Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

“Qua đình ngả nón trông đình”

“Qua đình ngả nón trông đình”
Trong sâu thẳm tâm thức người Việt, hình ảnh mái đình cây đa luôn ở vào cung bậc nhạy cảm nhất và có sức gợi nhớ mãnh liệt.
Bất cứ người Việt nào cũng có, và cần có, một vùng quê để thương để nhớ. Thật bất hạnh cho ai đó không có được một “vùng thương nhớ” ấy trong hoài niệm tuổi thơ. Mà đã là hoài niệm, thì cho dù nơi ấy có cơ cực tủi nhục đến đâu, có xơ xác lam lũ thế nào, có để lại những dấu ấn buồn đau đến mấy, thì vẫn có sức gọi dậy những vang bóng một thời đầy ắp những kỷ niệm mông lung, ấm áp.

Về làng, ta về làng, hai tiếng ấy giục giã đến nao lòng những người vì cuộc mưu sinh, vì một sự nghiệp phải xa quê.
 
Ai về làng cũ hôm nay, Thư này đưa hộ cho thày mẹ tôi. Con đi mười mấy năm trời, Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương… Con đi năm ấy tháng tư, Lúa chiêm xấp xỉ giỗ từ tháng ba. Con đi quạnh cửa quạnh nhà, Cha già đập lúa, mẹ già giũ rơm. Cha dậm gạo, mẹ vần cơm, Có con, con vắng, ai làm thay cho” (Nguyễn Bính).
Mà đã về làng thì làm sao có thể không nhớ, không thăm cái đình. “Trúc xinh trúc mọc bên đình, em xinh…” đấy là cái hồn cốt của làng đã thăng hoa trong cảm thức thẩm mỹ dân tộc với những hình tượng độc đáo xao động lòng người, chứ cái đình thường giữ một vị trí trang trọng trong ý thức dân làng.

Cái đình là trung tâm của làng. Làng nào cũng có đền thờ ông thần hoàng. Đình được cất cao ráo khang trang, thế tất theo phong thủy, nơi phong quang nhất làng”, Tô Hoài luận về “cái đình làng” trong Chuyện cũ Hà Nội như vậy.

Hãy nghe người kể chuyện cũ rất có duyên ấy nói về cái đình làng:
Ở đình… có ngai thờ ông thần hoàng thiêng liêng, uy nghi. Ông thần trông coi làng sáng soi trên đầu mọi người. Thần hoàng đã xuất hiện từ nghìn xưa, mọi triều đại thay đổi, nhưng vua đời nào cũng phong sắc cho thần hoàng làng. Các vị thượng đẳng phúc thần được tế lễ thờ phụng là nhân vật tiền sử như Th ánh Gióng, có khi là những anh hùng có thật. Lý Th ường Kiệt, đức thánh Trần, Phạm Ngũ Lão, bà Ỷ Lan. Có khi là người vô danh chết vào giờ linh được hiển thánh…”.

Trong Việt Nam văn hóa sử cương xuất bản năm 1938, học giả Đào Duy Anh chỉ rõ:
Đối với dân làng, thần Thành hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp lệ cùng hy vọng chung của cả làng, lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn thành một đoàn thể có hệ thống và tổ chức chặt chịa”.
Chỉ riêng tục “hèm” ở khá nhiều làng quê cũng cho thấy nét độc đáo của tín ngưỡng dân gian có một sức bền vững kỳ lạ, càng thần bí, kỳ quặc bao nhiêu càng bảo lưu được những nét dáng nguyên sơ trong việc thờ thành hoàng.

Cụ Đào miêu tả hiện tượng ấy như sau:

Trong lễ vào đám hay vào hội của ít nhiều làng, có một nghi tiết đặc biệt gọi là hèm, người ta thường bày một trò để nhắc lại tình sự nghiệp hoặc sinh bình của vị thần làng thờ. Ví dụ khi vào đám lễ thần ăn trộm thì ban đêm con trai con gái trong làng đốt đuốc đi xung quanh đình giả tìm kẻ trộm, trong khi ấy người thủ từ lấy tượng thần đưa qua lỗ ngạch, có ông tiên chỉ đứng chực sẵn ở phía ngoài nắm lấy cổ tượng thần đấm ba đấm rồi bỏ lên kiệu rước lại vào đình”.

“Hèm” nhằm trình diễn một biểu tượng đặc trưng về cuộc đời, một nét tính cách đặc biệt của vị thành hoàng làng, vị thần bảo trợ cho cộng đồng làng, khẳng định tính riêng biệt độc đáo của cộng đồng ấy.
Ẩn chìm trong màn sương hư ảo của tín ngưỡng mang tính huyền bí là bóng dáng của sức cố kết cộng đồng trong tâm lý làng xã được thăng hoa, bụi thời gian dần dà phong kín cái cốt lõi hiện thực của cuộc sống làng quê.

Trong dòng chảy thời gian ấy, với bao biến thiên của lịch sử và những đảo lộn xã hội, cái làng quê đã bị xáo động dữ dội, những lễ tục ấy rồi cũng đã nhạt nhòa, may lắm chỉ còn được gợi lại trong hồi ức của một lớp người nay đã ngày càng hiếm.
Tuy nhiên, dù có chìm vào quên lãng, rồi đây lớp người “cổ lai hy” hôm nay không còn nữa, thì hồi ức ấy vẫn còn đọng lại trong nền văn hóa làng vốn là nguồn sinh khí nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc.

“Cái đình làng”, dù có “trúc xinh mọc bên đình” hay không, thì “mỗi cái cây ở thôn xóm cũng như con người đều mang sự tích cuộc đời và cái hồn cốt của nó” (Tô Hoài) cho nên nói chuyện về cái đình, thật ra là để nói về chuyện nền “văn hóa làng” ấy.
Ngày qua ngày lại qua ngày. Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng. Bảo rằng cách trở đò giang. Không sang là chẳng đường sang đã đành. Nhưng đây cách một đầu đình. Có xa xôi mấy cho tình xa xôi”!

Có người cho rằng, cái quy luật tất yếu và phũ phàng của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa “ngày qua ngày lại qua ngày” dường như đã vùi dập không thương tiếc nền văn hóa làng ấy. Cho dù có muốn cưỡng lại cũng chỉ là những khát khao vô vọng:
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa, Như hôm em đi lễ chùa, Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh”.

Giờ đây không chỉ là “Hôm qua em đi tỉnh về, Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” mà là văn minh đô thị, đúng hơn, những cặn bã của nền văn minh đó đang tràn về đầu độc các chàng trai cô gái làng cho dù họ biết “thày u mình với chúng mình chân quê” (Nguyễn Bính).

Lối sống “chân quê” đó đã phần nào bớt đi sự tăm tối bùn lầy nước đọng với lũy tre làng khép kín bịt che tầm mắt, chặn hết lối ra với cơ may tìm được lối thoát và sự thăng tiến xã hội. Nhưng rồi cái thứ cặn bã văn minh đô thị nói trên lại đầu độc làng quê ta theo một kiểu khác không kém phần thảm thương để rồi, một nhà thơ thảng thốt kêu lên:

Những nền tảng của văn hóa truyền thống ở các làng quê đã biến dạng và bị phá vỡ. Cái quan hệ hàng xóm láng giềng có được trong truyền thống tốt đẹp lâu đời của văn hóa làng Việt Nam mỗi ngày một mất đi những vẻ đẹp và tính nhân văn của nó. Làng quê Việt Nam bây giờ “ông chẳng ra ông thằng chẳng ra thằng”. Phố cũng không phải phố mà làng cũng không phải là làng” (Nguyễn Quang Thiều).
 
Một câu hỏi đặt ra: liệu có nhất thiết buộc phải đánh đổi một nông thôn xanh tươi và hài hòa với thiên nhiên, nơi ấp ủ nền văn hóa truyền thống dân tộc để đổi lấy một nông thôn tàn tạ, nham nhở, phố không ra phố, làng chẳng ra làng không?

Câu hỏi đó như một điệp khúc buồn day dứt, cứ trở đi trở lại mãi khi bàn về vấn nạn nông thôn, đặc biệt khi nói về nền văn hóa làng. 

Những tổn thương nặng nề trong chiến tranh, nhất là những vết thương trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức ở miền Bắc cuối những năm 50 thế kỷ XX chưa kịp kín miệng, lên da non, thì những sai lầm của chủ nghĩa giáo điều duy ý chí trong việc áp đặt mô hình kế hoạch hóa tập trung bao cấp, cùng với việc hối hả thúc đẩy quá trình tập thể hóa nông nghiệp với hợp tác xã bậc thấp rồi hợp tác xã bậc cao, tiếp tục làm cho nó lở loét thêm, thúc đẩy sự biến dạng và tàn tạ của nền văn hóa làng.

Và rồi, với tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa chưa có một định hướng hợp lý đã đẩy nhanh thêm quá trình tan rã và biến dạng của nền văn hóa làng đó.
Không khéo lần công phá dữ dội của làn sóng đô thị hóa và công nghiệp hóa kỳ này, nếu không có một chuyển đổi về nhận thức và đường lối, sẽ là đòn trí mạng làm sụp đổ hẳn nền văn hóa làng.

Mà cần nhớ rằng, làm sụp đổ nền văn hóa làng, tức là nhổ bật cái gốc của văn hóa Việt Nam với cấu trúc chặt chẽ của ba nhân tố: văn hóa nhà, văn hóa làng và văn hóa nước, cái làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Để cảm nhận được đầy đủ điều ấy, phải ngược dòng lịch sử mà hiểu ra rằng trong cái thế kẹt của vị thế địa chính trị “trứng nằm dưới đá” Việt Nam muốn tồn tại và phát triển phải rèn cho mình bản lĩnh có cứng mới đứng được đầu gió, dám tự khẳng định mình, sớm rèn luyện bản lĩnh “dám là mình”.
 
Không có phẩm chất đó thì dân tộc này đã không thể tồn tại chứ chưa nói đến phát triển. Biết bao lần ngoại bang đã muốn biến nước ta thành quận huyện của chúng, thậm chí chỉ là một xứ thuộc mẫu quốc ở tít tắp bên kia đại dương, xóa tên Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết phải tiêu diệt ý chí đề kháng được hun đúc trong nền văn hóa vốn là nguồn sức mạnh bất tận của dân tộc Việt Nam. Ngoại bang không sao đồng hóa được dân tộc này vì chúng có thể chiếm giữ được nước (thủ đô, huyết mạch giao thông) song không sao chiếm được làng, không làm băng hoại được nền văn hóa làng.

Còn làng thì còn nước, sự gắn kết làng - nước là sức sống bất tận của dân tộc ta. Cốt lõi của sức sống đó là gì, chất xi măng gắn kết mọi con người trong cộng đồng dân tộc này là gì, nếu không phải là văn hóa Ấy thế mà thật oái oăm, những cơn binh lửa tàn phá thành tựu của nền văn hóa dân tộc “…Lửa đốt sạch, than ôi vận nước, sách vở đi đời. Muốn tìm sự tích sau cơn khói lạnh tro tàn, thật rất khổ tâm về nỗi nét sai, chữ sót…” mà sử gia Ngô Sĩ Liên từng xót xa.
 
Nhưng nếu nghiêm khắc phân tích kỹ, chiến tranh chỉ có thể thiêu hủy những thành tựu văn hóa vật thể, khi cơn binh lửa qua đi vẫn có thể trùng tu, xây dựng lại, còn những hủy hoại đã diễn ra từ sau những năm 50 thế kỷ XX trở lại đây như đã trình bày, thì không chỉ những di sản văn hóa vật thể mà cùng với chúng, những di sản văn hóa phi vật thể, đời sống tâm linh, nơi sâu thẳm của tâm hồn con người, có ý nghĩa khơi động, dẫn dắt ý nghĩ và hành động hướng thiện của con người đã bị xúc phạm dữ dội.

Trùng tu, đúng, phải trùng tu ngôi đình. Nhưng trước hết có lẽ phải “trùng tu” cái đầu còn hời hợt trong suy nghĩ về di sản của ông cha để lại.

Hãy nhìn vào ngôi đình làng, ngôi chùa làng, trừ một số ít được giữ gìn hoặc đang được trùng tu, còn lại thì đang tàn tạ, tiêu điều! Bằng nhận thức ấy mới thấy cần phải trả lại cho chúng cái chức năng văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Liệu có thể đánh thức cảm quan thẩm mỹ “Qua đình ngả nón trông đình. Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu” và biết xao động với hình ảnh “Sư già quét lá sau chùa, Để thiêu xác lá trước giờ lên chuông”. Hoài cổ ư? Có thể.  
 
Nguồn : Doanh nhân Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét