Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Thảm họa nước biển dâng

Đối mặt với thảm họa nước biển dâng

Biến đổi khí hậu có thể khiến băng tuyết trên đỉnh Hymalaya tan chảy

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam đang trở thành một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Trung tuần tháng 5 vừa qua, nhà báo Vanya Walker-Leigh của Hãng tin Inter Press Service (IPS) vừa có bài viết về vấn đề này đăng trên báo mạng Asia Times với nhan đề “Khí hậu làm chiến lược quốc gia của Việt Nam bốc cháy”.
1. Theo Vanya Walker-Leigh, Việt Nam – đất nước được ca ngợi như một câu chuyện về sự phát triển thành công đưa hàng triệu người thoát khỏi tình trạng đói nghèo và có một cuộc sống đáp ứng tất cả các “Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ” vào năm 2015, đang nhận thấy tương lai bị đe dọa nghiêm trọng bởi tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong những năm gần đây, tốc độ nóng dần lên của trái đất vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam và phụ thuộc chủ yếu vào việc giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong tương lai của các nước công nghiệp.
Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam đưa ra hồi tháng 3 vừa qua đã mô tả đất nước như một trong số những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng này, “với châu thổ Cửu Long là một trong ba vùng đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, cùng hai vùng đồng bằng châu thổ sông Nile (Ai Cập) và sông Hằng (Ấn Độ)”. Chiến lược cảnh báo rằng, đến cuối thế kỷ này nhiệt độ trung bình có thể tăng 2-3oC, với những thay đổi lớn về lượng mưa, đe dọa gây ra tình trạng lũ lụt và hạn hán có sức tàn phá khủng khiếp, trong khi mực nước biển được dự báo sẽ tăng lên từ 0,75-1m.

Chính sách cho biết thêm: “Khoảng 40% diện tích Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, 11% Đồng bằng sông Hồng và 3% của những khu vực khác sẽ bị ngập nước”. Vanya Walker-Leigh dẫn lại báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi tháng 3 có nhan đề “Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và di cư ở châu Á và Thái Bình Dương”, theo đó, vào năm 2050, khoảng 9,5 triệu người Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy hiểm do chịu tác động của nước biển dâng.
2. Biến đổi khí hậu đã được nói đến trong nhiều năm qua như một “vấn đề sống còn”, “cuộc đấu tranh rất quyết liệt, không chỉ của riêng giới khoa học mà của mọi dân tộc trên thế giới”. Ngay từ năm 2007, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo, nếu nhiệt độ của bầu khí quyển tiếp tục gia tăng như hiện nay thì trong vòng 50 năm nữa sẽ không còn băng tuyết trên dãy Himalaya. Băng tuyết trên đỉnh Everest ngày càng tan nhanh và đã biến thành những hồ nước khổng lồ. Cách đây 60 năm, tại Nepal chỉ có khoảng 10 hồ nước thì nay đã lên đến con số 2.400 với 14 hồ lớn sắp bị tràn và không biết điều gì sẽ xảy ra nếu các trái bom nước trên cao này chịu tác động của những trận động đất, dù nhỏ. Do Himalaya là nơi phát nguyên của 9 con sông lớn tại châu Á, trong đó có sông Mekong, nếu thiên tai xảy ra, các nước thuộc khu vực hạ lưu sẽ bị nạn lũ quét rất nặng.
Riêng Việt Nam còn bị đe dọa bởi nguy cơ nước biển dâng cao. Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia bị thiệt hại nặng nhất, nước dâng, lũ lụt chưa từng thấy, hàng triệu người sẽ mất nhà cửa.
Nhà hóa học Thụy Điển, Stanves Arrhenius, hơn một thế kỷ trước đã tiên đoán, nếu hàm lượng CO2 trong khí quyển tăng lên gấp đôi, nhiệt độ trung bình trên trái đất sẽ tăng thêm 5-6oC, trùng hợp kỳ lạ với kết quả tính toán sử dụng các siêu máy tính thời nay. Nếu điều này xảy ra, các tảng băng khổng lồ ở hai địa cực sẽ đánh chìm hàng loạt vùng dân cư đang sinh sống trên thế giới và thay đổi hoàn toàn khí hậu trên trái đất và đó là đòn trừng phạt nặng nề của tự nhiên đối với con người. Nhưng Arrhenius lại quá lạc quan dự báo rằng, phải mất 3.000 năm nữa loài người mới phải đối diện với thảm họa này. Ông không ngờ rằng, con người phát thải quá nhiều như những năm qua và đại thảm họa có thể sẽ diễn ra ở ngay cuối thế kỷ này. Với hai châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long trải rộng trên những vùng đất có độ cao không lớn lắm, Việt Nam là một trong số những nước chịu tác hại nghiêm trọng nhất của hiện tượng mực nước biển dâng cao.
Theo Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ, có 6 nguyên nhân dài hạn dẫn đến việc nước biển dâng cao hoặc toàn cầu hoặc cục bộ, quan trọng nhất trong số đó là sự tan của các sông băng và sự dãn nở của nước biển gần bề mặt do việc nước biển tăng nhiệt độ. Các sông băng trên mặt trái đất và các lớp băng ở hai cực khi tan chảy sẽ đóng góp khoảng 1/3 mức nước biển dâng trong tổng số mọi nguyên nhân.
3. TS Nguyễn Thọ Nhân, tác giả cuốn “Biến đổi khí hậu và năng lượng” (NXB Tri Thức, 2009) đã giải thích rõ về hiện tượng mực nước biển dâng cao. Trong quá khứ xa xăm, mực nước biển đã lên xuống với những biên độ dao động đến 100m trong các chu kỳ băng giá và gian băng. Các số liệu đo được trong các lớp san hô đã cho thấy trong giai đoạn gian băng cuối cùng (khoảng 125.000 năm trước đây), mực nước biển cao hơn hiện nay khoảng 4-6m. Nhiệt độ của Greenland ở thời điểm đó cao hơn hiện nay 3oC và việc tan băng một phần ở đây đã làm cho mực nước biển dâng cao 2,3-3,4m. Trong giai đoạn băng giá gần đây nhất, mực nước biển thấp hơn ngày nay trên 120m, vì nước được tích lũy trong các lớp băng ở Nam Cực, Bắc Mỹ và Bắc Âu. Khoảng 20.000 năm trước đây, băng bắt đầu tan, nước biển bắt đầu dâng cao khoảng 800mm mỗi thế kỷ, nhưng đến khoảng 6.000 năm trước đây, nước biển dâng chỉ bằng 1/10 thời gian trước, tức là khoảng 0,08m trong mỗi thế kỷ.
Khoảng 2.000 năm trở lại đây, mực nước biển ít thay đổi so với ngày nay do khảo sát các hồ nuôi cá do người La Mã cổ đại xây dựng dọc bờ biển. Trong thế kỷ XIX và XX, người ta cũng có thể ước tính được mực nước biển qua các lõi đất khoan trong các đầm lầy. Ngày nay, nhờ những cột mốc thủy triều hay các quan trắc dùng vệ tinh, người ta thấy rằng nước biển dâng cao khoảng 3mm mỗi năm, cao hơn nhiều so với tốc độ trong những thiên niên kỷ trước.
Ngoài hiện tượng nước dâng từ từ trong thế kỷ XXI, một thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào là tấm băng ở vùng Tây Nam Cực, gọi tắt là WAIS, bị sụp đổ và rơi vào biển rồi tan rã nhanh chóng, có thể khiến mực nước biển dâng cao thêm 6m, (đủ sức nhấn chìm toàn bộ một vùng rộng lớn từ châu thổ Cửu Long tới TP HCM), nhưng xác suất xảy ra chỉ là 2%. Nước biển dâng sẽ tạo nên thảm họa ngập đất khiến đường ranh giới bờ biển đi sâu vào đất liền; gây nên hiện tượng ngập nước, ngập mặn; xói mòn bờ biển; nước biển xâm nhập; gia tăng cường độ hung dữ và tần suất thường xuyên hơn của các cơn bão nhiệt đới.
Vào năm 2100, mức nước biển tăng trung bình trên thế giới sẽ là 0,48m, tức là từ 2-4 lần mức tăng trong thế kỷ XX (trung bình mỗi năm dâng cao 1-2mm). Hai trong số những sự kiện điển hình thường được nêu trong các báo cáo liên quan tới Việt Nam: Khi mực nước biển dâng cao 0,15m (có thể xảy ra sớm nhất vào năm 2015), giới hạn bờ biển của châu thổ sông Cửu Long (tính ở độ cao 1m trên mực nước trung bình của tháng 8) sẽ bị đẩy lùi vào nội địa khoảng 15-25km. Ở mực nước biển cao hơn hiện nay 0,95m (có thể xảy ra sớm nhất vào cuối thế kỷ XXI), nếu không được bảo vệ thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu thiệt hại do lũ lụt gây ra lên đến 17 tỉ USD, tức là 80% GDP của Việt Nam năm 1977.
Còn trong một bản báo cáo công bố tháng 2/2007, Ngân hàng Thế giới đề cập đến hiện tượng nước biển dâng cao và ảnh hưởng của nó trên 84 quốc gia đang phát triển và Việt Nam được xem là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi nước biển dâng cao 1m, Việt Nam bị thiệt hại nhiều nhất về số dân bị ảnh hưởng (gần 11%), về giá trị GDP bị tổn thất (10%), về diện tích các đô thị bị ngập (10%) và về diện tích các vùng ngập nước, ngập mặn đã được quy hoạch mất đi. Việt Nam cũng đứng thứ hai về diện tích đất bị ngập (5%, chỉ sau Bahamas 12%), về đất trồng trọt bị mất đi (7%, chỉ sau Ai Cập 13%). Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ đưa ra những con số tối thiểu.
Sự thật thì các tác hại của hiện tượng nước biển dâng còn lớn hơn nhiều bởi còn nhiều tác hại khác trên các mặt sức khỏe, đa dạng sinh học, du lịch… chưa được tính đến. Các số liệu đưa ra dựa vào những điều kiện dân số, kinh tế, xã hội hiện nay mà không tính đến các phát triển trong tương lai ở những vùng sẽ bị ngập. Vì ở vùng ven biển, sự phát triển về mọi mặt sẽ tăng lên nhanh chóng, cho nên dân số bị ảnh hưởng hay tổn thất tính theo số phần trăm của GDP sẽ còn cao hơn. Và người ta không để ý đến các tác hại rất nghiêm trọng của bão, lũ, triều cường chắc chắn sẽ mạnh hơn, tần suất nhiều hơn, đi sâu vào đất liền và tăng theo mực nước biển dâng.
Cùng với đó, sự xói mòn và sạt lở đất ven biển sẽ ngày càng trầm trọng. Theo Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, giữa các năm 1960 và 1990, nước biển ở Việt Nam dâng cao chỉ với 2mm/năm cùng với các hiện tượng khí hậu ngắn hạn đã làm cho vùng Cà Mau mất đi 600ha do xói mòn ở một số nơi, những khoảng đất rộng đến 200m đã sạt lở xuống biển. Ở Cát Hải – Đồ Sơn, từ năm 1965 đến 2000, 43,9km bờ biển đã bị xói mòn trên 4,4m mỗi năm. Bờ biển vùng Vạn Lý (Nam Định) trong 50 năm qua đã chứng kiến hiện tượng xói mòn hơn 30km trên chiều rộng từ 10-15m mỗi năm. Tuy nhiên, các giải pháp ứng phó đã tỏ ra có hiệu quả, ở vùng Hải Hậu, chiều dài bờ biển bị xói mòn đã giảm từ 30km xuống còn 17,2km sau khi các bờ kè được gia cố.
TS Nguyễn Thọ Nhân cho rằng, nước biển dâng là một vấn đề mang tính gay gắt nhất đối với nước ta, ngày càng phức tạp và khó giải quyết. Theo các dự báo tin cậy, vào khoảng các năm 2050, 2070, 2100 mực nước biển sẽ dâng cao 33cm, 45cm rồi 1m. Trong trường hợp nước dâng cao 1m, chỉ riêng nguyên nhân đất ngập cũng làm giảm sản lượng lương thực của Việt Nam đến 12%, tức là khoảng 5 triệu tấn thóc. TS Nguyễn Thọ Nhân dẫn lại nghiên cứu quan trọng năm 2006 của Nicholls và Tol rằng, Việt Nam cần bỏ ra một khoản tiền tương đương với 0,1-0,2GDP hàng năm để bảo vệ bờ biển để có thể tránh được các tác hại nghiêm trọng. Nhưng ông cũng lại dẫn ý kiến của N. Adger rằng, với sự thay đổi cơ cấu kinh tế ở nước ta, công tác đối phó đã được phi tập trung hóa, các địa phương không đánh giá đúng các tác hại của hiện tượng, kinh phí nhiều khi không được sử dụng đúng cho nên việc ứng phó trước hiện tượng nước biển dâng sẽ kém hiệu quả và gặp nhiều khó khăn hơn so với thời kỳ trước đổi mới 1986.
4. Chắc chắn nước biển sẽ dâng cao, một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI, đó không còn là những dự đoán của tương lai mà đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Nhằm ứng phó ngay từ bây giờ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì tổ chức nghiên cứu xây dựng các phương án hành động cho Việt Nam trong tương lai dựa trên 3 kịch bản phát thải khí nhà kính: phát thải thấp, phát thải trung bình và phát thải cao. Tạp chí Dầu khí số 3/2012 đã đăng tải bài viết “Đánh giá các ảnh hưởng của nước biển dâng do biến đổi khí hậu đối với các công trình dầu khí trên bờ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đề xuất các giải pháp ứng phó” của Nguyễn Ngọc Sơn và Mai Thanh Trúc (Viện Dầu khí Việt Nam). Theo đó, các tác giả đã dựa trên mức phát thải trung bình để đánh giá các công trình cơ sở hạ tầng của ngành Dầu khí thường nằm dọc dải bờ biển, nơi được xem là dễ bị tổn thương hàng đầu dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo các tác giả, mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão và sóng thần năm 2050 với 9 nhà máy lọc hóa dầu, 3 nhà máy nhiên liệu sinh học, 2 nhà máy đạm, 11 nhà máy điện, 15 kho/ tổng kho chứa xăng dầu, 4 trạm phân phối khí, 6 cảng, cụm cảng… đa số an toàn và không bị ảnh hưởng. Kịch bản mà Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng năm 2009 chưa xem xét đến chế độ thủy văn khu vực, sóng, triều dâng do bão và các thiên tai. Đối với từng khu vực khác nhau thì mực nước biển dâng cũng hoàn toàn khác nhau. Các công trình dầu khí trên đất liền đều có độ cao xây dựng từ 2m trở lên, trừ kho xăng dầu Nhà Bè (1,8m). So với mức nước biển dâng đã hiệu chỉnh (xét đến yếu tố sóng, thủy triều, nước dâng do bão…) vào năm 2020 và 2050 thì đa số các công trình ở mức an toàn, trừ kho xăng dầu Nhà Bè do nằm sát sông Sài Gòn và Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau do địa hình chung khu vực thấp (0,5-1m) nên sẽ trở thành ốc đảo vào năm 2050 và có thể bị cô lập giao thông.
Tương lai có thể trở nên dễ đoán định hơn nhờ những nghiên cứu cụ thể và kịp thời như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét