Ngành da giày, dệt may sau giãn cách: Khó khăn chồng chất
Da giày và Dệt may Việt Nam được đánh giá là 2 ngành đang chịu tác động nặng nề nhất do đại dịch COVID-19. Chuỗi cung ứng đình trệ hoặc đứt gãy, người lao động bỏ về quê là 2 trong số những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp 2 ngành đang phải đối mặt.Công nhân làm việc trong một nhà máy may
Trong tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam ước đạt 920 triệu USD, giảm 8,0% so với tháng 8/2021, và giảm 35,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 3,06 tỷ USD, giảm 8,15% so với tháng trước, và giảm 8.9% so với cùng kỳ năm ngoái.Đứt gãy chuỗi cung ứng
Đặc trưng của 2 ngành da giày và dệt may là tính kết nối sản xuất theo chuỗi. Nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và xuất hàng thành phẩm đi bán. Do vậy, việc tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa nội địa và xuất khẩu đã làm doanh nghiệp bị gia tăng chi phí, chậm trễ trong giao hàng, thậm chí mất bạn hàng và cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, cho biết: COVID-19 khiến doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng hoặc giảm sản xuất, bị hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy và trả lương cho người lao động... “Tổn thất này rất lớn, nhưng quan trọng hơn là khách hàng sẽ chuyển đơn hàng sang các nước khác. Việc dịch chuyển này sẽ không phải một sớm một chiều có thể quay trở lại. Bởi chuỗi cung ứng một khi đã dịch chuyển đi thì họ mất rất nhiều thời gian để quay trở lại, chưa kể việc chúng ta có đủ sức hấp dẫn để kéo khách hàng quay trở lại hay không”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.
Tương tự với ngành da giày, ngành dệt may cũng đang rất chật vật để duy trì hoạt động. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, dự báo: Với kịch bản tốt nhất thì xuất khẩu sản phẩm dệt may năm nay chỉ có thể đạt khoảng 32-33 tỷ USD, trong khi mục tiêu đặt ra cho năm 2021 là sẽ xuất khẩu khoảng 39-39,5 tỷ USD.
Một khảo sát do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) và Nhóm Hợp tác công tư (PPP) thực hiện trong tháng 9/2021 với 256 doanh nghiệp dệt may, giày dép, và hàng trăm nghìn công nhân 2 ngành này cho thấy: 68,1% doanh nghiệp bị đối tác phạt giao hàng chậm; 48,4% chậm giao hàng với các đơn hàng đã ký kết; 12,2% doanh nghiệp bị đối tác hủy đơn và phạt hợp đồng; 21% doanh nghiệp bị đối tác chủ động hủy, nhưng không bắt doanh nghiệp đền bù; và 13,1% đối tác hủy đơn chưa ký.
Thiếu lao động trầm trọng
Cuộc khảo sát trên cũng cho thấy, khoảng 60% người lao động muốn về quê hoặc đã về quê để phục hồi sức khỏe và cuộc sống. "Làn sóng người lao động di cư về quê hiện nay là ‘cực kỳ nhức nhối’, nhưng họ vẫn phải về do đã gặp bất ổn về tâm lý, sức khoẻ vì dịch", bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) cho biết.
Theo ông Nhạc Phan Linh tại Viện Công nhân Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phần lớn người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất tại phía Nam thời gian vừa qua đã gặp áp lực tâm lý nặng nề, lo lắng về sức khỏe, lo lắng về cuộc sống, nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói. Ông kể, nhiều người lao động di cư từ Nam ra Bắc tâm sự: Họ chủ động bỏ việc vì sợ bị lây bệnh bởi họ cho rằng, mô hình sản xuất "3 tại chỗ" áp lực lớn, có nguy cơ lây nhiễm cao.
Nhóm lao động có gia đình đã di cư về quê cho hay, họ không muốn quay trở lại miền Nam làm việc. Họ sẽ tìm việc mới để ổn định cuộc sống, tiện chăm sóc gia đình, con cái.
Ngoài ra, hiện tại cũng là thời điểm gần hết năm nên lực lượng lao động ‘ngại’ trở lại. Tín hiệu sáng sủa nhất cho thấy, sẽ phải mất từ 3-5 tháng để người lao động trở lại các nhà máy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét