Địa phương cát cứ, doanh nghiệp khổ
NGUYỄN PHƯƠNG NAM (tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Robot) - 23/10/2021 TTO - Doanh nghiệp thời gian qua đã rất khó khăn, nay đi lại vẫn còn nhiêu khê như thế vừa tăng thêm gánh nặng về chi phí xét nghiệm, tăng chi phí vận chuyển trong bối cảnh giá xăng dầu tăng khiến doanh nghiệp thêm chật vật.Chúng tôi là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thiết bị điện, điện tử và các thiết bị gia dụng, có đội xe lên đến hàng chục chiếc vận chuyển hàng hóa đi cả ba miền. Chính phủ đã nới các điều kiện đi lại, tạo thuận tiện cho xe cộ đi giao hàng, lưu thông hàng hóa nhưng thực tế các nhân viên của chúng tôi đi lại ở các tỉnh đều gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, vận chuyển của doanh nghiệp.
Khi về một số địa phương ở miền Tây Nam Bộ hiện nay, có tỉnh yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, có tỉnh rút ngắn còn 48 giờ. Dù giấy xét nghiệm còn hiệu lực, nhân viên đã tiêm 2 mũi vắc xin vẫn bị xét nghiệm tiếp; chi phí có nơi miễn phí, có nơi doanh nghiệp chi trả, mỗi lần xét nghiệm 200.000 - 300.000 đồng.
Có tỉnh phải khai báo thủ tục rất rườm rà, xét kỹ từng trường hợp, trong đó có chuyện rất bức xúc là phải đóng 2 dấu "đã kiểm tra" và "đã khai báo y tế" vào tay tài xế để cán bộ kiểm soát cách đó mấy mét xác nhận là người này đã qua các bước kiểm tra. Làm như vậy rất phản cảm, như "đóng dấu heo".
Nhưng việc khai báo cũng không dễ dàng khi phải đậu xe rất xa, đến trạm để chờ đợi khai báo, cán bộ xét kỹ mục đích đi, địa điểm đến, nếu lưu trú tại tỉnh phải xét nghiệm COVID-19, chờ đợi nhận kết quả, mất cả tiếng đồng hồ.
Thậm chí dù mới xét nghiệm buổi sáng nhưng vài tiếng sau đến tỉnh khác vẫn phải xét nghiệm lại nếu khai báo lưu trú trong tỉnh, có giải thích "đằng trời" thì cán bộ tại chốt cũng khẳng định... làm theo quy định.
Bên cạnh đó các tỉnh yêu cầu nhân viên phải cam kết không lưu trú ở tỉnh, không tiếp xúc trong tỉnh dù đây là xe giao hàng, có trường hợp cực đoan đến mức nhân viên ngủ ở khách sạn nhưng 9h tối y tế đến kiểm tra.
Một số khách sạn, nhà nghỉ ở các tỉnh sợ bị phạt nên không cho người từ TP.HCM hay tỉnh khác lưu trú qua đêm, có nơi nhận lưu trú chấp nhận "vượt rào", nếu không thì tài xế phải ngủ trên xe hoặc chạy qua tỉnh khác mới được ngủ.
Hay có tỉnh cho phép tài xế ngủ lại nhưng phải cam kết nơi cư trú thuộc vùng xanh ở TP.HCM. Cần điều này để làm gì khi trong tay tài xế có đủ giấy tờ chứng minh âm tính và đã tiêm vắc xin?
Rồi hiện nay quy định về mã QR luồng xanh cho xe chở hàng hóa vẫn còn tồn tại, song có địa phương kiểm tra có địa phương lại không mà chỉ tập trung kiểm tra người, như vậy vẫn yêu cầu doanh nghiệp xin mã QR nữa thì bất hợp lý, không có tác dụng...
Doanh nghiệp thời gian qua đã rất khó khăn, nay đi lại vẫn còn nhiêu khê như thế vừa tăng thêm gánh nặng về chi phí xét nghiệm, tăng chi phí vận chuyển trong bối cảnh giá xăng dầu tăng khiến doanh nghiệp thêm chật vật.
Xe chở hàng đi liên tỉnh, liên vùng với quãng đường xa, cứ dừng lại khai báo, xét nghiệm, ký cam kết không được tiếp xúc bất kỳ ai... như thế rất mất thời gian, giảm hiệu suất vận chuyển rất nhiều.
Bây giờ đã là tháng 10 có nới hơn một chút, chứ tháng 9 cứ đến trạm là chắc chắn phải xét nghiệm, thành ra tài xế chúng tôi cũng khủng hoảng về tâm lý. Doanh nghiệp bị làm khó, chưa được tạo điều kiện trong khi phục hồi kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp là ưu tiên của Chính phủ.
Ai cũng hiểu phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe, sinh mạng của người dân là nhiệm vụ nặng nề của lãnh đạo các tỉnh, nhất là trong bối cảnh tỉ lệ tiêm vắc xin ở nhiều tỉnh chưa cao như TP.HCM. Song riêng với xe chở hàng hóa, tài xế đã "xanh" vắc xin và có giấy âm tính còn hiệu lực thì phải tạo điều kiện.
Chính phủ, các cơ quan truyền thông... đã rất nhiều lần lên tiếng, nhưng tôi cho rằng các địa phương đang cố tình thực hiện một cách cát cứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp.
https://tuoitre.vn/dia-phuong-cat-cu-doanh-nghiep-kho-20211023083801827.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét