôi, sẽ có thêm nhiều nước mắt, nhưng điều đó là cần thiết cho việc dẹp bỏ tình trạng “ra ngõ gặp ngân hàng”. Có thể tưởng tượng được không, có những “Phố Wall” chỉ 1km mà có tới 16 ngân hàng lớn nhỏ.
Chỉ có điều, những điều hành đó là quá cứng. Quá mạnh. Quá sốc. Quá quyết liệt. Quá thách thức.
Tiếp tục đưa vàng "ống bơ", ngoại tệ "gối đầu giường"… vào lưu thông
Không lạ khi ngay trong kỳ “sát hạch” đầu tiên trong Quốc hội, ông Nguyễn Văn Bình đứng đầu bảng về số phiếu tín nhiệm thấp.
Giờ trở lại với vàng "ống bơ". Đèn xanh đã được bật khi chính Thủ tướng yêu cầu trong năm tài khóa tới, Ngân hàng Nhà nước “có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân để đầu tư cho sản xuất kinh doanh".
Nhớ trong lần xuất hiện gần nhất trên truyền hình quốc gia, thống đốc khẳng định chắc nịch “2 năm qua, những ai có tiền gửi ngân hàng bằng đồng Việt Nam đều có lãi và an toàn”. Và “Nếu người dân nào có tiền gửi ngân hàng bằng VND thì nên tiếp tục gửi ngân hàng bằng tiền đồng. Nếu ai còn băn khoăn gửi VND hay đồng tiền khác thì cũng nên sử dụng tiền VN để gửi vào ngân hàng, bởi đây là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất, cũng là mục tiêu điều hành của NHNN”.
Mục tiêu điều hành chắc chắn là không có gì phải bàn. Nhưng có an toàn không thì lại phải hỏi... Huỳnh Thị Huyền Như.
Trong vụ án mà nguyên trưởng phòng giao dịch của VietinBank chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng có một khía cạnh liên quan đến sự an toàn của những đồng tiền gửi.
“Nếu một ngày nào đó bạn đến ngân hàng lấy tiền thì hỡi ôi, có kẻ giả danh bạn, dùng sổ tiết kiệm (hay hợp đồng gửi tiền) làm vật thế chấp ngân hàng để vay ngân hàng. Hiện giờ kẻ ấy đã bị tạm giam và ngân hàng đó cũng không trả tiền cho bạn với lý do: Toàn bộ số tiền đó đã bị lừa đảo hết rồi".
Một ai đó đã viết, chính xác đến từng milimet, về cái lý của ngân hàng. Và cái lý đó cho biết là đồng tiền gửi có an toàn hay không, lại phụ thuộc vào lương tâm của cán bộ ngân hàng.
Nhưng tôi gửi tiền, hoặc vàng vào ngân hàng cơ mà. Nhưng tôi gửi vào VietinBank qua Huyền Như chứ có phải gửi cá nhân Huyền Như đâu. Nhưng tôi đâu có lừa đảo ai. Nhưng đó là tiền mồ hôi nước mắt của tôi. Nhưng... chắc chắn là những người mất tiền sẽ đặt ra vô số câu hỏi, với bắt đầu bằng một chữ “nhưng” như thế.
Nhưng đó là lừa đảo, và người có trách nhiệm trả tiền là kẻ lừa đảo, đang bị bắt và nhiều khả năng lãnh án đến chung thân. Nhưng đó là quy định của pháp luật. Nhưng không có nhưng nhị gì hết.
Tiền cũng vậy và vàng có gửi cũng thế thôi, ngay cả khi có bảo hiểm tiền gửi.
Nhớ hồi Luật Bảo hiểm tiền gửi được đưa ra thảo luận trước Quốc hội, ĐBQH Trần Du Lịch gây sốc khi tiết lộ rằng, số tiền chi trả bảo hiểm tối đa chỉ 50 triệu đồng cho mọi đối tượng, cho mọi mức tiền gửi.
Còn chính Chủ tịch VietinBank Phạm Huy Hùng cũng thừa nhận, trong con số 50 triệu đồng này có sự “cào bằng quyền lợi của người gửi nhiều cũng như người gửi ít... nếu chẳng may rủi ro thì họ sẽ không biết bấu víu vào đâu”.
Ai cũng biết phải đưa vàng "ống bơ", đưa ngoại tệ "gối đầu giường", đưa tiền trong tủ của dân vào lưu thông thì mới tạo nguồn lực cho nền kinh tế. Nhưng xem ra, đây là nhiệm vụ không dễ.
TS Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Thống đốc Nguyễn Văn Bình có một tư duy thông minh, một bản lĩnh hành động
Thống đốc Bình là một nhà Ngân hàng Trung ương chuyên nghiệp. Ý nguyện có được một Ngân hàng Trung ương độc lập, chuyên nghiệp để ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô đã trở thành một ý chí chính sách mạnh mẽ ở con người này, từ các động thái điều hành đầu tiên như xin Chính phủ bỏ chỉ tiêu phát hành tiền, đến việc sử dụng linh hoạt và mạnh mẽ công cụ nghiệp vụ thị trường mở và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để kiểm soát cung tiền...
Chính các động thái quyết liệt này đã cho phép NHNN kiềm chế nhanh chóng lạm phát phi mã và ổn định tỉ giá hối đoái. Sau này, nhiều chuyên gia tài chính quốc tế đều đánh giá, nếu Việt Nam không kịp thời kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì chắc chắn hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế sẽ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nguy hiểm.
Tôi cũng cho rằng, Thống đốc là một người thông minh, có tư duy logic mạch lạc, lại có kinh nghiệm về NHNN nên ít bị nhầm lẫn giữa mục tiêu cốt lõi, kết quả cần phải đạt được và cái giá cần trả cho kết quả đó. Đây cũng chính là nhược điểm cố hữu của nhiều nhà quyết định chính sách hiện nay thường đi tìm những giải pháp vẹn toàn.
Ví dụ, trong bối cảnh bùng nổ tín dụng và bong bóng tài sản, mà muốn kéo lạm phát đang từ cao xuống thấp thì tất yếu phải trả giá là tăng trưởng kinh tế thấp và nhiều DN gặp khó khăn, nhất là những DN sống dựa vào tín dụng nóng và bong bóng tài sản. Các nhà đầu tư quốc tế và trong nước đánh giá rất cao bản lĩnh này của Thống đốc Bình và cho rằng, đây không phải là kết quả ngẫu nhiên mà là có cơ sở đáng tin cậy.
Một điều khiến dư luận ấn tượng với Thống đốc Bình là sự khá nhất quán giữa nói và làm, là người có bản lĩnh hành động và chỉ đạo quyết liệt. Những gì NHNN đạt được trong một thời gian ngắn (2 năm); kiểm soát lạm phát còn 1/3; giám sát lãi suất còn 1/3; ổn định tỉ giá; tăng dự trữ ngoại tệ gấp 3 lần; ổn định thị trường vàng và loại bỏ tình trạng vàng hóa; củng cố thanh khoản ngân hàng, chấn chỉnh kỷ luật thị trường tiền tệ, xử lý nợ xấu một bước... cũng đủ để chứng tỏ chỉ có hành động bền bỉ, kiên định và dũng cảm mới có thể làm được như vậy.
TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội TPHCM: Tôi đánh giá cao sự quyết tâm, kiên trì của Thống đốc Bình
Tôi cho rằng 2 năm vừa qua, NHNN dưới sự điều hành của Thống đốc Bình đã đạt kết quả hết sức khả quan. Muốn đánh giá được điều này, phải nhìn lại bối cảnh kinh tế của năm 2011-2012, lúc đó hệ thống ngân hàng đứng trước nguy cơ bất ổn nghiêm trọng, trong đó một bộ phận mất thanh khoản, một bộ phận khác có nguy cơ đổ vỡ dây chuyền. Nền kinh tế lạm phát cao và lãi suất cao; nợ xấu vẫn là điểm nghẽn làm nền kinh tế không hấp thụ được vốn...
Trong bối cảnh như vậy mà phải thực hiện mục tiêu chống lạm phát và giảm lãi suất thì quả là rất khó khăn. Nhưng Thống đốc Bình đã làm được. Cho đến thời điểm này, bên cạnh việc kiểm soát được lạm phát, giảm lãi suất, ông đã tạo được ổn định niềm tin vào tiền đồng; thiết lập trật tự thị trường vàng, xử lý được tình trạng vàng hóa, đôla hoá nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hệ thống tài chính ngân hàng thời gian tới. Tôi cho rằng, đây là những thành quả rất đáng ghi nhận và phải có sự kiên trì, quyết tâm cao, Thống đốc Bình mới làm được như vậy.
Phạm Huệ (thực hiện)
Theo Đào Tuấn - Phạm Huệ
Lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét