Bác sỹ Trần Duy Hưng và cách Đảng CS 'dùng mà không trọng trí thức'
23 tháng 10 2021 - "Ông ấy học y và có truyền thống nhân ái cứu người, giúp người nhưng đồng thời cũng có một tầm nhìn xã hội rất rộng, hoạt động xã hội tương đối rộng rãi và có uy tín trong giới trí thức và đồng bào ở Hà Nội và phía Bắc", nhà báo Trần Tiến Đức nói về cha mình, Bác sỹ Trần Duy Hưng trong Chương trình 'Gặp gỡ nhân vật, nhân chứng' của BBC News Tiếng Việt hôm 21/10/2021.BS. Trần Duy Hưng là Thị trưởng Hà Nội từ 30/8/1945 đến tháng 12/1946 và cũng là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Hà Nội từ sau năm 1954, và giữ chức này đến 1977
"Thời trẻ khi còn là sinh viên cũng như khi sắp ra trường, cụ (Trần Duy Hưng) tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, đầu những năm 1930 đã tham gia hoạt động của nhóm Chấn hưng Phật giáo, sau đó thì tham gia Hội Ánh sáng năm 1936-1937....
"Ông ấy còn tham gia Hướng đạo sinh và có thể ông ấy là một trong những thủ lĩnh của Hướng đạo sinh ở miền Bắc Việt Nam."
"Ông ấy cùng một số trí thức nữa đã thành lập ra hội Tân Việt Nam vào khoảng tháng 5 năm 1945 với mục đích là tập hợp các tầng lớp nhân dân để kiến thiết lại đất nước."
Ông Trần Tiến Đức từ Hà Nội cho BBC biết thêm, trước khi học trường y cha ông đã đỗ hai bằng tú tài nhưng quyết định học y là vì "muốn là đi cứu người chứ thật ra cụ không thích đi làm quan".
Con đường đến với chính quyền VNDCCH
Kể về nguyên do Bác sỹ Trần Duy Hưng đến với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo Trần Tiến Đức chia sẻ:
"Khi cụ Hồ từ Việt Bắc về Hà Nội thì lúc ấy cụ mới trải qua một cơn sốt rét rất nặng.
"Ông Vũ Đình Huỳnh mới mời cha tôi đến chăm sóc, thăm khám sức khỏe cho cụ Hồ. Đến vài lần thì cụ Hồ mới ngỏ ý mời cha tôi ra làm thị trưởng Hà Nội thì cha tôi từ chối.
"Cha tôi nói là: 'thưa cụ Chủ tich, tôi chỉ biết làm nghề bác sỹ cứu người thôi chứ tôi không làm việc chính quyền bao giờ'.
"Cụ Hồ có trả lời cha tôi rằng: 'tôi cũng đã bao giờ làm chủ tịch đâu, tôi với ông thì chúng ta cùng học'".
BS. Trần Duy Hưng đọc diễn văn chào mừng Chủ tịch VNDCCH Hồ Chí Minh từ Pháp trở về
Sự nghiệp chính trị của BS Trần Duy Hưng
Bác sỹ Trần Duy Hưng trở thành thị trưởng đầu tiên của thành phố Hà Nội từ 30/8/1945 đến 12/1946 dưới thời của Chính phủ VNDCCH và là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Hà Nội từ năm 1954 đến 1977.
Tuy vậy, quãng thời gian làm chính trị của ông dường như trải qua không ít khó khăn, nhà báo Trần Tiến Đức kể lại về cha mình:
"Thật ra cha tôi dù có vào Đảng nhưng tôi nghĩ hệ thống tổ chức của Đảng vẫn coi ông như một nhân sỹ trong Đảng chứ không phải là những người đảng viên trung kiên.
"Những sự kiện như là Nhân văn Giai phẩm, Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh thì cha tôi không bao giờ phát biểu công khai ủng hộ những chính sách ấy. Đấy có lẽ cũng là một chuyện.
BS Trần Duy Hưng tuy nắm giữ chức vụ trong chính quyền nhưng ngay khi làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính của Hà Nội, có những chuyện của thành phố ông không được nắm thông tin hoặc không được tham gia vào các quyết sách của thành phố.
Ông Trần Tiến Đức nhớ lại một chuyện thời kháng chiến:
"Lúc bấy giờ tôi đã sang Trung Quốc nhưng em trai tôi có kể lại là có một lần đầu năm 1954 quân Pháp có thả dù xuống cho trại tù binh ở gần đấy thì cha tôi hoàn toàn không có thông tin gì cả, cho nên cả nhà chạy tán loạn đi sợ tưởng là quân Pháp nhảy dù đến.
"Sau này đến khi ông về Hà Nội làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội và ông vẫn được bầu vào Thành ủy nhưng mà ông không bao giờ được đưa vào Thường vụ Thành ủy. Chúng ta biết bây giờ ông chủ tịch ít nhất là cũng là thường vụ hoặc bí thư.
"Lúc ấy các tỉnh khác thì các ông chủ tịch là những ông đảng viên Cộng sản lâu năm cho nên các ông ấy đều là thường vụ, thậm chí là phó bí thư. Nhưng mà ở Hà Nội thì đặc biệt cha tôi trong suốt ngần ấy năm từ năm 1954 cho đến 1977 thì cụ không bao giờ là thường vụ thành ủy.
"Nếu mà bạn nào đã từng sống ở Việt Nam thì biết rằng chính sách, quyết sách đưa ra là do Đảng (CSVN) mà tập trung ở chỗ thường vụ cho nên chủ tịch mà không phải thường vụ thì không được tham gia vào những quyết định chiến lược bao giờ, và người ta chỉ có thông báo là quyết định của thường vụ, đồng chí với tư cách chủ tịch thành phố thì phải tổ chức thực hiện."
Thị trưởng Hà Nội Trần Duy Hưng tại lễ khai trương đường Điện Biên Phủ
Nỗi 'thất vọng' cuối đời vì bị đối xử 'tàn nhẫn'
Là một bác sỹ chữa bệnh cứu giúp người, nhưng sau này khi Bác sỹ Trần Duy Hưng mắc bệnh tim và có nguyện vọng tự ra nước ngoài chữa trị, ông lại không được chính quyền lúc bấy giờ cho phép.
Kể lại câu chuyện đau buồn này của cha mình, nhà báo Trần Tiến Đức bày tỏ sự thất vọng của gia đình ông:
"Năm 1985, em trai tôi định cư ở Pháp có quen một bác sỹ ở một bệnh viện quân đội Pháp ở Paris. Ông này vốn là bác sỹ quân y ở Điện Biên Phủ, sau đó khi ông ấy làm tù binh thì có gặp cha tôi vì cha tôi lúc bấy giờ được ủy nhiệm đi thăm các trại tù binh.
"Khi nói chuyện với em trai tôi thì biết rằng cha tôi bị tim cho nên ông ấy bảo thôi thế thì anh thu xếp cho ông già sang Paris đi tôi sẽ nhận vào bệnh viện, việc chữa trị chúng tôi sẽ lo, anh chỉ việc lo đi lại cho ông.
"Đầu tiên ông cũng được nhà nước cho đi, nhưng một tuần trước khi lên đường thì ông ấy được ông Vũ Quang, Trưởng ban Đối ngoại của Trung ương Đảng mời lên và nói rằng trung ương thấy rằng việc bây giờ anh đi sang Pháp là không có lợi cho nên thôi thì anh phải hủy chuyến này thôi.
"Tôi biết rằng ông già tôi rất thất vọng. Thất vọng là vì những gì ông ấy cảm nhận trong suốt cuộc đời làm việc của mình cuối cùng nó thể hiện ra ở một hành động tôi xin nói rằng rất tàn nhẫn. Rất tàn nhẫn đối với một người già đã cống hiến cho nhà nước này bao nhiêu năm và tự mình đi chữa bệnh chứ không phải là đi chữa bệnh bằng tiền của nhà nước giống như các vị bây giờ đi chữa ở Nhật, Pháp, Singapore… bằng tiền nhà nước.
"Đấy là một cú sốc rất lớn đối với ông già tôi. Sau đó, ông ấy quỵ hẳn xuống. Cuối cùng, ông ấy vào viện và cũng không vực lại nổi và đến năm 1988 thì ông ra đi."
Khi Bác sỹ Trần Duy Hưng đã mất, cũng có những chuyện "không đúng" xảy ra với tang lễ của ông, theo lời kể của con trai ông, Trần Tiến Đức:
"Tôi xin nói là ông già tôi lúc ấy Thứ trưởng Nội vụ, là thành viên của Hội đồng Quốc phòng Tối cao phụ trách về nội vụ nhưng đến khi ông già tôi mất, trong bản tiểu sử mà người ta đưa ra cho gia đình tôi để làm điếu văn thì người ta bỏ luôn chữ Ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao và họ lại nói rằng Bộ Nội vụ lúc đó tương đương với Bộ Lao động Thương binh Xã hội bây giờ.
"Nhưng hoàn toàn không đúng. Tổ chức của chính phủ VN từ năm 1946 cho đến sau 1954 thì lúc bấy giờ hoàn toàn theo mô hình chính quyền của Pháp, tức là Bộ Nội vụ hoàn toàn phụ trách toàn bộ công việc nội chính kể cả cảnh sát, thông tin tuyên truyền là nằm trong điều hành của Bộ Nội vụ.
"Nhưng chắc ông già tôi khi mà mất thì có thể những người viết tiểu sử người ta không biết, cũng có thể người ta muốn hạ thấp vai trò của cụ Trần Duy Hưng trong thời gian kháng chiến thì họ mới bỏ những cái ấy đi hoặc đưa nhập nhèm chuyện ấy."
"Cho nên việc có người nào đó thì tôi không biết, nhưng cũng phải là người trong hệ thống tổ chức, vì tiểu sử phải từ ban tổ chức trung ương người ta đưa xuống ban lễ tang, thì chắc người ta cũng muốn hạ công lao, uy tín của ông Hưng", ông Đức nói thêm.
Chính phủ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948
Chính sách của ĐCS VN với giới trí thức
Xuất thân trong một gia đình trí thức, chứng kiến sự nghiệp chính trị của cha mình và cũng từng có thời làm việc trong Ủy ban Khoa học, nhà báo Trần Tiến Đức đưa ra quan điểm cá nhân về chính sách sử dụng trí thức trong Đảng của ĐCS VN từ thời VNDCCH cho đến sau này:
"Tôi nghĩ rằng ngay từ đầu ĐCS VN đã sử dụng trí thức bởi vì họ biết rằng vào thời năm 1945 đấy là những người có uy tín nhất trong xã hội, mà muốn tập hợp được dân chúng thì phải có các trí thức tham gia.
"Nhưng dần dần khi chính quyền đã vững trong tay rồi thì những tầng lớp ấy bị thải loại dần."
Ông Đức đưa dẫn chứng những trí thức như ông Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục:
"Đầu tiên như cụ Vũ Đình Hòe, những cụ có đầu óc rất độc lập đòi những đảng khác tham gia chính phủ phải có tiếng nói rõ ràng quyết định chứ không chỉ có chuyện thi hành thôi. Chính vì thế Bộ Tư pháp là bộ bị giải thể đầu tiên và ông Vũ Đình Hòe về sau cũng chỉ là một chuyên viên của Ủy ban Khoa học Xã hội."
Đó là chính sách của ĐCS VN, nhưng cũng chịu sự ảnh hưởng của cố vấn Trung Quốc, nhà báo Trần Tiến Đức nói:
"Đấy là chính sách bởi vì tôi nghĩ rằng là tư tưởng 'Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ' có từ thời Trần Phú vẫn có ảnh hưởng rất lớn đối với suy nghĩ và chính sách của ĐCS VN sau này. Nhất là sau này người ta đã đào tạo được một đội ngũ trí thức từ công nông trở lên thì người ta nghĩ rằng bây giờ họ có rồi thì ông này không cần nữa và những lớp trí thức sau cũng rơi rụng dần lớn tuổi."
"Tôi xin nói lại thời năm 1952 sau Đại hội Đảng lần thứ II thì ảnh hưởng của cố vấn Trung Quốc rất là lớn trong vấn đề đường lối tổ chức và trong chính sách cán bộ. Tôi được biết là họ có đặt vấn đề với cụ Hồ là tại sao trong chính phủ của ông lại có nhiều trí thức thế mà thiếu thành phần công nông. Cho nên, năm 1952 có một đợt chỉnh huấn rất khốc liệt. Sau đợt ấy thì các bộ trưởng trí thức được tập trung lên vùng Chiêm Hóa và rất ít được tham gia công tác của chính phủ."
Từ đó, nhà báo Trần Tiến Đức cho rằng:
"Nó cho thấy chính sách người ta không coi trọng trí thức và trí thức chỉ được dùng để thiết lập chính quyền ban đầu và giữ vững chính quyền ban đầu thôi.
"Đấy là một sự thật đau lòng mà chúng tôi, con em của những gia đình trí thức đều biết chuyện đấy. Nhưng chúng tôi hoàn toàn thấy rằng đấy là thực tế mà mình phải chấp nhận vì có bực tức cũng chả giải quyết được chuyện gì."
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59010044
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét