Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Liệu TQ có chính thức can dự vào chiến tranh Nga - Ukraine?

Mình cho rằng ba nước Mỹ, Nga và Trung Quốc đang ở thế chân vạc. Nếu Nga có dấu hiệu suy yếu thì chắc chắn Trung Quốc sẽ phải ra tay giúp Nga; giúp Nga là để bảo vệ chính Trung Quốc, vì nếu Nga mất nước (tan rã), thì sau đó Trung Quốc cũng sẽ chung số phận. Nhìn dài hạn, mình tin cuối cùng thế giới sẽ thuộc về những nước đông dân và có truyền thống như Trung Quốc và Ấn Độ. Thế chân vạc chỉ tình trạng vững chắc, cân bằng về sức mạnh quân sự-chính trị giữa một bộ gồm 3 quốc gia thù địch nhau. Khi ở tình trạng này, không một quốc gia nào có thể dễ dàng tấn công quốc gia khác mà tránh được việc quốc gia thứ ba còn lại sẽ tấn công mình. Vì vậy, dẫn đến một bế tắc về chiến lược quân sự, nhưng hệ quả là đảm bảo các nước có thể cùng tồn tại mà không bị tiêu diệt. Trong trường hợp cả ba quốc gia A, B, C đều có sức mạnh quân sự ngang nhau. Nếu một trong 3 nước tấn công, thường chỉ đủ sức tấn công một nước: A tấn công B, nước C sẽ chớp lấy cơ hội mà tấn công A. Quân A đang đánh nhau với B sẽ không thể quay về phòng ngự, nước A sẽ sụp đổ. Bế tắc là sẽ không quốc gia nào tấn công trước. Trong trường hợp cả ba quốc gia A, B, C có sức mạnh quân sự không đồng đều, như Mỹ, Nga và Trung Quốc hiện nay, 2 nước yếu hơn sẽ phải tạm thời liên minh. Điều này khiến cho "Thế chân vạc" giống như cân bằng sức mạnh của một đối trọng gồm 2 phe. Phe Nga - Trung Quốc không phải yếu, lại có thêm sự ủng hộ ngầm của các nước khối BRICS, đặc biệt là Ấn Độ, nên Mỹ và NATO chưa chắc đã dám manh động trong quan hệ với Trung Quốc.
Liệu Trung Quốc có chính thức can dự vào chiến tranh Nga - Ukraine?
Bài của Tiến sĩ Tạ Điền • Chiến tranh Nga - Ukraine vừa tròn một năm, nhưng hai bên vẫn đang rơi vào thế bế tắc. Trong khi đó, Trung Quốc có những động thái mới khiến giới chức phương Tây lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ can dự vào cuộc chiến tiêu hao này bằng cách viện trợ vũ khí sát thương cho Nga. Liệu ông Tập Cận Bình có sẵn sàng 'mạo hiểm' để chính thức can dự vào cuộc chiến?


Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh hôm 04/02/2022. (Ảnh: Alexei Druzhinin / Sputnik / AFP qua Getty Images)

Nga vẫn đang giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ khu vực Donbass ở miền đông Ukraine mà nước này đã chiếm đóng hơn nửa năm nay. Đồng thời, Điện Kremlin cũng phong tỏa biển Azov và hai tỉnh tiếp giáp với Bán đảo Crimea ở phía nam, trong khi tiến hành những trận chiến nhỏ nhưng khốc liệt với quân đội Ukraine tại các thị trấn trọng yếu ở phía đông bắc như thành phố công nghiệp Bakhmut.

Về phía Ukraine, sau khi nhận được vũ khí do các nước của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) viện trợ, Kyiv đã chống trả quyết liệt những nỗ lực tiến công của Nga nhằm chiếm trọn Donbass. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công ở Kharkov Ukraine không đạt được bước tiến nào trong nhiều tháng nay.

Cả Nga và Ukraine đều đang chuẩn bị tấn công và phòng thủ cho cuộc tấn công mùa xuân sắp tới của Nga. Cả hai đều nhận ra rằng đây có thể là một trận chiến quy mô lớn hơn và bi thảm hơn, vì vậy họ đã đẩy mạnh công tác chuẩn bị trước chiến tranh và lôi kéo phần còn lại của thế giới tham gia vào cuộc xung đột.

Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đang có trận khẩu chiến trên truyền thông, thì TQ cũng có những động thái mới. Châu Âu và Hoa Kỳ thường xuyên cảnh báo Bắc Kinh không được chính thức can thiệp vào cuộc chiến và cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.

Chuyến thăm Kyiv của ông Biden được nhiều người coi là một hành động dũng cảm và bi tráng, nhưng thực tế nó không “vĩ đại” và “dũng cảm” đến thế, bởi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tháp tùng đã nói rõ với ngoại giới rằng trước khi lên máy bay đến Ba Lan, ông đã trao đổi với người đồng cấp Nga về chuyến đi, để Lực lượng Không quân Nga không vô tình làm tổn thương ông Biden trong cuộc không kích của Nga vào Kyiv.

Tất nhiên, ông Putin không có ý định làm tổn thương ông Biden, cũng như ông hiểu "lý lẽ" để tránh xung đột giữa Mỹ và Nga.

Nhưng khi Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đi bộ trên đường phố Kyiv, họ biết rõ rằng sẽ không có tên lửa Nga, nhưng Kyiv vẫn hú còi báo động không kích, điều đó quá phô trương.

Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden có bài phát biểu tại Lâu đài Hoàng gia tại Warsaw, Ba Lan, vào ngày 21/2/2023. (Ảnh: Omar Marques/Getty Images)

Những tuyên bố của ông Biden tại Kyiv và Ba Lan cho thấy lập trường của chính quyền ông Biden. Đại ý là nhờ cuộc xâm lược của ông Putin mà Ukraine trở nên mạnh mẽ hơn về mặt quân sự, và nền dân chủ trên toàn thế giới sẽ mạnh mẽ hơn.

Ông Biden nói rằng Hoa Kỳ sẽ không mệt mỏi mà sẽ ủng hộ Ukraine cho đến khi giành chiến thắng, và ông Putin sẽ bị đánh bại. Tổng thống Mỹ còn khẳng định rằng, ông Putin phải hiểu rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ tuân thủ Điều 5 của Hiệp ước NATO quy định về nguyên tắc phòng thủ tập thể, tức là một cuộc tấn công vào một quốc gia NATO sẽ là một cuộc tấn công vào cả khối NATO.

Tuyên bố của ông Putin và các bài phát biểu trước công chúng cùng ngày cho thấy Nga sẽ hoàn thành các nhiệm vụ được đặt ra từng bước, cẩn thận và nhất quán; Nga sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình, nhưng đang chuẩn bị một "kịch bản hoàn toàn khác" và sẽ có một chiến dịch lớn vào cuối tháng 2; lực lượng hạt nhân của Liên bang Nga sẽ được trang bị hơn 90% vũ khí hiện đại; và Nga sẽ đình chỉ tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) và chuẩn bị nối lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Điều đáng nói là ông Putin đã thách thức các nhà lãnh đạo cánh tả ở thế giới phương Tây, đề nghị họ đọc Kinh thánh, không còn coi lạm dụng trẻ em cho đến ấu dâm là một điều bình thường và nên chú trọng đến khái niệm gia đình có “sự kết hợp giữa nam và nữ”.

Trận khẩu chiến giữa ông Biden và ông Putin hồi cuối tháng 2 cho thấy lập trường của hai chính phủ tương ứng, nhưng nó thực sự báo trước viễn cảnh khốc liệt về sự leo thang chiến tranh giữa Nga và Ukraine, thậm chí là khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân trên toàn thế giới.

Khi xung đột Nga - Ukraine bị cuốn vào xung đột Mỹ - Nga, rất nhiều điểm nóng xung đột giữa các nước trên thế giới cũng đang “ấm lên”, từ eo biển Đài Loan đến khủng hoảng Ấn Độ - Pakistan, cho đến đối đầu Ả Rập - Israel, thế giới của chúng ta trở nên ngày càng căng thẳng và bất an.

Đằng sau các cuộc xung đột và điểm nóng khác nhau, chúng ta có thể thấy nguy cơ từ TQ, từ việc đe dọa Đài Loan đến hỗ trợ Pakistan và Iran. Vào dịp kỷ niệm một năm Chiến tranh Nga - Ukraine, TQ cuối cùng đã có động thái mới. Ngay lập tức, động thái đó đã bị đẩy đến nơi đầu sóng ngọn gió và bị các chính phủ châu Âu và Mỹ nhiều lần cảnh báo rằng TQ không nên chính thức can thiệp vào cuộc xung đột và không được cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.

Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, Washington có thông tin tình báo cho thấy Bắc Kinh đang xem xét cung cấp viện trợ sát thương cho Nga như vũ khí và đạn dược, nhưng "họ vẫn chưa vượt qua lằn ranh đỏ".

Ông cảnh báo rằng một hành động như vậy sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho Trung Quốc.

Trong khi đó, công chúng sẽ đặt câu hỏi rằng, rốt cuộc Trung Quốc có muốn can dự vào cuộc chiến này hay không? Ông Tập Cận Bình có muốn hay có dám chính thức can thiệp hay không? Hậu quả sau khi Trung Quốc can thiệp là gì? Và trong những điều kiện nào thì ông Tập sẽ quyết tâm chính thức can thiệp vào cuộc xung đột Nga - Ukraine?

Trước hết, tác giả của bài viết tin rằng TQ có khả năng can dự sâu, không chỉ bằng việc cung cấp “vũ khí phi sát thương” mà còn cung cấp cả “vũ khí sát thương”.

Theo đó, “vũ khí sát thương” bao gồm: thực phẩm quân sự, quần áo và bảo hộ quân sự, đạn dược, xe cộ, quét mìn, trinh sát chiến trường, trinh sát không gian, máy bay trinh sát không người lái.

Phản hồi về vấn đề này, chuyên gia chính sách an ninh Hoa Kỳ Bradley A. Thayer cũng tin rằng ĐCSTQ đã bí mật hỗ trợ quân sự cho Nga.

Vài tuần trước khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Bắc Kinh và Moscow đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác "không giới hạn". Do đó, theo cam kết "hợp tác không giới hạn" của TQ, thì TQ phải cung cấp rất nhiều vũ khí sát thương cho Nga, bao gồm xe tăng, xe bọc thép, tên lửa chống tăng, cùng nhiều loại tên lửa và máy bay không người lái.

Trong khi đó, biên giới đất liền Nga - Trung rất dài và có nhiều hải cảng, do đó việc vận chuyển những vũ khí sát thương kể trên qua đường sắt cũng dễ ngụy trang và che giấu hơn nhiều.

Xét cho cùng, Trung Quốc là bên quen thuộc và hiểu rõ nhất về vũ khí của Ukraine, vì Trung Quốc là khách hàng vũ khí lớn nhất của Ukraine sau khi nước này tách khỏi Liên Xô, và Trung Quốc nhập khẩu hầu hết vũ khí quân sự của Lục quân, Hải quân và Không quân Ukraine như: máy bay ném bom, máy bay vận tải, tàu chiến hải quân, tàu đổ bộ, tàu sân bay và tàu ngầm.

TQ cũng gần như hỗ trợ độc lập ngành công nghiệp vũ khí ở Ukraine trước chiến tranh.

Do đó, nếu TQ hỗ trợ Nga cung cấp vũ khí nhắm vào Ukraine thì sẽ rất nguy hiểm cho Ukraine.

Hạn chế duy nhất đối với số lượng vũ khí mà Trung Quốc có thể cung cấp cho Nga là kho dự trữ và năng lực sản xuất của chính Trung Quốc, cũng như nỗi lo sợ rằng tình trạng cầu vượt cung sẽ khiến nước này không đủ thiết bị để viện trợ cho Nga.

Suy cho cùng, TQ còn phải luôn luôn sẵn sàng đối mặt với những thách thức từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan và Ấn Độ.

Hơn nữa, các nhà chiến lược và chính trị gia quân sự phương Tây có thể đã bỏ qua rằng nhiều thiết bị "dân sự", chẳng hạn như máy bay không người lái, có thể gây chết người, nguy hiểm và có tính răn đe hơn so với các vũ khí "sát thương" như xe tăng và sức mạnh chiến đấu của pháo binh.

Một phi đội máy bay không người lái (drone squadron) phối hợp với pháo và bệ phóng tên lửa để dẫn đường và điều chỉnh điểm tác động của pháo, có thể trở thành thiết bị tăng gấp bội uy lực, khiến cho uy lực của pháo thông thường tương đương với uy lực của tên lửa dẫn đường chính xác, mà chi phí chỉ bằng một phần nghìn cho đến một phần mười nghìn!

Ông Tập Cận Bình sẽ công khai cung cấp vũ khí sát thương cho Nga với số lượng lớn hơn? Hậu quả sau khi công khai là gì? TQ có sẵn sàng và có thể gánh chịu những hậu quả như vậy hay không? Đây là những yếu tố then chốt tác động đến việc ông Tập Cận Bình có dám chính thức can thiệp vào cuộc chiến Nga - Ukraine hay không.

Phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ ở Washington vào cuối tháng 2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo tiết lộ rằng, Hoa Kỳ và các đồng minh sắp công bố thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Đồng thời ông Wally Adeyemo cũng cảnh báo rằng nếu Trung Quốc và các công ty trên toàn thế giới tiếp tục kinh doanh với Nga và vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, họ sẽ bị trừng phạt.

"Chúng tôi đã thấy những mô hình đáng lo ngại ở một số nước, bao gồm một số nước láng giềng của Nga nơi Điện Kremlin đã tăng cường quan hệ tài chính và dòng chảy thương mại”.

Ông Adeyemo cũng nói: "Bắc Kinh không thể cung cấp cho Điện Kremlin những gì họ không có, bởi vì Trung Quốc không sản xuất chất bán dẫn tiên tiến mà Nga cần. Trong khi đó, gần 40% chip kém tiên tiến mà Nga mua từ Trung Quốc đều bị lỗi”.

Trong một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương ĐCSTQ Vương Nghị bên lề Hội nghị An ninh ở Munich (Đức) vào giữa tháng 2, hai bên đã có một cuộc tranh cãi về vụ việc khinh khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Hoa Kỳ.

Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Blinken đã cảnh báo Bắc Kinh rằng: “Sẽ có những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga hoặc hỗ trợ Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt một cách có hệ thống”.

Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, ông cũng cảnh báo ông Vương Nghị rằng nếu Trung Quốc thực sự cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, thì “đối với chúng tôi, Trung Quốc đã vượt qua lằn ranh đỏ”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho rằng hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sử dụng vũ khí của Trung Quốc trong cuộc chiến ở Ukraine, nhưng ông cũng cảnh báo rằng nếu Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga để xâm lược Ukraine, điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ Thế chiến III.

Nếu TQ cung cấp cho Nga sự hỗ trợ quân sự quy mô lớn và vũ khí sát thương thì không chỉ Hoa Kỳ và các nước NATO sẽ phản ứng dữ dội mà cả Ukraine cũng sẽ phản đối mạnh mẽ. Khi đó, Ukraine chắc chắn sẽ hối hận vì đã giúp chế độ TQ trở nên mạnh mẽ hơn vì nước này từng cung cấp cho TQ rất nhiều hệ thống và công nghệ vũ khí.

Chuyên gia chính sách an ninh người Mỹ Bradley A. Thayer đã viết nếu ĐCSTQ trắng trợn hỗ trợ quân sự cho Nga, thì chính phủ Mỹ và phe thân thiện trong dân chúng Mỹ sẽ buộc phải từ bỏ chính sách thân thiện với Trung Quốc mà họ đã duy trì trong nhiều thập kỷ.

Nói cách khác, nếu Trung Quốc dám công khai và cung cấp vũ khí sát thương cho Nga với số lượng lớn, thì điều đó sẽ khiến chính phủ và người dân Hoa Kỳ từ bỏ quan hệ thân với Trung Quốc, dẫn đến việc Trung Quốc sẽ hoàn toàn bị cắt đứt mối liên hệ với châu Âu và Mỹ về hệ thống tài chính, tiền tệ, chip máy tính, v.v. Khi đó hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ tách rời hoàn toàn.

Trong khi đó, sự phụ thuộc của Nga vào đồng USD, công nghệ phương Tây và thị trường phương Tây không thể sánh được với sự phụ thuộc của Trung Quốc.

Cho đến nay, nền kinh tế Trung Quốc đã tách rời kinh tế Mỹ, nhưng vẫn chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ cao, chip tiên tiến nhất, v.v., chứ chưa cắt đứt hoàn toàn việc xuất khẩu hàng cấp thấp sang Mỹ, Trung Quốc vẫn mua các chip và công nghệ thông thường từ Mỹ. Ngoại thương của Trung Quốc vẫn có thể được vận hành bằng hệ thống SWIFT của đồng USD và đồng euro, đồng thời các quan chức cấp cao và giới tinh hoa của TQ vẫn có thể sở hữu một lượng lớn tài sản ở Châu Âu và Hoa Kỳ.

Nhưng một khi thực thi các biện pháp trừng phạt thực sự, chẳng hạn như những biện pháp ở quy mô hiện tại của Nga, thì thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu và toàn bộ nền kinh tế của Trung Quốc có thể sụp đổ chỉ sau một đêm.

Trong "Tăng Quảng Hiền Văn", có một câu như thế này, "Lộ phùng hiểm xứ nan hồi tị, sự đáo đầu lai bất tự do” (Đường đi hiểm trở sao tránh khỏi, sự đã đến rồi khó tự do). Câu này thực sự lột tả được tình thế tiến thoái lưỡng nan mà chính quyền TQ đang phải đối mặt.

Tăng Quảng Hiền Văn còn có tên là Tích Thời Hiền Văn, Cổ Kim Hiền Văn, là sách vỡ lòng giáo dục trẻ em được biên soạn vào thời nhà Minh. Bộ sách tập hợp nhiều ngạn ngữ dân gian phản ánh đời sống tâm lý của người dân Trung Quốc trong xã hội xưa mang tính triết lý cao.

Do đó, việc ông Tập Cận Bình có dám chính thức can thiệp vào cuộc chiến Nga - Ukraine hay không còn phụ thuộc vào việc TQ còn có thể thu được bao nhiêu lợi ích từ Hoa Kỳ và phương Tây. Một khi TQ cảm thấy có rất ít hy vọng hoặc không có chút hy vọng nào, họ sẽ chỉ có thể đặt tất cả trứng vào một giỏ.

Tất nhiên, ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao của Trung Nam Hải cũng nên hiểu rõ rằng kết quả của sự tuyệt vọng và buông xuôi như vậy rất có thể sẽ liên lụy đến nền kinh tế Trung Quốc, tính mạng của ĐCSTQ và hủy hoại toàn bộ quốc gia.

Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân Tiến sĩ Tạ Điền - Giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét