Nỗi đau “thập kỷ” và tiếng gọi đáy sông…
Cái chết của Lê Thị Thanh Huyền, sự tự do tạm thời của Nguyễn Thanh Chấn không thể coi là kết thúc. Nó phải được coi là sự “kích hoạt” của những cải cách dài hơi và kiên trì- cải cách tư pháp, cải cách hành chính, của luật chính quyền địa phương, nhằm xây dựng một nền quản lý xã hội, nền tư pháp khoa học, khách quan, bất vị thân, bất vị tiền và bất vị quyền.
Vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân gây chấn động dư luận
Năm 2013 cũng là năm đời sống nước Việt đương đại liên tiếp xảy ra những vụ việc- những nỗi đau của con người làm chấn động cả nhân tâm.Những cố gắng của một quốc gia trên hành trình hội nhập là đáng ghi nhận, nhưng trên hành trình đó, số phận con người với những tai họa, rủi ro khôn lường cũng lại phản chiếu một loạt vấn đề nóng bỏng khác- “lỗi hệ thống” của quản lý xã hội nói chung, của pháp luật nói riêng- cho thấy sớm muộn nước Việt phải có sự quyết liệt thay đổi, để phù hợp với văn minh, văn hóa hiện đại, đem lại sự bình an, an lành cho chính tâm hồn người Việt.
Điển hình của những nỗi đau đó, là câu chuyện thương tâm về số phận một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn ông giờ đã tạm trở về với cuộc sống đời thường, nhưng ký ức 10 năm bị tù tội oan uổng hẳn còn ám ảnh ông suốt cuộc đời. 10 năm đó, là “phép thử” lạ lùng cho ông thấy rõ sự tồi tệ, vô cảm của con người, và ở phía bên kia của đời sống, là vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu thương. Vẻ đẹp đó, vực ông dậy sau những ngã quỵ oan trái, an ủi và nâng đỡ ông, cho ông tái sinh, không phải sự sống, mà chính là sự tự tin làm người.
Còn người đàn bà, tội nghiệp thay, chỉ vì mong muốn làm đẹp, chị đã phải chết oan uổng. Sự oan uổng nhất là cho đến giờ phút này, chị vẫn ở đâu đó dưới dòng sông lạnh giá. Tiếng gọi đau thương, tuyệt vọng của chị dưới đáy sông liệu có thấu đến những người ruột thịt đang đau đớn, nỗ lực để tìm thấy chị.
Cầu mong một phép lạ cho họ “gặp” được nhau, khi năm cũ thương đau sắp kết thúc, để hy vọng mở ra một năm mới 2014 an lành hơn, nhiều may mắn hơn và bớt đi nỗi đau của người Việt, bớt đi sự tổn thương của cả xã hội những năm tháng này, vì những sự lởm khởm, bất cập của quản lý xã hội và của ngành tư pháp.
I- Cái “chết oan” tức tưởi của người đàn bà mang tên Lê Thị Thanh Huyền, hẳn sẽ còn ám ảnh rất lâu những người ruột thịt của chị, còn với xã hội nó khiến ai nấy bàng hoàng, kinh sợ, đau đớn thay cho chị. Bởi sự sống và cái chết với người đàn bà trẻ ham muốn làm đẹp này, sao mong manh thế, bất ngờ thế. Chỉ cách nhau vài phút.
Giá như sự rủi ro chỉ dừng ở cuộc phẫu thuật thẩm mỹ bất thành, thì dẫu ruột thịt của chị rất đau khổ, theo thời gian sẽ nguôi ngoai, vì cái chết đó quá bất khả kháng, nằm ngoài sự kiểm soát và khả năng cứu giúp của họ. Nhưng số phận khắc nghiệt, ở đây, chính bởi hành vi mù quáng, tồi tệ và cũng lạnh lẽo, vô cảm đến mức khó có thể hiểu nổi của Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường. Để rồi, từ một “tai nạn nghề nghiệp” trở thành một vụ án hình sự kinh hoàng- cách nhau chỉ có mấy tiếng đồng hồ. Khi vị bác sĩ này cùng một nhân viên dưới quyền vứt xác chị Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng, nhằm phi tang.
Tồi tệ, vô cùng bất nhẫn và cũng mù quáng ngu xuẩn, bởi một hành vi phi nhân tính đến vậy làm sao có thể che giấu mãi?
Chỉ có mấy tiếng đồng hồ - một “tai nạn nghề nghiệp” đã biến thành một tội ác. Chưa hết. Giờ đây, nó còn kéo theo nỗi đau đớn bi thảm của cả hai dòng họ tốn công, tốn của, tốn sức, tốn thời gian vô kể, hàng mấy tháng trời, tìm kiếm xác của chị Huyền, không biết khi nào mới kết thúc. Mọi phương cách đều đã được huy động. Lúc nhờ vào các nhà ngoại cảm, lúc trông vào các nhà khoa học kỹ thuật. Hơn hai tháng qua, sức kiệt, lực kiệt, chỉ nỗi đau của họ là vô hạn, bởi sự tìm kiếm vẫn rơi vào vô vọng.
Sự không may đó chứa đựng những rủi ro của kiếp người, quá cay đắng và đau thương, nhưng có nguồn gốc từ nhiều căn nguyên trong quản lý xã hội.
Rủi ro, bởi chị Lê Thị Thanh Huyền đã gửi gắm sự làm đẹp, mà hóa ra thành gửi gắm… sinh tử của mình cho một kẻ chưa đủ tư cách phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng vẫn ngang nhiên hành nghề, hệt cái biển quảng cáo TT phẫu thuật thẩm mỹ Cát Tường trưng ra giữa thanh thiên bạch nhật giữa phường sở tại, bất cần giấy phép và chứng chỉ chuyên môn.
Sự rủi ro của chị, còn bắt nguồn từ một loạt những điều mà trong xã hội này, tiếc thay, sự vi phạm pháp luật của con người đã thành nếp sống bình thường, nhan nhản.
Vì sao vậy? Nói cho cùng, nó là hệ lụy của sự điên cuồng kiếm tiền, hệ lụy của nhu cầu phát triển với sự quản lý của ngành dọc, của quản lý xã hội vừa không theo kịp, vừa tắc trách, thả nổi.
Nếu biết rằng ngành y tế có tới 30 ngàn cơ sở khám chữa bệnh, 39 ngàn cơ sở bán thuốc mà cả nước chỉ có 250 thanh tra y tế. Với một mạng lưới thanh tra mỏng hơn… mạng nhện đó, việc kiểm soát làm sao xuể? Nhất là với một “thói quen” quản lý, chỉ cần cơ quan chức năng cấp phép là “xong om”. Anh đi đường anh, tôi đường tôi. Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!
Còn nếu đưa cấp phường vào quản lý các cơ sở y tế, các TT thẩm mỹ thì sao? Phường không đủ sức, đủ trình độ để các phòng mạch, các TT khám chữa bệnh, thẩm mỹ tâm phục khẩu phục…, mặc dù theo như quy định lâu nay, các văn bản quy phạm pháp luật của ngành đều nói rõ vai trò của chính quyền địa phương. Thế nên, khi một vụ việc bất trắc xảy ra, chính quyền sở tại luôn im lặng … vô can. Còn các cơ sở khám chữa bệnh trước đó cứ nhởn nhơ hành nghề.
Sự phạm luật của Nguyễn Mạnh Tường, cùng với nỗi hoảng hốt, thói sĩ diện, âm mưu xóa dấu vết “tai nạn nghề nghiệp” đã dẫn ông ta đi quá xa, trở thành tội phạm. Từ sự kém cỏi, coi thường luật pháp trở thành tội ác- sai một ly đi một dặm, câu thành ngữ linh nghiệm một cách cay đắng vào số phận ông bác sĩ vô lương tâm này.
Chưa biết cuộc tìm kiếm của họ hàng, gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền đến bao giờ thì kết thúc? Nhưng với cung cách quản lý ngành dọc, quản lý xã hội như hiện nay, liệu Lê Thị Thanh Huyền đã phải là người rủi ro cuối cùng “chết oan” chưa? Tiếng gọi dưới đáy sông của Lê Thị Thanh Huyền, liệu có thức tỉnh ý thức tôn trọng pháp luật của con người, thức tỉnh bổn phận trách nhiệm quản lý xã hội của chính quyền các cấp không? Hay đó chỉ là số phận không may của một người đàn bà đi làm đẹp, rồi tử vong? Và… hết chuyện.
Chả lẽ, sự sinh tử của người Việt trong thời kim tiền này nó rẻ rúng đến vậy sao?
* * *
II- Sau cái sự “chết oan” là cái sự “sống oan” trong tù chẵn một thập kỷ của người đàn ông, có tên Nguyễn Thanh Chấn, từ đây, rất có thể cái tên riêng Nguyễn Thanh Chấn sẽ đi vào lịch sử ngành tòa án, gắn với khái niệm những vụ án oan sai, bởi tính chất điển hình, cay đắng của nó. Dù bản chất “vụ giết người”, mà vô tình Nguyễn Thanh Chấn là nạn nhân rơi vào tầm ngắm của cơ quan điều tra, không phải quá rắc rối, phức tạp.
Nó điển hình cho tính chất xâm phạm hoạt động tư pháp của các điều tra viên khi tiến hành điều tra vụ án. Một cung cách điều tra thiếu rất nhiều chứng cứ, nghiệp vụ khoa học, lại thừa sự sai phạm. Một cung cách “điều tra ngược”- dùng nhục hình, ép Nguyễn Thanh Chấn thực nghiệm hiện trường, nói như… con vẹt theo nội dung các điều tra viên tưởng tượng ra. Một sự ép cung thô bạo, tàn nhẫn mà khi vụ việc vỡ lở, kẻ giết người Lý Nguyễn Chung buộc phải ra thú tội, nó là nỗi hổ thẹn không chỉ thuộc về nghiệp vụ kém cỏi, mà còn là nỗi hổ thẹn của sự… vô lương tâm.
Nó điển hình cho sự sai phạm trong hoạt động xét xử của tòa án các cấp. Vi phạm nguyên tắc bất di bất dịch của tòa án “trọng chứng hơn trọng cung”. Cái nguyên tắc đó đã bị chính tòa án các cấp giẫm đạp không thương tiếc, khi “chứng cứ” thì do các điều tra viên bày đặt, còn “cung” do người bị bắt bị ép khai theo cách của các điều tra viên. Vậy mà cuối cùng, án vẫn xử, tòa vẫn tuyên. Nỗi hổ thẹn khi vỡ lở vụ án không chỉ thuộc riêng các điều tra viên, mà thuộc cả về tòa án các cấp.
Nó hổ thẹn như câu hỏi thâm thúy của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) trong phiên chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình: Liệu còn bao nhiêu con thỏ tuyên là …con gấu?Ngược lại, điều này càng trở nên mỉa mai hơn khi người ta nhìn vào các vụ án tham nhũng, có bao nhiêu con gấu được tuyên là …con thỏ?
Nó điển hình cho việc thể hiện chân lý thuộc kẻ mạnh, không ở thực tiễn, kể cả khi xử các vụ án. Khi luật sư của ông Nguyễn Thanh Chấn đã nêu ra 04 điểm chứng minh trước tòa cho thấy những chứng cứ quá lỏng lẻo của vụ án, cho thấy Nguyễn Thanh Chấn là ngoại phạm, thì tòa án vẫn bác bỏ, và Nguyễn Thanh Chấn trở thành tội phạm theo phán quyết cuối cùng của tòa.
Nó điển hình cho việc dối trá của các điều tra viên, khi họ phủ nhận sạch trơn những nội dung ông Nguyễn Thanh Chấn tố cáo. Nhưng “lời nói dối”… chưa phải cuối cùng của họ, lại vô tình tố cáo chính họ- hoặc ông Nguyễn Thanh Chấn phạm tội vu khống- hoặc ông này mắc bệnh tâm thần, muốn được tù tội,nên dựng chuỵện. Vậy, xã hội sẽ tin ai hơn?
Dân gian có câu khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Còn ở đây, các điều tra viên chẳng ngoan đã đành, mà cũng chả ra… khôn.
Nó điển hình cho sự vô trách nhiệm của các vị chủ tọa, thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm vụ án, khi các vị này đều nhanh chóng “quên hẳn” một phiên tòa oan sai do chính các vị xử, “đá trách nhiệm” lẫn cho nhau, và cho cả… Quốc hội. 10 năm trời chịu đựng tù tội, bởi sai lầm tệ hại của các vị quan tòa, điều tra viên, đâu chỉ có Nguyễn Thanh Chấn bị oan uổng, mà còn kéo theo cả một gia đình nông dân lương thiện bỗng sạt nghiệp, sa sút một cách oan uổng, tai tiếng oan uổng sau lũy tre làng.
Còn ở mặt bên kia của đời sống, đối lập với sự vô cảm của không ít vị “công bộc”, là câu chuyện cảm động và cũng rất điển hình về con tim, về tình yêu thương tuyệt vời của một người đàn bà- vợ ông Nguyễn Thanh Chấn. Tình yêu thương sâu sắc cho bà niềm tin tuyệt đối về sự vô tội của chồng. Niềm tin đó cho bà sự can đảm, sự kiên nhẫn vô hạn và dũng khí trên hành trình đường trường suốt 10 năm cầm đơn kêu oan cho chồng. Niềm tin đó đã biến bà- một người đàn bà quê mùa chỉ biết ruộng đồng, chồng con, thành một “thám tử tư” bất đắc dĩ trực tiếp “điều tra vụ án”. Sự bi hài và đáng buồn cho hoạt động điều tra một vụ án nổi tiếng, và… tai tiếng.
Có điều, số phận Nguyễn Thanh Chấn, sau giây phút vỡ òa khóc cười vì tủi thân xen lẫn hạnh phúc đoàn tụ, tưởng được tự do, thì thật ra cho đến giờ phút này vẫn treo lơ lửng. Dù theo ông Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm UBPL của QH khẳng định, kháng nghị và xét xử tái thẩm là sai, nếu đưa ra tái thẩm, (mà không xử giám đốc thẩm- KD) là các cơ quan tố tụng đang cố tình lấp liếm đi cái sai của mình trước đó, dễ bề phủi trách nhiệm đã gây oan cho ông Chấn (Lao động, ngày 06/11).
Bởi mới đây, Viện KSND Tối cao ra quyết định chuyển vụ án Nguyễn Thanh Chấn đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra lại. Tại sao? Hay bởi tư pháp nước Việt mình… nó thế?
Số phận những Lê Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thanh Chấn… không còn thuộc về cá nhân họ nữa. Những rủi ro, tai họa của họ vô tình phản chiếu cung cách quản lý xã hội, phản chiếu sự bất cập với những cái lỗi khó tha thứ của hệ thống tư pháp. Và vì thế, cái chết của Lê Thị Thanh Huyền, sự tự do tạm thời của Nguyễn Thanh Chấn không thể coi là kết thúc.
Nó phải được coi là sự “kích hoạt” của những cải cách dài hơi và kiên trì- cải cách tư pháp, cải cách hành chính, của luật chính quyền địa phương, nhằm xây dựng một nền quản lý xã hội, nền tư pháp khoa học, khách quan, bất vị thân, bất vị tiền và bất vị quyền, những điều kiện cần cho sự hội nhập.
Khi mà bắt đầu ngày 01/01/2014, ngày đầu năm mới, cũng là ngày đầu tiên nước Việt thực hiện Hiến pháp mới.
Kỳ Duyên
(VNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét