Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Lại nghĩ thêm về bác Nguyễn Xuân Phúc

Lại nghĩ thêm về bác Nguyễn Xuân Phúc
Sáng nay đọc tin Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức trọng thể một buổi lễ với rất đông quan chức tham gia để nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bàn giao công tác Chủ tịch nước cho Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, mình thấy cũng hơi thương thương bác Phúc. 
Ngồi ở ghế Thủ tướng hay Chủ tịch nước, bác Phúc buộc phải nói nhiều, hô nhiều...  như tất cả những ông Chủ tịch nước trước; nhưng theo duy nghĩ của mình, ưu điểm lớn nhất của bác Phúc là nhất định không làm nhiều và nhất là không làm liều. Do đó, trên nhiều lĩnh vực, đóng góp của bác cũng rất đáng trân trọng. Dưới đây mình chỉ bàn về công lao của bác trong hai lĩnh vực là phát triển kinh tế và chống đại dịch Covid.

1) Về phát triển kinh tế

Trong nhiệm kỳ làm Thủ tướng của mình, bác Phúc đã đề ra khái niệm Chính phủ kiến tạo mới so với Chính phủ điều hành trước đó. Chính phủ này có bốn đặc điểm chính là:

(i) 1. Chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật, chính sách, thể chế tốt để nuôi dưỡng phát triển kinh tế chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn;

(ii) Nhà nước không làm thay thị trường;

(iii) Kiến thiết môi trường kinh doanh thuận lợi;

(iv) Siết chặt kỉ luật cán bộ, xây dựng chính quyền điện tử.

Trong một bài trước trên Blog và FB này, mình cũng đã từng viết: "Có điều dù chê ông Phúc trình độ kém, nhưng tôi vẫn khen ông Phúc trong thời gian làm Thủ tướng Chính phủ, ông chém gió hô hào rất ghê, nhưng làm thật thì rất thận trọng, việc gì thấy không an tâm thì nhất định không làm, không làm thì sẽ không làm sai, không có khuyết điểm và do đó không có lý do gì để không được lên chức. Đây chắc là bài học ông Phúc rút ra sau 10 năm đằng đẵng theo đuôi ông Ba Dũng. Ba Dũng làm quá nhiều nên khuyết điểm quá nhiều và quá tai tiếng".

Trên thực tế, bác Phúc đúng là chỉ tập trung xây dựng một hệ thống pháp luật, chính sách, thể chế tốt; kiến thiết môi trường kinh doanh thuận lợi; xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, và thực hiện nguyên tắc Nhà nước không làm thay thị trường để bản thân ông không phải làm gì, trong khi nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường sẽ có lợi hơn cho phát triển kinh tế.

Nhờ đó, trong thời bác làm Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế dần dần đi đúng hướng là theo cơ chế kinh tế thị trường, nhà nước giảm mạnh can thiệp vào nền kinh tế. Cách làm của bác ngược lại thời ông Nguyễn Tấn Dũng trước đó và ông Phạm Minh Chính hiện nay.

Chính vì vậy mà nền kinh tế Việt Nam trong thời gian bác Phúc làm Thủ tướng đã nâng dần được tỷ lệ tăng trưởng khá ấn tượng, đồng thời khôi phục và duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát.

Tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,69%, năm 2017 là 6,94%, năm 2018 là 7,2% và năm 2019 là 7,15%, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 là 7,00%, tức là vừa ổn định và vừa cao hơn so với thời các ông Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng. Riêng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,94% là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á.

Nợ công thời bác Phúc giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn, chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước với kỳ hạn dài hơn và chi phí thấp hơn, nợ xấu còn 3% vào năm 2019. Thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân...

Dự trữ ngoại hối năm 2019 đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD, và nâng tiếp lên tới 111 tỷ USD khi bác Phúc bàn giao lại chức Thủ tướng Chính phủ cho ông Phạm Minh Chính đầu năm 2021 (nhưng đáng tiếc chỉ trong chưa đầy hai năm, số dữ trữ ngoại hối này đã bay mất hơn 1/3).

Dĩ nhiên cũng phải nói thêm là chủ nghĩa thành tích từ thời ông Dũng đã tăng mạnh thêm thời bác Phúc nên những con số thống kê trên cũng không đúng sự thật; nhưng dù sao chúng cũng phản ánh một xu thế tốt hơn đã diễn ra trong thời kỳ bác Phúc làm Thủ tướng Chính phủ".

2) Về chống đại dịch Covid

Đặc biệt công lao của bác Phúc trong chiến dịch chống đại dịch Covid rất lớn. Khi làm Thủ tướng Chính phủ, bác không chủ trương gom tất cả người bị nhiễm vào một nơi để hạn chế lây nhiễm chéo và rất quan tâm tới cuộc sống hàng ngày của người dân; thậm chí cũng ngầm không tán thành chính sách pháo đài gây ra tình trạng ngăn sông cấm chợ.

Bác chỉ yêu cầu mọi người dân nên ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu lúc đó không bị đóng cửa; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2,0 m khi giao tiếp; không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...

Đối với việc hỗ trợ người dân, ngày 9 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để nhằm chia sẻ những khó khăn, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, người lao động cả nước, góp phần ổn định xã hội. Tất nhiên đa phần những biện pháp này còn quá yếu, chưa tương xứng với những khó khăn của người dân, những chúng vẫn có những tác dụng tích cực nhất định.

Mình lúc đó rất ủng hộ những chủ trương và chính sách của bác ôn hòa của bác, nhất là quan điểm ưu tiên khuyên bảo người dân chứ không cấm người dân của bác.

Kể cả khi đã rời bỏ chức Thủ tướng Chính phủ, chuyển sang làm Chủ tịch nước, trước tình hình Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 85.500 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư, vào ngày 30/7/2021, bác Phúc dù không còn được quyền điều hành trực tiếp kinh tế - xã hội, nhưng vẫn nghiêm khắc yêu cầu "Thành phố cần rút kinh nghiệm sâu sắc việc chậm giãn cách mật độ dân cư khi đường phố còn đông, bởi thực hiện không nghiêm, không kiên quyết sẽ không giải quyết được vấn đề" và chỉ đạo "Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền về việc để dân thiếu ăn, đói cơm lạt muối, cùng cực xảy ra ở địa phương mình".

Trong buổi làm việc tại TP. HCM vào sáng ngày 11/10/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo "Các địa phương không được ngăn sông cấm chợ, cản trở các hoạt động, cản trở sự lưu thông hàng hóa dịch vụ và dịch chuyển lao động". Bác đặc biệt nhấn mạnh: "Báo chí những ngày gần đây nói rất nhiều việc chúng ta cắt khúc địa phương này, địa phương khác. Nhân đây tôi nói lại chuyện pháo đài để mọi tỉnh, huyện, xã, mọi cơ sở hiểu chuyện này, không để tình trạng ngăn sông cấm chợ xảy ra".

Chính vì vậy mà trong toàn bộ thời gian bác Phúc làm Thủ tướng Chính phủ, số người chết vì Covid của nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn sau khi bác thôi làm Thủ tướng Chính phủ, số người chết trong vòng chưa đầy một năm đã lên hơn 43 nghìn người. Rất nhiều người bị nhiễm Covid thời bác Phúc làm Thủ tướng đã thoát chết phải cảm ơn bác vì đã không bị cưỡng ép xét nghiệm, ngoáy mũi và đưa vào trại tập trung như trong thời gian sau đó.

Bây giờ bác Phúc đang nghỉ chế độ để chờ ngày chính thức được nghỉ hưu. Mình không biết các khuyết điểm, sai phạm khác (mà tin đồn thì rất nhiều) của bác cũng như của vợ con dâu rể của bác nên không thể đánh giá chung về bác. Tuy nhiên, nếu chỉ xét về hai mặt kinh tế và chống dịch thì mình thấy thành tích của bác khá rõ, khá ấn tượng và chúng sẽ được lưu truyền mãi mãi.

Do đó, được hạ cánh an toàn như hiện nay thì theo mình, bác cũng nên thấy thế là may mắn và hạnh phúc quá rồi, khác hẳn với trường hợp Ba Dũng lúc nào cũng bị người dân nguyền rủa. Có lẽ luật nhân quả cũng đã thận trọng, cân nhắc đủ công và tội của bác để đưa ra mức phán xử nhân văn như thế này.



2 nhận xét:

  1. Dat nuoc VN bay gio roi ram ,hon loan tu tw den thon xom--noi chung la het cach khac phuc ---VN bay gio can mot nha doc tai nhu Park Chung Hee thi dat nuoc moi phat trien .

    Trả lờiXóa
  2. hãy lấy GNH làm cơ sở căn cứ xem sự xuống cấp tàn phá của Văn hóa+ giáo dục con người AVieetj đang ở Đâu????/

    Trả lờiXóa