Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Đô la suy thoái, Nhân dân tệ lên ngôi ?

Đô la suy thoái, Nhân dân tệ lên ngôi ?
Điều mà Mỹ không ngờ: Các lệnh trừng phạt Nga tiếp cận tiền tệ của Mỹ đang dọn đường cho sự trỗi dậy và thống lĩnh toàn cầu của đồng nhân dân tệ, đồng tiền của Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ trở thành giải pháp thay thế cho việc thanh toán và dự trữ, ít nhất là đối với các quốc gia sẵn sàng “làm phật lòng” Mỹ. Đây chính là món quà trời ban cho Trung Quốc.

1) USD có nguy cơ đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế
Đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ thế giới vì cho đến nay, nó vẫn không có đối thủ. Điều này có thể đúng, nhưng các lựa chọn thay thế có thể đến từ các phương tiện thanh toán thực sự độc lập. Tuy nhiên, nếu Fed và chính phủ Mỹ bỏ qua tầm quan trọng của vấn đề dự trữ giá trị của tiền tệ trong chính sách, thì sự kết thúc của vị thế toàn cầu của Mỹ sẽ tới gần hơn.

Đồng USD nắm giữ vị thế đồng tiền dự trữ thế giới do nhiều yếu tố: an ninh pháp lý và đầu tư, thị trường mở và minh bạch, cũng như các thể chế độc lập với hoạt động kiểm tra và cân bằng để hạn chế quyền lực chính trị ảnh hưởng tới đồng tiền. Đặc biệt, sức mạnh quân sự và vị trí địa chính trị của Mỹ đảm bảo Mỹ không bao giờ bị nước khác xâm lược là nhân tố quan trọng nhất.

Một quốc gia sẽ không thể có đồng tiền dự trữ thế giới do không đủ sức mạnh quân sự và không có tiềm lực kinh tế vững mạnh. Để một loại tiền pháp định trở thành đồng tiền dự trữ thế giới, nó cần được người dân thế giới tin tưởng và chấp nhận rộng rãi như một thước đo giá trị, một phương thức thanh toán và dự trữ giá trị.

Vấn đề là đối với đồng USD, tất cả những điều trên có thể đang bị đe dọa.

2) Mối đe dọa

Áp lực ngày càng tăng từ các chính trị gia đang đe dọa vị thế dự trữ giá trị của tiền tệ pháp định và mối đe dọa chính trị không chỉ xuất hiện đối với các cơ quan quản lý tiền tệ mà còn nhắm vào tất cả các tổ chức cung cấp việc kiểm tra và cân bằng độc lập nhằm hạn chế áp đặt chính trị.

Khi các chính trị gia nói về “công dụng xã hội” của tiền, về cơ bản, điều họ muốn nói là lạm phát sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn. Điều đó có nghĩa là sử dụng tiền tệ để ngụy trang cho sự mất cân bằng tài khóa lớn với ảo tưởng rằng người dân sẽ luôn phải sử dụng đồng nội tệ. Điều đó là vô lý. Một loại tiền tệ pháp định, giống như bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào khác, phụ thuộc vào cung và cầu. Nguồn cung quá mức gây thiệt hại cho sức mua của nó giống như cách nguồn cung quá mức làm giảm giá hàng hóa. Nhu cầu suy yếu cộng với nguồn cung tăng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của đồng tiền.

Khi các chính trị gia ngừng bảo vệ vị thế dự trữ giá trị của đồng tiền của họ, thì chính là họ đang phá hủy nền kinh tế và đất nước mà họ hứa bảo vệ.

Phá hủy đồng tiền là dấu hiệu đầu tiên của sự suy tàn của một nhà nước. Những người cai trị nhà nước không bao giờ nghĩ rằng nhà nước sẽ kết thúc, bởi vì quá trình này diễn ra chậm chạp cho đến khi nó đột ngột tăng tốc với siêu lạm phát và nhà nước sụp đổ. Điều này xảy ra khi cả công dân trong nước và ngoại quốc đều không chấp nhận đồng tiền của nhà nước đó như một phương tiện thanh toán và dự trữ giá trị. Sự xói mòn diễn ra từ từ trong khi sự sụp đổ sẽ diễn ra rất nhanh chóng.

Các quốc gia mất nhu cầu về tiền tệ của nước mình khi các chính phủ tấn công vị thế dự trữ giá trị và sự độc lập của các thể chế của họ với nhận thức rằng sẽ không có gì thay đổi. Thử thách sự kiên nhẫn của người dùng trong và ngoài nước đối với một loại tiền tệ luôn cho kết quả tồi tệ. 

Tuy nhiên, các thế lực chính trị tin rằng họ luôn có thể phát hành đồng tiền mất giá để bắt những công dân làm con tin, những người chỉ có thể sử dụng giấy tín dụng do nhà nước phát hành. Điều đó là sai. Khi công dân trong nước mất kiên nhẫn với một loại tiền tệ ngày càng mất giá trị, họ chuyển sang các hệ thống thương mại khác, sử dụng các phương tiện thanh toán khác và thậm chí là phương thức hàng đổi hàng.

Trên thực tế, hầu hết các chính trị gia tin rằng nếu “không có gì” xảy ra cho đến nay và đồng tiền của đất nước vẫn được sử dụng rộng rãi thì họ có thể tiếp tục làm xói mòn tính độc lập của các thể chế và sức mua của đồng tiền mãi mãi. Điều đó không đúng, và tất cả các đế chế đã biến mất dưới ảo tưởng này - ảo tưởng về chủ quyền tiền tệ.

Đây là lý do tại sao lý thuyết tiền tệ hiện đại (modern monetary theory - MMT
) lại sai lầm đến như vậy. Lý thuyết này giả định chủ quyền tiền tệ là cố định và trao quyền cho các chính phủ quản lý tiền một cách sai trái theo ý muốn. Và chủ quyền tiền tệ biến mất nhanh chóng cũng như ngụy biện về việc in tiền vô tận.

3) Đô la Mỹ sẽ an toàn khi không có đối thủ?

Đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ thế giới bởi vì cho đến nay, nó không có đối thủ. Điều này không phải vì các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ là hợp lý, mà bởi vì 
những chính sách của các Chính phủ khác còn tồi tệ hơn. Chính phủ Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang nên biết rằng việc áp đặt việc sử dụng tiền tệ thông qua các loại tiền kỹ thuật số không phải là câu trả lời. Cách duy nhất để đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ thế giới là chính phủ và Fed phải cam kết củng cố vị thế dự trữ của đồng USD bằng cách tăng nhu cầu phổ biến và toàn cầu của nó, chứ không phải bằng cách áp đặt các quốc gia khác phải sử dụng nó, bởi vì điều đó không bao giờ có hiệu quả.

Các lựa chọn thay thế dường như rất ít hoặc không có, cho đến khi ai đó cung cấp một nguồn dự trữ giá trị thực sự với nhu cầu có thể chứng minh được do các thể chế độc lập dẫn dắt. Chính phủ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương có thể tin rằng ngày nay họ không có đối thủ vì các loại tiền tệ pháp định khác còn tệ hơn và họ đã đúng trong phân tích đó. Vấn đề là các lựa chọn thay thế có thể đến từ các phương tiện thực sự độc lập. Cho đến nay, Fed đã đủ thông minh để chỉ ra điểm yếu của tiền điện tử: tính thanh khoản. Tuy nhiên, bất kể điểm yếu của các lựa chọn thay thế hiện nay có như thế nào, điều duy nhất để củng cố một loại tiền tệ pháp định là đảm bảo nó luôn luôn là một phương tiện dự trữ giá trị tin cậy.

Nếu Fed và chính phủ Mỹ bỏ qua tầm quan trọng của vấn đề dự trữ giá trị của tiền tệ trong chính sách, thì sự kết thúc của vị thế toàn cầu của Mỹ sẽ tới gần hơn.
---------------------

Điều mà Mỹ không ngờ: Các lệnh trừng phạt đang mở đường cho tiền tệ Trung Quốc thống lĩnh toàn cầu

Anh Dũng | 22/02/2023 Đồng nhân dân tệ trở thành giải pháp thay thế cho việc thanh toán và dự trữ, ít nhất là đối với các quốc gia sẵn sàng “làm phật lòng” Mỹ.

Kể từ những ngày đầu xung đột nổ ra tại Ukraine, rõ ràng việc lựa chọn vũ khí hoá đồng đô la Mỹ sẽ dẫn đến những hậu quả. Các lệnh trừng phạt Nga tiếp cận tiền tệ của Mỹ đang dọn đường cho sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ, đồng tiền của Trung Quốc.

Đồng nhân dân tệ trở thành giải pháp thay thế cho việc thanh toán và dự trữ, ít nhất là đối với các quốc gia sẵn sàng “làm phật lòng” Mỹ. Đây chính là món quà trời ban cho Trung Quốc.

Nếu đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ và thanh toán bù trừ chính trên toàn cầu, nó sẽ là bằng chứng cho người dân thấy rằng thời của Trung Quốc đã tới. Một số thậm chí có thể coi đó là bằng chứng rõ ràng về một thế giới đa cực, khi mà Trung Quốc xác định phạm vi ảnh hưởng mới và chấm dứt quyền bá chủ của Mỹ.

Từ lâu, nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã rất muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ. Nhưng để thành công, các cường quốc toàn cầu khác cũng cần cộng tác với Trung Quốc. Cho đến hiện tại, có rất ít lý do để các quốc gia thử nghiệm một loại tiền tệ khác ngoài đồng đô la Mỹ. Ngay cả những nước không mấy ưa Mỹ vẫn sẽ tiếp tục sử dụng đồng đô la vì lợi ích của họ hoặc chỉ vì thói quen.

Nhưng thế giới giờ đây đã nhận ra một điều không mấy vui là việc sử dụng và nắm giữ đồng đô la không chỉ đắt đỏ về mặt lãi suất thấp (trước đây). Các biến động địa chính trị còn cho thấy đồng đô la có thể gặp rủi ro vào thời điểm khủng hoảng và xung đột.

Và Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội vàng này. Trung Quốc đã coi việc hợp tác với Trung Đông là một trong những ưu tiên quan trọng nhất. Trong khi mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia ngày càng sa sút.

Trong chuyến thăm Saudi Arabia vào tháng 12 vừa rồi, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu thanh toán tiền dầu bằng đồng nhân dân tệ. Bộ trưởng tài chính của Saudi Arabia cho biết họ sẵn sàng đón nhận ý tưởng này. Động thái này báo hiệu sự độc quyền của đô la trong thanh toán dầu mỏ đang đi đến hồi kết.

Không chỉ Trung Đông, một số công ty Ấn Độ cũng bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ để mua hàng hoá. Những thay đổi này rất quan trọng, vì để đồng nhân dân tệ có chỗ đứng như một loại tiền tệ toàn cầu, nhiều nước phải sẵn sàng tham gia.


Có thể không lâu nữa, Bắc Kinh sẽ gây áp lực buộc các nhà xuất khẩu yêu cầu thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đối với hàng hóa sản xuất, yêu cầu thương mại toàn cầu chuyển sang giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, từ đó làm tăng nhu cầu dự trữ đồng tiền của Trung Quốc. Điều đó sẽ thay đổi con đường thống lĩnh toàn cầu của đồng đô la.

Đồng đô la trở thành đồng thanh toán bù trừ chiếm ưu thế ngày nay là vì sau Thế chiến thứ hai, Mỹ là công xưởng của thế giới. Họ cung cấp cho các đồng minh châu Âu những hàng hoá sản xuất quan trọng. Và không cần bàn cãi, Mỹ đã yêu cầu thanh toán bằng đồng đô la.

Mặc dù không có xuất phát điểm như Mỹ lúc đó, Trung Quốc vẫn có đòn bẩy. Ảnh hưởng gần đây của việc phong toả nền kinh tế nhắc nhở sự phụ thuộc của các quốc gia vào Trung Quốc. Tất cả kết hợp lại với nhau, tạo nên một tình huống mà các chính phủ sẽ phải xem xét kỹ càng hơn về đồng nhân dân tệ.

Mất bao lâu nữa để đồng nhân dân tệ đóng vai trò quan trọng hơn trên toàn cầu? Không ai biết. Đồng đô la đã mất nhiều thập kỷ để tăng giá. Nhưng “hành trình nghìn dặm cũng phải bắt đầu bằng một bước đầu tiên”, và Trung Quốc đã bắt đầu nhấc chân bước.

https://soha.vn/dieu-ma-my-khong-ngo-cac-lenh-trung-phat-dang-mo-duong-cho-tien-te-trung-quoc-thong-linh-toan-cau-20230222224210261.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét