Vì sao người lao động bỏ về quê không muốn quay trở lại ?
FB Nguyên San - Tình trạng thiếu lao động đang ảnh hưởng nặng nề đến sự phục hồi kinh tế Việt Nam sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch Covid-19. Trong tổng số 3,5 triệu người lao động nhập cư làm việc tại TP HCM và các tỉnh lân cận, 2,1 triệu người muốn về quê. Tính cho đến ngày 15/9 đã có 1,3 triệu người về quê.Theo bà Nguyễn Phương Tú, một nhà nghiên cứu tại Đại học Adelaide, cho biết đại dịch không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến cuộc di tản của người lao động, mà thật ra điều kiện sống và làm việc của hầu hết những người lao động nhập cư rất bấp bênh trước Covid-19.
Tại hội nghị giữa Công đoàn Việt Nam và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, chiều 12/10, ông Khuất Văn Quý, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình cho biết:
70% công nhân thuê phòng trọ nhà dân, diện tích dưới 3m2 một người
Thu nhập bình quân 4- 6 triệu mỗi tháng chưa tính tăng ca
70% công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng.
Người lao động hầu như không có khả năng mua nhà, do chi phí phòng trọ, nuôi con khiến họ không còn dư để dành dụm.
80% công nhân đồng ý làm thêm giờ vượt mức trần 40 giờ mỗi tháng, tối đa 300 giờ mỗi năm; lý do chính là vì muốn gia tăng thu nhập để có thể dành dụm.
Công nhân còn gặp tình trạng chấm dứt hợp đồng lao động ở độ tuổi 35 - 40; mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.
40% công nhân phải gửi con về quê cho người thân nuôi
22% gửi ở những nơi trông trẻ tư nhân điều kiện kém
Do phải làm tăng ca để gia tăng thu nhập, nên công nhân không có nhiều thời gian chăm sóc con cái, đời sống giải trí, tinh thần của họ khá "nghèo nàn", dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, công nhân mắc nợ xấu, tín dụng đen... và những điều này có thể gia tăng sau đợt dịch.
Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thiếu nhà ở, nơi khám bệnh là một trong những bức xúc của công nhân.
Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp không lo tới nhu cầu về chỗ ở cho công nhân. Chính sách hiện hành cũng không khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, nhất là vốn và đất đai.
Tóm lại, những người lao động nhập cư sống rất chật vật với mức lương thấp từ các công việc không đòi hỏi hoặc đòi hỏi rất ít kỹ năng và trình độ. Trong khi họ rất khó khăn để tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và giáo dục cho con em vì hệ thống hộ khẩu.
Ngay cả những người có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội cũng luôn lo lắng vì các doanh nghiệp không tuân thủ luật lao động và chính quyền thường đứng về phe các chủ công ty.
Để thu hút người lao động quay trở chính quyền cần có kế hoạch xây dựng nhà ở, bán cho công nhân với giá ưu đãi; đi kèm là các công trình như nhà trẻ, trường học, bệnh viện… trong các khu công nghiệp, chế xuất. Chính phủ cần phải can thiệp buộc các công ty trả mức lương tối thiểu với số giờ làm tối đa để bảo đảm chất lượng cuộc sống cho công nhân. Người lao động phải được quyền tổ chức công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của họ.
Chính quyền muốn thuyết phục người lao động quay trở lại các khu công nghiệp chế xuất chỉ cần thực hiện quy tắc "Đất lành chim đậu"!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét