Yêu quê hương nhưng nhất định không trở về.
Ngạn ngữ có câu chúng ta không bao giờ tắm hai lần trên một dòng sông. Nước cứ trôi theo ngày tháng, nên nó không bao giờ còn là chính nó tại mỗi thời điểm chúng ta tắm. Con người do vậy cần thích nghi với hoàn cảnh mới. Hồi sống ở bên Âu Mỹ, tôi đã gặp khá nhiều bạn người miền Nam sang sống lưu vong, có người tôi rất thân, không gặp nhau là nhớ. Họ luôn luôn có khát vọng trở về tổ quốc, ngày nào cũng xem VTV trên mạng hoặc qua vệ tinh..., nhưng họ nhất quyết không về. Có bạn tâm sự đã từng dẫn con cháu về thăm quê hương một lần, có về thì mới thấy xã hội miền Nam không còn đẹp và thơ mộng như xã hội xưa và con cháu cũng thấy nó khác với mô tả trong sách giáo khoa tiếng Việt được học. Người Việt trong nước không coi người Việt hải ngoại như đồng bào mà coi như ví tiền để chặt chém. Ngôn ngữ Việt cũng không còn là thứ ngôn ngữ họ quen dùng thời trước. Bạn bè cũng không còn những suy tư, tình cảm như họ... Cái cảm giác bị lừa gạt, lúc nào cũng ngỡ ngàng, hụt hẫng ngay trên quê hương mình nó đau hơn cái "lòng nung nấu" hay cái "khát vọng" trở về. Cuối cùng họ quyết định thà mãi mãi sống ở nơi phương xa để vẫn giữ được hình ảnh tuyệt đẹp của quê hương trong tim và dạy cho con cháu biết hình ảnh đẹp đẽ của một quê hương xa vời mà thế hệ những người như họ đã đi mất mãi mãi. Họ không hề cực đoan, thù hằn hay mặc cảm như nhiều người trong nước nghĩ một cách đơn điệu bấy lâu nay. Họ có lý tưởng và sống với lý tưởng của họ. Tôi thân với họ và tôn trọng sự chọn lựa của họ.QUÊ HƯƠNG XA VỜI VÀ KHÁT VỌNG TRỞ VỀ
Trên chuyến bay của hàng không Cathay Pacific 26/12-2018 từ Sài Gòn về Bắc Âu, quá cảnh Hongkong đi Amsterdam, dài những 12 tiếng. Để giết thời giờ, tôi mở màn ảnh nhỏ trước ghế, xem phim, thay vì đọc sách. Tôi chọn một phim Hàn Quốc, tên là The Last Princess (Công chúa cuối cùng của Hàn Quốc). Cảnh trong phim The Last Princess
Trước đây, tôi có xem phim The Last Emperor of China – Hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa - rất hay. Bộ phim nói về cuộc đời vua Phổ Nghi, đã nhận được 9 giải Oscar, trong đó có giải phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất năm 1987.
Bộ phim The Last Princess, Công Chúa Cuối Cùng, cũng là một dòng phim cổ trang Hàn Quốc, mô tả về cuộc đời của công chúa Đức Huệ (Deokhye), sống những năm tháng lưu vong ở Nhật. Công chúa Đức Huệ (1912-1989) vị công chúa cuối cùng trong lịch sử hoàng tộc Triều Tiên, bị đưa sang Nhật năm 13 tuổi (1925). Cha công chúa Đức Huệ là hoàng đế Quang Vũ, bị người Nhật đầu độc bằng một chén trà quế và qua đời ngay trước mặt cô, lúc mới lên 7.
Phim nói về khát vọng trở về cố hương của công chúa Đức Huệ suốt 38 năm phải sống đời lưu vong ở Nhật. Có lần, một sĩ quan Nhật gốc Hàn, Jang Han được lệnh bí mật giải cứu công chúa Đức Huệ, đưa cô trở về quê hương bằng thuyền. Chuyến hành trình đầy hiểm nguy ấy thất bại.
Năm 1931, công chúa Đức Huệ được xếp đặt lấy một người thuộc hoàng tộc Nhật. Họ có chung một người con gái. Người con gái sau này tự tử. Cuộc hôn nhân của họ không mang lại hạnh phúc và họ chia tay.
Khát vọng đó cháy bỏng cho đến khi công chúa Đức Huệ và con gái bị từ chối lên tàu hồi hương cho đồng bào Hàn ở Nhật sau khi Nhật đầu hàng thế chiến thứ hai. Cảnh hai mẹ con công chúa Đức Huệ trình giấy tờ để lên tàu về cố hương bị từ chối mà lòng tôi ứa nước mắt. Những người cầm quyền Hàn Quốc lúc đó không muốn bà về. Bà hoảng loạn giằng co, đau khổ, bước đi ngơ ngác, ngã gục ngay trên sàn nhà. Từ đó, bà trở nên trầm cảm, bị lãng quên trong một bệnh viện tâm thần ở Tokyo.
Năm 1962, những người thân của công chúa Đức Huệ chính thức đón bà trở lại cố quốc - khi đó đã là Hàn Quốc. Ngày trở về của Đức Huệ cũng là ngày kết thúc 38 năm sống lưu vong của cô công chúa cuối cùng triều đại Joseon.
Bà đã khóc khi đặt chân xuống đất mẹ. Dù mang bệnh thần kinh, bà vẫn còn nhận ra một khuôn mặt. Công chúa Đức Huệ chậm rãi lách qua đám đông, đến ôm lấy thị nữ Byeon Bokdong. Đây là hình ảnh bi tráng đầy nhân tính, gây cảm xúc mạnh. Thị nữ Bokdong theo bà sang Nhật, sau bị trục xuất về Hàn.
Coi hết đoạn phim, nhiều lần tôi đã ứa nước mắt. Tôi nghĩ về những người trốn chạy trong tuyệt vọng, bỏ nước ra đi của hơn 40 năm trước, trong đó có tôi. Ra đi nhưng khát vọng trở về cố hương vẫn cháy âm ỉ trong lòng, trong giấc mơ, trong vui buồn nơi đất khách quê người.
Quê hương, dưới chế độ toàn trị dẫu thế nào, vẫn là quê hương của mình, nơi đó còn mổ mả tổ tiên, kỷ niệm, bạn bè, họ hàng thân thích. Nhưng về thế nào, khi nào, lúc nào lại không phải là vấn đề đơn giản. Tại sao trốn chạy và tại sao về.
Tôi có nhiều bạn thân sống ở Úc, Mỹ, Đức và Canada. Có người ra đi từ năm 1975. Họ thành đạt trong cuộc sống nơi xứ người, vẫn giữ nguyên nếp sống Việt. Và họ vẫn còn nguyên khát vọng trở về. Thế mà đến nay, họ chưa về. Tôi đã trở về, có khi làm việc, có khi nghỉ hè và gần đây, nhiều lần khi nghỉ hưu.
Họ không hề cực đoan, thù hằn hay mặc cảm như nhiều người trong nước nghĩ một cách đơn điệu bấy lâu nay. Họ có lý tưởng và sống với lý tưởng của họ. Chúng tôi tôn trọng sự chọn lựa của nhau.
Với tôi, chế độ và quê hương là hai phạm trù khác biệt. Quê hương thì trường tồn. Chế độ là cái nhất thời. Lịch sử chính trị đông tây kim cổ không có chế độ nào tồn tại muôn năm.
Với tôi, kiếp người vốn ngắn ngủi và mỏng manh. Thế hệ chúng tôi ngày ấy không còn trẻ nữa. Quê hương là của chung, không phải riêng ai. Ôm trái tim một con người còn khó, nói chi ôm cả trời quê hương.
Làm gì có trăm năm mà đợi,
Làm gì có kiếp sau mà chờ.
(Về thôi. Thơ Lưu Trọng Văn).
Nguồn trên mạng, ko rõ tên tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét