Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

BÀN VỀ QUYỀN MIỄN TRỪ NGOẠI GIAO

Theo tôi hiểu thì các nước EU cho phép mang tiền mặt ra khỏi EU trong giới hạn 7500 Euro. Trường hợp mang quá phải có giấy phép. Điều này cũng tương tự ở Việt Nam: Chỉ được tự do mang ra nước ngoài không quá 5.000 USD, nếu mang hơn phải có giấy phép. Quyền miễn trừ ngoại giao được thực hiện theo thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước khác theo luật quốc tế; người mang hộ chiếu ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao khi đang thực hiện công vụ. Trong trường hợp bác đại sứ Cường, nếu trên đường về nước họp chứ không phải về nước với tư cách cá nhân, thì theo tôi bác được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao khi quá cảnh qua Đức. Tuy nhiên, nếu không muốn xấu mặt đất nước, bác Cường có thể từ chối sử dụng quyền ngoại giao, coi như lần mang tiền không khai báo này là về nước nghỉ ngơi cá nhân. Kể cả đối với nhân viên ngoại giao, nếu Hải quan chắc chắn họ mang hàng, tiền lậu thì vẫn có quyền khám xét. 
BÀN VỀ QUYỀN MIỄN TRỪ NGOẠI GIAO
(NCTG) Trên cơ sở một bản tin đăng trên tờ báo Đức bild.de, một số tờ báo Việt ngữ đã đăng tải tin ông Nguyễn Thế Cường, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây đã bị Cơ quan Hải quan Đức giữ lại với nghi vấn “rửa tiền”.
Không phải cứ hễ mang hộ chiếu ngoại giao là 
đương nhiên được hưởng quyền miễn trừ... - Ảnh: dpa
Cụ thể, theo báo điện tử Đức bild.de, vào ngày 19-12-2013, Cơ quan Hải quan, Quan thuế tại phi trường Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức) đã câu lưu và thẩm vấn ông Nguyễn Thế Cường vì tình nghi ông Cường mang 20.000 Euro tiền mặt mà không khai báo. Được biết, vị đại sứ đi chuyến bay của Hãng hàng không Thổ (Turkish Airlines), và bị chặn lại kiểm tra tại khu vực miễn khai báo.

Ông Nguyễn Thế Cường cho hay đây là số tiền ĐSQ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ quyên góp để chuyển về nước giúp nạn nhân bão lụt và ông chỉ là người mang về. Cảnh sát Đức đã thả tự do cho ông Cường sau khi ông đóng khoản tiền phạt thế chân 3.500 Euro, tuy nhiên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt thì lập tức khiếu nại Nhà nước Đức, than phiền rằng Hải quan Đức đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Vienna bảo đảm sự miễn trừ dành cho giới ngoại giao.

Trên đây là nội dung bản tin ngắn đăng trên tờ bild.de mà tờ này coi là một “bê bối chính trị”. Theo sự hiểu biết cá nhân của tôi, trong vụ này cần lưu ý mấy điểm.

Thứ nhất, mang theo người 20 ngàn Euro tiền mặt không phải là phạm tội. Phạm tội là ở chỗ có tiền mà vẫn “hùng dũng” đi vào khu vực “nothing to declare” (không cần phải khai báo), trong khi luật hải quan ghi rõ là từ bao nhiêu tiền mặt trở lên thì phải khai báo. Hơn nữa số tiền này lại không có giấy tờ rõ ràng để xác nhận nguồn gốc.

Nếu tôi vào ngân hàng, rút 100 ngàn Euro từ tài khoản của mình để mang sang... Châu Phi tiêu dùng thì cũng chả ai làm gì mình, vì có phải nước nào trên thế giới cũng có hệ thông ngân hàng phát triển để sử dụng ATM hay chuyển khoản. “Tây” đi du lịch sang Việt Nam 3-4 tuần, ai mà chả lận lưng vài ngàn hoặc chục ngàn Euro, không thì lấy gì mà tiêu?

Thứ hai, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo những gì tôi được biết chỉ được hưởng quyền miễn trừ hạn chế - nghĩa là miễn trừ trong phạm vi công tác - trên lãnh thổ Đức. Quyền miễn trừ là do nước đón nhà ngoại giao công nhận, không phải là do nước cử nhà ngoại giao cấp cho. Trong trường hợp này, ông Cường chỉ được hưởng quyền miễn trừ hoàn toàn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn tại Đức, nếu ông Cường đi công tác chính thức (có văn bản xác nhận trước với Bộ Ngoại giao Đức và được phía Đức chấp thuận) thì ông mới được quyền miễn trừ. Nếu không có thì thôi. Ở sân bay, ta thường thấy là có một cửa xét hộ chiếu riêng dành cho những ai mang hộ chiếu ngoại giao. Đừng lầm là cứ có hộ chiếu ngoại giao đi vào đó là đương nhiên được miễn trừ.

Đây chỉ là một ưu tiên của các quốc gia để tránh cho các nhà ngoại giao khỏi phải xếp hàng với “dân đen”, mất thời gian các vị mà thôi. Chứ thực ra mang hộ chiếu ngoại giao không đủ để có quyền miễn trừ đâu, cho dù lâu nay có rất nhiều “huyền thoại” về quyền miễn trừ ngoại giao, như thể muốn làm gì cũng được, chả ai động được vào.

Sự thực không hẳn thế. Công ước Vienna rất chặt chẽ, và đối tượng áp dụng, phạm vi áp dụng rất rõ ràng. Tất nhiên là vẫn có những trường hợp lợi dụng bất hợp pháp công ước này, và nằm gọn trong phạm vi của nó, nên người lợi dụng thoát vòng pháp luật. Nhưng nhìn chung mà nói, không phải là “có quyền miễn trừ, ai muốn làm gì cũng được” đâu!

Quỳnh Anh, từ Brussels

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét