Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Chuyện trâu bò và sự dã man loài người

Chuyện trâu bò và sự dã man loài người
Loài người càng ngày càng đông đảo. Địa bàn sống của các động vật hoang dã càng ngày càng bị thu hẹp. Sự phát triển khoa học kỹ thuật của loài người làm cho vai trò các động vật to lớn giảm sút đi rất nhiều. Người ta không dùng Ngựa trong chiến trận. Không dùng Voi trong các trận đánh hay chuyên chở hàng hóa nặng. Giảm thiểu việc dùng Trâu, Bò trong công việc chuyên chở và đồng áng. Tượng tộc, Tê Giác, Hà Mã tộc càng ngày càng ít đi vì những sự săn bắn để lấy ngà, sừng và răng. 

(https://vi.wikipedia.org)
Quí vị thấy không, khi loài người chưa phát triển khoa học kỹ thuật họ thờ vật tổ. Các động vật to lớn có địa vị đáng kể trong tâm não của họ. Các động vật cung cấp thịt như Heo, Bò, Gà, Vịt được họ lập trại tập trung nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe đầy đủ vì có bác sĩ thú y trông coi. Nhưng các động vật trong các trại tập trung nầy có tuổi thọ rất thấp. Gà nuôi 08 tuần thì làm thịt. Heo nuôi nặng trên 100 ki-lô thì hạ thịt. Bò nuôi một năm thì thịt mềm có thể làm món Bê thui tương gừng ăn luôn cả thịt lẫn da! Nuôi trong các trại tập trung, động vật mất quyền tự do đi lại và nhất là mất sự tự do yêu đương. Anh Bò bị hoạn. Anh Trâu bị hoạn. Anh Heo bị hoạn. Anh Gà trống bị hoạn. Tất cả hành động độc ác này nhằm mục đích giúp cho loài người có nhiều thịt. Họ cướp luôn quyền làm cha, làm chồng và thú yêu đương nam-nữ của Ngưu tộc, Mã tộc, Trư tộc.

Tôi, trưởng lão Ngưu tộc Zebu Ấn Độ, là đại diện của Ngưu tộc thế giới trong Hội Nghị Quốc Tế Động Vật lên án tội ác của loài người. Người Việt Nam gọi chúng tôi là BÒ hay văn vẻ hơn là NGƯU. Đa số người Việt Nam cho rằng Ngưu là Trâu. Có học giả Hán học gọi Bò là Huỳnh Ngưu và Trâu là Thủy Ngưu vì Bò thường quần áo màu vàng. Thực tế cũng có các anh chị Bò mặc quần áo đen, trắng, và đen trắng hay đen, trắng, vàng. Các anh chị Trâu, bà con gần của chúng tôi ở miền sông nước, đầm lầy. Bò, Trâu, Trâu Yak, Bò Bison đều là động vật ăn cỏ, nhai lại, có xương sống, có máu đỏ, có vú, sinh con thuộc gia đình Bovidae. Tôi lần lượt nói qua về Bò, Bò Bison, Trâu, Trâu Yak.



Tên khoa học của Bò chúng tôi là Bos taurus, Bos indicus, Bos primigenius thuộc gia đình Bovidae. Vì chúng tôi sớm gần gũi với loài người và giúp ích rất nhiều cho loài người nên loài người dành cho chúng tôi nhiều tên gọi. Người Việt Nam gọi chúng tôi là Bò; Huỳnh Ngưu. Người Anh và Pháp gọi chúng tôi qua nhiều tên gọi rất phân biệt:

Người Anh gọi bò đực là Bull, bò thiến là Ox hoặc Steer, bò cái là Cow và bò con là Calf;

Người Pháp 
gọi bò đực là Taureau, bò thiến là Boeuf, bò cái là Vache và bò con là Veau.

Về nguồn gốc của chúng tôi, người ta cho rằng tổ tiên chúng tôi là Bò Aurochs trên lục địa Âu, Á và Bắc Phi đã tuyệt chủng. Tên khoa học của các vị này là Bos primigenius thuộc gia đình Bovidae.

Ở Âu Châu có Bò Taurine Bos taurus taurus, hậu duệ của Bò Aurochs. Bò Taurine được loài người nuôi trong vùng Lưỡng Hà Châu ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và bắc Iraq cách đây 10.500 năm.

Bò Zebu ở Ấn Độ Bos indicus cũng là hậu duệ của Bò Aurochs.

Chúng tôi là động vật ăn cỏ, nhai lại, có xương sống, có máu đỏ, có vú và sinh con. Bò và các thân thuộc gần như Trâu, Bò Bison đều có sừng. Chúng tôi là động vật ăn cỏ to lớn như Voi, Tê Giác, Hà Mã. Chân móng guốc. Hai chân sau to lớn và mạnh hơn hai chân trước. Bao tử có 04 túi của động vật nhai lại. Các chị Bò ăn mỗi ngày 06 tiếng đồng hồ và mất 08 tiếng đồng hồ để nhai lại các thức ăn thuần cỏ, lá cây, lá mía, xơ mít v.v... Các anh chị Bò đều có cặp sừng trên đầu. Sừng của các anh Bò Mộng dài hơn sừng của các chị Bò kéo cày và các anh Bò Thiến. Các anh Bò Thiến mất dương tính. Các anh ấy mập mạp nhưng không mạnh như các anh Bò Mộng. Sừng là võ khí của các anh Bò. Đối với nông dân và người chăn nuôi Bò bị Bò cụng, Bò đá hay Bò đạp là những tai nạn nghề nghiệp có thể dẫn đến tử vong. Chuyện này cũng dễ hiểu thôi. Mỗi anh Bò dài trên 2m kể cả đuôi và cân nặng từ 750 ki-lô đến 800 ki-lô. Trọng lượng trung bình của một nông dân Việt Nam không đến 50 ki-lô và cao lối 1,60m. Nếu bị một anh Bò 700 - 800 ki-lô đạp, đá hay húc thì không chết cũng bị bịnh hậu kinh niên.

Tuổi thọ của tộc Huỳnh Ngưu chúng tôi xê dịch từ 20 đến 25 tuổi. Trên thực tế tuổi thọ chúng tôi không cao như vậy.

1. Trong trạng thái hoang dã chúng tôi bị bọn Sư Tử, Cọp, Beo, Chó Sói xé xác, ăn tươi nuốt sống.

2. Trong trạng thái được thuần hóa chúng tôi phải làm lụng cực nhọc mỗi ngày. Khi thì cày, khi thì bừa, lúc thì kéo xe chở nông sản và nông cụ nặng cân đi trên những đoạn đường dốc gồ ghề hay trên những đoạn đường cát nóng bức. Thức ăn chúng tôi có gì ngoài nắm cỏ khô vàng úa? Hôm nào có xơ mít hay là mía chúng tôi còn có chút chất ngọt trong mình. Thông thường chỉ ăn cỏ hay rơm rạ vô hương, vô vị. Do đó ở tuổi 10 - 15 đa số Huỳnh Ngưu chúng tôi đều bị bịnh lao. Có lẽ quí vị có nghe người Việt Nam nói: Dở như phổi Bò? Đó là lời nhắn nhủ đừng ăn phổi Bò vì có trùng lao đó!

3. Ở các nước kỹ nghệ, nông nghiệp được cơ giới hóa. Chúng tôi không còn vai trò gì trong xã hội loài người. Loài người lập trại chăn nuôi Bò để lấy thịt, sữa và da. Do đó tuổi thọ của Huỳnh Ngưu bị rút ngắn. Thịt Huỳnh Ngưu còn tơ mới ngon. Càng già thịt trở nên dai. Bò già và lao động nhiều càng dễ nhiễm trùng lao.

Tuổi yêu đương của Huỳnh Ngưu tộc là 2 cho nữ Huỳnh Ngưu và 3 tuổi cho nam Huỳnh Ngưu. Các nhà động vật học cho biết nam Huỳnh Ngưu 07 tháng tuổi có đủ tinh dịch để ham muốn ái ân với nữ Huỳnh Ngưu. Nhưng họ cũng cho biết tinh trùng của nam Huỳnh Ngưu đảm bảo sự thụ thai khi bìu ngoại thận (scrotum) đo được từ 35 đến 40cm. Thời gian mang thai của các chị Huỳnh Ngưu là 283 ngày tức 09 tháng 13 ngày tương đương với thời gian mang thai của loài người.

Các nhà đấu Bò (Matador) ở Tây Ban Nha và các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ dùng khăn màu đỏ để làm cho Bò tức giận nhảy bổ tới húc anh ta. Như vậy Huỳnh Ngưu không thích màu đỏ. Ở Việt Nam Bò được nuôi ở nông thôn nơi nông dân mặc quần áo màu đen (Nam Bộ) hay màu nâu (Bắc Bộ). Bò quen với hai màu nầy nên gặp các màu khác đặc biệt là màu trắng Huỳnh Ngưu tỏ ra khó chịu.

Bò ở Việt Nam có màu sắc và hình dáng giống Bò Banteng Bos javanicus được tìm thấy nhiều ở Indonesia, Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện, Lào, Cambodia, Ấn Độ.

Ở Phi Châu có Bò Ankole. Các chị Bò Ankole có sừng dài hơn các anh. Bò hoang ở Phi Châu là Bò Gnu hay Wildebeest (Thú hoang) sừng giống sừng Trâu; đuôi giống đuôi của Ngựa; thân mình của Bò. Tên khoa học của Bò hoang Gnu là Connochaetes taurinus.

Các giống Bò thường thấy ở Âu-Mỹ là Bò Holstein-Friesian, Bò Jerseys và Guernseys, Bò Herefords, Bò Aberdeen Angus ở Scotland là Bò không có sừng.

Bò Bison ở Bắc Mỹ và Âu Châu là những thân thuộc có vóc dáng của Bò và Trâu. Người Anh gọi Bò Bison là American buffalo (Trâu Mỹ Châu). Tên khoa học của các anh chị Bò Bison là Bison bison, Bos americanus, Bos bison thuộc gia đình Bovidae. Sừng của các anh chị nầy ngắn nhưng thân hình các anh Bò Bison nở ở phần vai. Các anh ấy mặc quần áo dày luộm thuộm vì địa bàn sống của các anh chị Bison là miền ôn đới hay bán hàn đới. Bò Bison càng ngày càng giảm dân số. Tộc Bison sống hoang dã lối 15.000. Được các nông trại tư gia nuôi lối 500.000 anh chị Bò Bison và lối 30.000 đơn vị được nuôi trong các trại chăn nuôi chánh phủ trong khi số Huỳnh Ngưu trên thế giới lên đến 1,5 tỷ đơn vị. Các anh chị Bò Bison sống trong trạng thái hoang dã trong Công Viên Quốc Gia Yellowstone, tiểu bang Wyoming. Quần áo các anh chị Bison mặc màu Đen + màu hung đỏ + màu Vàng. Đó là màu quần áo của các anh chị Trâu và Bò. Các chị Bò Bison mang thai khoảng 270 ngày thì sinh một con. Hiếm khi các chị Bò Bison hay Huỳnh Ngưu chúng tôi sinh hai con.


Bò Bison (https://en.wikipedia.org)

Các anh chị Bò Bison không đến nỗi gian khổ như Huỳnh Ngưu chúng tôi. Các anh chị Bison không phải kéo cày, bừa hay kéo xe nặng nhọc. Các anh chị ấy sống hoang dã trong Công Viên Quốc Gia Yellowstone để du khách ngắm nhìn và chụp ảnh. Khi đại gia đình Bison đi ngang qua đường, xe cộ phải dừng lại. Nói như vậy không có nghĩa là là loài người thực sự tử tế với tộc Bison. Người ta vẫn hạ thịt các anh chị ấy để bán steak với giá cao hơn steak bằng thịt Huỳnh Ngưu chúng tôi!

Bây giờ tôi xin nói qua về thân thuộc khác của chúng tôi. Đó là các anh chị TRÂU.

Nếu Huỳnh Ngưu chúng tôi và Bò Bison là thân thuộc gần thì các anh chị TRÂU tức THỦY NGƯU có các anh chị TRÂU YAK là thân thuộc gần. Tất cả chúng tôi đều họ NGƯU và thuộc gia đình Bovidae.

TRÂU

Trâu Yak sống ở Hi Mã Lạp Sơn, Tây Tạng, Mông Cổ, Nga và các nước Trung Á. Người Anh gọi các anh chị ấy là Yak âm theo tiếng Tây Tạng. Tên khoa học của các anh chị Trâu Yak là Bos grunniens (Bò càm ràm – grunting bull). Trâu Yak trong rừng mang tên khoa học Bos mutus (Bò câm – silent bull). Có lẽ mấy anh chị Trâu Yak được loài người thuần hóa và bị loài người bóc lột công sức quá nhiều nên bất mãn cằn nhằn chăng? Còn các anh chị Trâu Yak sống hoang dã không có gì để than phiền nên im lặng?


Trâu Yak (https://academic.oup.com)

Trâu Yak có vóc dáng như Thủy Ngưu: quần áo đen, sừng cong và dài, tướng đi chậm chạp, lừ đừ. Vì sống trên cao độ và vùng lạnh nên các anh chị mặc quần áo dày và dài. Quần áo của họ có các màu: đen, xám, hung đỏ-đen. Các anh chị Trâu Yak sống bằng cỏ và các loài hoa dại, lá cây trên cao độ từ 4.000 đến 6.000 m. Chiều dài trung bình của các anh chị Trâu Yak xê dịch từ 1,60m đến 2,30m. Các anh dài và nặng cân hơn các chị. Các anh Trâu Yak có sừng dài hơn các chị. Trọng lượng của các anh Yak xê dịch từ 350 - 580 ki-lô. Trọng lượng trung bình của các chị xê dịch từ 225 - 270 ki-lô. Tuổi yêu đương của tộc Yak cũng giống như tuổi yêu đương của Thủy Ngưu tức 3 – 3 ½ tuổi. Thời gian mang thai từ 260 đến 270 ngày tức khoảng 09 tháng. Từ năm 1960 đến 1990 dân số tộc Yak sụt giảm 30%. Đến năm 1995 tộc Yak chỉ còn khoảng 15.000 đơn vị. Cuộc đời của các anh chị Trâu Yak cũng không có gì sung sướng. Sống trên nóc nhà thế giới giá buốt, thức ăn không dồi dào. Các anh chị ấy phải phục dịch cho loài người đủ thứ: chuyên chở hàng nặng cho họ trên núi, cao nguyên hiểm trở; cung cấp sữa cho họ sống và làm bơ, phô-mai mà người Tây Tạng gọi là Chhurpi; người Tây Tạng dùng phân phơi khô của các anh chị Trâu Yak để làm chất đốt. Vào những ngày lễ ở Tây Tạng người ta tổ chức đua Trâu Yak. Giai đoạn cuối của cuộc đời là bị loài người xẻ thịt để ăn thịt, lấy da, lấy sừng và sạn mật nếu có.


Thủy Ngưu (https://vi.wikipedia.org/)

Thủy Ngưu mang tên khoa học Bubalus bubalis thuộc gia đình Bovidae.

Người Việt Nam gọi là Trâu; Thủy Ngưu (Hán-Việt)
Người Anh gọi là Water buffalo
Người Pháp gọi là  Buffle, Buffle d’eau
Người Trung Hoa gọi là Shuiniu (Thủy Ngưu)

Gọi là Thủy Ngưu vì các anh chị ấy thuộc tộc Ngưu nhưng thích dầm mình dưới nước. Đặc điểm này cho thấy sự khác nhau giữa Trâu và Bò. Bò mặc quần áo vàng, trắng, đen hay áo vá trắng-đen, trắng-hung đỏ, trắng-đen-vàng. Trâu mặc quần áo đen. Trâu mặc quần áo trắng rất hiếm. Đó là các anh chị Trâu Cò thường thấy ở Lào và Thái Lan. Nông dân Việt Nam chê các anh chị Trâu Cò không hữu dụng bằng các anh chị Hắc Thủy Ngưu trong công việc đồng áng. Thủy Ngưu được tìm thấy nhiều ở Nam Á, Đông Nam Á, Trung Hoa, Nam Mỹ, Phi Châu và Nam Âu Châu nơi có sông nước và đầm lầy. Ở Đông Nam Á Châu có Trâu Rừng mang tên khoa học Bubalus arnee.

Người ta phân biệt: Trâu Sông (Hy Lạp, Ý, Ai Cập) và Trâu Đầm Lầy (Ấn Độ, Đông Nam Á, Đông Bộ Trung Hoa). Thủy Ngưu được người Ấn Độ thuần hóa và dùng vào công việc đồng áng cách đây 5000 năm. Từ thung lũng sông Indus (bây giờ nằm trên lãnh thổ xứ Pakistan) Trâu được bán sang vùng Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia), hay nói chính xác hơn xứ Iraq bây giờ, vào năm 2500 trước Tây Lịch.

Thủy Ngưu to lớn hơn Huỳnh Ngưu và có sừng dài hơn sừng của Huỳnh Ngưu. Trọng lượng trung bình của Thủy Ngưu xê dịch từ 700 ki- lô đến 1.200 ki- lô. Thủy Ngưu kéo cày, bừa dưới ruộng lầy khoẻ hơn Bò.

Tuổi thọ của Thủy Ngưu tương đương với các anh chị Bò. Nhưng tộc Thủy Ngưu có nhiều chứng bịnh khiến cho dân số Thủy Ngưu không bằng Bò. Tộc Thủy Ngưu có nhiều chứng bịnh như tiêu chảy (Scours do trùng E. coli gây ra), đau rún, sưng phổi, trùng lãi trong phổi, trùng Strongylus vulgaris trong máu, máu thiếu magnesium (hypomagnesemia).

Tuổi yêu đương của Thủy Ngưu bắt đầu từ 2 đến 3 tuổi. Tinh trùng của các anh Thủy Ngưu khá yếu, đôi khi không đủ sức tạo thai sau một lần ái ân! Thời gian mang thai của các chị Thủy Ngưu kéo dài từ 310 ngày đến 330 ngày. Vì vậy phụ nữ của loài người mang thai quá 09 tháng 10 ngày mà chưa sinh được gọi là có chửa Trâu.

Hiện nay trên thế giới có 172 triệu Thủy Ngưu so với 1,5 tỷ Huỳnh Ngưu. Ấn Độ chiếm 56,5% tổng số Thủy Ngưu nầy tức 97,9 triệu Thủy Ngưu. Ở Ấn Độ có các loại Thủy Ngưu nổi tiếng như Murrah, Nili- Ravi, Badhawari, Jafarabadi, Nagpur, Toda v.v... Pakistan có 23,47 triệu Thủy Ngưu; Trung Hoa: 22,76 triệu Thủy Ngưu; Phi Luật Tân: 3,2 triệu; Việt Nam: 3 triệu v.v…

***

Huỳnh Ngưu và Thủy Ngưu được loài người sớm thuần hóa. Vài chục thế kỷ trước loài người xem chúng tôi là máy cày, máy bừa, máy xới và xe vận tải. Chúng tôi mang sự no ấm cho họ. Thủy Ngưu làm lụng dưới ruộng lầy và chuyên chở nhiều hàng hoá hơn Huỳnh Ngưu nên loài người trong thời kỳ kinh tế nông nghiệp chưa cơ giới hóa xem trọng Thủy Ngưu hơn Huỳnh Ngưu. Có nơi người ta nói Thủy Ngưu là Phật Bồ Tát!! Vào thời kỳ kỹ thuật thô sơ việc giết hại Huỳnh Ngưu hay Thủy Ngưu bị xem là một trọng tội vì giết hại tộc họ Ngưu thì loài người có khả năng bị chết đói hay phải tự kéo cày, kéo bừa để trồng trọt và kéo xe chở hàng ra chợ bán. Ở Ấn Độ người ta xem Huỳnh Ngưu dòng Zebu là vật thiêng. Họ xem Huỳnh Ngưu là nhân tố tạo lương thực, là tài sản, là biểu tượng của sự sống. Nữ Huỳnh Ngưu là hiện thân của nữ Thần Devi. Người Ấn Độ không ăn thịt Huỳnh Ngưu nhưng uống sữa, ăn bơ, phô mai, dùng nước tiểu và phân của Huỳnh Ngưu. Phân dùng để bón cây, làm chất đốt. Nước tiểu của các nữ Huỳnh Ngưu được xem là linh dược bày bán với giá cao hơn cả sữa tươi của Bò!

Ấn Giáo, đạo Jain, đạo Zoroastria (đạo cổ ở Iran) cấm tín đồ không được ăn thịt Huỳnh Ngưu.

Ở Ai Cập cổ người ta xem Huỳnh Ngưu là nữ Thần Hathor. Ngưu Thần Hapi được thờ ở Memphis (Ngưu Thần đây là Bò chớ không phải Trâu)

Thần Enlil là Ngưu Thần của Sumer cổ (phía nam Lưỡng Hà Châu tức Iraq bây giờ).

Trong huyền thoại Hy Lạp có đề cập đến đàn Bò của Thần Thái Dương Helios ăn cỏ trên đảo Thrinacia tức đảo Sicily của Ý. Quái vật Minotaur trong huyền thoại Hy Lạp có đầu Bò, mình người. Đó là con đẻ của hoàng hậu Pasiphae trên đảo Crete và một con Bò. Quái vật Minotaur được giấu trong cung riêng biệt. Cứ 09 năm phải đem 07 thanh nam và 07 thanh nữ đến Athens cho con quái vật nửa người nửa thú nầy ăn thịt. Huyền thoại Hy Lạp cho thấy Thần Zeus tức Thần Jupiter của La Mã được một nữ Huỳnh Ngưu nuôi.

Trong Cựu Ước Kinh Huỳnh Ngưu được nhắc đến rất nhiều trong sách Genesis, Exodus, Leviticus, Numbers, Deuteronomy, Joshua, Joel, Job, Haggai, Zechariah và trong Luke, John của Tân Ước Kinh. Giấc mộng 07 con Bò mập và 07 con Bò ốm của vua Ai Cập được Joseph đoán là 07 năm thịnh vượng và 07 năm đói kém.

Khái niệm Thủy Ngưu là Phật Bồ Tát là khái niệm mà Việt Nam học từ Trung Hoa. Ngày 07 tháng 07 Âm Lịch được xem là ngày mưa Ngâu trong chuyện Ngưu Lang (Niu Lang) - Chức Nữ (Zhi Nu). Trong 12 con giáp của Âm Lịch Trung Hoa Trâu đứng sau Chuột và Cọp. Năm Thủy Ngưu được gọi là năm Sửu. Trong la bàn Tử Vi Tây Phương có cung Huỳnh Ngưu Taurus cho người sinh từ ngày 20/04 đến 20/05. Cung Taurus nằm sau cung Aries và trước cung Gemini.

Huỳnh Ngưu và Thuỷ Ngưu đều lao động cực khổ nên phổi dễ bị nhiễm trùng lao. Nói theo thời đại kỹ thuật ngày nay chúng tôi là máy cày, máy xới, máy bừa và xe vận tải chở nông sản. Xe Bò, xe Trâu vẫn còn là phương tiện giao thông vận tải quan trọng ở các quốc gia nông nghiệp chậm tiến Á-Phi và Châu Mỹ La Tinh. Vào thế kỷ XIX nhà thơ Nguyễn Công Trứ ngao du sơn thủy bằng xe Bò. Họ Ngưu làm lụng nặng nhọc như vậy mà còn bị nông dân cầm cây đánh đập không một chút thương tâm chỉ vì làm sai lời điều khiển "Thá", “Ví" của họ. Đến những ngày lễ hội lớn loài người ở các nước nông nghiệp ở Nam Á, Đông Nam Á bắt Bò, Trâu chúng tôi chạy đua hay cụng lộn với nhau đến bể đầu, lủng bụng mà chết! Ở Tây Ban Nha và các nước Trung Nam Mỹ còn tổ chức đấu Bò. Các hiệp sĩ thắng trận (Matador) sau khi giết chết Bò được xem như anh hùng.

Khi già yếu không còn sức lao động loài người không ngần ngại giết Ngưu tộc để xẻ thịt. Đó là lúc họ nói: Bò ngã nhiều gã cầm dao. Người ta ăn thịt Bò, uống sữa Bò, dùng sữa Bò làm bơ, phô-mai (fromage – cheese), dùng phân Bò, phân Trâu làm phân bón hay chất đốt. Da Bò, da Trâu làm da thuộc, bịt trống; sừng Trâu, Bò làm tù và để thổi. Đôi khi người ta dùng sừng Trâu thay thế sừng Tê Giác trong Đông Y trị liệu. Sạn trong túi mật của Huỳnh Ngưu hay Thủy Ngưu được gọi là Ngưu hoàng (Niu-huang, Bezoar) dùng để tẩy độc chất trong cơ thể trong Đông Y và làm thuốc hượt trường, tiết mật, hạ nhiệt, trị co giật, cao huyết áp trong Tây Y. Ngưu hoàng (bezoar, ox gallstone) có hợp chất bilirubin C33 H36 N4 O6. Các anh chị Bò có Ngưu hoàng thường đứng ngó mặt trời. Ở Ấn Độ người ta uống nước tiểu của các nữ Huỳnh Ngưu để thanh sạch cơ thể và trị bịnh tiểu đường, phong hủi, ung thư, ho lao theo phương pháp trị liệu cổ truyền ghi trong cổ thư Ayurveda cách đây 5000 năm. Nước tiểu này gọi là Gomutra. Người ta cho rằng các chị nữ Huỳnh Ngưu mang thai nước tiểu có nhiều kích thích tố và khoáng chất. Cũng có người cho rằng chỉ uống nước tiểu của các trinh nữ Huỳnh Ngưu mà thôi, và nước tiểu trinh nữ Huỳnh Ngưu phải lấy vào lúc rạng đông. Ở Miến Điện và Nigeria cũng có cách trị liệu bằng nước tiểu của các nữ Huỳnh Ngưu. Ở Phi Châu có nơi người ta tắm hay gội đầu bằng nước tiểu nữ Huỳnh Ngưu. Cách trị liệu bằng nước tiểu nữ Huỳnh Ngưu (Gomutra) khó chinh phục các nhà y học Âu-Mỹ.


Bò vàng Việt Nam, thuộc nhóm bò thịt, vừa cho thịt nhưng cũng cho cả sức kéo (wikimedia)

Loài người thích ăn thịt Bò và uống sữa Bò hơn thịt Trâu và sữa Trâu. Trong truyện Tàu mỗi khi mở tiệc người ta lại giết Trâu. Người Thượng trên Cao Nguyên Nam Trung Bộ và người thiểu số ở thượng du Bắc Bộ cũng thích ăn thịt Trâu. Người Ấn Độ, Pakistan dùng sữa Bò lẫn sữa Trâu. Người Anh gọi thit Bò là beef và thịt Trâu là carabeef hay buffen. Thịt ngon và mềm là thịt Bê (Bò Con) gọi là veal. Các quốc gia Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Bangladesh, Ý, Nga, Ai Cập, Bulgaria nuôi Trâu để ăn thịt. Thịt Trâu màu không tươi như thịt Bò. Mỡ thịt Trâu màu trắng sữa. Mỡ thịt Bò màu vàng-trắng. Xương Trâu cứng hơn xương Bò. Người Ấn Độ và Hồi Giáo trên lục địa Ấn Độ đều ăn thịt Trâu. Ấn Độ là quốc gia xuất cảng nhiều thịt Trâu nhất thế giới.

Thịt Bò được dùng để nấu phở, Bò kho, Bò sa-tế, Bò lúc lắc, Bê thui tương gừng, lòng Bò ăn với khế, chuối chát, rau thơm và mắm nêm, nấu ra-gu, món steak (bò bíp-tết), Chateaubriand steak, làm thịt hộp, thịt hamburger v.v...

Thịt Bò ngon được truyền tụng là thịt Bò Kobe hay Wagyu tức Huỳnh Ngưu Nhật Bản. Bò Kobe được lai từ 04 giống Bò:

1. Bò màu hung đỏ Akashi + 2. Bò đen Kuroge Washu + 3. Bò không sừng Mukaku Washu + 4. Bò sừng ngắn Nihon Tankaku Washu.

Thịt Bò Kobe ngon loại A-5 giá $US 1.200 / pound (pound: 453 grams)! Người ta cho rằng các anh chị Bò Kobe được nuôi bằng thức ăn đặc biệt, uống rượu sake, rượu bia, được đấm bóp và nghe nhạc.

Huỳnh Ngưu và Thuỷ Ngưu phục vụ cho loài người, tiết kiệm công sức lao động cho họ, mang no ấm cho họ. Họ đã đối đãi với chúng tôi như đã thấy ở phần trên. Chẳng những thế họ còn khinh bỉ chúng tôi bằng những ngôn từ không mấy tốt đẹp. Nào là ngu như Bò, như Trâu; lỳ như Bò. Nào là cực khổ như Trâu. Nào là Đàn khảy tai Trâu, kiếp Trâu Ngựa. Rồi dùng hình ảnh chúng tôi để chọc ghẹo lẫn nhau:

Thấy anh hay chữ thử hỏi đôi câu.

Thuở xưa ông vua Thuấn cày Trâu hay Bò?

Ăn cái gì dở thì nói là Dở như phổi Bò.

Những người nhút nhát bảo thủ nghề nghiệp của cha, ông và bám sát nơi chôn nhau cắt rún bị chê là Bò chết chẳng khỏi rơm.

Người ta dùng cụm từ Bò chết chờ khi khế rụng để nói về sự rủi ro của người này là cái may của người khác.

Mang thai 09 tháng 10 ngày mà chưa sinh thì gọi là Có chửa Trâu. Người mạnh thì gọi là Mạnh như Trâu cui.

Sự đụng độ giữa hai kẻ lớn là sự thiệt thòi kẻ nhỏ. Đó là cảnh Trâu, Bò húc nhau Ruồi, Muỗi chết.

Kẻ phi nhân, phi nghĩa là kẻ có Lòng Trâu dạ Chó.

Tính toán sai lầm gây lỗ lã thì nói: Trật con toán bán con Trâu.

Sự ganh tỵ giữa kẻ có người không có được gói ghém trong câu Trâu cột ghét Trâu ăn.

Trâu cột thì ghét Trâu ăn,
Quan võ thì ghét quan văn dài quần

Trâu béo kéo Trâu gầy nói lên sự cáng đáng công việc kéo cày của Trâu mạnh thay cho Trâu yếu. Trong xã hội loài người, người giỏi, siêng năng, cần mẫn thường làm luôn công việc cho người kém khả năng hay lười biếng.

Người chậm chạp thiếu óc bon chen được ví với Trâu chậm uống nước đục.

Cùng cảnh ngộ mà người đồng hành của mình bị hại thì đừng lấy đó làm vui. Vì trước sau gì mình cũng giống như anh ấy. Đó là cảnh Trâu Chết, Bò cũng lột da.

Thái độ thủ lợi của người ích kỷ trước cái khổ, cái chết của người khác được gởi gắm trong câu Trâu chết mặc Trâu, Bò Chết mặc Bò, củ tỏi giắt lưng. Đó là chuyện Sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi.

Các bà nội trợ Việt Nam cho rằng Trâu teo, Heo nở.

Khi hữu sự mình đi tìm người giúp chớ đừng nghĩ rằng người giúp đi tìm mình. Đó là cảnh Trâu tìm cọc chớ cọc không tìm Trâu.

Những người già ba gai, không sợ chết được ví với Trâu già không nệ dao phay.

Đa số người Việt Nam là nông dân nên Thủy Ngưu được xem là tài sản, là của quí. Người ta nói nhiều về các anh chị ấy trong văn thơ. Nào là:

Chồng cày vợ cấy con Trâu đi bừa

Nào là:

Trâu ơi ta bảo Trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng Trâu cày với ta,
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đâu Trâu đấy ai mà quản công.
Ngày nào cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng Trâu ăn.

*

Muốn có tiền thì nuôi Trâu nái
Muốn phá sản thì nuôi Bồ Câu.

*

Ruộng sâu Trâu nái.

*

Làm thân Trâu Ngựa đền nghi trúc mai

*

Trâu Ngựa đau kêu chi cũng mặc
Thân còn chẳng kể, kể chi danh.



Trâu trắng, Trâu đen là cảnh kình báng lẫn nhau. Dưới mắt nông dân Việt Nam Trâu trắng đến đâu thất mùa đến đó.

Căn cứ vào tướng Trâu nông dân Việt Nam không mua Trâu:

- có lông mọc lộn xộn

- có sừng cong lộn xuống đất

- có lưỡi đen (thường chết vì bịnh dịch)

- có đuôi trắng (nhiều chuyện gây phiền lòng cho chủ)

- có vệt trắng trên cổ vì lười cày, bừa.

Năm 1967 ông Phan Khắc Sửu ra tranh cử tổng thống VNCH cùng với bác sĩ Phan Quang Đán trong liên danh Trâu Cày. Thủy Ngưu biểu tượng cho sức cần lao, là dấu hiệu của Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam (CVT: Confédération Vietnamienne du Travail).

Trong Tây Du Ký, Lão Tử cỡi Trâu Xanh. Các nghệ nhân Việt Nam và Trung Hoa thường vẽ hình ảnh của Huỳnh Ngưu và Thủy Ngưu. Thủy Ngưu, dưới nét vẽ của các họa sĩ Trung Hoa, có bụng căng no tròn như nói lên sự no ấm và phú túc. Mục đồng ngồi trên lưng Trâu thổi sáo cũng là đề tài hội hoạ thường thấy. Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có bài Ai Bảo Chăn Trâu Là Khổ? Nhạc sĩ Phạm Duy dựa vào ý của bài tập đọc này để phổ nhạc. Cũng trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có bài tập đọc liên quan đến Trâu, Cọp và trí khôn của loài người. Đại ý của bài tóm lược như sau:

Một anh chàng Cọp đi ngang một đám ruộng và thấy một anh nông dân cầm roi đánh đập một anh Trâu kéo cày và quát tháo inh ỏi dưới ruộng lầy. Cày xong người nông dân cho Trâu nằm nghỉ mệt. Anh chàng Cọp tiến lại gần Trâu và nói:

Trâu ạ! Tao thấy mày ngu lắm. Mầy to lớn như vậy, có hai sừng cong và nhọn ngon lành như vậy mà mày để cho thằng nông dân ốm tong, ốm teo đánh đập, chửi bới ỏm tỏi. Tao hết hiểu nổi rồi! Mày nói cho tao biết tại sao vậy?”

“Cọp ạ! Mày không hiểu nổi đâu. Nó ốm yếu như vậy nhưng nó có trí khôn.” Trâu nói.

"Trí khôn là cái gì?” Cọp hỏi.

"Mày đến hỏi nó thì biết.” Trâu đáp.

Cọp lại gần người nông dân và hất hàm hỏi:

“Ê! Thằng nông dân kia! Trí khôn mày đâu cho tao xem?”

"Trí khôn tao để ở nhà.” Người nông dân đáp.

"Mày về nhà lấy cho tao xem được không?” Cọp nói.

"Được. Nhưng tao phải trói mày vào bụi tre này. Nếu mày chịu, tao về nhà lấy trí khôn cho mày xem.” Người nông dân nói.

“Sao phải làm như vậy?” Cọp hỏi.

"Nếu không, trong lúc tao về nhà mày ăn thịt Trâu của tao. Nếu mày không chịu thì thôi.” Người nông dân nói.

"Tao chịu.” Cọp nói.

Người nông dân lấy dây cột Cọp vào bụi tre rồi lấy cây vừa đập tới tấp vào đầu Cọp vừa nói: "Trí khôn của tao đây nè!”.

Cọp chết đau đớn vì quá tin tưởng vào sức mạnh vạn năng của mình và vì chủ quan cho rằng Trâu ngu để quên rằng trên đời không ai ngu dại để bị người khác lợi dụng hay áp bức nếu không ở thế yếu về một số mặt nào đó. Trên đời này cũng có nhiều cách đánh bại kẻ khác mà không cần dùng đến sức mạnh. Người nông dân đã dùng cách đó để đối phó với Cọp. Cọp chết vì chủ quan và vì chỉ biết sử dụng sức mạnh mà không biết trí khôn.

Trong chuyện tiếu lâm Nguyễn Quỳnh tức Cống Quỳnh đã dùng Trâu nghé đấu với Trâu Bắc Quốc. Nhờ mưu kế của Cống Quỳnh mà Việt Nam có một thắng lợi giả tưởng đáng ghi nhớ mặc dù không rõ chuyện xảy ra ở đâu? ngày, tháng, năm nào? đời vua nào? chúa nào?! Dù là giả tưởng, câu chuyện cũng cho ta thấy người nhỏ, ốm yếu vẫn thắng được người to lớn, khỏe mạnh như David thắng Goliath vậy. Thắng lợi của Trâu nghé khát sữa chạy lại bú vú Trâu Bắc Quốc. Bị nhột Trâu Bắc Quốc phải bỏ chạy.

Trong lịch sử Việt Nam có Đinh Bộ Lĩnh là một mục đồng khi còn thơ ấu. Sau này ông đánh dẹp các sứ quân và lên ngôi tức vua Đinh Tiên Hoàng.

Ở Bắc Ninh có một tu viện Phật Giáo gọi là Kim Ngưu.

Ở Trung Hoa có chuyện Ngưu Lang (Niu Lang) Chức Nữ (Zhi Nu), mưa Ngâu (Ngưu) ngày 07-07 Âm Lịch. Dựa vào chuyện này ở Việt Nam có bài hát Sầu Ô Thước.

Trong Đề 40 con của Trung Hoa Thủy Ngưu chiếm số 9 sau Thỏ (số 8) và trước Rồng Bay (số 10).

Trong tinh tú học có sao Ngưu (Taurus).

Trong ngành vi trùng học có Ngưu đậu là vi trùng đậu mùa trong mủ của Thủy Ngưu do người cấy ra để trồng trái ngừa bịnh này.

Trong thực vật học chữ Trâu được dùng như hình dung từ chỉ cái gì to lớn như Cần Trâu Oenanthe stolonifera, Hành Trâu Allium robusta, Cà Phê Trâu Coffea robusta.

Ngưu bàng là một loại cỏ có nhánh mang tên khoa học Arctium lappa. Trái và rễ Ngưu bàng dùng làm thuốc nhuận tiểu, trị bịnh ngoài da, viêm cuống họng, sốt xuất huyết, sưng phổi.

Dã Ngưu Bàng Aster tartaricus (purple aster) được dùng làm thuốc bổ phổi, trị ho, đàm.

Ngưu tất (đầu gối Bò hay Trâu) Achyranthes bidentata dùng làm thuốc nhuận tiểu (Rễ), trị phong thấp.

Ngưu thiệt (Lưỡi Bò hay Trâu) tức cỏ chút chít Rumex wallichii dùng làm thuốc xổ. Lá dùng để trị lác đồng tiền.

Muồng Trâu Cassia alata dùng làm thuốc xổ, xức lác.

Dây Sữa Bò tức Hà Thủ Ô Nam Streptocaulon juventas. Củ dùng làm thuốc bổ gan, thận, làm cho râu tóc đen như thanh niên vậy.

Cây Vú Bò cao lối 1 m, có mủ trắng. Tên khoa học là Tabernaemontana garcinifolia.

Cây Vú Sữa là cây ăn trái to lớn, trái tròn như cái chén màu trắng hay tím, vị ngọt. Tên khoa học của cây Vú Sữa là Chrysophyllum cainito.

***

Thưa quí vị đại biểu, loài người càng ngày càng đông đảo. Địa bàn sống của các động vật hoang dã càng ngày càng bị thu hẹp. Sự phát triển khoa học kỹ thuật của loài người làm cho vai trò các động vật to lớn giảm sút đi rất nhiều. Người ta không dùng Ngựa trong chiến trận. Không dùng Voi trong các trận đánh hay chuyên chở hàng hóa nặng. Giảm thiểu việc dùng Trâu, Bò trong công việc chuyên chở và đồng áng. Tượng tộc, Tê Giác, Hà Mã tộc càng ngày càng ít đi vì những sự săn bắn để lấy ngà, sừng và răng. Quí vị thấy không, khi loài người chưa phát triển khoa học kỹ thuật họ thờ vật tổ. Các động vật to lớn có địa vị đáng kể trong tâm não của họ. Các động vật cung cấp thịt như Heo, Bò, Gà, Vịt được họ lập trại tập trung nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe đầy đủ vì có bác sĩ thú y trông coi. Nhưng các động vật trong các trại tập trung nầy có tuổi thọ rất thấp. Gà nuôi 08 tuần thì làm thịt. Heo nuôi nặng trên 100 ki-lô thì hạ thịt. Bò nuôi một năm thì thịt mềm có thể làm món Bê thui tương gừng ăn luôn cả thịt lẫn da! Nuôi trong các trại tập trung, động vật mất quyền tự do đi lại và nhất là mất sự tự do yêu đương. Anh Bò bị hoạn. Anh Trâu bị hoạn. Anh Heo bị hoạn. Anh Gà trống bị hoạn. Tất cả hành động độc ác này nhằm mục đích giúp cho loài người có nhiều thịt. Họ cướp luôn quyền làm cha, làm chồng và thú yêu đương nam-nữ của Ngưu tộc, Mã tộc, Trư tộc bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Với phương pháp nầy loài người cấm các động vật tự do luyến ái mà yêu đương theo ý muốn và sự lựa chọn dòng giống của họ!! (Dưới hội trường có tiếng hô to "Đả đảo loài người! Đả đảo! Đả đảo!”)

Nguồn: Trên mạng

1 nhận xét:

  1. ăn quả nhớ kẻ trồng cây!!!???? có yêu thương mới làm con người

    Trả lờiXóa