Nhà văn Vũ Thư Hiên: Vụ Xét lại chống Đảng và vai trò Lê Đức Thọ
15 tháng 10 2021 - "Thực ra tôi không muốn nói thêm về ông Lê Đức Thọ, những gì cần nói, tôi đã viết ra trong cuốn sách của mình," nhà văn Vũ Thư Hiên nói với BBC News Tiếng Việt hôm 12/10/2021 từ Paris, Pháp. Cuốn sách được tác giả Vũ Thư Hiên nói tới ở đây chính là cuốn 'Đêm giữa Ban ngày', hồi ký chính trị của một người không làm chính trị. Nhờ sách, tác giả được nhiều người biết đến như một trong những nạn nhân trong một vụ án chính trị mà theo tác giả là hoàn toàn 'bất công', 'oan sai' và 'dựng đứng vô căn cứ'.Ông Lê Đức Thọ từng làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương của Đảng Lao động và Đảng CSVN trong các thời kỳ từ 1956-1973 và 1976-1982
Đây là vụ án 'Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài', được gọi ngắn gọn là vụ án 'Xét lại chống Đảng' ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1967 mà sau đó nhiều nạn nhân được thả ra từ năm 1973 một cách lần lượt, mà không được tuyên bố 'minh oan' hay 'sửa sai'.
"Trong vụ án này, vai trò chính là ông Lê Đức Thọ, và đến nay tôi vẫn tin tưởng như thế, thế nhưng vai trò này của Lê Đức Thọ khi đó cũng hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Lê Duẩn," ông Vũ Thư Hiên, con trai của ông Vũ Đình Huỳnh - Thư ký riêng của cố Chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh, nói với BBC vào lúc nhà nước và ĐCSVN đang đánh dấu 110 năm sinh của cố Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.
"Lúc ấy Lê Duẩn nổi tiếng với câu nói là Kẻ nào không theo ta, kẻ đó chống ta, tức là theo họ không theo là chống rồi, nhưng thực sự ra người ta không theo thì thôi chứ sao lại quy như vậy," ông Vũ Thư Hiên nói.
Có được 'minh oan, sửa sai'?
Ông Vũ Thư Hiên trong dịp này cũng chia sẻ về trường hợp của vị thân sinh của ông, ông Vũ Đình Huỳnh, một người mà theo ông cũng là một nạn nhân không bao giờ được minh oan hay tuyên bố để được sửa sai bởi đảng Cộng sản Việt Nam:
"Cha tôi sau khi được thả ra không bao giờ gặp Lê Đức Thọ, chỉ có điều sau khi ông được ra, có một điều đến hôm nay tôi còn nhớ, đó là có một bức thư của Lê Đức Thọ, đó là bức thư ông ta gửi cho mẹ tôi là bà Phạm Thị Tề. Bức thư đó lại ca ngợi bố tôi là người cộng sản kiên cường, thế nọ, thế kia.
"Còn với cá nhân tôi, là sau khi tôi ra tù một thời gian, Đài Loan có mời tôi sang để diện kiến và hội ý với Tổng thống Đài Loan khi đó là ông Lý Đăng Huy, người từng giữ ghế này trong giai nhiệm kỳ đầu tiên từ 1988.
"Khi đó, tôi được biết Lê Đức Thọ bảo: 'Thằng Hiên nó bị mắc ở chỗ nào để tao giải quyết." Lúc đó Dương Thông ở Bộ Công an phụ trách tình báo, tôi có đến gặp Dương Thông, ông ta bảo: 'Tôi sẽ lên Bộ Chính trị nói chuyện của anh để anh đi, vì đây là cơ hội tốt cho Việt Nam'.
"Khi đó phái đoàn Đài Loan sang Việt Nam có việc, họ có gặp tôi và họ hỏi ý kiến của tôi về vai trò của Đài Loan trong vùng Đông Nam Á, khi tôi trả lời họ thì họ rất lấy làm sung sướng. Thành ra, họ muốn có một cuộc hội kiến của tôi với Lý Đăng Huy, là Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ. Nhưng rồi tôi không đi được và phải mấy chục năm sau tôi mới đặt chân được tới Đài Loan."
Về việc vì sao mà cả hai cha con đều là nạn nhân bị bắt giam, đi tù trong vụ án 'Xét lại chống Đảng', đều được thả ra nhưng không được minh oan, sửa sai, liên quan tới vai trò của người lãnh đạo cơ quan Tổ chức Trung ương của ĐCSVN khi đó, nhớ lại sau hàng chục năm, ông Vũ Thư Hiên hôm 13/10 nói:
"Tất nhiên chủ trương của vụ này chính là của ông Lê Đức Thọ, thì làm sao mà ông ta có ý kiến gì nữa về việc công khai minh oan, sửa sai cho toàn bộ chúng tôi.
"Chính là Lê Đức Thọ đưa tất cả những người mà ông ta gọi là bọn 'Xét lại chống Đảng' vào tù, những người trở thành nạn nhân của vụ án đó bây giờ tên tuổi vẫn còn ghi rõ, trong đó người thì bị bắt như là Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Đặng Kim Giang, Đỗ Đức Kiên, Hoàng Thế Dũng, Nguyễn Kiến Giang, Minh Tranh, Trần Minh Việt, Phạm Hữu Viết, Phạm Kỳ Vân, Vũ Thư Hiên..., , người thì bị thanh trừng, khai trừ đảng như là Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng..., người phải tị nạn ở nước ngoài như Nguyễn Minh Cần v.v... như trong cuốn Đêm Giữa Ban Ngày tôi cũng có phần đề cập.
"Tất nhiên là Lê Đức Thọ được sự tán thành, cổ vũ của Lê Duẩn, nhưng tay chân của Lê Đức Thọ có thể nói đến là Trần Quốc Hoàn rồi bộ sậu công an, an ninh ở cấp Vụ, cấp Bộ, những người này, bộ phận này thực hiện ý của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thôi.
"Về mặt nhà nước, họ sử dụng công cụ là Bộ Công an, còn về mặt Đảng, họ tiến hành những vụ khai trừ, thí dụ khai trừ Bùi Công Trừng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước khi đó, hay khai trừ Vũ Đình Huỳnh, khai trừ một loạt.
"Còn về trách nhiệm của Lê Đức Thọ với vụ 'Xét lại chống Đảng', ông ta không bao giờ có một phát biểu công khai nhận sai trái hay nhận chịu trách nhiệm gì cả.
"Trừ ra, khi bắt toàn bộ những người mà gọi là 'Xét lại chống Đảng', thì Lê Đức Thọ có làm mấy báo cáo phổ biến trong cấp ủy Đảng, ở Trung ương, là báo cáo số một, số hai.
"Khi đó tôi đang ở trong tù, thì được biết tin là ông ta có ra các báo cáo đó, bởi vì khi ở trong tù tôi có liên lạc được ở các xà lim với các bạn tù như là Trần Minh Việt, từng là Phó Chủ tịch Hà Nội, với Lê Trọng Nghĩa, từng là Cục trưởng Cục Quân báo mà cũng ở tù với tôi. Chúng tôi ngầm liên lạc và cho nhau biết là có các báo cáo số một, số hai đó.
"Tuy nhiên ở Việt Nam, các lãnh đạo đảng Cộng sản nhiều khi hay ra văn bản bằng miệng, theo dõi bằng văn bản học rất khó khăn, không dễ dàng gì."
Nguyên nhân và vai trò chủ trương vụ án?
Trở lại với điều được cho là quan điểm của nhóm các ông Lê Duẩn - Lê Đức Thọ cho rằng 'Kẻ nào mà không theo ta, tức là chống ta', liên quan vụ án Xét lại chống Đảng, ông Vũ Thư Hiên nói thêm:
"Trong vụ án này, đối tượng của họ chưa biết là xét lại hay là không, nhưng đều không đồng tình với quan điểm dùng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam Việt Nam."
"Bây giờ người ta cứ ca ngợi một chiều rằng Lê Duẩn là chống Trung Quốc, nhưng lúc đó thực sự ra Lê Duẩn là người theo Trung Quốc từ đầu tới cuối, ông ta là người có tư duy 'võ biền', trong mọi điều mà ông ta tỏ ra xuất sắc thì chỉ là 'đánh nhau, chiến tranh'."
"Khi nào có chiến tranh, thì vai trò của ông ta trở nên nổi, và ông ta và bộ sậu thân cận của ông ta rất tin và đi theo giáo điều 'Cách mạng ở đầu ngọn súng' của Mao Trạch Đông."
"Có một số điểm mà những nạn nhân trong vụ án Xét lại đã bị ghép vào rằng họ chủ trương, đó chẳng hạn như là 'đề nghị không được tạo dựng Việt Nam theo mô hình Trung Quốc, thứ hai là không theo Trung Quốc, về mặt ngoại giao, nội chính và thứ ba là chống dùng bạo lực cách mạng giải phóng miền Nam.
"Tới thời điểm này nhìn lại, tôi thấy rõ trong chủ trương vụ án Xét lại chống Đảng này, Lê Đức Thọ có vai trò chính mà ông ta được Lê Duẩn bật đèn xanh.
"Tôi cũng khẳng định rằng Lê Đức Thọ và đảng Cộng sản không bao giờ có chủ trương sửa sai, hình thức an ủi thì có, tức là thí dụ với bản thân tôi, Ban Tổ chức Trung ương có cho người tới tìm và nói với tôi và bác sỹ Phan Thế Vấn, cũng là người bị bắt trong vụ này, rằng 'Đảng chủ trương là cho các anh lương hưu!'
"Việc nhận lương hưu khi đó có ý nghĩa là đời sống sẽ khá hơn, nhưng tôi và bác sỹ Phan Thế Vấn đều từ chối. Hai người chúng tôi ngồi với nhau, và chúng tôi nói thế này: 'Lương hưu là trích ở phần lương của những người đang làm việc mà tạo thành, chúng tôi không làm việc mà lại nhận phần của những người đang làm việc góp vào, thì như thế không phải là lương hưu mà là 'bất lương', cho nên chúng tôi không nhận!
"Thế thì tôi không nhận lương hưu và bác sỹ Phan Thế Vấn cũng không nhận lương hưu, lúc ấy chúng tôi ở miền Nam, còn ở miền Bắc khi đó, chúng tôi không biết là ông Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, có nhận không, cái đó tôi không biết.
"Khi đó người đại diện đó của bên Ban Tổ chức Trung ương Đảng nói rằng: 'Các anh không nhận thì viết vào giấy cho chúng tôi, để chúng tôi trình lên cấp trên.'
"Tôi bảo họ: nếu Ban Tổ chức Trung ương không viết giấy để đưa cho chúng tôi, mà chỉ nói qua anh, tức là họ tín nhiệm anh, thì chúng tôi cũng tín nhiệm anh không kém và chúng tôi chỉ nói để anh báo cáo lại thôi.
"Cuối cùng, về cá nhân ông Lê Đức Thọ, trong dịp này tôi có một điều nói thêm là ông ta cầm quyền lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương trong đảng rất lâu, quá lâu, thì tất nhiên điều đó dẫn đến cái lạm quyền và đó là một điều rõ ràng không phải bàn cãi.
"Lúc đó, mọi người phải nhớ rằng Lê Đức Thọ đã tạo ra một hệ thống rất nhiều chân rết là các cơ quan, phòng tổ chức ở tất cả các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức đảng, và đó có thể coi là những chân rết có vai trò 'mật thám' và đồng thời ở nhiều nơi đám đó cũng lại là quan tòa.
"Cho nên chẳng hạn phòng Tổ chức ở một cơ quan, khi mà nó đề xuất người này, người kia phải thi hành kỷ luật, thì giám đốc hay lãnh đạo cơ quan đó chỉ có phải tuân theo mà không dám cãi lại.
"Thế thì ngay cả khi Lê Đức Thọ chết đi rồi, hệ thống ấy để lại hậu quả tệ hại lâu dài, mà tôi nghĩ là còn kéo dài cả đến ngày hôm nay, chưa hết," nhà văn Vũ Thư Hiên nói với BBC News Tiếng Việt từ Paris hôm 12/10/2021 trên quan điểm riêng.
Trước đó, liên quan Vụ án Xét lại Chống Đảng, trong một lần trả lời BBC, Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nói:
"Năm 1993 và 1994, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết luận sai phạm của những người trong nhóm đó là hoàn toàn đúng sự thật và phải xử lý như vậy thôi."
Bình luận về quan điểm của nhà văn Vũ Thư Hiên đưa ra trong cuốn sách "Đêm giữa ban ngày" bị cấm ở trong nước về 'vụ án chính trị' này, chuyên gia sử Đảng này khi đó nói với BBC:
"Cá nhân ông ấy nói về người này người khác chỉ là nhận thức cá nhân, còn Đảng cộng sản chưa bao giờ kết luận lại những việc đó cả. Trước sau, vẫn kết luận hành vi của những người trong nhóm đó là chống lại Đảng, đường lối của Đảng trong những thời điểm lịch sử đó mà đã bị xử lý theo pháp luật."
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58926692
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét