Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

Tôi đau đáu nhìn quy mô các dự án FDI dần "teo tóp"

Tôi thì ngược lại, rất vui mừng khi thấy những dự án đầu tư FDI của Trung Quốc, của các nước Đông Nam Á và các nước đang phát triển khác vào VN đang teo tóp dần. Từ 20 chục năm nay, tôi không ủng hộ thu hút vốn FDI quá nhiều, thực tế hiếm có nước lớn nào huy động nhiều vốn FDI như VN. FDI đã biến VN thành một nước hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Tôi chỉ hoan nghênh các dự án với công nghệ cao đến từ các nước công nghiệp phát triển, nhất là từ Mỹ và Châu Âu.
GS. Nguyễn Mại: Tôi đau đáu nhìn quy mô các dự án FDI dần "teo tóp"!
"Trước đây, ở Việt Nam bình quân vốn/dự án FDI là từ 8 - 10 triệu USD, nhưng nay chỉ 5-6 triệu USD.... tôi rất đau đáu vì nó ảnh hưởng đến chiến lược, quy hoạch" - Đây là trăn trở của người nhiều năm nghiên cứu về vốn đầu tư nước ngoài, GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Trao đổi với PV Dân trí về chủ đề tận dụng thời cơ của quá trình dịch chuyển luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới của thế giới và hành động của Việt Nam, GS. Mại bày tỏ những day dứt của người làm nghề, hiểu nghề và lo nghề...

5 năm bằng cả chặng đường dài

- Phóng viên: Thưa ông, điểm lại 35 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kể từ ngày bắt đầu quá trình Đổi mới đất nước (1986), điều ông thấy vui và tự hào nhất là gì, thưa Giáo sư?

- GS. TSKH Nguyễn Mại: Có thể nói tính từ ngày 29/12/1987 khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, đến nay đã gần 35 năm rồi, có 3 kỳ tổng kết rất quan trọng và đều dẫn đến thay đổi định hướng, chính sách. Tổng kết 5 năm gần đây từ giai đoạn 2016 đến 2020, vốn giải ngân FDI tại Việt Nam đạt con số 100 tỷ USD.

Theo tôi, đây là con số rất đáng quan tâm, bởi trong gần 35 năm thu hút FDI vào Việt Nam (từ năm 1987 đến 2020), tổng vốn FDI thực hiện mới chỉ đạt 265 tỷ USD, nhưng giai đoạn 5 năm (2016 đến 2020) chúng ta đã đạt hơn 100 tỷ USD. Số vốn thực hiện 5 năm qua chiếm 40% tổng vốn, nó đánh giá đúng vị thế của Việt Nam.

- Tuy nhiên với FDI, chúng ta vẫn chứng kiến những nỗi buồn, thất vọng về hiện tượng "chuyển giá", "lỗ giả lãi thật", "ô nhiễm môi trường"... Là chuyên gia hàng đầu ở lĩnh vực này, ông thấy còn những vấn đề nổi cộm nào mà FDI tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam?

- Tôi không muốn nói chuyện cũ, tôi muốn nói câu chuyện hiện tại và tương lai bởi nó đang nảy sinh 3 yếu tố đáng báo động.

Thứ nhất là Việt Nam đang có quá nhiều dự án nhỏ. Đối với FDI, quy mô rất quan trọng, chất lượng FDI thường gắn với quy mô vốn, quy mô càng lớn, chất lượng càng cao. Tuy nhiên, đáng tiếc, trong nhiều năm quy mô ngày càng giảm.

Trước đây, ở Việt Nam bình quân số vốn/dự án FDI là từ 8 - 10 triệu USD, nhưng nay chỉ 5-6 triệu USD, thậm chí 1-2 triệu/dự án. Nhiều người không quan tâm vấn đề này nhưng riêng tôi rất đau đáu vì nó ảnh hưởng đến chiến lược, quy hoạch và đất đai. Hơn nữa, nó còn liên quan đến cạnh tranh nguồn lực, sân chơi giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp trong nước.

Nếu 10 năm trước, khi doanh nghiệp trong nước chỉ có vài chục và trăm nghìn doanh nghiệp, ưu tiên đầu tư FDI các dự án nhỏ là rất quan trọng. Nhưng bây giờ, chúng ta có 700.000 đến 800.000 doanh nghiệp trong nước rồi, có cả những doanh nghiệp lớn và khá lớn. Vậy, sao phải kêu gọi FDI vào làm dự án cỡ 1-2 triệu USD để làm gì? Hãy để đó cho doanh nghiệp tư nhân trong nước, họ có môi trường, có hệ sinh thái và họ sức làm.



Lo quy mô dự án FDI dần "teo tóp"

Thứ 2 là, mua bán và sáp nhập (M&A) đang là xu hướng trong đầu tư nước ngoài, đây không phải chuyện của Việt Nam mà là của thế giới. Nhiều người cứ nghĩ rằng M&A khiến doanh nghiệp Việt bị thôn tính mà không hiểu M&A tốt cho tất cả.

Tôi lấy ví dụ, bia Sabeco khi bán cổ phần cho Thái, nhiều người lo bị thôn tính nhưng thực chất chúng ta được nhiều hơn. Trước kia, bia Sài Gòn chỉ loanh quanh tại Việt Nam, nhưng giờ đã ra thế giới, sân bóng của Ngoại hạng Anh bia Sài gòn xuất hiện trên bảng quảng cáo, trên vai áo của các tuyển thủ Câu lạc bộ Leicester city (Câu lạc bộ do chủ Thái quản lý) tại Anh cũng in logo Bia Sài Gòn.

Rõ ràng chúng ta không mất gì cả, chúng ta vẫn thu được thuế, không phải lo gì về quản trị cả, cách chúng ta từng nhìn nhận M&A đã rất thiên lệch.



Điểm thứ 3, qua ba lần tổng kết chúng ta đều đánh giá chất lượng và có định hướng cải thiện. Tuy nhiên, để làm theo định hướng thì chúng ta chưa bao giờ làm được.

Hôm trước tôi có tham dự cuộc họp ở Văn phòng Chính phủ với 5 Bộ ngành, 10 địa phương để bàn về chuyện chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước, Việt Nam phải đón đầu như thế nào.

Tại đây, Phó Chủ tịch TP.HCM than thở là 10 tháng năm 2020 chỉ thu hút được mấy trăm dự án, quy mô mỗi dự án 1-2 triệu USD. Không có dự án lớn, đồng nghĩa chúng ta không có công nghệ tương lai, Big Data, Fintech...

Kéo được vốn, công nghệ EU, Mỹ về "làm tổ" hay không?

- Tại sao với Hà Nội, TP.HCM, nơi được định hướng phát triển kinh tế số, có khu vực riêng để xây dựng thí điểm thành phố thông minh lại chưa hút được công nghệ, vốn chất lượng cao của FDI, ông có thể giải thích thêm?

- Kết quả thu hút vốn FDI của Việt Nam hiện nay chủ yếu là từ các ông lớn ở châu Á. Điểm lại các ông to nhất đã có mặt ở Việt Nam rồi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Úc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Nói kịch trần thì hơi quá nhưng để vốn của các đại gia châu Á vào Việt Nam nhiều hơn nữa thì khó. Đơn cử như với Hàn Quốc, vốn lũy kế hiện đạt 67 tỷ USD, Việt Nam muốn tăng 10-15% vốn FDI từ nước này (khoảng 5-6 tỷ USD) sẽ khó lắm.

Chúng ta có đủ những Hyundai, Honda, Toyota, Mitsubishi rồi LG, giờ chỉ hy vọng có những dự án mới của các nước phát triển như EU, Mỹ - nơi được xem là một trong những cái nôi của công nghệ, của kỹ thuật thế giới.

Với Mỹ và EU, tính từ 1995 khi Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ đến nay vốn thực hiện của Mỹ ở Việt Nam chỉ có 5 tỷ USD, con số quá ít! Đếm trên đầu ngón tay cũng chỉ có vài dự án tầm cỡ như Intel, dù bao nhiêu đời Đại sứ Mỹ đều nói cố gắng đưa Mỹ dẫn đầu vào đầu tư ở Việt Nam nhưng không thành công. Hay cả một khối EU hơn 27 nước như vậy, vốn đầu tư thực hiện chỉ vào 10 tỷ USD, quá thấp!

- Vậy theo ông, lý do vốn, công nghệ mới vào Việt Nam bị hạn chế là nằm ở đâu? Phải chăng do chúng ta dành quá "nhiều đất" cho các ông lớn châu Á mà hết "sân diễn" cho các tập đoàn phương Tây?

- Không phải vậy. Tôi cho rằng có ba lý do và cũng là ba hạn chế để vốn và công nghệ cao vào Việt Nam ít.



Thứ nhất là Việt Nam bị các nhà đầu tư lo ngại về sở hữu trí tuệ, lý do rất quan trọng đối với các nước phát triển, những nhà tư bản, tài phiệt lớn để cân đo, đong đếm khi đầu tư vào một nước.

Có người nói vấn đề này và lấy Trung Quốc ra làm phép so sánh, nhưng Trung Quốc là thị trường quá lớn, có chê về sở hữu trí tuệ như các nhà tư bản vẫn lao vào thặng dư không thể chối từ.

Chừng nào chúng ta còn sử dụng hàng lậu, phần mềm không bản quyền ngay cả ở các cơ quan Nhà nước thì khó có thể thu hút được các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào đây.

Ấn Độ, Indonesia: Đối thủ cạnh tranh xứng tầm?

- Năm 2020, thương chiến Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 đã khiến vốn FDI có xu hướng thoát ly khỏi Trung Quốc, điều này được xem là cơ hội cho các nước, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào khi đặt Việt Nam trong nhóm các nước hưởng lợi từ sự dịch chuyển nói trên?

- Hiện nay, các nhà tư bản phương Tây muốn vốn FDI khỏi Trung Quốc về Nhật, về Mỹ thì nhiều lắm cũng chỉ 15% tổng số 2.000 tỷ USD đã thực hiện ở Trung Quốc mà thôi, trong đó về Mỹ, Nhật nhiều cũng đến 10%, về nước khác là 3-5%, 85% vốn FDI còn lại vẫn sẽ ở Trung Quốc.

Tôi phải nhấn mạnh lại là Việt Nam chỉ nên bàn đến 3-5% vốn rời Trung Quốc kia thôi, cái đó cũng đáng bàn lắm rồi, nó cũng tương đương khoảng 60 đến 100 tỷ USD rồi. Chừng ấy là cũng đủ để cho nền kinh tế như Việt Nam hấp thụ được rồi. Đừng ảo vọng bàn con số quá lớn hay "đại bàng", không có đâu.

Khi xác định được đối tượng, thì chúng ta mới xác định được đối thủ cạnh tranh, phải biết ai cạnh tranh với Việt Nam, theo tôi số 1 là Ấn Độ, Thủ tướng Modi từng tuyên bố sẽ thu hút 1.000 đại gia vào Ấn Độ, họ sẽ trực tiếp hỗ trợ tài chính cho các nhà đầu tư với số vốn hàng nghìn tỷ USD; ngoài ưu đãi của liên bang, còn ưu đãi các bang. Công nghệ của Ấn Độ và đội ngũ kỹ sư hơn Việt Nam và lương cũng thấp hơn Việt Nam...

Thứ hai là Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN với quy mô 1.000 tỷ USD có vị Tổng thống đứng ra tuyên bố trực tiếp chỉ đạo, bắt buộc các Bộ phải cải thiện khả năng thu hút đại bàng vào nước mình. Bản thân ông này trực tiếp phê chuẩn các dự án có quy mô vốn 70 triệu USD và 300 lao động, và cam kết sẽ hoàn tất phê duyệt trong 1 ngày.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: Nguyễn Tuyền
Ảnh: Mạnh Quân

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gs-nguyen-mai-toi-dau-dau-nhin-quy-mo-cac-du-an-fdi-dan-teo-top-20210115163647011.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét