Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

Khủng khiếp như nhà vệ sinh công cộng ở VN

Khủng khiếp như nhà vệ sinh công cộng ở VN
FB Lê Huyền Ái Mỹ 12-2-2023 - 
Xin hãy đọc dòng nhận định mang tính “chân lý” của Nikkei Asia: “Việc sử dụng nhà vệ không chỉ là nhu cầu và quyền của con người, mà đây còn là vấn đề về nhân phẩm, hòa nhập và tôn trọng“. Và suy ngẫm – hành động một cách “vệ sinh” nhất về chúng nó, vì chúng ta.
Năm 2017, tôi theo đoàn của Hội LHPN TP.HCM “về nguồn” một số tỉnh phía Bắc. Nỗi ám ảnh khiến tôi tự nhủ sẽ “một đi không quay lại” là nhà vệ sinh. Đến như một điểm du lịch nổi tiếng là nhà vua Mèo, hãi đến mức, nín. Đến độ không chịu nổi, mấy chị em dùng khăn choàng, quây lại ở một bãi đất hoang, um tùm cỏ mọc rồi lần lượt “giải quyết”.

Năm 2018, tôi sang Trung Quốc, họ đa phần dùng “cầu bệt”, cũng không sao nhưng mùi xú uế nồng nặc và một lần nữa tự bảo, “có cho vàng cũng không đi”.

Cũng đâu chừng cả chục năm trước, tò mò vào nhà vệ sinh công cộng đặt ở khu vực phía ngoài công viên Lê Văn Tám, rồi từ đó tôi không dám “hiếu kỳ” thêm lần nào.

Mới đây, báo chí trong nước đăng lại một bài viết từ tờ báo uy tín Nikkei Asia nói về tình trạng nhà vệ sinh công cộng của Việt Nam, có dẫn khảo sát của QS Supplies được công bố cuối tháng 1-2023. Khảo sát được tiến hành tại 69 thành phố du lịch trên toàn thế giới. Kết quả, Hà Nội xếp thứ 66/69, TP.HCM xếp thứ 67/69. Bảng xếp hạng được tính trên số lượng nhà vệ sinh công cộng trên trung bình mỗi km2; và tất nhiên là tính vệ sinh, an toàn được đảm bảo.

15 thành phố có điều kiện nhà vệ sinh công cộng kém nhất. Hà Nội vị trí 66/69 và TP.HCM 67/69 thành phố du lịch thế giới (tính theo số nhà vệ sinh công cộng trên km2). Ảnh chụp màn hình

Tóm lại, hai thành phố lớn nhất Việt Nam đứng trên được Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập, nhưng xếp dưới xa so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như TP Kuala Lumpur (Malaysia) thứ 42/69, Bangkok (Thái Lan) 45…

Du lịch được xem là điểm sáng hiếm hoi của bức tranh kinh tế Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Nhưng để nối dài cái vệt sáng ấy, ngoài những di sản có sẵn, những cải tiến, đổi mới để tăng tính hấp dẫn thì hạng mục căn bản nhất, thực tế nhất mà cũng nói lên sự “sạch sẽ – vệ sinh” nhất chính là nhà vệ sinh công cộng.

Thành phố thông minh, thành phố anh hùng, đô thị sáng tạo, đô thị kết nối… hay gì đi chăng nữa thì nhà vệ sinh sạch sẽ, tiện dụng, an toàn là tiêu chí đầu tiên. Nói “ngay và luôn” như thế cho nó vuông.

Quay lại chiến dịch “Ở đâu phát triển du lịch, ở đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn” từng được chính quyền và ngành du lịch ở Hà Nội, TP.HCM phát động, nay vì sao lại mém đội sổ 66-67/69? Chắc rằng khi xây dựng chiến dịch là có phân công trách nhiệm của từng đơn vị, vậy khi không thực hiện được, trách nhiệm ấy cần được gọi tên. Để “ai không làm/không làm được thì đứng sang một bên” cho người có trách nhiệm và năng lực làm, cụ thể là làm nhà vệ sinh công cộng. Không nói nhiều.

Thông tin trên VOV2 cho biết, hiện Hà Nội có hơn 8 triệu dân, với hơn 400 nhà vệ sinh công cộng. Sau gần 6 năm, kế hoạch xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng bất thành vì nhiều nguyên nhân. TP.HCM có trên 10 triệu dân, với trên 200 nhà vệ sinh. Thành phố cũng từng triển khai đề án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, “cho đến nay, đề án vẫn nằm trên giấy, lý do không có đất để xây dựng”.

Trong Podcasts – Vnexpress hôm nay, 12-2, sau khi ghi nhận các trải nghiệm nhà vệ sinh tại Việt Nam của các du khách quốc tế luôn đi kèm các “từ khóa” như “khủng khiếp”, “ôi trời”… thì họ đều hứa hẹn sẽ quay lại vì “đã lỡ yêu đất nước các bạn mất rồi”.

Tôi không mấy lạc quan với những lời vỗ về, động viên ấy mà là tự thấy và lấy đó làm xấu hổ, thậm chí xen chút phẫn nộ nếu sau đây, với khảo sát của QS Supplies mà các ngành chức năng, chính quyền hai thành phố vẫn không có một động thái chấn chỉnh nào sau những hô hào “vì một điểm đến du lịch hàng đầu abcd…”.

Xin hãy đọc dòng nhận định mang tính “chân lý” của Nikkei Asia: “Việc sử dụng nhà vệ không chỉ là nhu cầu và quyền của con người, mà đây còn là vấn đề về nhân phẩm, hòa nhập và tôn trọng“.

Và suy ngẫm – hành động một cách “vệ sinh” nhất về chúng nó, vì chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét